Khởi nghiệp: đừng bao giờ tuyển người chưa có kinh nghiệm?

Nhiều người khởi nghiệp kinh doanh thường lựa chọn tuyển dụng người chưa có kinh nghiệm vì mấy lý lẽ sau:
- Thứ nhất, là doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có thương hiệu, chưa có tên tuổi nên việc tuyển dụng khó khăn, nguồn ứng viên vừa ít lại vừa thiếu chất lượng.
- Thứ hai, doanh nghiệp khởi nghiệp thường tiết kiệm chi phí nên tuyển người chưa có kinh nghiệm nhằm giảm chi phí nhân sự.

Chính vì vậy đa số các công ty khởi nghiệp lựa chọn sinh viên mới ra trường để tuyển dụng rồi đào tạo và hy vọng sẽ phát triển thành nhân sự giỏi.

Tôi cũng có suy nghĩ về cách tuyển người như vậy cách đây hơn 8 năm, với công ty khởi nghiệp đầu tiên và đã giải thể 6 năm trước. Khi ngẫm lại, tôi chợt nhận ra “tại sao tôi phải làm việc với những đứa trẻ và hy vọng họ sẽ khá lên”.

Tôi dùng từ đứa trẻ để minh họa sự thiếu kinh nghiệm.

Hãy dừng lại một chút để hiểu rõ về định nghĩa của tôi về hai chữ kinh nghiệm.

“Kinh nghiệm là sự từng trải, sự trải nghiệm thực tế ở cuộc sống. Đó là cách hành xử ở cuộc sống từ việc học hành, làm việc nhóm, công tác xã hội, việc làm thêm, việc làm chính thức…”.

Vì vậy, đối với tôi một người ra trường dù có 5 năm vẫn chỉ là người “chưa có kinh nghiệm” hay cậu sinh viên vừa ra trường vẫn là “người có kinh nghiệm già dặn” nếu cậu ấy đã biết cố gắng ngay trong ghế nhà trường.

Tại sao làm khởi nghiệp đừng bao giờ tuyển người chưa có kinh nghiệm?

Bởi,

Một, làm khởi nghiệp bạn không có nhiều tiền, bạn không có trường vốn (công ty lớn thường lấy lãi từ mảng kinh doanh tốt để đầu cho mảng mới nên rất trường vốn), nên bạn cần kiếm tiền ngay, nếu không bạn sẽ chết rất nhanh. Người chưa có kinh nghiệm thường chỉ đốt tiền của bạn ít khi giúp bạn kiếm được tiền.

Hai, bạn làm khởi nghiệp chứ bạn không phải là “nhà trường thứ hai” để đào tạo người chưa có kinh nghiệm trở thành có kinh nghiệm. Bạn biết đấy, với thị trường lao động khốc liệt, với tính cách người Việt hiện nay, nếu bạn đào tạo ra một nhân sự giỏi, rất nhanh nhân sự ấy sẽ vào công ty có thương hiệu lớn, thật đấy!

Ba, người chưa có kinh nghiệm thường không “lì đòn, lì lợm”, mà đây là tố chất “cần có nhất” với nhân sự công ty khởi nghiệp. Người chưa có kinh nghiệm thường hay “vỡ mộng” với thực tế phũ phàng của thị trường, phát sinh tư duy tiêu cực, chính sự “vỡ mộng – tư duy tiêu cực ấy” làm hệ thống rệu rã.

Nhưng tuyển người có kinh nghiệm quá khó, mặt khác lương bổng lại cao, làm sao doanh nghiệp khởi nghiệp làm được?

Tôi lấy ví dụ này: bạn tuyển một người chưa có kinh nghiệm với chi phí 5 đồng, hiệu quả đạt được là 4 đồng, cách khác bạn nhận một người có kinh nghiệm với chi phí 10 đồng, hiệu quả đạt được luôn hơn 15 đồng. Và bạn thấy rõ, cái nào tốt hơn rồi chứ!?

Tiếp tục, tôi tiết lộ “một bí mật”: các công ty càng có thương hiệu thì càng trả lương thấp so với năng suất của người lao động. Với 10 đồng trả cho người lao động thì gần như họ sẽ vắt kiệt sức nó. Thông thường chỉ những người thích sự “ổn định, yên ổn”, thích có “cảm giác an toàn” họ mới tồn tại với công ty lớn cả đời. Còn những người tài năng, thích đổi mới sáng tạo, gần như họ sẽ nghỉ việc khi đạt được mục tiêu nào đó. Và dĩ nhiên, công ty khởi nghiệp tuyệt đối không “hợp tác” với những người thích “cảm giác an toàn” nhé, điều đó giết chết bạn rất nhanh đấy, vì khởi nghiệp là sự thay đổi liên tục còn công ty lớn là tính ổn định, khác nhau “một trời một vực”. Tôi khuyên bạn, chỉ nên tìm kiếm với những người “tài năng, thích đổi mới sáng tạo” để hợp tác. Chia sẻ thêm, tôi từng làm tại 3 công ty rất lớn tại Việt Nam với mức doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm và tôi thấu hiểu điều này.

Từ đó, bạn làm khởi nghiệp, bạn cần chi trả lương thật cao để tuyển dụng, tốt hơn là cần cao hơn cả công ty lớn. Bạn đừng quá chú trọng vào mặt chi phí, hãy tập trung vào mặt hiệu quả của “người có kinh nghiệm”. Thêm nữa, bạn hãy nhớ người phù hợp với doanh nghiệp khởi nghiệp là người “lì đòn, lì lợm”, luôn mong muốn “đổi mới, sáng tạo” chứ không phải là người “có kinh nghiệm làm công ty thật to, thật oách, người chỉ thích nói mà ít hành động” nhé.

Trả lương cao để tuyển dụng người có kinh nghiệm, nhưng nếu hiệu quả làm việc của họ không đạt thì sao, có phải là tốn quá nhiều chi phí không?

Tôi nhắc lại, hãy tập trung vào hiệu quả thay vì vào chi phí, vì điều này là sai lầm phổ biến của việc tuyển dụng trong doanh nghiệp khởi nghiệp.

Còn việc tuyển người có kinh nghiệm nhưng không đạt thì bạn hãy xem lại 2 yếu tố cơ bản. Một, bạn đã tuyển đúng người cho công việc chưa, bạn đã có quá vội vàng? Hai, doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn đã tạo ra “đủ đất để diễn” đến người có kinh nghiệm chưa?

Đừng vội vàng tuyển dụng vì thiếu người, đừng vội vàng tuyển dụng vì profile của người đó “quá oách”, đừng vội vàng tuyển dụng vì “nghe nói” người đó tài năng… mà hãy nhìn vào cách người đó đã làm với những nguồn lực đã có. Bạn thấy đó, làm khởi nghiệp có rất ít nguồn lực (tài lực, nhân lực...) nên người phù hợp với khởi nghiệp là người có khả năng phát huy tối ưu những nguồn lực ít ỏi đó.

Bạn làm khởi nghiệp, bạn càng cần tuyển dụng kỹ lưỡng, đừng vội vàng. Nhớ nhé, cần thật kỹ lưỡng!

Còn vấn đề “tạo đất để diễn” là thế mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp vì doanh nghiệp khởi nghiệp khác hẳn với doanh nghiệp lớn có với cơ cấu nặng nề, thiếu linh hoạt. Bạn chỉ cần lắng nghe, quan sát, học hỏi bạn sẽ làm được điều đó.

Còn nếu bạn tuyển dụng sai chính bạn mới là người chịu trách nhiệm, không được đổ lỗi cho bất kỳ ai, cho bất cứ hoàn cảnh nào. Đó sẽ là bài học cho cách nhìn người và tuyển người của bạn.

@ Đây là quan điểm từ trải nghiệm cá nhân, mong mọi người chia sẻ thêm. Chân thành cảm ơn.

(Bài viết từ Mr Cao Trung Hiếu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *