Với tình huống này, mọi người sẽ giải quyết thế nào ? Tình huống hay và có thể sẽ gặp nhiều. Ví dụ thực tế ở đây: Phóng tinh viên, con đánh mẹ gãy cổ và tại sao lại đuổi việc ?
Tôi cần phải làm gì ?
Tình cờ tôi phát hiện Quân, trợ lý mới của tôi không sống cùng mẹ như cậu ta vẫn kể. Bà mẹ già đã 78 tuổi của Quân đang phải trú ngụ ở một phòng trọ chật hẹp trong con hẻm ở quận 8, TP HCM. Trong khi đó, ngôi nhà lớn của cha Quân để lại, cậu ta cho thuê tầng trệt, còn trên lầu thì sống cùng bạn gái. Người kể cho tôi nghe chuyện này là Huyền Thanh, nhân viên phòng nhân sự.
Chuyện có nguyên nhân từ việc công ty gởi quà mừng thọ cha mẹ của nhân viên trên 70 tuổi. Khi trình danh sách để phê duyệt, Huyền Thanh chỉ vào tên bà mẹ của Quân nói: "Bà cụ không ở địa chỉ này đâu ạ". Tôi ngạc nhiên: "Không ở đây thì ở đâu? Đây đúng là địa chỉ nhà của cậu Quân mà? Họ chỉ có một mẹ, một con...". Huyền Thanh lắc đầu: "Dạ, nhà đó anh Quân cho mướn một phần, còn một phần anh ấy ở với bạn gái. Bà cụ phải đi ở nhà thuê...".
Tôi nghe mà không tin vào tai mình. Quân là một nhân viên năng nổ, nhiệt huyết, tận tụy. Tuy mới làm trợ lý cho tôi mấy tháng nhưng cậu ta đã chứng tỏ mình sinh ra là để làm công việc ấy. Cậu ta đọc được suy nghĩ của tôi, nhiều khi không cần ra lệnh thì mọi việc đã được thu xếp đâu vào đó.Ngoài công việc, Quân đặc biệt rất nhạy bén trong việc nắm bắt sở thích của sếp. Tôi muốn ăn gì, mặc gì, chơi gì, ở đâu... Quân đều hiểu ý và sắp xếp đâu ra đó, rất ít khi tôi phải nhắc nhở, có ý kiến.
Với tôi thì vậy, còn với các phó giám đốc của tôi, Quân cũng tận tình không kém. Nhà ai hữu sự, người đầu tiên có mặt chính là Quân. Cậu ta cắt đặt mọi thứ y như được lập trình sẵn, cứ cho dữ liệu vào, bấm nút là có một sản phẩm hoàn chỉnh.
Tôi nhớ cách nay khoảng 1 tháng, Quân xin nghỉ phép một tuần lễ để đưa mẹ đi du lịch nước ngoài. Dù khi đó công ty chuẩn bị tổ chức sự kiện quan trọng nhưng tôi vẫn đồng ý, thậm chí còn khuyến khích Quân nghỉ phép để đưa mẹ đi chơi. Sau khi ký vào đơn cho Quân, tôi còn nghĩ bà mẹ của Quân thật hạnh phúc khi có đứa con hiếu thảo như vậy.
Ấy thế mà những gì cô nhân viên phòng nhân sự nói ra đã làm đảo lộn mọi suy nghĩ của tôi về người trợ lý của mình. Tôi quyết định tự mình kiểm tra mọi việc. Không phải dễ để tìm được cái địa chỉ mà Huyền Thanh đưa cho tôi. Nó nằm trong một con hẻm nhỏ ở đường Phạm Thế Hiển. Tôi chạy xe máy, hỏi thăm cả tiếng đồng hồ mới tìm được đúng ngôi nhà cần tìm.
Bà cụ không mở cửa cho tôi dù tôi xưng là đồng nghiệp của con bà. Mãi một lát sau có một người phụ nữ trung niên xách cà mên cơm tới gọi thì bà cụ mới chịu mở cửa. “Bác làm ở chỗ cậu Quân à? Cậu ấy không tới đây đâu. Mỗi tháng tôi phải qua bên kia lấy tiền về để chợ búa, cơm nước cho bà già. 78 tuổi rồi, lúc nhớ, lúc quên, lúc vui, lúc buồn. Nhiều hôm bà già cứ ra trước cửa lẩm bẩm gọi tên con tới tối. Mỗi ngày tôi ghé qua hai lần để đem cơm và dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt cho bà già. Mỗi tháng cậu Quân trả cho tôi 2 triệu tiền công”- chị phụ nữ vừa kể, vừa đút cơm cho bà cụ.
Bà cụ nhai cơm trệu trạo, thỉnh thoảng lại cúi xuống lượm mấy hột cơm đổ bỏ vô miệng. Tôi hỏi: “Con trai bà ở bên kia với ai?”. Chị phụ nữ nhăn mặt: “Tôi cũng không biết. Nghe đâu là ở với một cô rất đẹp. Nghe nói cô chê bà cụ ở dơ, lãng tai, nói nhiều nên bảo cậu Quân cho bà ra ở riêng...’.
Tôi ra về mà cứ bị hình ảnh bà cụ ám ảnh. Hôm sau tôi gọi Quân lên hỏi: “Lúc này mẹ cậu khỏe không?”. Quân cười thật tươi: “Dạ, mẹ em khỏe lắm. Được đi du lịch nước ngoài, bà cụ rất phấn khởi”. Tôi giận sôi lên nhưng cố kềm chế: “Thật không?”. Quân lúng túng thấy rõ: “Sao cơ?”. Tôi đập bàn: “Cậu nói dối không biết ngượng mồm à? Cút đi cho khuất mắt tôi”.
Quân hơi bất ngờ trước cơn giận dữ của tôi nhưng cũng riu ríu đi ra. Tôi gọi trưởng phòng nhân sự lên: “Tìm cho tôi một người trợ lý khác thay thế cậu Quân”. “Có chuyện gì vậy sếp?”- trưởng phòng nhân sự ngơ ngác. Tôi kể mọi chuyện cho anh ta nghe và nói rằng mình không thể chấp nhận một kẻ bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu như vậy. Khá bất ngờ nhưng trưởng phòng nhân sự cũng đồng tình: “Đúng là chúng ta đã bị lừa. Một người mà với mẹ mình cũng không đối xử tốt thì có thể đối xử tốt với ai?”.
Thế nhưng cả hai chúng tôi nghĩ nát nước vẫn không tìm ra lý do để cho Quân nghỉ việc. Nếu nêu lý do cậu ta bất hiếu với mẹ thì chẳng ổn tí nào vì đó là việc riêng của nhân viên, công ty không có quyền can thiệp. Còn nếu như đùng đùng cho nghỉ việc thì với tính cách như vậy, chắc gì Quân để cho tôi yên?
Tôi muốn cho tay trợ lý của mình nghỉ việc nhưng đã mấy hôm rồi vẫn không tìm ra được lý do. Trưởng phòng nhân sự nói: “Tôi gợi ý cho cậu ta làm đơn xin nghỉ việc nhưng cậu ta nhất định không đồng ý”. Nếu thế thì tôi phải làm sao đây?
Lê Khoa
Kính chào Anh !
Em hiện nay 24 tuổi sống tại Huế. Em đã theo dõi các bài viết của anh từ lâu, và nhờ đó đã học hỏi rất nhiều điều. Các bài viết của anh em luôn đánh giá rất cao và nghiên cứu để học tập. Các tình huống anh phân tích rất chi tiết, trích dẫn đầy đủ và phù hợp.
Hiện em đang thuộc Bộ phận Nhân sự Hành chính của 1 Công ty cũng khá lớn. Tuy nhiên, công việc của em hiện nay chủ yếu là những công việc vật lý hằng này chứ chưa được tham gia vào giải quyết các tình huống về nhân sự, cho nên em luôn xem các tình huống và cách giải quyết của mọi người như là một kinh nghiệm làm việc thực tế có thể tương lai sẽ gặp.
Với tình huốn như trên, em muốn thử giải quyết với lượng kiến thức có hạn của mình, mong nhận được những đánh giá, nhận xét từ anh.
Mối quan hệ gia đình của người lao động được xem là vấn đề cá nhân, trong các trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ của Người sử dụng lao động trong Bộ Luật Lao động không quy định cụ thể. Nhưng xét đến các điều khoản trong Chương VIII – Kỷ Luật Lao Động có thể giải quyết được.
Điều 118. Kỷ luật lao động : Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động.
Và chắc chắn, trong Nội quy lao động của một đơn vị luôn có một điều khoản tương tự : “Không vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội …”. Và vấn đề bất hiếu chính là một trong những điểm lớn nhất của đạo đức xã hội.
Việc vi phạm Nội quy của Người lao động đặt biệt trong trường hợp nêu trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Công ty, lợi ích của Người sử dụng lao động.
Ngoài ra, Công ty cũng đề cao việc coi trọng cuộc sống gia đình của CBNV, có chính sách đối với người già khi tặng quà mừng thọ như lời tri ân đến họ cũng như CBNV đang công tác, tạo điều kiện cho CBNV thể hiện sự hiểu thảo.
Những hành động của Nhân viên đó đi ngược lại hoàn toàn với chính sách, nội quy của Công ty.
Tổng kết lại, Công ty có thể áp dụng mục 1 – Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
“1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô ……. có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của Người sử dụng lao động.”
Các bước thực hiện áp dụng hình thức kỷ luật sa thải thực hiện theo Điều 123 của Bộ Luật Lao động.
