P1 cố định, vậy các bậc đều có P1 bằng nhau và không có khoảng cách thì có ý nghĩa gì không?

Chiều rảnh do đối tác báo bận nên tôi lại ngồi mần chuyên môn. Tôi có chị học viên đăng ký lớp học 3P video. Chị hỏi: "Trong ví dụ thầy nói P1 cố định là 9tr, 10 bậc lương vẫn là 9tr, vậy bậc không có khoảng cách thì có ý nghĩa gì không?". Câu hỏi hay nên tôi lại tiếp tục trả lời.

Trả lời:
A. Đầu tiên chúng ta cần xét bổi cảnh để hiểu câu hỏi. Hiện nay trên thị trường Quản trị nhân sự, tôi thấy đang có 2 cách làm P1:
+ P1 cố định (1). Tức giống như câu hỏi đã nói bậc 1 có lương P1 là 9 triệu. Vị trí có 10 bậc lương thì P1 của cả 10 bậc đều là 9 triệu. Tức P1 bậc 1 = P1 bậc 2 = … P1 bậc 10 = 9 triệu.
+ P1 biến đổi (2). Tức P1 bậc 10 > P1 bậc 9 > … > P1 bậc 1 = 9 triệu.

(1). Cách làm thang lương P1 theo phương án cố định. Chúng ta đi các bước sau:
+ Xác định giá trị và hệ số giá trị công việc.
+ Xác định đơn giá tiền lương. Công thức tính đơn giá tiền lương = quỹ lương P1 / (điểm hệ số giá trị công việc vị trí A * số lượng người làm vị trí A + điểm hệ số giá trị công việc vị trí B * số lượng người làm vị trí B + …)
+ Xác định bậc lương P1 = số năm công ty hi vọng nhân viên gắn bó / chu kỳ tăng lương. Ví dụ: Công ty hi vọng nhân viên gắn bó 10 năm và mỗi năm tăng lương 1 lần thì số bậc lương = 10 / 1 = 10 bậc.
+ Xác định mức lương trong từng bậc lương: P1 bậc 1 = P1 bậc 2 = … P1 bậc 10 = hệ số giá trị công việc * đơn giá tiền lương (ví dụ = 9 triệu).

(2). Cách làm thang lương P1 theo phương án biến đổi: Ban đầu chúng ta đi đủ 3 bước như ở phương án cố định và thêm các bước sau:
+ Xác định mức lương P1 theo hệ số giá trị công việc và đơn giá tiền lương: Lương P1 = hệ số giá trị công việc * đơn giá tiền lương.
+ Xác định các mức lương trong thang lương. Ở chỗ này chúng ta có 3 phương án để xác định các mức lương trong thang lương P1 biến đổi:
++ Phương án đơn giản nhất: Xác định xem mức lương P1 (= hệ số giá trị công việc * đơn giá tiền lương) đang nằm ở đâu trên các mức lương của thị trường. Nếu là thấp nhất thì coi mức lương P1 đó là lương bậc 1, các mức lương của bậc sau = x% * lương P1 bậc 1. Ví dụ: Lương bậc 1 có P1 = 9 triệu. Lương P2 của bậc 2 = 9 * 110% = 9,9 triệu. Tương tự, nếu mức lương P1 không phải thấp nhất thì chúng ta cần đánh giá xem mức lương đó ở bậc mấy rồi tính mức lương cho các bậc trước và sau theo tỷ lệ tăng hoặc giảm x%. Lưu ý: x% nên sao cho có đủ động lực để nhân viên phấn đấu và cao hơn so với lạm phát.
++ Phương án phức tạp hơn 1 chút là tính khoảng cách bậc. Tương tự ở phương án đơn giản, sau khi có lương P1 theo hệ số lương, chúng ta xác định xem mức lương này là cao nhất, thấp nhất hay ở bậc mấy trong thang lương. Việc xác định này cứ căn cứ vào khảo sát lương thị trường. Khi có được mức lương cao thấp rồi thì chúng ta tính lương các bậc theo công thức:

Lương bậc n = lương bậc (n – 1) + Giá trị khoảng cách bậc
Giá trị khoảng cách bậc = (lương bậc cao – lương bậc thấp) / số khoảng giữa 2 bậc.
Khoảng giữa 2 bậc = số bậc cao – 1. Ví dụ từ 1 đến 5 có số khoảng bậc = 5 – 1 = 4 khoảng.

++ Phương án phức tạp nhất là dùng bội số lương. Ở phương án này, chúng ta xây thang lương theo hướng tăng lên đều đặn cho các bậc. Công thức tính lương các bậc như sau:

Lương Ti = T1 * Ki
Ti: mức lương bậc i
T1: mức lương bậc thấp nhất
Ki: Hệ số lương bậc i
Ki = Ki-1 * hkc
Ki-1: Hệ số lương bậc i - 1
K1 = 1
hkc: hệ số khoảng cách lên đều đặn
hkc = căn bậc n -1 của B
n: số bậc trong thang lương
Bộ số lương B = Tmax / Tmin
Tmax: mức lương bậc cao nhất
Tmin: mức lương bậc thấp nhất = T1

Với phương án này, chúng ta chỉ cần tìm ra được Tmax, Tmin, số bậc lương là ra được thang lương. Để tìm ra Tmax, Tmin chúng ta có 2 cách:
+++ Coi T là mức trung bình. T = mức lương chung của ngạch hoặc vị trí theo hệ số giá trị công việc ở trên.
Tmax = T trung bình x X% | ví dụ 30%
Tmin = T trung bình x Y %
+++ Trong trường hợp không muốn xác định Tmin và Tmax thông qua mức lương chung (lương theo hệ số giá trị công việc), chúng ta có thể xác định theo khảo sát thị trường mức cao nhất và thấp nhất.

Lưu ý: Nếu để ý, phương án lương P1 biến đổi chính là cách thức làm lương thông thường từ trước tới nay.

B. Sau khi có P1, chúng ta tiến hành tới làm P2. Chúng ta có 2 cách làm lương P2 như sau:
(1). Nếu P1 cố định thì lương P2 = lương thị trường theo bậc – lương P1.
(2). Nếu P1 biến đổi thì lương P2 = lương P1 * a%

C. Hiểu được bối cảnh câu hỏi rồi, chúng ta tiến tới câu trả lời. Cường (tôi) theo hướng P1 cố định cho tất cả các bậc lương. Khoảng cách giữa các bậc nằm ở P2. Lúc này P2 sẽ biến đổi theo thị trường.

Sở dĩ tôi chọn phương án P1 cố định vì cách này đơn giản. Còn nếu theo phương án P1 biến đổi, thực ra chúng ta đang nhân số lượng vị trí lên với số lần bằng số bậc. Ví dụ thay vì chúng ta chỉ có 1 vị trí là thiết kế 2D thì chúng ta có vị trí thiết kế 2D bậc 1, thiết kế 2D bậc 2…

Trong trường hợp nếu bạn chọn xây P1 theo hướng biến đổi thì bậc của P1 sẽ có khoảng cách.

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *