Làm nhân sự, công việc liên quan đến con người và xoay chuyển trong sự điều chỉnh của luật và văn hóa địa phương. Ai cũng biết điều đó. Và chúng ta có hẳn 1 seri các điều luật, thông tư, nghị định, công văn cần quan tâm. Ai chưa biết vui lòng đọc bài này: Hệ thống các văn bản pháp luật lao động đang còn hiệu lực đến 4/2016 - https://goo.gl/XjoEAH . Đây là làm nghề nhân sự tổng hợp. Thế còn làm nghề Tuyển dụng mà thiên về phần Tuyển thì phải quan tâm những gì ? Nếu anh chị em biết hết những gì ghi trong bài kia thì tốt. Không thì cũng phải nắm qua một số văn bản như sau:
Đầu tiên vẫn là Bộ luật lao động mới với những điều cơ bản. Chúng ta cần quan tâm tới:
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG:
1: Các hình thức hợp đồng lao động:
- Điều 16, 180 BLLĐ
- Nghị định 44/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ
2. Nội dung của hợp đồng lao động:
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Theo Điều 23 BLLĐ thì Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ NSDLĐ hoặc của người đại diện hợp pháp;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Trường hợp NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp NLĐ vi phạm.
Đối với NLĐ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của HĐLĐ và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, thời tiết.
3: Các loại hợp đồng lao động:
Căn cứ:
- Điều 22 Bộ luật lao động
- Nghị định 44/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ
Khái niệm:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
4: Quy định về thử việc:
Căn cứ: Điều 26, 27, 28, 29 Bộ luật lao động
THỜI GIỜ LÀM VIỆC, NGHỈ NGƠI:
5: Thời giờ làm việc:
Căn cứ:
Điều 104, 105, 106, 107, 108, 117, 155, 163, 164 BLLĐ
- Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
- Điều 105. Giờ làm việc ban đêm
- Điều 106. Làm thêm giờ
- Điều 107. Làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt
- Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc
- Điều 117. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt
- Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
- Điều 163. Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên
- Điều 164. Sử dụng lao động dưới 15 tuổi
6: Thời giờ làm việc được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương
Căn cứ:
- Điều 108 BLLĐ
- Điều 3, 5 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.
7: Thời giờ làm thêm:
Thời giờ làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Căn cứ:
1) Điều 106, 107, 155, 163, 178 BLLĐ
- Điều 106. Làm thêm giờ
- Điều 107. Làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt
- Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
- Điều 163. Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên
- Điều 178. Các hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật
2) Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Ngoài ra chúng ta còn phải quan tâm tới:
1. NĐ Số: 03/2014/NĐ-CP
Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động. Nội dung thông báo bao gồm:
a) Nghề, công việc, trình độ chuyên môn, số lượng cần tuyển;
b) Loại hợp đồng dự kiến giao kết;
c) Mức lương dự kiến;
d) Điều kiện làm việc cho từng vị trí công việc.
Trường hợp người lao động không trúng tuyển hoặc không tham gia dự tuyển, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải trả lại đầy đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động yêu cầu.
Người sử dụng lao động, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai kết quả tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày
2. TT Số: 23/2014/TT-BLĐTBXH
Người lao động có nhu cầu trả lại hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP phải thực hiện yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thông báo kết quả tuyển lao động.
Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người lao động gồm các văn bản sau đây:
a) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn kỹ thuật; trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí cần tuyển;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế;
d) Các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
3. NĐ 05/2015 NĐ-CP
Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.
Mọi người muốn xem rõ hơn các đoạn trích dẫn ở trên gắn với công đoạn nào trong quy trình tuyển dụng, vui lòng xem lại phần 1: Nghề tuyển dụng nhân sự (lực) là nghề gì ? - https://goo.gl/wTfIP8. Nếu đã xem phần 1, tiện thể thân mời cả nhà cùng xem phần 2: Nghề tuyển dụng nhân sự (lực) là nghề gì – phần 2 – năng lực và công cụ - https://goo.gl/lX89vb
Vậy là xong. Bài viết có sự tham khảo từ luật sư Khổng Mỹ Ngọc. Không biết anh chị và cả nhà có góp ý gì thêm cho bài không ?