Phương pháp so sánh cặp là gì và có mấy loại?

Đã làm quản trị nhân sự và đi sâu vào xây hệ thống chính sách, nhất là đi sâu vào các hoạt động đánh giá hẳn chúng ta sẽ quen với thuật ngữ: "phương pháp so sánh cặp". Vậy đây là phương pháp gì?

Thực ra tôi cũng không định viết bài này. Tôi cứ tưởng phương pháp này là hiển nhiên, ai cũng biết. Nhưng hôm trước có chị hỏi trong lớp học hướng dẫn xây dựng Hệ thống Quản trị Nhân sự 3Ps. Cái khúc chị hỏi là ở đoạn xác định mức độ quan trọng giữa 4 khía cạnh cân bằng Tài chính - Khách hàng - Nội bộ - Phát triển trong Bản đồ chiến lược. Lúc đầu tôi hướng dẫn mọi người sử dụng phương pháp chuyên gia. Nói nôm là "bốc thuốc", sử dụng cảm tính của CEO để ra quyết định xem mỗi khía cạnh được bao nhiêu % trong tổng 100%. Để bớt cảm tính hơn, tôi tiếp tục hướng dẫn mọi người sử dụng phương pháp hội đồng chuyên gia. Tức là để hội đồng chiến lược giả định cùng cho điểm rồi tính trung bình. Sau cùng tôi dẫn các học viên đến sử dụng phương pháp so sánh cặp để việc so sánh bớt cảm tính và logic hơn. Tôi làm giống như trong bài: Trọng số 4 viễn cảnh trong BSC (Thẻ điểm cân bằng) bao nhiêu là đẹp?

Câu hỏi của chị là: Tại sao điểm so sánh lại là 3, 2 ,1 khi:
- Dòng quan trọng hơn cột 3
- Dong quan trọng bằng cột 2
- Dòng quan trọng kém hơn cột 1

Câu hỏi của chị hay quá và tôi phải viết ngay bài này để ghi nhớ.

Đầu tiên chúng ta sẽ quay trở lại với câu hỏi ở phần đầu: Phương pháp so sánh cặp là gì?

Phương pháp so sánh cặp là phương pháp để đánh giá mức độ quan trọng (sự hơn kém) giữa các yếu tố (con người, sự vật, hiện tượng) thông qua việc mang từng yếu tố một ra so sánh với yếu tố khác. Tùy vào sự hơn kém, các yếu tố sẽ được gán (cho) điểm nhất định. Căn cứ dùng để đánh giá sự hơn kém thường dùng là cảm tính.

Phương pháp so sánh cặp hiện tại có nguyên tắc cho điểm với các biến thể sau:
Biến thể 1:
- Quan trọng hơn: 3 điểm
- Quan trọng bằng: 2 điểm
- Quan trọng kém hơn: 1 điểm

Biến thể này tôi hay dùng và ảnh minh họa giống như ở trên.

Biến thể 2:
- Tốt hơn hẳn sẽ đựơc: 4 điểm
- Tốt hơn sẽ được: 3 điểm
- Ngang nhau sẽ đều được: 2 điểm
- Yếu hơn sẽ được: 1 điểm
- Yếu hơn hẳn sẽ được: 0 điểm

Biến thể 3:
- Nếu hơn được 2 điểm
- Nếu ngang nhau thì cho 1 điểm.
- Nếu kém hơn thì nhận 0 điểm

Phương pháp so sánh cặp này, như đã nói ở trên do dùng cảm tính nên:
- Khó thực hiện khi có từ 10 – 15 nhân viên, vì lúc đó số cặp so sánh quá nhiều làm cho việc so sánh trở nên khó khăn.
- Việc sắp xếp cũng rất nhạy cảm với các sai lầm trong đánh giá do chỉ tiêu về hiệu quả công việc ít khi được xác định rõ ràng (cảm tính).

Nguồn gốc của 3 biến thể này như nào thì hiện tại tôi cũng chưa biết. Trong một lần trao đổi trên mạng xã hội facebook, tôi được người bạn có tiếng trong giới Marketing là Nguyễn Tú chia sẻ rằng anh ý đi du học thấy người Anh hay dùng biến thể 3 còn người Đức dùng biến thể 1.

Giờ quay trở lại câu hỏi: Tại sao lạ có điểm so sánh như các biến thể trên? Thú thực là tôi chưa có câu trả lời. Tôi thấy các chuyên gia dùng vậy nên dùng theo. Tôi sẽ lưu câu hỏi này lại và sẽ cập nhật khi tìm được câu trả lời.

Ngoài ra chị học viên còn hỏi: Tại sao mình không dùng điểm: Thắng: 3, Hòa: 1, Thua: 0 như trong bóng đá? Vì bóng đá cũng là so sánh cặp - đối kháng. Câu hỏi này cũng hay. Sau đó tôi được một anh học viên khác chia sẻ link youtube giải thích tại sao bóng đá có luật điểm như vậy. Nguồn gốc là như sau: Ngày xưa bóng đá ở Anh dùng luật điểm: Thắng 2, Hòa 1, Thua 0. Sau đó, các đội bóng suốt ngày thủ hòa để lấy 1 điểm nên luật bóng đá Anh thay đổi bàng cách tăng thêm 1 điểm cho đội thắng để kích thích các đội chiến thắng. Một thời gian sau, FiFa ban hành luật áp dụng cách tính điểm này cho nền bóng đá toàn thế giới.

Liệu anh chị em có biết tại sao lại ra số điểm đó không nhỉ?

Nguyễn Hùng Cường (mr Kinhcan24)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *