Phụ nữ đẹp vốn thu hút sự chú ý và quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều này không hoàn toàn là lợi thế với phụ nữ muốn thăng tiến trong sự nghiệp.
Đẹp có tốt?
Friedrich Schiller, nhà thơ người Đức, từng viết: “Vẻ đẹp thể chất là dấu hiệu của vẻ đẹp nội tâm, một vẻ đẹp tinh thần và đạo đức...”. Khoảng 50 năm trước, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng những người đẹp thường được gán cho các đặc điểm tính cách tích cực.
“Đẹp thì tốt”, trích kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong một bài báo trên Tạp chí Tâm lý học Nhân cách và Xã hội năm 1972. Họ thực hiện một thí nghiệm trong đó người tham gia được xem ảnh của những người có ngoại hình hấp dẫn, trung bình và kém hấp dẫn. Các đối tượng được yêu cầu sử dụng thang điểm từ 1 đến 6 để đánh giá những người trong ảnh về một loạt 27 đặc điểm tính cách khác nhau. Kết quả rất rõ ràng: Những người có ngoại hình hấp dẫn hơn được gán cho nhiều đặc điểm tính cách tích cực hơn so với những người kém hấp dẫn.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, vào năm 1979, các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) đã có một phát hiện quan trọng. Điều này được báo cáo trong bài viết “Khi vẻ đẹp trở nên xấu xí: Ảnh hưởng của ngoại hình và giới tính đối với đánh giá của ứng viên xin việc quản lý và không quản lý”. Các nhà nghiên cứu này đã thiết kế và thực hiện một thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết rằng, vẻ hấp dẫn về thể chất luôn là một lợi thế trong môi trường kinh doanh.
Theo Forbes, các nhà nghiên cứu đã đưa cho người tham gia thử nghiệm các đơn xin việc từ những ứng viên có trình độ tương đương - nhưng với các bức ảnh rất khác nhau đính kèm vào mỗi đơn. Một nửa bao gồm các bức ảnh chân dung của các ứng viên có ngoại hình hấp dẫn, nửa còn lại có hình ảnh của các ứng viên kém hấp dẫn. Ngoài điều này, không có sự khác biệt nào giữa các đơn xin việc hoặc ứng viên.
Không giống như thí nghiệm được mô tả ở trên, các nhà nghiên cứu đã thêm một biến số vào thí nghiệm của họ: Họ mô tả công việc đầu tiên là một vị trí có mức lương trung bình ở cấp độ 8 trong hệ thống phân thành 21 cấp của một công ty lớn. Công việc thứ hai là một vị trí có quyền quyết định cao và được trả lương rất cao ở cấp độ 16 trong hệ thống 21 cấp.
Kết quả rất thú vị. Đối với các ứng viên nam, ngoại hình đẹp là một lợi thế rõ ràng khi nói đến công việc quản lý: 43,5% đối tượng thử nghiệm cho rằng ứng viên nam hấp dẫn hơn phù hợp với vị trí cao nhất. Trong khi chỉ có 13% người tham gia thí nghiệm nói điều tương tự về ứng viên nam kém hấp dẫn.
Ngược lại, đối với phụ nữ: 30,5% đối tượng thử nghiệm đánh giá ứng viên nữ kém hấp dẫn cao nhất cho công việc quản lý, trong khi chỉ có 13% chọn ứng viên nữ hấp dẫn. Tình huống hoàn toàn ngược lại khi nói đến đơn ứng tuyển cho vị trí không có trách nhiệm quản lý.
Trong trường hợp này, 47% đối tượng thử nghiệm ưa thích ứng viên nữ có ngoại hình hấp dẫn hơn, so với 16% chọn ứng viên kém hấp dẫn hơn.
“Dữ liệu này cho thấy rõ ràng rằng, liệu sự hấp dẫn có trở thành một lợi thế hay trở ngại đối với ứng viên xin việc hay không, điều đó còn phụ thuộc vào giới tính của ứng viên và bản chất của công việc mà họ tìm kiếm. Trong khi ngoại hình hấp dẫn liên tục chứng tỏ là một lợi thế cho các ứng viên nam tìm kiếm các vị trí lãnh đạo trong văn phòng, vẻ ngoài xinh đẹp lại chỉ là một lợi thế cho các ứng viên nữ khi vị trí đó không phải là cấp quản lý”, các nhà nghiên cứu kết luận.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự phân biệt này dựa trên thực tế các vị trí quản lý được liên kết với các đặc điểm “nam tính”, hơn là tính nữ của phái đẹp. Kết quả là, các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng phụ nữ đang định hướng phấn đấu trong sự nghiệp nên nhận thức về sức mạnh của ấn tượng đầu tiên trong quá trình xin việc.
“Phát hiện này đáng buồn ngụ ý rằng phụ nữ nên cố gắng xuất hiện trong bộ dạng càng kém hấp dẫn và càng nam tính càng tốt nếu họ muốn thành công, thăng tiến sự nghiệp bằng cách ứng tuyển vào các vị trí quyền lực”, báo cáo chỉ ra.
Khi đẹp là điểm bất lợi
Trong một nghiên cứu năm 2019, hai nhà nghiên cứu người Mỹ - Leah D. Sheppard (Đại học Bang Washington) và Stefanie K. Johnson (Đại học Colorado Boulder) cũng kết luận rằng đối với phụ nữ trong kinh doanh, vẻ đẹp là một bất lợi. Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu này đưa ra những lý do khác nhau để giải thích tác động tiêu cực của sự hấp dẫn đối với sự nghiệp của phụ nữ.
Họ đã tiến hành 6 thí nghiệm khác nhau để kiểm tra xem liệu mọi người có xu hướng tin tưởng các nữ lãnh đạo công ty có ngoại hình hấp dẫn hơn so với những người kém hấp dẫn khi họ thông báo tin tức tích cực hoặc tiêu cực về tổ chức hay không. Nhưng bất kể tin tức là gì, định kiến đối với phụ nữ đẹp vẫn tồn tại.
Theo cuốn sách “Người giàu trong quan điểm công chúng”, khi mọi người đánh giá người khác vượt trội hơn họ trong một lĩnh vực, họ sẽ trừ điểm của đối phương ở các lĩnh vực khác. Chiến lược này cho phép người kém hơn duy trì lòng tự trọng của mình và xác định các lĩnh vực mà họ có thể cảm thấy ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn người có điểm vượt trội. Đây là lý do người giàu bị đánh giá là có xu hướng làm điều trái đạo đức. Có lẽ điều này cũng tương tự hoặc rất giống với phụ nữ có ngoại hình hấp dẫn.
Bất kể trong lĩnh vực nào, một người giàu có, thông minh và hấp dẫn sẽ gây ra cảm giác ghen tị và tự ti ở một số người không giàu, không thông minh hoặc không đẹp bằng. Những cảm giác tự ti này sau đó được bù đắp bằng cách gán các đặc điểm tiêu cực cho người vượt trội trong các lĩnh vực khác (thường là về mặt đạo đức), chẳng hạn như “ích kỷ”, hoặc “lạnh lùng”.
Dù vậy, nhà nghiên cứu Johnson cho biết người đẹp vẫn có lợi thế đáng kể trong công việc. Họ có xu hướng nhận được mức lương cao hơn, được nhận xét về hiệu suất công việc tốt hơn, tỉ lệ nhập học vào đại học cao hơn, nhận đánh giá tốt khi tranh cử và phán quyết thuận lợi hơn trong các phiên tòa.
Thanh Yên | Lao Động cuối tuần