Hôm nay đọc được bài trên fanpage của một bên tư vấn. Đại ý nói rằng MBO là công cụ quản trị mục tiêu. Thực sự đọc bài xong tôi cũng có chút cảm thán. Tôi không ngờ đến cả tổ chức tư vấn cũng nghĩ rằng MBO là công cụ quản trị theo mục tiêu. Tôi đồrằng người viết ra bài này có thể kiến thức chưa đủ sâu. Tôi sẽ trình bài quan điểm của tôi ở dưới bài. Giờ thân mời cả nhà cùng đọc bài mà tôi muốn bình luận. Xin phép được dấu nguồn.
TÌM HIỂU ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA MBO - CÔNG CỤ QUẢN TRỊ THEO MỤC TIÊU
- MBO (Management By Objectives) là công cụ quản lý dựa trên việc nhận định mục tiêu và đánh giá quá trình thực hiện mục tiêu.
- Cùng với MBP, OGSM, KPIs, BSC,… MBO là một công cụ quản trị hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp tin tưởng áp dụng.
- MBO giúp doanh nghiệp quản lý dựa trên việc xác định mục tiêu hàng đầu của công ty, từ đó xác định mục tiêu cho từng nhân viên, từ lãnh đạo cấp cao nhất xuống các nhân viên thực thi bên dưới.
- Sức mạnh của MBO chính là tạo ra không gian để các nhân sự tự do, chủ động và sáng tạo trong khuôn khổ mục đích chung của công ty gắn với tầm nhìn, sứ mệnh mà không tách rời với văn hóa doanh nghiệp.
------
🎯Để giúp doanh nghiệp hiểu hơn về MBO & có cơ sở để cân nhắc khi lựa chọn công cụ quản trị thực thi chiến lược phù hợp với nhu cầu quản trị của công ty, T xin chia sẻ ƯU & NHƯỢC ĐIỂM của MBO như sau:
ƯU ĐIỂM:
◾️ Cho phép nhân viên được đóng góp vào trong quá trình xác lập, hoàn thành mục tiêu theo cách làm việc của mình, giúp đánh giá cao vai trò & trách nhiệm của họ. Nhờ đó, các kế hoạch được lập ra nhằm hoàn thành mục tiêu cũng sẽ dựa trên trình độ học vấn, chuyên môn, sở thích của từng cá nhân cụ thể, giảm bớt gánh nặng và tạo sự hứng khởi cho nhân viên khi thực thi.
◾️ Cung cấp cho nhân sự những mục tiêu rõ ràng, mỗi mục tiêu được giao cho từng cá nhân cụ thể gắn với mục tiêu chung của bộ phận, của doanh nghiệp giúp nhân sự ý thức được vai trò và tầm quan trọng của mình trong tập thể, đồng thời thúc đẩy sự tương tác và làm việc nhóm để hoàn thành mục tiêu chung lớn hơn.
◾️ Giúp ban lãnh đạo tiết kiệm được thời gian, công sức khi phân quyền cho nhân viên cấp dưới thực thi, từ đó sẽ có nhiều thời gian để quan sát, đánh giá và đưa ra những kế hoạch phát triển mang tầm vĩ mô để tạo nên những bước tiến mới cho doanh nghiệp.
NHƯỢC ĐIỂM:
◾️ Do tính phân chia mục tiêu theo từng nhân sự, mỗi nhân sự có mục tiêu, cách thực thi riêng nên MBO không đảm bảo được tính tập trung, dễ sai lạc và khó đúng chuẩn. Không gian tự do, sáng tạo mà MBO tạo ra cũng có thể khiến nhân sự đi lệch mục tiêu và định hướng ban đầu.
◾️ Gây khó khăn không nhỏ cho việc kiểm soát chi phí trong quá trình thực hiện do việc thực thi của nhân viên không đồng nhất.
◾️ MBO cũng như BSC đều là công cụ quản trị hướng đến mục tiêu và liên quan đến toàn bộ tổ chức trong quá trình ra quyết định nhưng MBO lại không có những đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, được tổ chức chứng nhận như BSC. Để hạn chế hạn chế rủi ro và tăng mức độ hiệu quả của MBO, khi triển khai công cụ này cần kết hợp với các công cụ đo lường khác như OKR hoặc KPI.
🔰Tin rằng những chia sẻ này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu hơn về MBO & có cơ sở cân nhắc lựa chọn công cụ quản trị phù hợp cũng như có thể phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm của MBO để mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Nguồn sưu tầm: TO
Lời bình:
- Đầu tiên, nếu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy MBO là từ viết tắt của Management By Objectives. Dịch MBO ra tiếng Việt là Quản trị theo mục tiêu. Một số nơi dịch là Mô hình Quản trị theo mục tiêu. MBO (Management by Objectives) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1954 trong quyển sách: Thực Hành Quản Trị" của Peter Drucker. Từ đây nhiều chủ đề tương tự được phát triển. Các chủ đề này phát triển các phương pháp khác nhau để ứng dụng mô hình Quản trị mục tiêu vào thực tế. Với mỗi một phương pháp có ứng dụng một loại công cụ khác nhau. Ví dụ cùng là Quản trị theo mục tiêu nhưng:
+ Nhìn theo góc độ doanh nghiệp cần chiến lược và chiến lược cân bằng 4 khía cạnh thì ra phương pháp BSC (thẻ điểm cân bằng)
+ Nhìn theo góc độ doanh nghiệp cần linh hoạt, đơn giản, tập trung vào điều quan trọng thì ra phương pháp OKR (Mục tiêu kết quả then chốt)
+ Nhìn theo góc độ doanh nghiệp cần có nhân tố thành công then chốt thì ra phương pháp CSF (Nhân tố thành công then chốt)
+ Nhìn theo góc độ doanh nghiệp cần có thước đo hiệu quả công việc thì ra phương pháp KRA -KPI (JD - KPI)
+ Nhìn theo góc độ doanh nghiệp cần chiến lược thì ra phương pháp OGSM (mục tiêu - chỉ tiêu - chiến thuật - thước đo)
...
Vì vậy với tôi, MBO nó không là công cụ mà là một quan điểm. Quan điểm đó có rất nhiều công cụ như: BSC, OKR, KPI, OGSM...
- Nếu nhìn mô hình hóa, hãy nhìn mô hình văn hóa của tôi để hiểu hơn lý do tại sao tôi nói như trên. Tôi đi tư vấn hay đào tạo luôn sử dụng mô hình 6 vòng tròn văn hóa để người học, đối tác hiểu. Trong mô hình này, quan điểm quản trị nằm ở vòng tròn số 4, tác động và hình thành lên hệ thông Quản trị doanh nghiệp. Hệ thống bao gồm các công cụ quản trị. Do đó muốn biết tổ chức thích hợp với công cụ nào thì cần hiểu quan điểm cua họ là gì.
Trong trường hợp tổ chức muốn theo quan điểm MBO thì có thể sẽ lựa chọn các công cụ trên: BSC, KPI, OKR, OGSM...
Trong trường hợp tổ chức muốn theo quan điểm MBP (Quản trị theo quy trình) thì có các công cụ: Quy trình ISO, SIPOC, KPI...
- Đọc kỹ vào bài viết ở trên, tôi tưởng tưởng ra công cụ họ dùng là một Bản kế hoạch công việc của nhân viên. Trong bản này có: Cột công việc, có cột yêu cầu, có cột chi tiết công việc, có cột phân công... Ví dụ như kế hoạch công việc năm và kế hoạch công việc tháng dưới đây:
Các bản kế hoạch cùng với việc yêu cầu nhân viên tự chủ động lên kế hoạch thông qua điền thông tin vào các cột chính là công cụ của Quản trị theo mục tiêu. Nhìn kỹ hơn thì có thể kế hoạch công việc như trên khớp với các công cụ như OKR hay OGSM.
Tái bút 23/11/24: Có một công cụ đánh giá hiểu quả công việc giống như ảnh trên và người ta đặt tên là MBO. Vì thế khi nhắc đến MBO mang hàm ý công cụ thì có lẽ tác giả đang nói đến công cụ này. Chi tiết tại bài: "Đánh giá hiệu quả theo MBO (Management by Objectives) hoặc OJB"
- Càng đọc kỹ, tôi càng thấy mặc dù họ viết như thể MBO là một công cụ. Nhưng thực chất là họ viết chung cho tất cả các công cụ theo MBO. Chính vì kiến thức không sâu, nhầm lẫn giữa quan điểm quản trị và công cụ quản trị nên đoạn này: "MBO cũng như BSC đều là công cụ quản trị hướng đến mục tiêu và liên quan đến toàn bộ tổ chức trong quá trình ra quyết định nhưng MBO lại không có những đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, được tổ chức chứng nhận như BSC. Để hạn chế hạn chế rủi ro và tăng mức độ hiệu quả của MBO, khi triển khai công cụ này cần kết hợp với các công cụ đo lường khác như OKR hoặc KPI." có nhận định không đúng. Họ viết với xu hướng để PR bán khóa học. Và cũng chính vì nhầm nên họ nghĩ MBO là công cụ đo lương hiệu quả công việc.
- Chốt lại ý tôi muốn nói như đầu bài và giống hình:
Xin gửi cả nhà một nhận định cùng quan điểm với tôi: "Ông Tùng cho rằng, một công ty ở quy mô nào cũng có thể áp dụng OKR. “Bản chất OKR hay KPI là những biến thể quản trị của nguyên lý Quản trị theo Mục tiêu (MBO)." Đây là anh Tùng CEO Pizzahoem. Xem kỹ nhận định tại bài: Thiết lập và quản lý theo OKR
Tái bút: Hà Nội mùa này mưa nhiều ghê ha. Chỗ tôi ở, mưa rả rích cả tuần trời. Lại thêm tin chợ gần nhà có trường hợp dính F0. Rồi tôi đọc cả tin covi lan khắp các tỉnh thành sau đợt giãn cách mà thấy lòng có chút buồn.
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS
Có thể, khi tiếp cận với MBO, họ đã nhìn thấy biểu mẫu có tên là MBO nên nghĩ vậy.
Anh chị em muốn biết biểu mẫu, vui lòng xem bài: https://blognhansu.net.vn/2023/07/15/lay-tieu-chuan-gi-danh-gia-tang-luong-ma-khong-bi-cam-tinh/