Tối nay đi off Hr Bank ( Mời tham gia Offline Hr Bank tại Hà Nội - https://goo.gl/1AfNqo ), mấy anh em rôm rả nói chuyện về mở lớp Xử lý quan hệ lao động nên tư nhiên tôi nhớ đến việc trả nợ 1 email của anh bạn hỏi về các bài viết của tôi xung quanh vấn đề này. Vậy là về nhà, tôi lại mở máy ngồi trả lời đến tận nửa đêm. Lúc này đã là 1h30 sáng. Đúng là viết cái gì đó ra thật không dễ. Thân mời mọi người cùng đọc email và trao đổi.
***
Dear anh Cường,
Em có một số thắc mắc mong anh giải đáp giúp.
Em đọc bài này của anh: Điểm cần tránh nếu có ý muốn kiện công ty ra tòa lao động - https://goo.gl/AfQIeR và anh có kết luận rằng những ai có ý muốn kiện công ty ra tòa vì chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải:
+ Biết trình tự kiện cáo để thực hiện cho đúng, vì nếu thực hiện không đúng thì tòa cũng yêu cầu phải thực hiện cho đúng.
+ Không được làm những hành động cho tòa thấy là chúng ta có ý chí muốn nghỉ việc. Tức là không viết đơn xin nghỉ, không viết mail nói ý muốn nghỉ, không đòi sổ BHXH, không đòi quyền lợi xin nghỉ khi nghỉ việc ...
Câu hỏi 1:
Khi bị công ty ép nghỉ trái pháp luật, chúng ta sẽ phải thực hiện trình tự kiện cáo đúng luật và không được hỏi về các quyền lợi sau khi nghỉ việc như bồi thường, chốt sổ, quyết định thôi việc ... và cuối cùng là xách đơn lên tòa đề tòa xử lý. Trong thời gian này nếu công ty có cho ra thông báo, quyết định thôi việc thì mình sẽ giữ lại để làm bằng chứng sau này đúng không anh? Trường hợp bảo vệ không cho vào công ty thi cũng phải ghi lại bằng chứng. Tóm lại trong giai đoạn này cần thu thập tất cả bằng chứng của việc công ty cho nghỉ sai luật.
Trả lời: Đúng rồi, cần có bằng chứng chứng minh mình (người lao động) có ý chí muốn đi làm. Ví dụ: nghỉ sinh xong, đến thời điểm đi làm thì phải báo cho công ty là sẽ đi làm bằng văn bản. Xe buýt không đón thì phải đi xe đến công ty. Bảo vệ không cho vào thì phải ngồi ở đó ...
Câu hỏi 2: Ở bài này Xử lý tình huống công ty đuổi việc vô cớ – Nghỉ việc nửa ngày bị doanh nghiệp đuổi việc - https://goo.gl/O82to6, Phiên toà phúc thẩm ngày 5/7 chưa diễn ra nên cũng chưa biết kết quả sau cùng của tòa thế nào, có thể tòa sẽ vẫn giữ nguyên kết quả của phiên tòa sơ thẩm trước đó và xử bà Dương Thị Tài thua kiện??? Do đến phút cuối công ty đồng ý bồi thường 30 triệu nên bà Tài đã rút đơn kiện.
--> Tuy nhiên điều mà em muốn nói ở đây là bà Tài đã làm theo lời của nhân sự nói là ở nhà 4 ngày (8/6 - 11/6) và ngày 11/6 đến công ty nhận lương + sổ BHXH + đề nghị ra thông báo chấm dứt HĐLĐ để hưởng trợ cấp thất nghiệp
Vậy ở điểm này phải chăng tòa đã có thể cho rằng bà Tài đã thể hiện ý chí của mình là đồng ý chấm dứt HĐLĐ và từ đó tòa có thể bác yêu cầu của bà Tài?
--> Có phải bà Tài thắng kiện là may mắn?
Xử lý đúng ở trường hợp này có phải là NLĐ không nên đến công ty nhận lương + sổ BHXH, mà cứ tiếp tục thực hiện quy trình kiện cáo trên?
Trả lời:
- Do không phải là tòa án nên Cường cũng không biết đích xác nguyên nhân là tại sao tòa xử thắng. Có thể là do ý chí người lao động muốn nghỉ hoặc cũng có thể là do nguyên nhân gì đó. Như mình đã ghi trong bài, cái lý do mà tòa đưa ra là người lao động đã nghỉ quá 5 ngày không phép (ý chí người lao động).
- Bà Tài chưa thắng kiện. Thực tế là bà đã thua. Nhưng do sức ép của báo, luật sư và cả sức ép sợ bị xử thua nên công ty mới tiến hành hòa giải. Chứ nếu có xử thì chưa biết thế nào.
