Tôi muốn xây dựng cơ chế tăng lương theo thâm niên trong lương 3P được không?

Trong hành trình đi giúp các công ty xây dựng hệ thống tổng đãi ngộ - lương 3P, đôi khi tôi gặp câu hỏi lạ. Ví dụ như câu hỏi này: "Tôi muốn xây dựng cơ chế tăng lương theo thâm niên trong lương 3P được không?". Vì lạ nên tôi nhân lúc thảnh thơi chiều thứ 7, lại tiếp tục ngồi viết.

Sở dĩ tôi bảo câu hỏi lạ vì lương 3P sinh ra để triệt tiêu tình huống trả lương theo thời gian. Tức là khi áp dụng lương 3P, chúng ta sẽ duy trì sự công bằng trong tổ chức thông qua năng lực và kết quả công việc. Không quan tâm ở tổ chức bao nhiêu lâu, ai làm nhiều, làm giỏi thì lương cao và ngược lại. Để tôn vinh những người gắn bó tổ chức lâu năm, tổ chức sẽ có những chính sách và chế độ khác như 1 cái ôm của người đứng đầu, quyền mua cổ phần ...

Rõ ràng khi tăng lương theo thâm niên tại tổ chức, vô hình chung, tổ chức tạo ra sự bất công cho những người có năng lực nhưng thời gian vào công ti ngắn hơn những người đã ở công ty lâu hơn. Nhưng thế nào, chúng ta vẫn có những tổ chức muốn tăng lương theo thời gian cho nhân viên. Chúng ta cùng xét mục đích của mong muốn này:
- Nếu mục đích đưa cơ chế tăng lương theo thời gian chỉ để gắn kết, đãi ngộ kiểu: "Tăng lương theo thâm niên vì sự công hiến của người ta. Người ta cũng mất cả thanh xuân để cống hiến rồi" giống như 2 người yêu nhau rồi về ở với nhau tới đầu bạc, đã là nghĩa vợ chồng nên đối đãi tốt cho nhau cho dù họ không có làm ra được nhiều... thì tôi đề xuất chúng ta đưa cơ chế đãi ngộ đó ra khỏi chính sách lương như ở trên. Một tổ chức sinh ra vì lợi nhuận nhưng lại có chính sách hành động như kiểu một tổ chức sinh ra vì tình yêu thì có vẻ không hợp.
- Nếu mục đích của họ chỉ là để bù trượt giá thì chúng ta không nên đưa việc tăng này vào P1 với các bậc thay đổi. Tôi cũng đã từng tăng lương bù trượt giá. Cách của tôi là tôi tăng đồng đều cho tất cả lên.

Như tôi đã từng chia sẻ nhiều lần, hiện tại trong giới quản trị nhân sự của Việt Nam, chúng ta đang có 2 hướng xây dựng chính sách lương 3P.
- Hướng 1: P1 cố định, P2 biến đổi theo lương thị trường.
- Hướng 2: P1 biến đổi, P2 biến đổi theo P1.

Tôi đã từng thấy doanh nghiệp vẫn ngoan cố muốn có chế độ tăng lương theo thâm niên và gắn nó vào 3P. Họ đã gắn tăng lương theo thâm niên vào P1. Họ làm vậy, tức là xây chính sách lương 3P theo hướng có P1 biến đổi. Cách xây thang lương P1 biến đổi chính là các xây dựng thang lương thông thường. Để biết chi tiết về 2 hướng xây, bạn vui lòng xem bài: P1 cố định, vậy các bậc đều có P1 bằng nhau và không có khoảng cách thì có ý nghĩa gì không?

Mặc dù nói có 2 hướng làm P1 nhưng tôi luôn theo hướng P1 cố định.

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *