Chắc hẳn bạn đã từng gặp khó khi đối diện với những câu hỏi tình huống trong buổi phỏng vấn? Đôi khi, bạn nghĩ mình đã trả lời trôi chảy nhưng việc mải mê thuật lại câu chuyện sai cách sẽ biến nó trở thành điểm trừ. Và phương pháp STAR chính là giải pháp “cứu cánh” giúp bạn tự tin hơn trong trả lời phỏng vấn. Cùng Blognhansu tìm hiểu nhé!
1. Phương pháp STAR là gì? - Ứng viên sử dụng STAR để trả lời phỏng vấn
“STAR là phương pháp cho phép ứng viên trả lời các câu hỏi phỏng vấn hành vi (phỏng vấn tình huống) theo trình tự như sau:
- Situation (S): Giới thiệu về một sự kiện, dự án hay thử thách bản thân đã đối mặt.
- Task (T): Trách nhiệm và nhiệm vụ của bạn trong tình huống (dự án, sự kiện, …) đó.
- Action (A): Bạn đã làm những gì để giải quyết vấn đề và hoàn thành công việc.
- Result (R): Kết quả đạt được.”
Các câu hỏi phỏng vấn hành vi thường sẽ xoay quanh vấn đề năng lực, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc. Các câu hỏi không quá khó nhưng để trả lời đầy đủ và mạch lạc thì không hề dễ dàng. Vậy nên, phương pháp STAR sẽ giúp ứng viên sắp xếp một cách khoa học các ý chính để có câu trả lời ấn tượng.
Ông George Dutch - chuyên gia về nghề nghiệp tại JobJoy.com chia sẻ: “Trong một cuộc phỏng vấn, ứng viên không thể chỉ đơn giản nói rằng anh ấy là một trưởng nhóm tuyệt vời. Anh ta phải đưa ra những ví dụ cụ thể về đội nhóm đã xây dựng. Cách anh ta giải quyết xung đột nhóm, thúc đẩy hợp tác và dẫn dắt đội đạt được thành công.”
Một số ví dụ về các câu hỏi phỏng vấn dạng này như:
“Bạn làm gì khi …?”
“Hãy kể về một lần bạn từng …”
“Bạn đã bao giờ …”
“Hãy mô tả về …”
2. Áp dụng phương pháp STAR khi trả lời phỏng vấn như thế nào?
Khi ứng viên được đặt các câu hỏi về trải nghiệm thực tế, hãy phân tích chủ đề mà nhà tuyển dụng đang nói đến. Tiếp theo, hãy nhớ về một sự kiện có liên quan và áp dụng phương pháp STAR để sắp xếp trình tự câu trả lời.
2.1 S - Situation
Với Situation, hãy nhớ về sự kiện mong muốn chia sẻ và cung cấp thông tin cho người tuyển dụng biết nó diễn ra ở đâu, khi nào và lý do là gì. Tuy nhiên, không nên quá dài dòng kể như một câu chuyện, nhưng bạn nên cung cấp đủ ngữ cảnh để người nghe hiểu được điều bạn đang nói đến là gì.
2.2 T - Task
Bạn cần cho người phỏng vấn biết nhiệm vụ và trách nhiệm của bạn là gì? Từ chính những nhiệm vụ của bạn, họ sẽ có thể đánh giá được phạm vi vấn đề bạn cần giải quyết. Từ đó, nhà tuyển dụng đưa ra các đánh giá chính xác về chuyên môn nghiệp vụ và tính hiệu quả của công việc.
Với yếu tố Task trong phương pháp STAR, bạn nên đề cập thêm về những yêu cầu phát sinh mà bạn chưa từng có kinh nghiệm xử lý trước đó (nếu có). Bởi cách bạn đối phó với những tình huống bất ngờ, việc bạn đã làm gì để thương lượng và thể hiện khả năng đàm phán cũng là điểm cộng lớn.
2.3 A - Action
Phần Action là những gì bạn đã làm: cụ thể những hành động bạn đã thực hiện, những kiến thức và kỹ năng bạn đã áp dụng vào công việc đó.
Có thể nói, đây là phần quan trọng và đáng được đầu tư nhất trong toàn bộ câu trả lời phỏng vấn của bạn. Một cơ hội để bạn thể hiện những phẩm chất quan trọng cần có trong công việc đang ứng tuyển, cũng như tính cách bạn sẽ thể hiện xuyên suốt quá trình công tác.
2.4 R - Result
Cuối cùng là Result trong phương pháp STAR sẽ đề cập tới kết quả bạn đạt được. Nếu tình huống được giải quyết thành công, hãy tự hào kể về những thành tựu như số liệu, sự công nhận từ khách hàng hay cấp trên. Và nếu bạn chỉ giải quyết được một phần hoặc cần có sự trợ giúp từ người khác thì nên nói về những điều đã học hỏi được.
Lời kết,
Để áp dụng phương pháp STAR hiệu quả, ứng viên nên tập luyện và chuẩn bị trước buổi phỏng vấn. “Hãy tích cực hành động trong suốt quá trình trả lời của bạn”. Chúc các bạn thành công!