Ai hóng vụ này không ? Một số công ty đuổi người hay viện vào điều 36. Thích là đuổi thôi. Tiếc là đuổi theo điều 36 không phải là dễ. Vụ đuổi này còn có cả luật sư xui dại nữa. Tưởng lôi luật sư ra hù mà to à? : D Thân mời cả nhà cùng đọc báo.
Bất ngờ bị buộc thôi việc, kiện đòi bồi thường tiền tỷ
TAND quận Tây Hồ, Hà Nội vừa mở phiên xét xử sơ thẩm tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là bà Cáp Thị Vân Anh (SN 1978, ở phường Thạch Bàn, Long Biên) và bị đơn là Cơ quan Phát triển Bỉ (BTC).
Không thực hiện cam kết đã ký với người lao động
Trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, bà Cáp Thị Vân Anh cho biết, bà bắt đầu làm việc cho BTC từ ngày 1/6/2006 đến 31/9/2006 với chức danh trợ lý dự án. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, đến ngày 1/9/2006, bà được ông Tom Smis, Trưởng đại diện BTC quyết định ký hợp đồng lao động để thay đổi vị trí từ chức danh trợ lý dự án sang làm cán bộ chương trình và còn được tăng lương. Đến ngày 1/3/2008, bà Vân Anh được BTC ký hợp đồng không xác định thời hạn, tăng mức lương tháng và tổng lương hàng năm ít nhất 2,5%. Sau đó, giữa BTC và bà Vân Anh tiếp tục ký phụ lục hợp đồng ngày 28/10/2008, thống nhất điều chỉnh mức tăng lương hàng năm căn cứ vào sự thay đổi chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố vào tháng 11 mỗi năm.
Tuy nhiên, bà Vân Anh khẳng định, từ tháng 12/2009, việc tăng lương cho bà chưa đúng với thỏa thuận tại phụ lục hợp đồng nói trên nên nhiều lần bà đã trao đổi trực tiếp với các Trưởng đại diện BTC, mọi việc trao đổi đều được ghi nhận. Nhưng do trong vòng bốn năm BTC thay đổi bốn trưởng đại diện, nên việc giải quyết các yêu cầu tăng lương luôn bị trì hoãn.
Trong suốt bốn năm từ 2010 - 2013, bà Vân Anh liên tục khiếu nại tăng lương theo hợp đồng ký kết nhưng đều bất thành. “Chỉ riêng việc trả lương không đúng theo thỏa thuận tại phụ lục hợp đồng lao động ngày 27/10/2008 đã gây thiệt hại cho tôi tổng số tiền là 652.082.681 đồng”, bà Vân Anh trình bày tại tòa.
Phiên xử sơ thẩm tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là bà Cáp Thị Vân Anh và bị đơn là Cơ quan Phát triển Bỉ.
Cô lập người khiếu nại để cho nghỉ việc
Theo bà Cáp Thị Vân Anh, khi nghỉ sinh con bà bàn giao công việc cho một cán bộ khác trong BTC từ ngày 1/3 - 31/8/2014. Trong khoảng thời gian này, bà nhận được nhiều thông tin từ các đối tác phản ánh cán bộ BTC làm nhiều việc khuất tất về tài chính. Khi đi làm trở lại, bà đã trực tiếp trao đổi với ông Alain Devaux, Trưởng đại diện BTC về các thông tin mà mình đã tiếp nhận để tìm cách khắc phục lấy lại niềm tin của đối tác. Tuy nhiên, thiện chí của bà chẳng những không được ghi nhận mà bà còn bị lãnh đạo BTC cô lập, không giao việc.
Thậm chí, BTC còn bất ngờ thuê luật sư “ép” bà Vân Anh ký Biên bản thỏa thuận tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 28/2/2015. Khi bà không ký thì các luật sư đưa ra Thông báo đơn phương ngừng việc được ông Devaux đã ký sẵn; Đồng thời, cấm bà không được ra vào văn phòng BTC. Ngày 16/4/2015, BTC ra Quyết định số 85/AD/2015 chấm dứt hợp đồng lao động với bà Vân Anh theo Khoản 10, Điều 36 Luật Lao động vì “lý do kinh tế”.
Theo bà Vân Anh, việc BTC lấy lý do kinh tế khó khăn để chấm dứt hợp đồng lao động với bà chỉ là một cái cớ nhằm che giấu mục đích trù dập người lao động, không muốn thực hiện nghĩa vụ kinh tế mà BTC đã ký kết với bà và muốn bao che tiêu cực của cán bộ.
Bà Vân Anh đề nghị Hội đồng xét xử TAND quận Tây Hồ yêu cầu BTC hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động vô lý đối với bà và nhận bà trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký. Đồng thời, yêu cầu BTC bồi thường và hoàn trả các khoản tiền lương, thu nhập khác tính đến ngày 3/11/2016 là hơn 1 tỷ 500 triệu đồng.
Tại phiên tòa, đại diện cho bị đơn BTC là luật sư Vũ Thị Thu Hà cũng thừa nhận: Lý do BTC chấm dứt hợp đồng lao động với bà Vân Anh không phải do bà này không hoàn thành nhiệm vụ, mà vì lý do kinh tế khó khăn nên phải cắt giảm nhân viên. Cũng theo bà Hà, do BTC không có vị trí công việc nào khác nên yêu cầu của nguyên đơn muốn trở lại làm việc cũng không thể thực hiện được.
Theo luật sư Phạm Quốc Bình, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, việc BTC đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà Vân Anh là không có cơ sở. Bởi, BTC không cung cấp được chứng cứ chứng minh do suy thoái kinh tế dẫn đến việc doanh nghiệp này sụt giảm doanh thu buộc phải cắt giảm nhân công mà ngược lại sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà Vân Anh thì BTC vẫn tiếp tục tuyển nhân sự mới làm việc cho các dự án tại Việt Nam.
Thứ hai, việc chấm dứt hợp đồng với bà Vân Anh có dấu hiệu trù dập người lao động dám khiếu nại, tố cáo tiêu cực. BTC cũng không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phương án sử dụng lao động theo Điều 44, 46 Bộ luật Lao động.
Dự kiến, ngày 21/12, TAND quận Tây Hồ tiếp tục phiên xét xử và tuyên án.
Nguồn: Báo Giao thông
Còn tiếp!
Lời bình: Theo mọi người thì lương của chị Cáp Thị Vân Anh bao nhiêu ? Và vụ này người lao động có thắng?
Pingback: Kết quả vụ tranh chấp lao động kiện đòi hơn 1 tỷ 500 triệu đồng | Blog quản trị Nhân sự