EVP (Employee Value Proposition) là gì? Xây dựng EVP cho tổ chức

Mọi tổ chức, doanh nghiệp đều mong muốn chiêu mộ được những ứng viên tiềm năng và giữ nhân nhân viên ưu tú, xuất sắc. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều này? EVP hay Employee Value Proposition chính là giải pháp cho vấn đề này. Hãy cùng Blognhansu tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Tìm hiểu EVP là gì?

EVP hay Employee Value Proposition là một khái niệm cơ bản trong thương hiệu tuyển dụng. Dịch nôm na thì EVP nghĩa là “định vị giá trị nhân viên”. EVP được dùng để chỉ ra những đặc trưng của tổ chức, doanh nghiệp có thể đem ra để thu hút người lao động.

EVP có thể bao gồm những yếu tố:

  • Những thứ hữu hình: lương thưởng, chế độ đãi ngộ, chương trình đào tạo, tập huấn phát triển, …
  • Những yếu tố vô hình thuộc về giá trị doanh nghiệp: tính gắn kết nội bộ, môi trường làm việc ổn định, nỗ lực đạt đến sự hoàn hảo, …

2. Tại sao EVP lại quan trọng đối với tuyển dụng trong doanh nghiệp?

Không chỉ đóng vai trò là nam châm giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân tài năng mới, EVP còn là đòn bẩy khích lệ tinh thần làm việc cho nhân viên cũ để họ làm việc hăng hái hơn. Có thể nói, EVP chính là yếu tố chiến lược để đảm bảo chất lượng đội ngũ nhân sự.

Trên thực tế, EVP cải thiện mức độ cam kết của nhân viên mới lên tới 29%. Nhờ đó, nhân viên sẽ gắn bó với doanh nghiệp lâu hơn và sẽ muốn giới thiệu ứng viên khác đến tổ chức.

2.1 EVP giúp doanh nghiệp tiếp cận ứng viên tiềm năng

Một EVP tốt sẽ tăng khả năng tiếp cận với ứng viên tiềm năng thông qua việc đưa thương hiệu của doanh nghiệp lên tầm cao mới trên thị trường lao động. Sức mạnh của EVP sẽ củng cố định vị của thương hiệu trong mắt ứng viên.

2.2 EVP giúp doanh nghiệp khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên

Quá trình xây dựng và chia sẻ về EVP góp phần hấp dẫn nhân viên tiềm năng cũng như lắng nghe nhân viên hiện tại. Như vậy mới có thể thấu hiểu kỳ vọng và mong muốn của họ đối với công việc và tổ chức. Điều này sẽ giúp cấp quản lý gần gũi hơn với nhân viên, xây dựng niềm tin và cam kết vững chắc.

2.3 EVP giúp doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu tuyển dụng

Trong quá trình xây dựng EVP, bằng cách tiếp cận và đào sâu vào những nhu cầu quan trọng của nhân viên hiện tại và ứng viên tiềm năng, doanh nghiệp sẽ tự định hướng công tác tuyển dụng rồi đưa ra những đề nghị hấp dẫn người lao động.

2.4 EVP giúp doanh nghiệp gây ấn tượng với từng nhóm ứng viên

Mỗi vị trí công việc đều có những nhu cầu và thị hiếu khác nhau. Theo đó, một EVP hiệu quả không chỉ gây ấn tượng về chiều rộng mà còn cả chiều sâu với ứng viên. Chẳng hạn, chế độ để thu hút ứng viên vị trí marketing sẽ có điểm khác biệt so với vị trí sales.

2.5 EVP giúp doanh nghiệp giảm bớt cạnh tranh về thù lao

Có rất nhiều ứng viên, đặc biệt là ứng viên trẻ sẵn sàng cân nhắc về mức lương nếu họ cảm thấy EVP của doanh nghiệp hấp dẫn. Điều này hiểu đơn giản là, kể cả không đề nghị ứng viên mức lương cao so với mặt bằng chung của thị trường thì doanh nghiệp vẫn có thể dùng EVP để cạnh tranh với doanh nghiệp đối thủ trong việc thu hút ứng viên.

3. Hướng dẫn cách xây dựng EVP trong doanh nghiệp

3.1 Lưu ý khi xây dựng EVP

Đa số doanh nghiệp phải đối mặt với hai vấn đề chính khi xây dựng EVP, đó là:

  • Cảm thấy khó khăn để trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
  • EVP rất hấp dẫn nhưng không phản ánh thực tế.

Xây dựng EVP cần dựa trên một số yếu tố cơ bản trong doanh nghiệp. Một EVP hiệu quả phải là một EVP giúp bạn thu hút những ứng viên tiềm năng, những nhân tố phù hợp với lý tưởng và giá trị của một doanh nghiệp.

Để đảm bảo hiệu quả, nên xây dựng EVP với những đặc điểm trùng khớp với mong muốn của nhân viên/ứng viên, giống như cách tạo ra sản phẩm đánh trúng tâm lý khách hàng. Bên cạnh đó, EVP cũng cần thực tế, sát bới tình hình nhân sự của doanh nghiệp. Đây là điều quan trọng nếu bạn muốn nhân viên cảm nhận doanh nghiệp luôn đáp ứng nhu cầu của họ.

Nội dung của EVP phải đảm bảo phản ánh được chính xác thực tế văn hóa doanh nghiệp. Lý do là vì đã có rất nhiều nhân viên bị hấp dẫn bởi sự hào nhoáng của doanh nghiệp khi đọc EVP, nhưng khi bước vào làm việc lại hoàn toàn khác. Khi xây dựng EVP, nên diễn đạt theo cách mà tất cả mọi người có thể nắm bắt được. Nếu không sẽ không tạo nên sự khác biệt với những doanh nghiệp khác.

3.2 Các bước xây dựng EVP hiệu quả

Bước 1: Liệt kê các chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp đang áp dụng

Trước khi bắt đầu xây dựng EVP, hãy đánh giá lại một lượt các chế độ mà doanh nghiệp đang áp dụng hiện tại. Tự hỏi bản thân rằng tại sao lại làm việc cho tổ chức. Câu trả lời của bạn chắc chắn sẽ được đồng ý bởi phần lớn nhân viên.

Sau đó, bạn cần liệt kê lợi ích của những chế độ theo 2 cột, cột thứ nhất là Lợi ích hữu hình và cột thứ hai là Lợi ích vô hình. Hãy nghĩ xem những lợi ích này có đáp ứng nhu cầu của ứng viên tiềm năng hay không.

Bước 2: Nghiên cứu nhu cầu của ứng viên

Thực hiện một số nghiên cứu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những điều mà ứng viên tiềm năng muốn và cần. Có thể bắt đầu bằng việc phân tích dữ liệu sẵn có của doanh nghiệp hoặc dữ liệu ứng viên mà phần mềm tuyển dụng lưu trữ hay sử dụng công cụ online để khảo sát nội bộ, thực hiện cuộc phỏng vấn theo nhóm.

Câu hỏi mà bạn dùng để khảo sát nhân viên có thể là:

+ Bạn đánh giá độ hài lòng của mình khi làm việc tại doanh nghiệp trên thang điểm 10?
+ Những chế độ mà bạn nhận được có đáp ứng kỳ vọng không?
+ Chế độ nào mà bạn cảm thấy có giá trị nhất khi nhận được.
+ Bạn có sẵn lòng giới thiệu ứng viên là bạn bè hoặc người thân vào làm việc tại doanh nghiệp không?

Tiếp theo, bạn cần phần tích kết quả thu được bằng cách phân chia chúng tương ứng với nhóm nhân viên khác nhau như nhân viên marketing, sales, … Sau đó, tìm ra nhu cầu chung nhất của tất cả những nhóm này - đây chính là điều mà bạn nên đề cập đến trong tin đăng tuyển dụng vị trí tương tự.

Ngoài ra, nghiên cứu EVP của đối thủ cạnh tranh cũng là cách để tạo ra sự khác biệt, biến doanh nghiệp trở thành nơi làm việc lý tưởng trong mắt ứng viên.

Bước 3: Thảo luận với cấp quản lý

Trong bước này, bạn hãy đào sâu hơn vào kết quả nghiên cứu bằng cách tham khảo ý kiến của những người có tiếng nói trong doanh nghiệp. Từ đó, bạn sẽ quyết định được chế độ và lợi ích nào là quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Việc gặp gỡ quản lý các cấp thấp hơn cũng giúp bạn xác nhận lại các chế độ đã tìm hiểu được trong bước 2.

Bước 4: Xây dựng EVP

Đây chính là lúc tạo nên EVP riêng cho doanh nghiệp. Hãy sử dụng các thông tin đã thu thập được ở bước 2 và bước 3 để hiện thực hóa những điều mà người lao động đang mong đợi. Chẳng hạn, bạn có thể trình bày EVP trong bài đăng tuyển dụng như sau:

“Đến với công ty … bạn sẽ nhận được gì?

  • Thu nhập không giới hạn dựa trên năng lực
  • Được tham gia các khóa đào tạo
  • Lộ trình review lương rõ ràng
  • Không giới hạn số ngày nghỉ phép năm”

Bước 5: Áp dụng EVP vào thực tiễn

Sau khi hoàn thành việc xây dựng EVP, nhiệm vụ tiếp theo là công bố với các ứng viên tiềm năng và nhân sự đang làm việc cho doanh nghiệp. EVP cần được đưa vào quá trình tuyển dụng như thông tin tuyển dụng trên website, ấn phẩm marketing của doanh nghiệp, …

Bước 6: Đánh giá và điều chỉnh EVP (nếu cần)

EVP có phù hợp với môi trường doanh nghiệp không? Có đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của ứng viên và nhân sự hiện tại không? Hãy thực hiện khảo sát nội bộ định kỳ hàng năm để đánh giá hiệu quả và xem xét điều chỉnh nếu cần thiết. Điều này giúp duy trì sự minh bạch trong quản lý và giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên.

Lời kết,

Blognhansu mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về EVP (Employee Value Proposition). Qua đó có thể cải thiện quá trình tuyển dụng và thương hiệu tuyển dụng cho doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *