Tiếp tục seri các bài viết phục vụ các bạn sinh viên mới ra trường:5 lỗi thường gặp nhất khiến bạn mất thiện cảm với nhà tuyển dụng . Chúc các bạn thành công.
Sự bỡ ngỡ của người mới đi nộp hồ sơ ứng tuyển khiến bạn có thể mắc phải một số lỗi thường gặp gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Email quá dài
Nhiều nhà tuyển dụng có thể không yêu cầu đơn xin việc mà đơn giản là sơ yếu lý lịch hoặc CV kinh nghiệm bạn đã trải qua. Tuy nhiên, nếu bạn gửi đoạn text kèm file quá dài sẽ làm cho nhà tuyển dụng bị nhầm lẫn, bị quá tải trước các thông tin bạn trình bày trong email.
Tuy nhiên, bạn không nên gửi email quá ngắn kiểu như: "Đây là hồ sơ của tôi". Cách viết này thể hiện một sự không chuyên nghiệp, thiếu tính cầu thị và tôn trọng đối với người nhận email. Nhưng bạn cũng không nên sa vào kể lể về bản thân, chi tiết quá mức những việc đã làm. Bởi file đính kèm đã thay bạn làm điều đó. Nhà tuyển dụng sẽ download file đính kèm xuống máy tính hoặc in ra nhằm đánh giá tiềm năng của ứng viên có đủ tiêu chuẩn vào vòng phỏng vấn hay không.
Cách bạn nên viết là: "Xin chào, tôi tên là.... Được biết, quý công ty/cơ quan đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở vị trí... Cho nên tôi gửi hồ sơ/CV/ sơ yếu lý lịch. Mong nhận được phản hồi sớm của quý công ty/cơ quan. Trân trọng!".
Bạn không làm theo hướng dẫn
Bất cứ ai khi muốn nộp hồ sơ ứng tuyển đều theo dõi những yêu cầu về trình độ, kỹ năng, mô tả công việc. Tiếp đó là gửi các giấy tờ, hồ sơ liên quan qua email hoặc nộp hồ sơ trực tiếp. Các giấy tờ và nội dung bên trong được đơn vị tuyển dụng yêu cầu rõ trong thông báo tuyển dụng. Nếu nộp hồ sơ qua email, bạn phải đọc rất kỹ, có những công ty yêu cầu nêu rõ kinh nghiệm, sơ yếu lý lịch ngay trong nội dung email gửi đi. Tuy nhiên, có không ít công ty yêu cầu gửi CV, hồ sơ qua file đính kèm.
Nếu bạn làm sai yêu cầu này cũng là một căn cứ để công ty cần tuyển dụng nhân viên đánh giá việc bạn thực hiện theo hướng dẫn như thế nào. Ian Aronovich - Chủ tịch HĐQT kiêm sáng lập GovernmentAuctions.org cho hay: "Hồi đầu năm nay, chúng tôi đăng tuyển dụng một blogger. Chúng tôi yêu cầu các ứng viên gửi CV trong mail chứ không phải là file đính kèm. Bằng cách này, chúng tôi đã loại được 85% các ứng viên, bởi vì họ không làm theo một hướng dẫn đơn giản nhất".
Không nêu rõ vị trí ứng tuyển
Bạn có thể có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực nhưng khi ứng tuyển không xác định rõ vị trí mà bản thân nộp vào sẽ thể hiện sự không chuyên nghiệp. Bất cứ thông báo tuyển dụng nào cũng yêu cầu rõ ràng về vị trí cần tuyển, mô tả công việc của vị trí đó và những yêu cầu đối với ứng viên khi nộp vào vị trí đó.
Nhà tuyển dụng bao giờ cũng muốn tìm một người hướng được bản thân vào công việc, bộ phận cụ thể. Đó là những người xác định được chính xác thế mạnh, mục tiêu và kỹ năng cụ thể của bản thân. Nếu bạn đơn giản chỉ nói: "Tôi là người chăm chỉ và cần một công việc" sẽ là rất sai lầm. Người tuyển dụng có thể cho rằng bản thân bạn chưa xác định được vị trí mà bản thân muốn làm. Mặt khác, không ai có thể làm việc hoàn hảo ở mọi lĩnh vực. Một số nhà tuyển dụng cho rằng, họ muốn tìm người đóng góp cho sự lớn mạnh của công ty chứ không phải là bảo trợ xã hội tạo việc làm. Một người chăm chỉ là điều rất đáng trân trọng nhưng nó chưa đủ để khẳng định được khả năng của ứng viên.
Sai ngữ pháp
Trước khi gửi hồ sơ, bạn nên đọc lại toàn bộ câu chữ để phát hiện những lỗi chính tả hay lỗi đánh máy. Ngay cả nội dung email bạn gửi cũng không được có lỗi chính tả hay thể hiện sự cẩu thả. Bởi đó là ấn tượng đầu tiên để bạn gây ấn tượng tốt hay xấu với bộ phận tuyển dụng. Với những công ty khắt khe, hồ sơ cẩu thả, nhiều lỗi chính tả tức là không thể hiện sự tôn trọng với người nhận nên có thể bị loại.
Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể nhờ mẹ hoặc một người bạn tin cậy đọc lại toàn bộ CV hay hồ sơ để sửa lỗi chính tả còn tồn đọng hoặc góp ý về nội dung. Trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, bạn phải đảm bảo các giấy tờ trong túi hồ sơ được xếp ngay ngắn, cẩn thận, không bị nhàu nát. Nội dung chữ viết rõ ràng, không bị nhòe sẽ gây ấn tượng thiện cảm ban đầu với người nhận.
Thiếu tinh tế trong cách viết hồ sơ
Khi nộp hồ sơ xin việc, có không ít ứng viên liệt kê quá nhiều công việc và trách nhiệm phải làm mà lại quên liệt kê những thành tích đã đạt được trong khi làm việc. Bởi, bất cứ ai cũng phải chịu trách nhiệm cho một phần việc nhất định nhưng không có nghĩa sẽ làm tốt hay đạt được thành tích. Vì vậy, hãy kể thêm một chút về các thành tích đạt được để cho thấy tiềm năng của bạn. Nhưng nếu kể quá nhiều có thể bạn có thể bị nghĩ là người khoe khoang.
Trong CV của bạn, hãy cân nhắc khi thêm cụm từ "chú ý tới các chi tiết nhỏ". Bạn muốn thêm điều này để chứng minh sự cẩn thận nhưng nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn tò mò, thường xuyên bới lông tìm vết hay sục sạo việc của người khác...
Minh Anh
(Dịch từ Businessinsider )
(Theo Màn Ảnh Sân Khấu)