Lâu lâu xin gửi cả nhà bài viết update luật. Đây là bài viết từ tháng 9 năm 2023 được viết trên báo Người lao động nói về tình huống "Công ty có quyền không tái kí trong vòng 30 ngày sau khi đến ngày hết hạn hợp đồng". Tình huống này đã được tòa chấp nhận.
Xin mời anh chị em cùng đọc bài báo!
***
Điều 20 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định khi hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn hết hạn mà người lao động (NLĐ) vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày HĐLĐ hết hạn), hai bên phải ký kết HĐLĐ mới. Nếu hết thời hạn trên mà hai bên không ký kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ xác định thời hạn đã giao kết sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Quy định này đang có cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ), từ đó phát sinh tranh chấp.
Lấn cấn quy định 30 ngày
Điển hình là vụ kéo nhau ra tòa giữa ông L.N.H và một công ty chuyên sản xuất dây cáp điện tại tỉnh Long An xảy ra cách đây không lâu. Ông H. đã cùng công ty ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm, từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022. Khi hết hạn HĐLĐ, công ty không ký HĐLĐ mới và ông H. tiếp tục làm việc tại công ty. Đến ngày 15-10-2022, công ty thông báo không tái ký HĐLĐ và không cho ông H. vào làm việc.
Người lao động viết đơn khởi kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi
Ông H. cho rằng khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, công ty không ký HĐLĐ mới nên HĐLĐ của ông đương nhiên được chuyển thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Vậy nên, việc công ty cho ông nghỉ việc là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật. Ông H. khởi kiện ra tòa yêu cầu công ty nhận lại làm việc và bồi thường các khoản theo luật định.
Tuy nhiên, phía công ty khẳng định rằng việc chấm dứt HĐLĐ với ông H. là đúng quy định vì có thông báo và thời gian chấm dứt cũng nằm trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn. "Thời gian 30 ngày theo luật định là để công ty xem xét có nên ký tiếp HĐLĐ với ông H. hay không. Do không có nhu cầu tiếp tục sử dụng nên công ty chấm dứt HĐLĐ với ông H." - đại diện công ty nói.
Vụ tranh chấp lao động giữa ông V.D.H, chuyên viên quan hệ khách hàng và một ngân hàng thương mại ở quận Bình Thạnh, TP HCM kéo dài hơn 5 năm cũng liên quan đến quy định trên. Trước đó, ông H. đã ký 2 lần HĐLĐ xác định thời hạn với ngân hàng. HĐLĐ sau cùng có thời hạn 36 tháng, từ ngày 1-12-2014 đến 30-11-2017. Sau khi hết hạn HĐLĐ, ông H. tiếp tục làm việc tại ngân hàng cho đến ngày 5-12-2017 thì nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ. Không đồng tình với quyết định này, ông H. khởi kiện ra tòa yêu cầu ngân hàng bồi thường với tổng số tiền 900 triệu đồng.
Cả 2 vụ việc nêu trên đã được TAND tỉnh Long An và TAND quận Bình Thạnh, TP HCM đưa ra xét xử và có kết luận giống nhau. Đó là thời hạn 30 ngày sau khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn là thời gian để NSDLĐ xem xét có tái ký HĐLĐ với NLĐ hay không chứ không phải là khoảng thời gian đương nhiên xác lập HĐLĐ không xác định thời hạn nếu không NSDLĐ không thực hiện ký kết HĐLĐ trong thời gian này. Từ đó, tòa bác yêu cầu khởi kiện của NLĐ.
Bài và ảnh: HƯƠNG HUYỀN - Báo Người Lao Động Điện Tử
26/09/2023 06:44