P/s : Ở một mặt khác em muốn hỏi là nếu trong trường hợp Nội quy lao động không quy định về vấn đề đạo đức xã hội (Điều 128) thì các hành vi đi ngược lại chính sách của Công ty có xử lý như vậy được không ?
Trân trọng !
Dương Phi.
Dear Lê Khoa
Nếu ở vị trí của anh, Tôi cũng sẽ rất tức giận và cho cậu Quân nghỉ việc ngay. Dù làm tốt công việc đến đâu, hiểu Sếp như thế nào nhưng lại bất hiếu với chính mẹ đẻ của mình thì không thể nào chấp nhận được, một người con để mẹ già như vậy phải sống một mình trong căn phòng trọ thì không thể có một tấm lòng vị tha, nhân ái với đồng nghiệp và với Sếp.
Vấn đề xử lý cậu này mình xin chia sẻ vơi Lê Khoa vài cách như sau:
1. Bố trí làm công việc khác
Anh có thể bố trí công việc khác cho Quân, giao cho cậu ta làm những công việc không thuộc chuyên môn. Vừa tận dụng được quyền vừa tạo tâm lý ức chế cho Quân vì bị điều làm cv khác và mức lương chỉ bằng 70% mức cũ –> Tôi nghĩ làm cùng lắm 1 tháng là tự động trên bàn Lê Khoa có 1 cái đơn nghỉ việc của Quân liền.
2. Dùng dư luận nội bộ để đành vào lòng tự trọng của Quân.
Cách này hơi xấu nhưng Quân đáng bị như vậy. Anh có thể gián tiếp cho một vài nhân viên tạo dựng 1 câu chuyện về việc Quân bạc đãi mẹ cho một số nhân viên công ty biết (nhớ là làm cho khóe, không thì mất danh dự Lê Khoa và tạo 1 thói quên không tốt cho văn hóa công ty. Anh nên nhờ TP. Nhân sự làm việc này vì NV của P.NS cũng đã biết việc này trước anh mà.
3. Song song với hai việc trên anh yêu cầu TP.NS tuyển ngay 1 trợ lý mới cho mình liền, Khi có trợ lý mới vào cũng là một lời chấm hết cho cơ hội quy về vị trí cũ của Quân. Khẳng định anh không thể tha thứ và dung túng cho Quân về việc bạc đãi mẹ đẻ.
4. Cuối cùng, anh nên dành thời gian trao đổi với Quân về chữ “hiếu” của một con người, phân tích cho câu ta hiểu được luân thường đạo lý của phân làm con, nếu câu ấy làm cha mẹ thì con của cậu ấy đối đãi với chính cậu ấy như vậy thì cậu ấy có đau lòng không.
Với tôi, ngoài tạo ra công văn việc làm cho nhân viên của mình thì mình còn có trách nhiệm uốn nắn, dẫn dắt NV của mình đến chân, thiện, mỹ. Đó mới chính là 1 ông chủ DN đúng nghĩa về tài và đức.
Thân !
P/s: Hiện tại tôi chưa phải là chủ, vẫn đi làm thuê (TP.NS) nhưng quan điểm của tôi về một ông chủ DN là như vậy, hi.
cách của bạn trình xem ra ko tốt cho lắm, vì nếu muốn giảm thuyên chuyển và giảm lương thì lương mới ít nhất phải bằng 85% lương cũ .
vả lại Gđ cũng đang rất bất mãn với NV trên, liệu ông có muốn dành thời giang đạo ko. cũng lưu ý là nếu việc dùng dư luận gây áp lực làm ko khéo ( tức là để cho nv này biết) thì sẽ làm hại cả công ty, vì một Nv có trình độ khi đã muốn phá thì rất ghê gớm
Khoái câu trả lời của bạn Trình vì có cái lý và cái tình trong đó (mặc dù có một vài chỗ chưa phù hợp với quy định PL). Tuy nhiên nếu là HR Manager Em sẽ đảo cách xử lý thế này:
Bước 1:
Trực tiếp có một buổi làm việc với Quân để nắm rõ lại vấn đề (vì bác GĐ cũng đã để cậu ta giải thích/giải trình gì đâu). Qua buổi làm việc này cộng với việc tập hợp những thông tin khác (đồng nghiệp, bạn bè,… kể cả trường hợp cần có thể vi hành một chuyến như bác GĐ kia) từ đó đánh giá xem cậu Quân này có sửa đổi được không. Nếu có thể “cải tạo, sửa chữa” thì tiếp sang Bước 2, còn nếu nhận định không có uẩn khúc gì và cậu này khó mà thay đổi tính cách thì nhảy qua Bước 3.
Bước 2:
Có một buổi làm việc với bác GĐ, giải tích thêm về những uẩn khúc mà bác GĐ chưa nắm hết, đưa ra những cơ sở để bác GĐ có cái nhìn toàn diện và thấy được rằng cậu Quân này còn sẽ khắc phục được những lỗi lầm trước đó, vân vân và vân vân…. (có thể bố trí thêm một cuộc gặp mặt để cậu Quân này giải trình với sếp).
Bước 3:
Khi có đủ cơ sở xác định cậu Quân này thực sự là thứ bội bạc bất hiếu và không có khả năng cải tạo (dừng loại này sếp bị gãy ghế lúc nào chả hay) thì triệu tập cậu ta lên trao đổi thẳng rằng công ty này không thiếu cách để cậu ta nghỉ việc, mà có khi còn phải nghỉ việc trong ê chề nhục nhã và viện dẫn cho cậu ta một vài ví dụ (ví dụ như vẫn để cậu ta làm việc nhưng chẳng giao việc gì sất, bên cạnh đó loan tin cho mọi người trong công ty, bạn bè biết cậu ta là kẻ bất hiếu như nào,… thử tưởng tượng ngày nào cũng vác cặp lên công ty mà chẳng phải làm việc gì, đồng nghiệp thì xì xầm to nhỏ về sự bất hiếu của cậu ta, nhìn cậu ta với một ánh mắt ghẻ lạnh thì ôi thôi. Với kiểu người coi trọng hình thức và có vẻ thích xu nịnh thì chắc chưa tới 1 tuần là viết đơn xin nghỉ ngay). Em dám chắc cậu Quân này sẽ cup đuôi xin nghỉ sớm để bảo toàn danh dự.
Bài này nếu bác nào làm nhân sự lâu năm và nắm luật nữa thì Em nghĩ chả thiếu gì cách.
Nói rông nói dài nhưng mục đích của Em là:
Cho cậu Quân một cơ hội sửa chữa (nếu có thể) vì nếu được như thế thì có mấy cái lợi sau: (i) tốt cho công ty (cậu ta làm được việc như vậy còn gì); (ii) tốt cho cậu ta (bỏ một người thì dễ, giúp họ thay đổi, hoàn thiện mình hơn mới khó) và (iii) tốt cho mẹ cậu ta (nếu cậu ta sửa chữa là một người con tốt thì bà mẹ là người may mắn nhất còn gì).
P/S: Bác nào có cô người yêu như bạn gái cậu Quân thì đá đít ngay.
(Ờ mà sao bác Kính cận chưa thấy có ý kiến gì nhỉ?)
ko cần đâu bạn .bạn cứ đuổi tên đó với lý do nghĩ ko đúng lý do ghi trong đơn gây thiệt hại cho công ty
Dear Anh/chị
Theo ý kiến cá nhân em thì việc đuổi Quân là 1 điều cực kỳ dễ dàng cái chính là làm cho Quân hiểu ra vấn đề và hành động của mình. Thực tế Quân có một cô bạn gái đẹp và cô ta chê mẹ Quân thế này thế nọ và Quân đưa mẹ ra ở riêng chỉ vì quan tâm đến cô bạn gái mà Quân quên đi mình là một đứa con. Người xếp cần nói chuyện riêng vs Quân và làm cho Quân hiểu rõ vấn đề. Em thấy Quân không phải người xấu cách cư xử của cậu ấy vs mọi người rất tốt chỉ cần làm cho cậu ấy hiểu ra mình đang là ai thì mọi thứ sẽ ổn cả thôi và người xếp đó nói chuyện vs cậu ấy sẽ hợp lý hơn khi trưởng phòng nhân sự nói chuyện với Quân. Lúc đó nói đuổi việc cậu ý cũng chưa muộn hơn là ngồi dựa vào luật theo điều này điều kia cũng chẳng giải quyết được gì.
Ý kiến cá nhân của em là thế mọi người thấy thế nào xin mọi người đóng góp ý kiến. Xin cảm ơn!
Đọc xong thư, tôi có nhớ tới một chia sẻ khá lâu trên FB với tựa đề : ” nếu tôi làm Bồ Tát”
Và điều hơi bất ngờ là sau khi đọc phần giải thích, tôi tự thấy ngay cái suy nghĩ của mình còn hẹp hòi.
Trở lại câu chuyện trên, tôi có vài suy nghĩ như sau:
– Nên tách chuyện cá nhân gia đình ra khỏi công việc cty.
– Nếu sau này lại phát hiện ra ( hoặc tuyển n/v khác ) vài n/v bất hiếu tương tự thì sao.
– Nếu n/v này bất hiếu đủ lâu, thì theo Nhân Quả sẽ tới lúc họ sẽ có những thay đổi tiêu cực.
Vì tôi không trong đội ngũ n/v công ty nên tôi chỉ chia sẻ như vậy.
Trân trọng !