Hôm trước, có một bạn chia sẻ với Nhung rằng: sếp em tháng nào cũng soi chỉ số KPI của em, rồi tháng nào cũng thay đổi chỉ số KPI. Tháng trước em được 100% nhưng sếp nói bóng nói gió rằng với những gì em làm là chưa thỏa đáng, đạt được 100% KPI nó phải ở một tâm thế khác cơ và thế là sếp em lại thay đổi chỉ số KPI tháng sau của em, theo ý sếp, có lợi hơn cho sếp. Bạn ý cũng tâm sự sếp của bạn ý chính là CEO.
Nhận được ca tư vấn này, kể ra cũng khó.
KPI thay đổi khi chiến lược công ty thay đổi.
Nhìn nhận ban đầu, ủa gì kỳ vậy, KPI – key performance indicator tức là chỉ số đánh giá thực hiện công việc. KPI căn cứ vào chiến lược của công ty, vào bảng mô tả chức năng nhiệm vụ của người lao động thì có nghĩa là 2 cái hạng mục trên mà thay đổi thì KPI cũng thay đổi theo. Nếu chiến lược của công ty thay đổi thì chắc chắn KPI thay đổi, và bảng mô tả công việc của người lao động có thể thay đổi hoặc không. Vậy nếu chiến lược của công ty thay đổi theo tháng hay sao mà KPI thay đổi theo tháng?
Anh chị thử suy nghĩ xem, đặc biệt nếu là người quản lý, nhà founder thì ngẫm thử xem, chiến lược công ty mình có chưa mà thực thi KPI, chiến lược của tổ chức mình có thay đổi theo tháng hay không?. Nhung tin, không có nhiều công ty thay đổi chiến lược theo tháng, bởi ít nhất chiến lược cũng phải từ 3 tháng trở ra. Thậm chí có công ty tập đoàn có tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cơ. Nên nếu công ty nào mà thay đổi chiến lược 1 tháng 1 lần, chứng tỏ công ty đó đang bất ổn.
KPI phải gắn bó với hiệu suất làm việc của nhân viên.
KPI nhân viên đạt 100% nhưng sếp nói chưa thỏa đáng, nói bóng gió về việc đạt KPI 100% nó phải ở một tâm thế khác cơ và thế là sếp em lại thay đổi chỉ số KPI tháng sau của em, theo ý sếp, có lợi hơn cho sếp. Bạn ý cũng tâm sự sếp của bạn ý chính là CEO.
Nhung thấy hay nhỉ, nhân viên đạt 100% KPI thì đáng nhẽ ra sếp phải mừng vì hiệu suất làm việc của nhân viên cao, đằng này lại bóng gió xa gần như vậy.
Thứ nhất, Nhung đoán 1 CEO này tiếc tiền, giao kết ban đầu nhưng không thực hiện. Mà sao không tiếc tiền được chứ, tiền từ túi mình bỏ ra, có ai mà không xót, có ai mà không tiếc?
Thứ hai, CEO này tầm nhìn chắc cũng hẹp, khi đưa ra các chỉ số KPI nhưng không lường trước được những tình huống xảy ra nên thường xuyên thay đổi chỉ số KPI.
Nhung khuyên rằng, bất kỳ tổ chức nào, khi xây dựng và áp dụng KPI nên cùng tranh luận với các trưởng bộ phận, “quản trị rủi ro” lường trước được những tình huống có thể gặp phải, hãy cân đo đong đếm kỹ đi trước khi giao xuống nhân viên. Rồi trước khi áp dụng chính thức, hãy truyền thông và áp dụng thử 3 tháng đầu tiên KPI đó. Trong 3 tháng này, cần điều chỉnh gì thì chúng ta điều chỉnh.
Anh chị em nào muốn tư vấn về việc xây dựng KPI cho tổ chức, doanh nghiệp, bộ phận mà không phải thay đổi KPI luôn xoành xoạch, thì liên hệ với Nhung nhé.
Tác giả: Lưu Thị Kim Nhung