Nhân lúc tìm tài liệu về Hội đồng nhân sự , kc có đọc được bài này. Khá hay và nhiều cái để suy nghĩ. Không biết cả nhà mình có ai có tài liệu về phòng này không nhỉ ? Share cho kc với:
Lần đầu tiên FPT tạo ra một "hồ điều hòa" nhằm tạo nguồn nhân lực dự trữ cao cấp cho Tập đoàn, áp dụng một mô hình tương tự như RAC của FPT Software trước đây.
Tất cả các cán bộ từ level 5 trở lên muốn thay đổi công việc trong Tập đoàn, muốn có điểm dừng trong công việc để theo học các khóa đào tạo, làm việc lâu năm đến nay không còn phù hợp với vị trí hiện tại... sẽ là những đối tượng mục tiêu của chương trình này.
Phòng Nhân sự số 2 thuộc Ban Nhân sự FPT sẽ chính thức được thành lập trong thời gian tới để đảm đương vai trò là đơn vị tiếp nhận và quản lý các đối tượng trên. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết của Hội đồng Nhân sự FPT họp kỳ 2 năm 2009 diễn ra thời gian gần đây.
Nhiệm vụ tập trung nguồn lực dự trữ mà các đơn vị có thể tìm kiếm và khai thác của Phòng Nhân sự số 2 là một trong những mục tiêu quan trọng của Tập đoàn trong việc quản trị nhân sự. Hơn thế, theo Trưởng ban Nhân sự FPT ĐạtPP, việc cho ra đời một đơn vị chuyên trách này sẽ giúp các đơn vị trong FPT không còn phải lo quản lý nguồn cán bộ cao cấp dự trữ. "Tập trung hết về FPT HO quản lý và điều tiết sẽ hiệu quả hơn".
Mỗi cán bộ khi thuộc "biên chế" của Phòng Nhân sự số 2, sẽ được hưởng tối đa ba tháng lương trong tổng số sáu tháng là thành viên ở đây. Công ty sẽ trang bị đầy đủ cơ sở vật chất làm việc, giữ nguyên các loại bảo hiểm, tạo điều kiện đào tạo cho các cán bộ này.
Theo chị Trần Thu Hà, Phó ban Nhân sự FPT, việc thành lập Phòng Nhân sự số 2 sẽ đảm bảo dung hòa nhu cầu thay đổi từ phía cá nhân và lợi ích của Tập đoàn. "Công ty tạo điều kiện, cơ hội để các cán bộ có cơ hội nghiên cứu, tìm kiếm công việc mới thích hợp trong FPT, hoặc tạm dừng công việc hàng ngày để suy nghĩ làm mới chính mình, đổi mới công việc để đáp ứng với yêu cầu của Công ty", chị Hà nói.
Thực tế, trước đây, đa phần các đối tượng thuộc diện này thường tự tìm cách giải quyết vấn đề của mình, nhiều trường hợp đã ra khỏi FPT tự nguyện hoặc không tự nguyện, và đó chưa phải là cách giải quyết tốt nhất cho cả hai bên.
Chị Hà cũng thành thực: "Việc điều chuyển cán bộ cao cấp chưa làm được một cách chủ động, tích cực". Vì vậy, chương trình khác biệt ở chỗ, các vấn đề sẽ được giải quyết trên tinh thần tự nguyện và sẵn sàng từ các phía liên quan gồm cá nhân, đơn vị và Tập đoàn.
Mỗi cán bộ đều được tự quyết định việc chuyển sang Phòng Nhân sự số 2 hay tự giải quyết vấn đề của mình. "Khi họ đã quyết định chuyển về thì chúng ta không đề cập đến vấn đề mặc cảm ở đây. Trong đời, ai cũng có và cũng cần những khoảng "dừng" nào đó. Và người biết ra quyết định ở đây phải được coi là dũng cảm", Phó Ban Nhân sự thẳng thắn.
"Quy trình" trở thành thành viên của Phòng Nhân sự số 2, theo chị Hà, được bắt đầu từ đợt làm checkpoint định kỳ - đây là thời điểm người quản lý và cán bộ dưới quyền trao đổi với nhau về kết quả công việc và các dự kiến sắp tới. Những trường hợp đơn vị cải tổ, thu hẹp hoặc thay đổi ngành nghề mà không thể thu xếp nhân sự ngay, cán bộ chưa tìm thấy vị trí phù hợp cũng sẽ được đề nghị điều chuyển. Các trường hợp tự nguyện có thể bắt đầu từ bất cứ thời điểm nào mà họ sẵn sàng cho việc đổi thay.
Hiện nay số cán bộ cao cấp của Tập đoàn, từ level 5 đến level 7 ngày càng tăng lên, đến ngày 30/06/09 là 263 người. Tuy có tăng tưởng, nhưng PTGĐ FPT, thành viên Hội đồng Nhân sự FPT Phan Đức Trung khẳng định: "Hiện nay FPT đang cần bổ sung rất gấp một số vị trí nhân sự cấp cao".
Anh Trung ví von: "Việc tạo ra một bể chứa tốt rất có lợi cho Tập đoàn ở yếu tố tìm kiếm và sắp xếp. Theo đó, nhân lực có thể được tập trung, được điều phối, đảm bảo đầu vào đầu ra một cách hợp lý để giải quyết trọn vẹn một vấn đề hết sức nhạy cảm và đem lại lợi ích cho Tập đoàn".
Trước mắt, Phòng Nhân sự số 2 sẽ tiếp nhận các anh chị đang tạm xin nghỉ để đi học như chị Nguyễn Thu Hương - nguyên PTGĐ FPT Distribution cũ, anh Nguyễn Phú Tân - nguyên TGĐ FPT Retail, mới nhất là anh Lê Tiến Hải - nguyên Phó Ban CNTT FPT. "Dự kiến, sẽ có thêm một vài vị trí nữa, theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân sự hoặc ai đó đăng ký sau khi được biết đến sự ra đời của Phòng này", chị Hà nói.
HuyềnDB
"Tôi nghĩ, thời gian 6 tháng ở nơi này đủ để chúng ta có được sự chuyển mình thành công. Và tôi tin rằng, có lẽ chỉ sau 3 tháng hưởng lương tại đây, mỗi người đều sẽ nhận lương mới bằng công việc mới mà mình yêu thích và phù hợp nhất ở đơn vị nào đó trong FPT", Chị Trần Thị Thu Hà, Phó ban Nhân sự FPT.
Nhiệm vụ của Phòng Nhân sự số 2:
* Tiếp nhận cán bộ quản lý được điều chuyển từ các đơn vị
* Thực hiện các chế độ đãi ngộ phù hợp với từng đối tượng
* Phối hợp với ban lãnh đạo và cá nhân tìm kiếm các cơ hội công việc mới
* Chăm sóc, chia sẻ thông tin, thăm hỏi, giao lưu giữa các thành viên
• Báo cáo định kỳ tình hình biến động nguồn lực cho ban lãnh đạo