Các hình thức trả lương phổ biến hiện nay bao gồm trả lương theo sản phẩm, theo doanh thu, 3P, … Vậy đặc điểm của những hình thức trả lương này là gì? Ưu và nhược điểm của từng cách chi trả lương như thế nào? Cùng Blognhansu tìm hiểu rõ ràng hơn trong bài viết hôm nay nhé!
1. Hình thức trả lương theo sản phẩm
Trả lương theo sản phẩm là hình thức trả lương dựa trên số lượng và chất lượng sản phẩm mà nhân sự làm ra. Người sử dụng lao động sẽ định mức khối lượng sản phẩm cho người lao động trong một thời gian cụ thể với số lượng công tương ứng cho mỗi sản phẩm.
- Căn cứ xác định: Theo điểm b khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
- Đối tượng: Những công việc yêu cầu sản xuất khối lượng hàng lớn trong khoảng thời gian nhất định. Áp dụng cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, bán hàng, dịch vụ.
- Công thức tính lương: Lương = Số lượng sản phẩm * Đơn giá lương một sản phẩm
- Phân loại lương theo sản phẩm:
- Trả lương theo sản phẩm trực tiếp mà cá nhân hoàn thành.
- Trả lương theo sản phẩm cho nhóm công nhân hoàn thành.
- Trả lương theo sản phẩm cho công nhân gián tiếp cùng tham gia hoạt động sản xuất với công nhân trực tiếp sản xuất.
- Trả lương theo sản phẩm kết hợp với chế độ tiền thưởng trong sản xuất như tiến độ làm việc nhanh, chất lượng sản phẩm.
Ưu điểm:
- Gắn kết mối quan hệ giữa người lao động và công việc.
- Gia tăng tinh thần trách nhiệm của người lao động.
- Tăng tính công bằng khi trả lương theo sản phẩm.
- Nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nhược điểm:
- Khó khăn trong quá trình tính lương.
- Dễ dẫn đến tình trạng người lao động chạy theo số lượng mà không chú trọng chất lượng.
2. Hình thức trả lương theo thời gian
Trả lương theo thời gian là hình thức trả lương dựa vào thời gian làm việc thực tế hay thời gian được tính. Theo đó, thời gian được tính có thể là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật hoặc thời gian làm việc theo thỏa thuận giữa hai bên.
- Căn cứ xác định: Theo điểm a khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
- Đối tượng: Với những công việc có tính cố định, công việc đòi hỏi người lao động phải tích lũy nhiều kinh nghiệm, đầu tư để nâng cao chất lượng. Phù hợp với các công việc có tính chất theo giờ như công nhân, nhân viên văn phòng, …
- Phân loại lương theo thời gian: Tiền lương theo giờ, ngày, tuần, tháng.
Ưu điểm:
- Dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ tính toán.
- Người lao động có thể tự do sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công việc.
Nhược điểm: Tiền lương trả có thể không tương xứng với giá trị mà họ tạo ra.
3. Hình thức trả lương theo doanh thu
Trả lương theo doanh thu là hình thức tính lương mà mức thu nhập của nhân viên phụ thuộc trực tiếp vào doanh thu mà họ tạo ra.
- Căn cứ xác định: Theo quy chế tính lương của doanh nghiệp quy định.
- Đối tượng: Áp dụng cho nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng và các nhân viên có liên quan trực tiếp đến việc tăng doanh thu của doanh nghiệp, công ty. Phù hợp với các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán hàng, tiếp thị, bất động sản, …
- Công thức tính lương: Lương = Lương cơ bản + (Doanh thu x Tỷ lệ phần trăm)
- Phân loại lương doanh thu: Trả lương theo doanh số cá nhân, doanh số nhóm và thưởng kinh doanh.
Ưu điểm:
- Gắn kết lợi ích của nhân viên và lợi ích công ty.
- Tính chủ động trong công việc cao.
- Đảm bảo sự công bằng giữa các nhân viên.
Nhược điểm: Mâu thuẫn nội bộ giữa các nhân viên khi có nhân viên có mức lương cao.
4. Hình thức trả lương khoán
Trả lương khoán là hình thức trả lương cho người lao động dựa trên khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
- Căn cứ xác định: Theo điểm c khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
- Đối tượng: Áp dụng cho những công việc hoàn thành tổng thể mà không phải trả lương theo từng giai đoạn. Thích hợp với các công ty công nghệ, công ty tài chính, công ty khởi nghiệp.
- Phân loại lương theo lương khoán: Không phân loại.
Ưu điểm:
- Dễ dàng tính toán lương theo thỏa thuận giữa hai bên.
- Đảm bảo công việc hoàn thành theo đúng yêu cầu đưa ra.
- Người lao động có tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Nhược điểm:
- Người sử dụng lao động phải ứng trước một khoản tiền cho người lao động khi thực hiện một công việc quá dài.
- Chỉ phù hợp với các công việc cần được thực hiện một cách thống nhất và toàn diện.
5. Hình thức trả lương theo năng lực
Trả lương theo năng lực là hình thức trả lương cho người lao động dựa trên khả năng, năng lực hoàn thành công việc.
- Đối tượng: Phù hợp với nhiều vị trí, ngành nghề nhất là những công việc đòi hỏi chuyên môn và kỹ thuật cao. Áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, tập trung đánh giá và công nhận năng lực, kỹ năng và kiến thức của nhân viên.
- Công thức tính lương: Lương = Giá trị năng lực + Lương cơ bản
Ưu điểm:
- Đảm bảo công bằng cho người lao động.
- Tạo động lực để người lao động phát triển.
- Xây dựng môi trường làm việc tích cực, lành mạnh.
- Nắm bắt năng lực thực sự của người lao động.
Nhược điểm:
- Khó khăn trong quá trình đánh giá và xác định năng lực của người lao động.
- Người đánh giá năng lực nhân sự có thể thiên vị và gây nên mâu thuẫn.
- Không tạo được nhiều động lực làm việc cho nhân viên năng lực còn yếu.
6. Hình thức trả lương 3P
Lương 3P được định nghĩa “là phương pháp trả lương dựa trên 3 yếu tố chính: Position (P1) - vị trí công việc, Person (P2) - năng lực cá nhân và Performance (P3) - mức độ hoàn thành công việc để tính toán và trả thu nhập cho người lao động”.
Hệ thống lương 3P là hệ thống trả lương hàng đầu thế giới hiện nay và được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Mô hình này dựa trên 3 yếu tố chính, cụ thể:
- Pay for Position: Trả lương theo vị trí công việc (P1). Doanh nghiệp/công ty dùng số tiền cố định chi trả tiền lương 1 tháng cho một vị trí, bất kể người đó là ai và năng lực như thế nào.
- Pay for Person: Trả lương theo năng lực (P2). Công ty/doanh nghiệp sẽ dựa vào khung đánh giá năng lực để chi trả lương cho nhân viên.
- Pay for Performance: Trả lương theo kết quả (P3). Thưởng của người lao động (nhân viên) được dựa trên hiệu suất công việc, đạt được tiêu chí doanh nghiệp đưa ra và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp đó.
Đối tượng: Phù hợp với mọi vị trí và công việc trong công ty, doanh nghiệp.
Công thức tính lương: Lương = P1 + P2 + P3
Ưu điểm:
- Mức lương được đánh giá toàn diện, đảm bảo công bằng.
- Tạo động lực phát triển cho người lao động.
- Đảm bảo đưa ra mức lương phù hợp với mức lương trên thị trường hiện nay.
- Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, công ty.
Nhược điểm: Người lao động sẽ từ bỏ công việc nếu mức lương thấp hơn mức lương của thị trường.
7. Hình thức trả lương theo hoa hồng
Trả lương theo hoa hồng là hình thức trả lương dựa trên doanh số bán hàng mà người lao động tạo ra.
- Căn cứ xác định: Điều 48 Nghị định 40/2028/NĐ-CP
- Đối tượng: Thường áp dụng với nhân viên kinh doanh trong các lĩnh vực như bảo hiểm, bất động sản, bán lẻ, … Phù hợp cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, bất động sản.
- Công thức tính lương: Tiền hoa hồng = % hoa hồng * doanh số
- Phân loại lương theo hoa hồng: Trả lương theo hoa đồng cá nhân và nhóm.
Ưu điểm:
- Tạo nên làm việc tích cực cho người lao động.
- Kích thích người lao động làm việc một cách tự chủ.
Nhược điểm: Dễ xảy ra mâu thuẫn giữa những người lao động.
Lời kết,
Trên đây là 7 hình thức trả lương phổ biến nhất trong doanh nghiệp hiện nay. Tùy theo tính chất công việc và nhu cầu, doanh nghiệp có thể lựa chọn những phương thức trả lương khác nhau.