- Xử lý đúng là như mình đã khuyên trong bài: Chỗ này mọi người nên lưu ý. Khi rơi vào trường hợp bị cho nghỉ việc thì đừng nghỉ luôn. Cứ đến công ty làm việc bình thường. Nếu bị bảo vệ đuổi ra thì phải ghi lại bằng chứng. Không nhân sự sẽ vin vào việc nghỉ quá 5 ngày để sa thải. Bà Tài nói đúng về quy trình xử lý sa thải kỷ luật nhưng thực ra bà phải nói là tôi không hề nghỉ quá 5 ngày. Chứ bà nói thế, tức là bà chấp nhận mình đã nghỉ quá 5 ngày rồi. Sau khi có chứng cớ là không có ý chí nghỉ thì bà Tài nên lấy lại sổ BHXH còn lương thì không lấy. Sổ BHXH khá quan trọng. Mất là nguy hiểm. Và bà nên tiếp tục quy trình kiện cáo.
Câu hỏi 3: khoản tiền bồi thường
Ở trường hợp của bà Tài, nghỉ việc từ 9/6/2015 đến 5/7/2016 (13 tháng 4 ngày), HĐLĐ hết hạn 29/8/2016 --> phải bồi thường tiền cho 19 tháng 20 ngày (tính từ lúc bắt đầu nghỉ cho đến hết hạn HĐLĐ: 9/6/2015 - 29/8/2016)
--> Có phải khi tòa xử NLĐ thắng kiện thì lúc nào cũng yêu cầu công ty bồi thường số tiền dựa trên số tháng HĐLĐ còn thời hạn? Đối với HĐLĐ không xác định thời hạn thì sẽ tính bao nhiêu tháng bồi thường?
Trả lời: Tòa xử NLĐ thắng kiện thì sẽ tính số tháng lương = số tháng nghỉ làm đến lúc thắng kiện không cằn biết đó là hợp đồng không xác định thời hạn hay không.
Điều 33. Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất Nghị định Số: 05/2015/NĐ-CP Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2015
...
3. ...Trường hợp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các quy định các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 42 của Bộ luật Lao động.
Câu hỏi 4:
Ở bài này Muốn đuổi việc ngay nhưng không muốn rắc rối pháp lý (đúng luật) ? - https://goo.gl/UZZsbl , khi công ty muốn cho NLĐ nghỉ ngay thì bồi thường 2 tháng lương đuổi việc, 2 tháng lương không nhận lại và số ngày không báo trước (áp dụng theo điều 42 - luật lao động)
Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật --> Việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ có phải trái pháp luật hay không có phải là do tòa án phán xét? Vậy NSDLĐ sẽ thực hiện những nội dung trong điều này trước hay sau khi tòa tuyên bố NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (hiểu theo đúng ý của luật)?
1/ Sau khi tòa tuyên bố thì thấy hợp lý hơn, tuy nhiên nếu sau khi tòa tuyên bố thì chắc chắn số tiền bồi thường sẽ nhiều hơn số tháng kể trên.
2/ Trước khi tòa tuyên bố - cũng là cách được anh áp dụng trong bài viết, vậy có phải NSDLĐ đã biết sai mà vẫn vi phạm, tức là ở trường hợp này nếu NLĐ không đồng ý với số tiền bồi thường và kiên quyết kiện ra tòa thi có phải công ty vẫn rắc rối pháp luật?
Trả lời: Câu hỏi 4 là câu hỏi hay. Cường cũng đã tìm hiểu thì không thấy có định nghĩa nào trả lời cho câu hỏi: khi nào là trái luật ? Chỉ thấy một số đơn vị tư vấn luật viết: trái luật là khi vi phạm một số điều luật. Cho nên tạm căn cứ vào câu nói: một người được coi là có tội khi tòa tuyên bố có tội đi vào hiệu lực, thì chúng ta cũng có thể nói: Cho người lao động nghỉ việc có được coi là một hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật khi tòa tuyên đó là trái luật. Theo logic đó thì theo ý 1 của anh là đúng - tức là sau khi tòa tuyên.
Từ đó suy ra ý 2 của anh. Cho nên trong bài, Cường cũng có tư vấn là làm thêm 1 cái thông báo cho nghỉ việc để gửi lên các cơ quan quản lý nhận đó là sai luật. Ở cuối bài viết, Cường cũng đã nhận là cần thêm dữ liệu. Thực tế Cường chưa thấy vụ việc nào như thế này.
Thanks
***
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!
Cám ơn anh đã trả lời những câu hỏi của em ^^!