Em làm Hành chính đã lâu muốn chuyển hướng sang Nhân sự thì có được không?

Lâu rồi tôi mới nhận được một câu hỏi như này: "Em làm hành chính 8 năm rồi giờ chuyển ngang sang có muộn không anh? Lợi thế của em là tiếng anh tốt, em đang làm cho tập đoàn đa quốc gia nhưng thấy không có tương lai nên em tính đổi sang nhân sự.

Trường hợp của em theo anh em nên đọc sách gì, học kỹ và trau dồi kinh nghiệm rồi hẵng chuyển hay chấp nhận bắt tay làm ở vị trí starter ạ?"

Tình cờ sao tôi cũng nhận được một câu hỏi tương tự trên fb: "Em được biết anh qua các group về QTNL và cũng follow anh 1 thời gian. Hiện em đang làm việc tại phòng Tổ chức cán bộ của 1 cơ quan nhà nước. Em cũng đang khá đắn đo trong việc tiếp tục công việc hiện tại hay ra ngoài doanh nghiệp làm. Thời gian công tác tại đơn vị cũ cũng khá lâu (9 năm) nên thực sự em cũng bị trì trệ, ngại thay đổi. Do đó, việc ra ngoài DN ngoài làm cũng khiến em lo sợ. Trước kia e học ĐH ngành QT Nhân lực , cao học QTKD. Công việc về HR cũng khiến em rất hứng thú nhưng để quyết định thì em cũng có phần dụt dè.
Em muốn nhờ anh tư vấn giúp những khóa học, và những khởi đầu cơ bản để em trau dồi thêm kiến thức chuyên môn. Em cảm ơn anh!
"

Nếu người được hỏi là anh chị thì cả nhà sẽ trả lời ra sao?

Cứ lâu lâu tôi lại có bài viết với chủ đề này. Ví dụ như bài này: Mới chuyển ngang sang vị trí nhân sự (Hr) nên bắt đầu từ đâu ? (https://blognhansu.net.vn/?p=10923). Nội dung bài viết này nói về việc đã bước chân sang nghề Nhân sự và cần làm gì? Nhưng với bài hiện tại mà bạn đang đọc, nội dung có chút khác. Khác ở chỗ bạn tôi chưa sang làm nhân sự nhưng đang có ý định chuyển sang.

Bạn sẽ làm gì nếu muốn chuyển sang làm nhân sự?

Tôi lại nhớ tới 2 bài viết khác:
- Độ tuổi 30 như mình người ta chỉ tuyển cấp Quản lý Nhân sự, giờ làm thế nào?
- 10 năm an toàn làm HCNS giờ thấy mình thiếu nhiều kỹ năng quá
Hai bài trên, nếu bạn đọc kỹ, hẳn bạn sẽ thấy lời khuyên của tôi và không cần đọc thêm bài này. Tuy nhiên tôi vẫn muốn viết thêm một lần nữa chia sẻ cho người bạn chủ nhân nỗi băn khoăn và những bạn khác cùng suy nghĩ.

Đầu tiên, tôi luôn đồng cảm và có lời khen dành cho những bạn có suy nghĩ hướng tới tương lai. Bạn không bị rơi vào trạng thái tâm lý của "con chuột rơi trong đống gạo", vậy là mừng. Khi chúng ta quyết định thoát ra khỏi vùng an toàn, lúc này chúng ta đã bắt đầu mở rộng vùng an toàn của ban thân lên. Tìm hiểu nghề nhân sự khi còn đang làm hành chính là một nước đi tốt.

Tiếp theo, chúng ta nên kiểm tra lại xem công việc hành chính đã được chúng ta hiểu đúng nghĩa chưa. Đối với tôi: Hành chính là các công việc liên quan đến duy trì, đảm bảo môi trường làm việc phù hợp cho người lao động trong tổ chức, thi hành các chính sách đã được ban hành. Phòng Hành chính giống như đơn vị hành pháp trong tổ chức. Hiểu đúng nghĩa công việc hành chính, chúng ta sẽ thấy có nhiều ý tưởng để triển khai và nó gắn khá nhiều tới vấn đề con người.

Tại sao tôi lại khuyên tìm hiểu ý nghĩa của hành chính trong khi các bạn của tôi lại muốn chuyển sang làm nhân sự? Vì tôi nghĩ rằng khi chúng ta tìm hiểu sâu về hành chính, chúng ta sẽ thấy nó cũng rất hay và này nọ, chứ không phải là những công việc vặt kiểu "dì ghẻ sai tấm nhặt thóc". Đi sâu đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy hành chính sẽ bắt đầu giao thoa với nhân sự. Lúc này chúng ta có thể lựa chọn tiếp tục rẽ nhánh sang nhân sự và nhường lại mảng hành chính cho người khác hoặc sẽ ôm luôn cả hành chính và nhân sự để trở thành trưởng phòng Hành chính nhân sự.

Thật tiếc đời không như mơ. Nhỡ đâu 2 bạn của tôi đang ở trong bối cảnh cả vị trí trưởng phòng Nhân sự và phòng Hành chính đều có người ngồi rồi thì sao? Khó như vậy nhưng chúng ta vẫn phải đi tiếp.

Hiểu được ý nghĩa công việc hành chính rồi, chúng ta bắt đầu lộ trình chuyển đổi sang nhân sự. Với tôi, để làm nhân sự hoặc (1) chúng ta có kiến thức về nhân sự hoặc (2) chúng ta có kinh nghiệm tác nghiệm nhân sự hoặc (3) chúng ta phải thực sự có mong muốn làm nhân sự mãnh liệt. Có 1 trong 3 thứ là ổn nhưng nếu có 2 trong 3 thứ càng tốt hơn và có cả 3 thì tuyệt vời. Bạn tôi, 1 người có 8 năm làm Hành chính trong công ty FDI với vốn tiếng Anh tốt, 1 người đã học đại học chuyên ngành QTNL và có bằng cao học QTKD, tôi nghĩ đây là cơ sở tốt để bắt đầu. Để có được 3 điều trên chúng ta nên đi theo các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Tìm hiểu, tiếp cận với các kiến thức Quản trị nhân sự.

Bước 1: Tham gia chuỗi nhiệm vụ tiếp cận nghề nhân sự thông qua email ở http://nghenhansu.net/. Đây là khóa học được gửi qua email hoàn toàn miễn phí. Mỗi một email là một nhiệm vụ. Thông qua việc hoàn thành nhiệm vụ, học viên sẽ dần dần tiếp cận với nghề nhân sự. Dưới đây là một số nhiệm vụ sẽ có trong khóa học:

Mission 1: Xây dựng 1 blog HR cho riêng bạn
Mission 2: Xây dựng quy trình làm việc cho HR (tập hợp tài liệu QTNS)
Mission 3: Thâm nhập vào các khu vực HR hay vào
Mission 4: Đọc 60 tình huống Quản trị nhân sự
Mission 5: Tìm hiểu luật lao động và trả lời tính huống theo luật
Mission 6: Làm slide đào tạo về luật lao động
Mission 7: Trang bị kiến thúc về tuyển dụng
Mission 8: Trang bị tình huống thực tế về nghiệp vụ tuyển dụng

Bước 2: Song song với làm nhiệm vụ, bạn có thể tiếp cận dần các thuật ngữ và các công việc nhân sự về mặt lý thuyết. Để làm việc này, tôi thấy có nhiều cách như:
- Sưu tầm và tập hợp tài liệu nhân sự rồi xem và sắp xếp lại cho hợp lý. Việc có các tài liệu về nhân sự sẽ rất tốt và giúp chúng ta có thể tiếp cận nhanh công việc nhân sự. Tránh phải đi hỏi. Ví dụ như đây là một câu hỏi kiểu như vậy: "Anh/Chị trong nhóm có tài liệu về Quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại nhân viên cho em xin tham khảo với ạ. Em đang bí quá mà không tìm được sự giúp đỡ nào khác, em cảm ơn Anh/chị nhiều". Tôi đã cất công sưu tầm và tập hợp rất nhiều tài liệu về nhân sự, bạn có thể tải nó ở đây: https://bit.ly/3SDuVSq Trong này có hơn 2000 file tài liệu, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm các thứ cơ bản nhất về nhân sự ở trong đấy.
- Có tài liệu rồi, tiếp theo là thuộc các quy trình công việc về Quản trị nhân sự. Tôi tin việc này không khó nếu chúng ta đi theo hướng tiếp cận từ tổng quát đến chi tiết. Cụ thể là chúng ta tạo ra các slide đào tạo cho những người không biết về quy trình của các nhóm công việc: Tuyển - Dạy - Dùng - Giữ - Thải. Khi chúng ta tạo ra slide đào tạo cho các mảng việc đó, đây chính là chúng ta đang tự học, tự luyện. Chỉ cần bạn làm 1 lần là sau sẽ nhớ.
- Có tài liệu, có hình dung về các thuật ngữ quản trị nhân sự, chúng ta nên tiếp tục tìm hiểu các tình huống và các bài viết chuyên môn về nhân sự.
+ Nếu không có tiền, tôi sẽ đọc các bài viết miễn phí trên blog nhân sự này (blognhansu.net.vn), follow theo những chuyên gia có thói quen chia sẻ chuyên môn cho cộng đồng (Như tôi chả hạn. Nick của tôi trên FB là kinhcan24. Xin phép tự cười một chút), không thì đọc các tình huống trên cộng đồng QT nhân sự HrShare FB...
+ Nếu có chút tiền và muốn đọc sách, tôi hi vọng bạn sẽ đọc chuỗi sách Blog nhân sự của tôi. Trong đó có quyển số 2 dành cho các anh chị em muốn chuyển ngành. Chi tiết về các sách: http://www.sachnhansu.com/

Thực ra những điều tôi khuyên ở bước 2 này cũng chính là những nhiệm vụ cần làm trong khóa học tôi giới thiệu ở bước 1.

Bước 3: Khi bạn đã làm xong bước 1 và 2 thì tôi tin trong đầu bạn đã có khá nhiều kiến thức về Quản trị nhân sự rồi. Lúc này để tự tin hơn thì chúng ta sẽ đi gặp và trao đổi với những người làm nghề. Để làm việc này chúng ta:
- Tham gia các buổi offline hoặc online tương tác với các chủ đề nhân sự. Việc này tôi rất khuyến khích. Chỉ có giao lưu, kết nối thì chúng ta mới có được cơ hội sở hữu bao gồm cả kiến thức và cả việc làm.
- Tiếp tục tham gia các group về nhân sự trên fb, zalo, linkedin các kiểu.
- Đi học một số lớp học tổng thể để vừa có kiến thức vừa có quan hệ. Trong các khóa học thì tôi thây khóa bình dân học vụ phi lợi nhuận "Giải mã Nhân sự" của HrShare rất ổn. Khóa đi theo tổng thể Tuyển - Dạy - Dùng - Giữ - Thải (tạm gọi là chạm được hết các chức năng lớn của QTNS), các huấn luyện viên đều là người có kinh nghiệm từ cộng đồng chia sẻ theo kiểu người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau và học phí thì gần như không mất gì, chỉ cần góp 1 chút để duy trì lớp (số tiền mỗi buổi bằng 1 cốc cafe). Chi tiết về dự án ở: http://hrshare.edu.vn/giaima/

Một trong nhiều chính sách của dự án Giải mã dành cho học viên là đồng ý để học viên học lại cho đến khi có chứng chỉ hoặc hài lòng thì thôi. Điều kiện duy nhất đó là học viên sẽ phải ký quỹ 800k. Sau khi đi đủ (>=16) buổi, học viên sẽ nhận lại số tiền này. Như vậy, chúng ta sẽ liên tục có cơ hội được cập nhật kiến thức.

Giai đoạn 1 tiếp cận đã xong, chúng ta sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Chuyển sang làm nhân sự. Thời điểm này chúng ta có 2 hướng:
- Hướng 1: Đi lại từ đầu. Giống như sơ đồ dưới đây, bạn tôi sẽ chấp nhận hi sinh để làm lại từ đầu thông qua việc ứng tuyển một vị trí nhân sự nào đó. Chúng ta có lẽ phải chấp nhận một mức lương thấp hơn và làm ở một công ty nhỏ hơn. Công việc chúng ta có thể sẽ là nhân sự tổng hợp hoặc đi sâu vào một mảng nào đó của nhân sự.

- Hướng 2: Nhận thêm công việc nhân sự. Hướng 1 có thể khó nếu như bạn đã có kha khá tuổi. Chúng ta có thể có hướng khác là chúng ta làm công việc tổng hợp vừa hành chính vừa nhân sự. Rồi sau đó tiếp tục đi theo con đường lên làm trưởng phòng HCNS và sau đó nhường lại công việc nhân sự cho người khác. Hoặc chúng ta sẽ quay lại hướng 1: Đi lại từ đầu.

Đang viết, tôi nhớ đến bài tương tự: Độ tuổi 30 như mình người ta chỉ tuyển cấp Quản lý Nhân sự, giờ làm thế nào? (https://blognhansu.net.vn/?p=24230). Trong bài, tôi chia sẻ suy nghĩ của tôi khi gặp một tâm sự của bạn đã 30 tuổi đang làm hành chính. Bạn cũng giống như 2 bạn của tôi trong bài này. Tức là cả 3 đều đang mông lung và muốn chuyển sang làm nhân sự. Tuy nhiên, bạn 30 tuổi còn có suy nghĩ về việc trở thành Quản lý nhân sự. Con đường này sẽ còn vât vả nữa. Chi tiết thân mời cả nhà cùng đọc bài trên.

Khi đọc bài trên và bạn đã làm nhân viên nhân sự một thời gian, tức là bạn vào giai đoạn 3: Tìm cách trở thành trưởng phòng nhân sự. Tôi cũng có lời khuyên cho câu trả lời này. Thân mời bạn đọc các bài viết dưới đây:
- Muốn làm trưởng phòng Quản trị Hành Chính Nhân sự thì phải làm và học như thế nào?
- Kinh nghiệm khi mới bắt đầu vào vị trí trưởng phòng nhân sự nên làm cái gì và từ đâu ?
- Công việc phải làm của trưởng phòng nhân sự khi bắt đầu nhận việc là gì?
- Học gì để có thể hướng tới vị trí trưởng phòng Nhân sự?
- Kinh nghiệm mới bắt đầu làm trưởng phòng nhân sự – phần 2

Chúc bạn tôi có thể chuyển đổi sang nhân sự thành công!

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *