Bản án tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải

Đây là bản án lao động về tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải. Anh chị em đọc tham khảo đường đi nước bước nhé.

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Quyết định giám đốc thẩm
Số: 01/2025/LĐ-GĐT
Ngày: 11/3/2025
“V/v tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải”

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

NHÂN DANH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ỦY BAN THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Với thành phần Hội đồng xét xử giám đốc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Đức Xuân
Các Thẩm phán: Bà Trần Thị Thu Thủy
Ông Trần Văn Mười
Thư ký phiên tòa: Ông Nguyễn Đức Thiện - Thẩm tra viên.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa: Ông Nguyễn Đình Nam - Kiểm sát viên.
Ngày 11 tháng 3 năm 2025, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về “Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải” giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Phạm Bá T, sinh năm 1976. Địa chỉ: Số * đường 12, Ấp *, xã TT, huyện CH, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Bị đơn: Công ty TNHH I Việt Nam. Địa chỉ: Lô ** Khu chế xuất và công nghiệp LT, phường TA, thị xã BT, tỉnh Tây Ninh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án của nguyên đơn là ông Phạm Bá T trình bày: Ông ký hợp đồng lao động, làm việc cho Công ty TNHH I Việt Nam kể từ ngày 02/3/2009. Đến ngày 02/5/2011 thì ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Đến ngày 02/01/2020 thì ông được tăng lương với mức lương tổng cộng là 29.370.000đ/tháng.

Ngày 03/8/2020, Công ty ra quyết định số 3/8/2020/QĐ điều chuyển vị trí công tác đối với ông từ vị trí Giám đốc sang vị trí nhân viên xưởng. Do ông có khiếu nại, nên ngày 27/8/2020, Công ty ra quyết định số 27/8/2020/QĐ giải quyết khiếu nại của ông, thu hồi quyết định số 3/8/2020/QĐ đồng thời tạm đình chỉ công việc của ông trong thời hạn 30 ngày (việc tạm đình chỉ này không có tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở). Ngày 30/9/2020, Công ty thông báo cho ông quay lại làm việc kể từ ngày 06/10/2020. Tuy nhiên, vào ngày 06/10/2020, khi ông đến Công ty để làm việc thì Công ty sắp xếp cho ông ngồi vào trong một căn phòng trưng bày (không phải phòng làm việc), trong phòng có một bộ bàn ghế, chỉ có một mình ông, toàn bộ thiết bị điện đều không được bật, có nhân viên bảo vệ canh giữ bên ngoài cửa, ông bị buộc phải ngồi tại chỗ không được ra khỏi phòng cho đến khi hết giờ làm. Khi ông sử dụng điện thoại di động và máy tính cá nhân thì bị lập biên bản là sử dụng điện thoại và máy tính với mục đích cá nhân trái với nội quy. Liên tiếp trong 03 ngày 06, 07, 08 tháng 10 năm 2020, ông đến Công ty đều bị Công ty ngược đãi như đã nêu trên. Do đó kể từ ngày 09/10/2020 thì ông không đến công ty nữa.

Đến ngày 28/10/2020 thì Công ty họp xét kỷ luật sa thải ông và ngày 01/11/2020, Công ty ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động số 10-9/2020/QĐ kỷ luật sa thải đối với ông, với lý do là “tự ý nghỉ việc từ ngày 13 tháng 10 năm 2020 đến ngày 27 tháng 10 năm 2020, không có lý do chính đáng”. Ông khởi kiện yêu cầu tuyên bố quyết định xử lý kỷ luật lao động số 10-9/2020/QĐ ngày 01/11/2020 là trái pháp luật, và yêu cầu bồi thường các khoản bao gồm: tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, BHYT, bồi thường danh dự…tổng cộng số tiền 862.431.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn trình bày:
Bị đơn xác nhận về thời gian làm việc của ông T tại Công ty, mức lương, công việc phải làm đúng như ông T đã trình bày. Riêng về vấn đề chức vụ của ông T theo phụ lục hợp đồng năm 2018 là chức vụ Phó giám đốc chứ không phải giám đốc, và phụ lục hợp đồng năm 2020 thì không còn chức danh Phó giám đốc nữa và bộ phận làm việc là quản lý sản xuất.

Về thời gian ông T nghỉ việc theo như lời ông T trình bày là đúng. Lý do Công ty cho ông T nghỉ việc là do ông T vi phạm nội quy lao động là tự ý nghỉ việc quá 05 ngày/tháng, cụ thể ông T đã nghỉ từ ngày 09/10/2020 đến ngày 27/10/2020. Do đó, ngày 28/10/2020 Công ty họp xét kỷ luật sa thải đối với ông T. Về chế độ thanh toán cho ông T đã được Công ty giải quyết đúng theo quy định pháp luật.

Đối với việc ông T cho rằng Công ty có hành vi giam giữ, ngược đãi ông T thì không đúng sự thật. Khi ông T đến Công ty thì Công ty vẫn bố trí phòng làm việc nhưng chưa giao việc cho ông T vì ông T đã nghỉ làm một khoảng thời gian trước đó (do bị tạm đình chỉ công tác). Trong 02 ngày quay lại làm việc thì ông T tự ý sử dụng điện thoại và máy vi tính với mục đích cá nhân, trái với nội quy. Tự ý đi ra ngoài gặp Công an thị xã BT giải quyết việc riêng nhưng không có thư mời. Những việc này Công ty đều có lập biên bản ghi nhận và có xác nhận của ông T.

Công ty khẳng định việc kỷ luật sa thải ông T là đúng quy định pháp luật về cả hình thức và nội dung. Sau khi sa thải thì Công ty đã thực hiện đầy đủ các chế độ theo thỏa thuận hợp đồng và theo quy định pháp luật. Do đó, Công ty không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông T.

Tại Bản án Lao động sơ thẩm số 02/2022/LĐ-ST ngày 06/6/2022 của Tòa án nhân dân thị xã BT, tỉnh Tây Ninh quyết định: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Bá T. Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 17/6/2022, ông Phạm Bá T kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm. Tại Bản án Lao động phúc thẩm số 04/2022/LĐ-PT ngày 31/8/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Bá T. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại Quyết định số 01/2024/KN-LĐ ngày 25/12/2024, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm, hủy cả hai Bản án dân sự phúc thẩm và Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên để giải quyết lại.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Căn cứ quyết định số 553/QĐ-CĐKKT ngày 07/5/2020 (BL 325) của Ban Chấp hành công đoàn khu kinh tế tỉnh Tây Ninh về việc kéo dài thời gian hoạt động của Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Công đoàn cơ sở Công ty TNHH I Việt Nam khóa III nhiệm kỳ 2015-2020 đến năm 2022. Theo đó, ông Phạm Bá T là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH I Việt Nam cho đến năm 2022. Như vậy, theo quy định tại khoản 7 Điều 192 của Bộ luật lao động năm 2012 thì việc kỷ luật sa thải đối với ông T phải được thỏa thuận bằng văn bản với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, nhưng Công ty không thực hiện việc này, không có văn bản thỏa thuận với công đoàn cơ sở, là trái quy định pháp luật.

[2] Căn cứ biên bản đối chất do Tòa án nhân dân thị xã BT lập ngày 24/3/2022 (BL 200-204), người đại diện của Công ty TNHH I Việt Nam cho rằng việc điều chuyển vị trí của ông T theo quyết định số 3/8/2020/QĐ ngày 03/8/2020 không phải là kỷ luật ông T, đồng thời cũng thừa nhận “…không có họp xét kỷ luật ông T do thời điểm đó chưa có căn cứ ông T vi phạm…”, cũng tại biên bản này, người đại diện Công ty thừa nhận “khi quyết định tạm đình chỉ công việc của ông T, công ty chỉ thông báo với công đoàn công ty chứ không có lập biên bản trao đổi lao động tập thể hay biên bản trao đổi với ban chấp hành công đoàn”. Như trên có thể thấy, Công ty ra quyết định số 3/8/2020/QĐ điều chuyển vị trí công tác đối với ông T từ vị trí Giám đốc sang vị trí nhân viên xưởng, thực chất đây là việc cách chức, nhưng Công ty cố tình lách luật, không làm theo đúng quy định pháp luật (quy định tại Điều 123 và 125 của Bộ luật lao động năm 2012) về quy trình xử lý kỷ luật trong việc cách chức ông T.

Sau khi ông T có khiếu nại thì đến ngày 27/8/2020, Công ty ra quyết định số 27/8/2020/QĐ giải quyết khiếu nại của ông T, thu hồi quyết định số 3/8/2020/QĐ đồng thời tạm đình chỉ công việc của ông T trong thời hạn 30 ngày, Công ty cũng thừa nhận không có tham khảo ý kiến Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Như vậy, Công ty đã không thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 129 Bộ luật lao động năm 2012 “…việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

[3] Đối với việc ông T cho rằng đã bị Công ty ngược đãi trong thời gian từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 10 năm 2020. Căn cứ vào báo cáo không số ngày 22/10/2020 của Công đoàn Công ty TNHH I Việt Nam về việc chủ doanh nghiệp có hành vi áp bức, chèn ép người lao động và vi phạm pháp luật (BL 332-336); Công văn số 1443/CĐKKT ngày 10/11/2020 của Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh về việc yêu cầu Công ty chấm dứt hành vi trái quy định của pháp luật đối với người lao động (BL 330, 331); báo cáo không số ngày 08/01/2021 của Công đoàn Công ty TNHH I Việt Nam về việc kỷ luật lao động của Công ty TNHH I Việt Nam đối với ông Phạm Bá T; Công văn số 3021/LĐLĐ ngày 25/7/2022 của Liên đoàn lao động tỉnh Tây Ninh về việc xem xét bản án số 02/2022/LĐ-ST; các video clip do ông T tự quay làm chứng cứ, cùng với lời khai của những người làm chứng gồm: bà Huỳnh Thị Bé G (Nguyên quản lý nhân sự kiêm Phó chủ tịch Công đoàn của Công ty I Việt Nam), ông Nguyễn Hữu Đ (Nguyên Quản lý sản xuất kiêm Chủ tịch công đoàn của Công ty I Việt Nam), bà Hà Thanh T1 (Nguyên Tổ trưởng quản lý sản xuất của Công ty I Việt Nam), bà Nguyễn Thị Hồng T2 (Nguyên Tổ trưởng bộ phận may 1 của Công ty I Việt Nam). Có đủ cơ sở kết luận, việc Công ty TNHH I Việt Nam có hành vi chèn ép, ngược đãi ông Phạm Bá T là đúng sự thật. Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 8 của Bộ luật lao động năm 2012 về cấm ngược đãi người lao động.

[4] Từ những sai phạm nêu trên của Công ty TNHH I Việt Nam, việc Công ty ra quyết định xử lý kỷ luật lao động số 10-9/2020/QĐ kỷ luật sa thải đối với ông T là trái quy định pháp luật. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có căn cứ chấp nhận toàn bộ Quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ Điều 325; Điều 337; Điều 342 và Điều 343 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 01/2024/KN-LĐ ngày 25/12/2024 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Hủy Bản án Lao động phúc thẩm số 04/2022/LĐ-PT ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh và hủy Bản án Lao động sơ thẩm số 02/2022/LĐ-ST ngày 06/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện BT, tỉnh Tây Ninh. Giao hồ sơ về cho Tòa án nhân dân huyện BT, tỉnh Tây Ninh giải quyết lại vụ án theo quy định pháp luật.
3. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

TM. ỦY BAN THẨM PHÁN
THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

Tái bút 26/4/25:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *