Hoàn thiện chính sách lương theo năng lực P2 và chính sách lương P1 + P2

Chúng ta đang trên hành trình xây dựng chính sách lương 3p. Đọc đến bài này tức là bạn đã biết cách thức để ra than lương P1 và thang lương P2. Lúc này, nếu "tâm không tịnh", có thể độc giả sẽ thấy mọi thứ khá phức tạp. Cũng đúng thôi vì hệ thống sinh ra để phục vụ quan điểm quản trị mà. Trong khi quan điểm thì lại có nhiều hướng.

1. Lương P1 gắn với giá trị công việc.

Đầu tiên, chúng ta điểm tóm tắt qua 1 chút về cách thức xây dựng thang lương P1.

Công thức chung: Lương P1 = Hệ số giá trị công việc * Đơn giá tiền lương. Tùy vào quan điểm mà chúng ta có:

1.1 Nếu công ty không muốn gắn thâm niên vào P1 (P1 cố định cho các bậc):
+ Không dùng P1 để đóng BHXH: Lương P1 bậc 1 = lương P1 bậc 2 = ... Hệ số giá trị công việc * Đơn giá tiền lương
+ Có dùng P1 để đóng BHXH: Lương P1 đóng BHXH bậc 1 = lương P1 đóng BHXH bậc 2 = ... Hệ số giá trị công việc * Mức lương tối thiểu theo luật

1.2 Nếu công ty muốn gắn thâm niên vào P1 (P1 biến đổi tăng giảm theo từng bậc):
+ Không dùng P1 để đóng BHXH: Lương P1 bậc i = Hệ số lương bậc i * Lương P1 bậc 1. Hệ số lương bậc i = Hệ số lương bậc (i-1) * Hệ số khoảng cách. Hệ số khoảng cách = căn bậc (n-1) của Bội số lương. Bội số lương = mức lương cao nhất của vị trí/ mức lương thấp nhất của vị trí. N là số bậc lương. Mức lương cao nhất = x% * Lương P1 theo giá trị công việc. Mức lương thấp nhất = y% * Lương P1 theo giá trị công việc.
+ Có dùng P1 để đóng BHXH: Lương P1 đóng BHXH bậc i = Hệ số đóng BHXH bậc i * Mức lương tối thiểu theo luật. Hệ số đóng BHXH bậc i = Lương P1 theo giá trị công việc bậc i / Lương P1 theo giá trị công việc thấp nhất (min).

Lưu ý:
- Tôi đề xuất theo hướng P1 cố định và không dùng P1 để đóng BHXH.
- Vui lòng đọc bài "Cách xác định thang lương P1 theo 3P" để biết chi tiết hơn cách làm P1.

2. Lương P2 gắn với năng lực.

Tiếp theo, chúng ta cũng tóm gọn lại cách làm thang lương P2. Mặc dù có 2 hướng làm P1 (biến đổi hoặc cố định) nhưng tổng thể công thức làm P2 như sau: Lương P2 bậc i = Lương theo thị trường bậc i - lương P1 bậc i.

Tuy nhiên trong trường hợp nếu công ty không thích gắn lương P1 và lương P2 với thị trường (mà dùng tổng thu nhập so sánh với thị trường) và để cho nhanh, tôi thấy có một vài nơi dùng công thức: Lương P2 bậc i = a% * lương P1 bậc i.

Lưu ý: Tôi đề xuất dùng công thức: Lương P2 bậc i = Lương theo thị trường bậc i - lương P1 bậc i.

2.1 Công thức tính lương P2:

Như trong bài viết về chính sách lương P1 "Công thức tính, ngày công chuẩn, làm thêm và chính sách lương P1", tôi có chia sẻ công thức tính lương P1. Tôi thấy đa số dùng công thức tính lương P1:

Công thức: Lương thực nhận P1 = Lương P1 theo hợp đồng - (số ngày nghỉ không lương * Lương P1 theo hợp đồng)/ ngày công lý thuyết tháng.

Ví dụ: Tháng 2 có 25 ngày làm việc lý thuyết. Lương P1 theo hợp đồng là 5 triệu. Nhân viên có 3 ngày nghỉ. Lương thực nhận P1 = 5 triệu - (3 * 5 triệu )/ 25 = 22/5 = 4,4 triệu

Vì thế chúng ta tiếp tục dùng công thức này cho việc tính lương P2:

- Phương án 1: Lương P2 được trả cố định theo thời gian với công thức: Lương thực nhận P2 = Lương P2 theo hợp đồng - (ngày công thực tế nghỉ * lương P2 theo hợp đồng)/ ngày công lý thuyết tháng.

Giải thích: Cứ ai đi làm đủ ngày công theo hợp đồng thì được lương năng lực theo thang lương. Nếu nghỉ ngày nào thì trừ ngày đó và làm thêm ngày nào thì được cộng ngày đó.

- Phương án 2: Trong trường hợp nhân viên có năng lực không đáp ứng với bậc và chúng ta vẫn muốn giữ nhân viên thì tôi đề xuất công thức tính lương có thêm tỷ lệ đáp ứng bậc năng lực. Cụ thể công thức như sau:

Lương thực nhận P2 = Lương P2 theo thang lương * tỷ lệ đáp ứng năng lực - (ngày công thực tế nghỉ * Lương P2 theo thang lương * tỷ lệ đáp ứng năng lực)/ ngày công lý thuyết tháng.

hoặc đơn giản: Lương thực nhận P2 = Lương P2 theo thang lương * tỷ lệ đáp ứng năng lực

Ví dụ: Lươpng P2 theo thang lương là 3 triệu. Tỷ lệ đáp ứng năng lực của nhân viên là 90%. Lương thực nhận P2 = 3 triệu * 90% = 2,7 triệu.

Trong đó:
- Lương P2 theo hợp đồng = Lương P2 theo thang lương * tỷ lệ đáp ứng năng lực
- Tỷ lệ đáp ứng năng lực bằng số điểm năng lực thực tế sau kiểm tra/ số điểm năng lực chuẩn của bậc.

Lưu ý: Tôi đề xuất chọn phương án 2 để tránh cào bằng giữ những người cùng bậc lương nhưng khác năng lực.

2.2 Tối ưu lương P1 + lương P2 theo quan điểm tổ chức:

Thông thường, lương P1 và lương P2 hay được coi là phần lương cố định trả hàng tháng cho người lao động. Theo luật quy định, phần được trả cố định hàng tháng thì phải đóng BHXH nên sẽ có tổ chức muốn tối ưu để sao cho việc này phù hợp hơn. Theo tôi nếu nhìn các khoản đóng BHXH như là một khoản chi phí, công ty sẽ thấy nặng nề và muốn tối ưu. Nhưng nếu nhìn khoản này trên góc độ như là một món phúc lợi cho nhân viên, tôi tin lãnh đạo các công ty sẽ thấy nhẹ nhàng và ít nghĩ đến chuyện tối ưu hơn.

Nhìn về tương lai, xu hướng nhà nước không can thiệt quá sâu vào thỏa thuận giữa 2 bên người lao động và người sử dụng lao động sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc phải đóng BHXH này. Khả năng cao, việc đóng BHXH như thế nào cũng được miễn sao không thấp hơn lương tối thiểu sẽ được đưa vào luật và thay thế cho các điều khoản bắt buộc hiện nay.

Chúng ta đi chi tiết vào quan điểm đóng BHXH để tiếp tục đưa ra công thức tính lương P1 và lương P2 pù hợp:
* Nếu dùng lương P1 + lương P2 đóng BHXH:
- Nếu không tối ưu theo luật: Lương đóng BHXH = lương P1 + lương P2.
- Nếu tối ưu theo luật: Lương đóng BHXH = Lương P1 + 1 phần lương của P2 (nếu có). Phần lương thừa P2 = thưởng năng lực hoặc tối ưu khác.

Ví dụ: Lương P1 = 5 triệu; Lương P2 = 2 triệu
- Nếu không tối ưu theo luật: Lương đóng BHXH = lương P1 + lương P2 = 5 + 2 = 7 triệu
- Nếu tối ưu theo luật: Lương đóng BHXH = Lương P1 + 1 phần lương của P2 (nếu có) = 5 triệu + 0,5 triệu = 5,5 triệu. Phần lương thừa P2 = thưởng năng lực hoặc tối ưu khác = 2 - 0,5 = 1,5 triệu

* Nếu không dùng dùng lương P1 + lương P2 để đóng BHXH:
- Nếu tối ưu 1 phần: Lương đóng BHXH = lương P1 dùng để đóng BHXH.
- Nếu tối ưu theo luật (trong trường hợp lương P1 lớn hơn lương đóng BHXH): Lương đóng BHXH = Phần đóng BHXH. Phần lương thừa P1 (nếu có) + lương P2 = thưởng năng lực hoặc tối ưu khác.

Ví dụ: Lương P1 = 6 triệu; Lương P2 = 3 triệu
- Nếu tối ưu 1 phần: Lương đóng BHXH = lương P1 dùng để đóng BHXH = 6 triệu
- Nếu tối ưu theo luật (trong trường hợp lương P1 lớn hơn lương đóng BHXH): Lương đóng BHXH = Phần đóng BHXH = 5 triệu. Phần lương thừa P1 (nếu có) + lương P2 = thưởng năng lực hoặc tối ưu khác = 1 + 3 = 4 triệu.

Trong đó:
- Phần đóng BHXH hoặc (Lương P1 + 1 phần lương của P2 (nếu có)) tuân theo thỏa thuận đóng BHXH giữa nhân viên và công ty.

Thông thường, công ty sẽ có thang lương dùng đóng BHXH riêng. Thang lương BHXH cũng rất đơn giản và sử dụng phương pháp chuyên gia "bốc thuốc). Cách làm thang lương đóng BHXH như sau:
+ Thống nhất các ngạch vị trí đơn giản (ví dụ ngạch nhân viên, quản lý, lãnh đạo).
+ Xác định số bậc của thang lương BHXH. Số bậc này nên bằng số bậc trung bình của thang lương P1.
+ Quy định "bốc thuốc" mức lương đóng BHXH cho từng ngạch. Thông thường: Lương đóng BHXH ngạch cấp trên = 1,3 đến 1,5 lần * lương đóng BHXH ngạch cấp dưới. Mức đóng BHXH thường tăng giảm khoảng 10% giữa các bậc.

- Thưởng năng lực hoặc tối ưu khác: Cũng do quy định của luật không yêu cầu đóng BHXH cho các khoản tiền không cố định hoặc những khoản phụ cấp theo luật nên để tối ưu, ta có thể quy đổi phần tiền còn lại sau khi trừ đi khoản đóng BHXH bằng khoản thưởng năng lực với công thức: Thưởng năng lực = % đáp ứng năng lực * mức thưởng năng lực.

Nếu có phần thưởng năng lực và được đo hàng tháng thì tổ chức sẽ tạo ra áp lực thay đổi năng lực cho nhân viên. Có áp lực, nhân viên sẽ chú trọng đến các hoạt động để gia tăng năng lực như đi học...

Trong trường hợp chưa có hệ thống theo dõi và đánh giá năng lực, chúng ta có thể thay thế điều kiện % đáp ứng năng lực = % hoàn thành kết quả công việc (KPI) hoặc tiêu chí khác.

Một số khoản phụ cấp theo luật không đóng BHXH: Tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, nhà ở, nuôi con nhỏ, giữ trẻ,...

Lưu ý: Phần tiền dùng để đóng BHXH luôn lớn hơn hoặc bằng lương tối thiểu.

2.3 Cách tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày lễ, tết, nghỉ có hưởng lương

Trong bài "Công thức tính, ngày công chuẩn, làm thêm và chính sách lương P1", tôi đã chia sẻ kĩ cách tính lương làm thêm giờ cho P1. Và cũng tương tự, đối với lương theo năng lực P2, chúng ta cũng làm như vậy. Tuy nhiên do có phần tối ưu lương P2 nên khi tính toán chế độ, ta cần xác định rõ khoản tiền nào là khoản cố định trả hàng tháng theo thời gian và được ghi trên hợp đồng (hoặc nội quy hoặc thỏa ước hoặc quy chế). Với những khoản như vậy chúng ta áp dụng đúng theo công thức:

- Ngày làm việc bình thường là ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận miễn sao tổng số giờ làm việc không quá 48 giờ trong 01 tuần.

- Ca làm việc bình thường là ca có số giờ làm việc là 8h:
+ Nếu trong khoảng thời gian từ 6h sáng đến 22h giờ đêm: Lương P1 theo hợp đồng * 100%
+ Nếu trong khoảng thời gian từ 22h đêm đến 6h sáng: Lương P1 theo hợp đồng * 130%

- Sau khi hoàn thành ca làm việc bình thường và tiếp tục làm thêm giờ :
+ Nếu làm thêm trong khoảng thời gian từ 6h sáng - 22h đêm mà ngày đó là:
++ Ngày làm việc bình thường: Lương P1 theo hợp đồng * 150%
++ Ngày nghỉ (chưa bao gồm tiên lương ca làm việc bình thường ở trên): Lương P1 theo hợp đồng * 200%
++ Ngày lễ, tết (chưa bao gồm tiên lương ca làm việc bình thường ở trên): Lương P1 theo hợp đồng * 300%

+ Nếu làm thêm trong khoảng thời gian từ 22h đêm - 6h sáng mà ngày đó là:
++ Ngày làm việc bình thường và:
+++ Chưa làm thêm ban ngày: Lương P1 theo hợp đồng * 200%
+++ Đã làm thêm ban ngày: Lương P1 theo hợp đồng * 210%
++ Ngày nghỉ (chưa bao gồm tiên lương ca làm việc bình thường ở trên): Lương P1 theo hợp đồng * 270%
++ Ngày lễ, tết (chưa bao gồm tiên lương ca làm việc bình thường ở trên): Lương P1 theo hợp đồng * 390%

- Lưu ý: Khi làm thêm giờ trong trường hợp không có nghỉ bù ngày nghỉ và ngày lễ, tết thì cần cộng thêm số tiền làm việc trong làm việc bình thường tức cộng thêm 100%:
+ Nếu làm thêm trong khoảng thời gian từ 6h sáng - 22h đêm mà ngày đó là:
++ Ngày nghỉ: Lương P1 theo hợp đồng * 300%
++ Ngày lễ, tết: Lương P1 theo hợp đồng * 400%
+ Nếu làm thêm trong khoảng thời gian từ 22h đêm - 6h sáng mà ngày đó là:
++ Ngày nghỉ: Lương P1 theo hợp đồng * 370%
++ Ngày lễ, tết: Lương P1 theo hợp đồng * 490%

Để rõ hơn về luật và ví dụ, bạn vui lòng xem lại bài "Công thức tính, ngày công chuẩn, làm thêm và chính sách lương P1".

2.4 Tần suất và điều kiện tăng giảm lương P2:

Cuối cùng, chính sách lương P2 cần có thêm một số quy định nữa như tần suất và điều kiện tăng lương.

Trước tiên cần xét đến điều kiện tăng lương P1:
- Nếu như thang lương P1 biến đổi (bậc i lớn hơn bậc 1): Công ty sẽ có điều kiện tăng theo thâm niên, ví dụ cứ 2 năm tăng lương P1 một lần. Và điều kiện tăng lương P1 có thể sẽ:
+ Độc lập với điều kiện tăng lương P2.
+ Hoặc kết hợp với điều kiện tăng lương P2.
- Nếu như thang lương P1 cố định (bậc 1 = bậc i): Công ty không có điều kiện tăng P1 (vì các bậc bằng nhau) mà chỉ có điều kiện tăng giảm lương P2.

Tiếp đến, chúng ta xét việc gắn bậc lương P2:
- Nếu số bậc lương P2 = số bậc lương P1 = số bậc năng lực: Điều kiện tăng giảm lương P2 sẽ gắn với điều kiện tăng giảm năng lực và điều kiện tăng giảm lương P1. Ví dụ: Điều kiện tăng lương P2: Qua bài kiểm tra năng lực + Hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp (Đạt được xếp hạng xuất sắc hoặc Hoàn thành 100% KPI) + thâm niên (ví dụ 2 năm). Ví dụ: số bậc lương P2 = số bậc lương P1 = số bậc năng lực = 5 bậc.
- Nếu số bậc lương P2 = số bậc lương P1 # số bậc năng lực: Chúng ta nên thiết lập điều kiện cho 2 trường hợp
+ Nếu như người lao động có lương P2 ở bậc lương P2 cuối cùng của bậc năng lực thì muốn lên lương P2 cần: Qua bài kiểm tra năng lực và hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp (Đạt được xếp hạng xuất sắc hoặc hoàn thành 100% KPI)
+ Nếu không thì chỉ cần: Hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp (Đạt được xếp hạng xuất sắc hoặc Hoàn thành 100% KPI)

Ví dụ: Số bậc lương P2 = số bậc lương P1 = 10 bậc # số bậc năng lực = 5 bậc.

- Nếu số bậc lương P2 = số bậc năng lực # số bậc lương P1: Điều kiện tăng giảm lương P2 sẽ gắn với điều kiện tăng giảm năng lực. Điều kiện tăng giảm lương P1 được tách ra độc lập. Ví dụ: Số bậc lương P2 = số bậc năng lực = 5 bậc # số bậc lương P1 = 10 bậc.

Lưu ý: Điều kiện tăng lương là "luật chơi" giữa 2 bên. Vì thế sẽ tùy vào từng tổ chức để tạo ra luật chơi riêng. Người lao động sẽ được công bố luật chơi và ra quyết định chơi theo luật hay không.

Cuối cùng, tần suất xét tăng lương: Theo tôi nên 1 năm xét tăng 1 lần vào tháng "nông nhàn" của người làm nhân sự (thường vào tháng 10 hoặc tháng 4 hàng năm). Chúng ta nên quy định rõ chỉ nhận yêu cầu và thực hiện việc xét tăng lương vào thời điểm này. Tránh để tự do vì lúc đó công việc tác nghiệ sẽ lớn.

3. Đề xuất của tác giả

Hẳn độc giả sẽ khá hoang mang khi thấy sự biến thiên linh hoạt theo quan điểm của tổ chức trong quá trình xây dựng thang lương P1 và P2. Nếu được đề xuất tôi đề xuất phương án như sau: Xây lương P1 cố định, lương P2 theo thị trường, có tối ưu đóng BHXH bằng thang lương BHXH riêng.

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *