Nhân sự Startup nên khuyên sếp dùng BSC – Balanced scorecard

Đây không phải là lời khuyên của tôi đâu. Mà là lời khuyên của anh Trọc Đất - sếp sòng của MOG. Anh ý là ai, mọi người vui lòng đọc bài viết ở dưới sẽ rõ. Anh có lời khuyên rất hay mà tôi nghĩ, là phận HR nên biết và chia sẻ nó cho các sếp: hóa ra là những cái ăn may của chúng tôi nó nằm cả trong triết lý của 2 phương pháp quản trị rất vi diệu và hiện đại. Balanced scorecard (BSC, hay gọi nhanh là Bao Cao Su cũng được - https://goo.gl/m3LTm5 ) và OKRs (Gọi là OK rồi cho nhanh)

nen dung bsc

Khôn ngoan không lại với giời

Cách đây 5 năm, khi Tôi bắt đầu khởi nghiệp thực sự với #MOG, những gì tôi nghĩ được lúc bấy giờ về quản trị doanh nghiệp rất mơ hồ và hoàn toàn ngẫu hứng. Một điều cực lạ là hình như có cái gì đó đúng mà vô tình đã giúp tôi tồn tại được đến tận bây giờ, rất may là startup của chúng tôi đã không “nghiêng bóng” như phần lớn các startups tại Việt Nam cùng thời điểm đó. Tôi cố gắng tìm xem cái gì thực sự tạo ra sự may mắn đó, thực sự đó là do Cô thương hay chúng tôi đúng ở đâu đó mà không hề hay biết?
Giờ Tôi sẽ hệ thống những thứ chúng tôi thường làm hàng ngày/tuần/tháng, sau đó thử đúc rút ra xem có cái gì không phải may mắn.

Những gì #MOG thường làm hàng ngày lúc khởi nghiệp

1. Khi bắt đầu cái gì đó, chúng tôi thường vẽ rất rõ mô hình (bằng tay) ra giấy, vẽ đến khi nào mọi thứ rõ ràng rồi mới thôi
2. Hệ thống hóa lại và tưởng tượng xem nếu biến nó thành nền tảng thì sẽ phải làm như thế nào?
3. Cái gì quyết định thành công?
4. Những ai sẽ làm được nó thành công? Team cần đủ chất và dedicated
5. Bắt tay luôn, muốn làm gì thì làm nhưng hệ thống phải thể hiện đủ luồng của mô hình định làm
6. Thêu dệt giấc mơ (nếu tạo được một rừng mơ thì càng tốt), hàng ngày chém gió về viễn cảnh khủng khiếp của nó khi thành công và bằng mọi cách để team thấy tín hiệu trong một thời gian ngắn
7. Lập kế hoạch dòng tiền và báo cáo dòng tiền theo tháng, chia làm các tuần
8. Chúng tôi tạo ra dashboard và phun mọi loại chỉ số lên đó, sau đó chúng tôi soi hàng giờ và điều chỉnh từng giờ cho phù hợp, mọi chỉ số phải phản ánh được bức tranh tổng thể của mô hình
9. Săn người đã biết làm. Chúng tôi cho rằng nếu có người biết chuyện rồi sẽ giúp đi nhanh và kiện toàn mọi chuyện nhanh hơn rất nhiều
10. Lập kế hoạch và tạo thách thức liên tục. Số không bao giờ giảm đi trong các plan sau. Mọi chỉ số được lập dựa trên mô hình và để chỉ ra là mô hình đang đi đúng hay không
11. Cứ mỗi buổi sáng là họp nhanh, chém gió, cập nhật nhanh số, thiết lập nhanh số cần cán trong ngày, chiến thuật đánh, ... (ngày nào cũng vậy)
12. Ngày nào sản phẩm cũng phải có cái gì đó update dựa trên feedback, 1 tuần thì thường có update lớn
13. Tìm mọi cách để điện tử hóa mọi thứ liên quan đến vận hành. Không một business nào chúng tôi làm mà không có hệ thống điều hành điện tử

Chúng tôi làm 13 điểm đó thường xuyên như phản xạ, trong đầu chúng tôi không mảy may có bất kỳ một suy nghĩ nào về chuyện liệu rằng những thứ đó có đang tuân theo một phương pháp luận đỉnh cao nào đó không? Thực tế thì cũng chẳng có thời gian để mà nghĩ về những chuyện đó.

Hay không bằng may, Cô thương thì xương cũng hóa vàng

Ấy vậy mà sau 5 năm, #MOG có 250 người, bề thế hơn, có điều kiện hơn, làm nhiều thứ hơn, người nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, ... Mà hỏng như thường! Giờ sao? Chắc là Cô bớt thương nên ăn ít hỏng nhiều.
Tôi tá hỏa tìm hết các thầy, thầy cúng, thầy mo, thầy tướng, thầy dùi, thầy dạy và thầy dỗ. Tôi lờ mờ hiểu ra một số chuyện, ắt là tại nó:

- Ngày xưa bé, anh em gần nhau, tin nhau, không nghĩ nhiều, chỉ cần một thằng nghĩ. Hóa ra ít nghĩ, ít thằng nghĩ đi lại là chìa khóa
- Lúc bé ngày quái nào cũng chém gió, nâng bi, đạp mây ngắm sao. Hóa ra món này là leadership và chả cần chiến lược mẹ gì vì nó nằm trong đầu các anh em hết khi hàng ngày chém gió
- 13 cái gọi là phản xạ ở trên hóa ra nó lại là tuyệt chiêu vô cùng vi diệu mà lúc đầu tưởng là ăn may
- Khi đông lên, khát vọng và suy nghĩ sẽ phân mảnh, nỗi sợ hãi vô hình xuất hiện nhiều hơn. Hóa ra là tâm chưa đủ sáng, hèn đi và giấc mơ bé!
- Có quá nhiều mục tiêu, kế hoạch và mô hình. Hóa ra là lớn bé đều phải làm cho nó rõ, cần đạt được gì, ai làm và bao giờ?
- Các bài toàn mới xuất hiện mà trước đây chưa bao giờ thấy. Hóa ra có những thứ chỉ ở quy mô nào đó nó mới xuất hiện thình nình :)

Startup lúc đó trước nguy cơ sụp đổ, đúng là cuộc đời không như mơ. Học hỏi đông tây kim cổ rồi cũng rút ra là cần làm lại! Chúng tôi lập hẳn một ban làm một số thứ với mong muốn sẽ tìm được lời giải, nào là:

1. Hội nghị chiến lược (thực ra là chém gió, truyền cảm hứng, vẽ giấc mơ)
2. Lập và bảo vệ KH hàng quý (tường minh và cụ thể mọi thứ chúng ta muốn)
3. Xây dựng hệ thống quản trị
4. Leadership Camp
5. Quản trị tri thức
...

Càng làm càng lủng củng, chả có phương pháp luận mẹ gì, bế tắc và không hiệu quả!
Tôi loay hoay mãi, tìm gặp các đại ca như anh @Long MISA, Nhân sỹ FPT, lân la chém gió học mót bọn khởi khiệp ở bển, tìm tòi và học hỏi không biết bao nhiêu. Phải có một phương pháp quản trị nào đó, lột tả được 13 điểm ngẫu hứng ở trên nhưng có thể nhân rộng và lan tỏa đến toàn doanh nghiệp, hệ thống hóa được nó, giúp doanh nghiệp định hướng và phát triển bền vững, hiệu quả.
Thực tế là có thật, hóa ra là những cái ăn may của chúng tôi nó nằm cả trong triết lý của 2 phương pháp quản trị rất vi diệu và hiện đại.

Balanced scorecard (BSC, hay gọi nhanh là Bao Cao Su cũng được) và OKRs (Gọi là OK rồi cho nhanh)

nen dung bsc 1

Tổng quan về Balanced Scorecard (rất vi diệu :))
Bài sau Tôi sẽ viết về sự vi diệu của BSC và cách thức đưa 13 sự may mắn ở trên vào BSC để biến nó thành hệ thống quản trị, điều tiết cho doanh nghiệp. Nó sẽ giúp doanh nghiệp làm mọi thứ ngẫu hứng, may mắn và tuyệt chiêu theo cách quản trị được.

Sự hiểu biết chỉ thành tri thức khi nó được hệ thống hóa, lan tỏa và thẩm thấu tới nhiều người. Không nó sẽ chỉ là kiến thức của ai đó.

Nguồn: facebook.com/notes/trọc-đất/khôn-ngoan-không-lại-với-giời/1789431437966143

Dành cho những người không biết Bao Cao Su: Thẻ điểm cân bằng – Balanced Scorecard – BSC là gì ? - https://goo.gl/m3LTm5

One thought on “Nhân sự Startup nên khuyên sếp dùng BSC – Balanced scorecard

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *