Vai trò và nhiệm vụ của trưởng phòng nhân sự trong doanh nghiệp

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và sự phát triển không ngừng của các mô hình doanh nghiệp, vai trò của bộ phận nhân sự ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, trưởng phòng nhân sự giữ vị trí then chốt trong việc xây dựng chiến lược quản trị con người, đảm bảo nguồn lực phù hợp với định hướng phát triển của tổ chức. Trong bài viết này, cùng Blognhansu tìm hiểu về mô tả công việc của trưởng phòng nhân sự nhé.

Vai trò của trưởng phòng nhân sự

“Trưởng phòng nhân sự (Human Resource Manager hay HR Manager) là người đứng đầu bộ phận nhân sự (hoặc một số tổ chức gọi là phòng hành chính nhân sự) trong doanh nghiệp. Họ sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ các công việc liên quan tới nhân lực như tuyển dụng, đào tạo; quản lý lương thưởng, trợ cấp, phúc lợi; lên kế hoạch phát triển nhân lực cho doanh nghiệp…"

Trưởng phòng nhân sự giữ vai trò hàng đầu trong việc kiện toàn bộ máy nhân sự của bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào. Bởi các quyết định của họ sẽ tác động trực tiếp tới nguồn nhân lực của công ty - nhân tố cơ bản làm nên một doanh nghiệp và quyết định sự thành bại của tổ chức.

Tại một số công ty hay tập đoàn lớn có thể có nhiều trưởng phòng nhân sự khác nhau, nằm dưới sự quản lý của giám đốc nhân sự. Còn trong các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, các trường phòng này sẽ đóng vai trò tương tự như giám đốc bộ phận.

Với trọng trách như vậy, yêu cầu đòi hỏi cho vị trí trưởng phòng nhân sự tương đối khắt khe cả về trình độ và kỹ năng. Người giữ vai trò này phải có trình độ chuyên môn để có thể lãnh đạo đội nhóm; có tầm nhìn để có thể chọn người, ra quyết định hoặc hỗ trợ lãnh đạo và có kỹ năng mềm tốt để có thể thực thi các chiến lược truyền thông nội bộ hiệu quả.

Nhiệm vụ của trưởng phòng nhân sự

1. Tuyển dụng

Trong công tác tuyển dụng, các trưởng bộ phận nhân sự sẽ là người giám sát, đứng sau chỉ đạo và đánh giá các kế hoạch tuyển dụng, kế hoạch thu hút giữ chân nhân tài… Đôi khi, đích thân họ cũng có thể tham gia vào quá trình phỏng vấn hoặc đánh giá ứng viên cho các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.

2. Đào tạo và phát triển

Công tác đào tạo và phát triển bao gồm định hướng chương trình tuyển dụng mới, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn... Nghiệp vụ này có tính chất vĩ mô hơn so với các nghiệp vụ khác. Do đó, các trưởng phòng sẽ cần tiến hành rà soát, đánh giá và tự đề xuất sáng kiến, gửi cấp trên phê duyệt và sau đó mới triển khai trong toàn bộ tổ chức.

3. Điều tiết quan hệ nội bộ

Trưởng phòng nhân sự cần phải định hướng cho nhân sự hiểu rõ tầm quan trọng của sự gắn kết và các mối quan hệ trong doanh nghiệp. Mục tiêu chính của việc này là hỗ trợ nhân sự, đặc biệt là các nhân viên mới, dễ hòa nhập với môi trường làm việc, từ đó tăng cường hợp tác giữa các nhân viên và phòng ban với nhau.

Bên cạnh đó, các trưởng phòng nhân sự cũng cần chịu trách nhiệm trong việc tạo ra và duy trì một môi trường làm việc minh bạch, công bằng ở nơi công sở.

4. Xây dựng và duy trì văn hóa công ty

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp rất tốt. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong quá trình duy trì và phát triển. Đây chính là lúc các trưởng phòng nhân sự phát huy vai trò của mình.

Họ sẽ là những người đóng công lớn trong quá trình xây dựng văn hóa và sau đó là nuôi dưỡng những văn hóa ấy. Xuyên suốt quá trình đào tạo và định hướng nhân viên, các trưởng phòng nên chủ động chia sẻ các giá trị và tầm nhìn của doanh nghiệp với các nhân viên mới; tích cực gợi nhắc hoặc nhấn mạnh với các nhân viên cũ thông qua các sự kiện và hoạt động gắn kết.

5. Quản lý lương thưởng, phúc lợi của nhân viên

Về mặt hành chính, bộ phận nhân sự sẽ chịu trách nhiệm giám sát các khoản phúc lợi và lương thưởng của nhân viên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhân viên (cũng chính là người lao động). Khi đó, trường bộ phận sẽ cần bảo đảm quá trình tính toán, điều phối này diễn ra chính xác, loại bỏ các sai sót và bất công nếu có.

6. Xử lý kỷ luật, bồi thường và sa thải

Đối với doanh nghiệp, các thủ tục này thường là những vấn đề tế nhị, đòi hỏi ý kiến của cấp trên. Vì vậy, các trưởng phòng nhân sự phải có sự nhạy bén và khả năng giải quyết tình huống tốt. Các kỹ năng này hỗ trợ họ xử lý thông tin về kỷ luật hay hợp đồng một cách công bằng, nhất quán nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật để hạn chế những tranh chấp không đáng có.

Lời kết

Trưởng phòng nhân sự không chỉ là người điều hành công tác nhân sự mà còn là người kết nối ban lãnh đạo và đội ngũ nhân viên. Với vai trò chiến lược và điều hành, họ góp phần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy hiệu suất lao động và giữ vững văn hóa doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc phát huy hiệu quả vai trò của trưởng phòng nhân sự chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo ra lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *