Có rất nhiều phương pháp được sử dụng để đánh giá giá trị công việc như Hay của Haygroup, IPE của Mercer, Job Levelling của Willis Towers Watson… Đây là những phương pháp chấm điểm (point-factor) nổi bật và nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo doanh nghiệp. Trong bài viết này, cùng Blognhansu tìm hiểu về phương pháp IPE của Mercer nhé!
Phương pháp đánh giá giá trị công việc IPE là gì?
IPE hay International Position Evaluation là phương pháp đánh giá giá trị công việc dựa trên các yếu tố và khía cạnh liên quan đến hoạt động kinh doanh đại diện cho những thuộc tính cốt lõi của vị trí công việc. Việc ứng dụng IPE sẽ mang lại cho tổ chức một cấu trúc cấp bậc chức danh dựa trên giá trị của các vị trí chức danh đối với doanh nghiệp đó.
Quy trình đánh giá theo phương pháp IPE đơn giản và tập trung vào cơ cấu tổ chức. Mô hình hoạt động thông qua 5 yếu tố trọng yếu: Impact – Sự tác động, Communication – Sự giao tiếp, Innovation – Sự sáng tạo, Knowledge – Kiến thức và Risk – Rủi ro.
Lợi ích của phương pháp đánh giá giá trị công việc IPE
Tại sao phương pháp IPE của Mercer trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu? Đó là bởi vì sự nhất quán, khách quan, công bằng và luôn có sẵn sự tham chiếu với dữ liệu toàn thế giới.
IPE được gắn với dữ liệu chi trả lương theo thị trường trong hơn 250 cuộc khảo sát về lương thưởng của Mercer. Đồng thời, phương pháp này cung cấp mối liên hệ giữa giá trị công việc bên trong và bên ngoài tổ chức. Không những thể hiện mức độ đóng góp của mỗi vị trí chức danh đối với doanh nghiệp mà còn đặt công việc đó trong tương quan toàn thị trường.
Nguyên tắc đánh giá giá trị công việc theo phương pháp đánh giá IPE
Dưới đây là một số nguyên tắc đánh giá giá trị công việc theo phương pháp IPE của Mercer:
1. Chất lượng mô tả công việc quyết định độ chính xác của kết quả đánh giá
Mô tả công việc là một trong những thông tin quan trọng nhất cho việc đánh giá giá trị công việc như phạm vi ảnh hưởng, phạm vi giao tiếp hay mức độ sáng tạo… 5 nguyên tắc xây dựng bản mô tả công việc hiệu quả cho doanh nghiệp bao gồm: chuẩn hóa vị trí chức danh; xác định mục tiêu công việc rõ ràng; mô tả công việc đầy đủ (đúng trọng tâm); khẳng định vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của vị trí công việc và tiêu chuẩn về năng lực cho từng vị trí công việc.
2. Đánh giá vị trí công việc không đánh giá người đảm nhận vị trí công việc
Thực ra, đây là một lỗi sai thường gặp của các công ty khi thực hiện đánh giá giá trị công việc. Người đánh giá sẽ có xu hướng nhìn và quan sát những gì mà người đảm nhận vị trí công việc thể hiện: đang làm những gì, tương tác với những ai trong và ngoài tổ chức, có năng lực về học vấn như thế nào… Những thông tin cá nhân này có thể dẫn đến những đánh giá chủ quan làm sai lệch kết quả đánh giá công việc.
Vì vậy, đánh giá giá trị công việc chỉ căn cứ trên các thông tin, dữ liệu hay khía cạnh thể hiện thuộc tính của vị trí chức danh và loại bỏ các yếu tố cá nhân liên quan.
5 yếu tố ảnh hưởng đến đánh giá giá trị công việc theo phương pháp IPE
Dưới đây là 5 yếu tố ảnh hưởng đến đánh giá giá trị công việc theo phương pháp IPE:
- Impact (Sự tác động): Xét đến tính chất của những tác động và mức độ đóng góp của một vị trí công việc trong phạm vi tác động của vị trí đó đối với tổ chức. Điểm của yếu tố này chiếm tỷ trọng cao nhất trong hệ thống đánh giá vị trí của Mercer IPE.
- Communication (Sự giao tiếp): Xét đến tính chất và phạm vi giao tiếp mà một vị trí phải thực hiện thường xuyên.
- Innovation (Sự sáng tạo): Xét đến mức độ sáng tạo cần thiết đối với vị trí và mức độ phức tạp của các vấn đề mà vị trí công việc này phải xử lý, thể hiện qua sự cải tiến sản phẩm, quy trình hay dịch vụ cũng như việc phát triển các ý tưởng, phương pháp, kỹ thuật, sản phẩm hay dịch vụ mới.
- Knowledge (Kiến thức): Xét đến mức độ yêu cầu về mặt kiến thức mà người nắm giữ vị trí công việc cần phải có để đạt được mục tiêu công việc và tạo ra giá trị, đồng thời xét đến bối cảnh và phạm vi áp dụng. Kiến thức có thể tích lũy qua đào tạo chính quy hoặc/và kinh nghiệm thực tiễn.
- Risk (Rủi ro): Xét đến mức độ tiếp xúc với rủi ro chấn thương tinh thần hay thể chất trong công việc và trong môi trường làm việc. Tuy nhiên, Mercer chỉ đánh giá yếu tố rủi ro đối với các vị trí có tính chất rủi ro rất cao mà không cho điểm nếu điều kiện và môi trường làm việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, trên thực tế, yếu tố rủi ro ít được đánh giá, thậm chí nhiều tài liệu không đề cập đến yếu tố này.
Quy trình đánh giá giá trị công việc theo phương pháp IPE
Quy trình đánh giá theo phương pháp Mercer IPE bao gồm 5 bước sau:
- Bước 1: Phân tích vị trí công việc
- Bước 2: Đánh giá giá trị công việc
- Bước 3: Thẩm định kết quả
- Bước 4: Hoàn chỉnh kết quả
- Bước 5: Ban hành và truyền thông
Lời kết
Đánh giá giá trị công việc theo phương pháp IPE của Mercer là một phương pháp đánh giá giá trị công việc thuộc nhóm Point - Factor, dựa trên 5 yếu tố: Sự tác động - Sự Giao tiếp - Sự sáng tạo - Kiến thức - Rủi ro. Bài viết đã đưa ra những thông tin cơ bản nhất về phương pháp IPE. Đừng quên theo dõi Blognhansu để cập nhật thêm những kiến thức về chủ đề này nhé!