Trong quá trình tuyển dụng, phụ thuộc vị trí hay công việc mà nhà tuyển dụng cần áp dụng các phương pháp phỏng vấn khác nhau. Nếu sử dụng đúng loại hình phỏng vấn phù hợp, nhà tuyển dụng sẽ tìm được đúng người phục vụ cho tổ chức. Trong bài viết này, cùng Blognhansu tìm hiểu 9 hình thức phỏng vấn hiệu quả để doanh nghiệp tham khảo nhé!
1. Phỏng vấn tuyển dụng (phỏng vấn ứng viên) là gì?
Phỏng vấn tuyển dụng hay phỏng vấn ứng viên là hình thức trao đổi trực tiếp/gián tiếp để tuyển chọn ứng viên phù hợp với các vị trí đang cần trong công ty.
Vậy mục tiêu của cuộc phỏng vấn là gì?
Phỏng vấn tuyển dụng là tìm hiểu được ứng viên có đủ năng lực, khả năng hoặc kinh nghiệm để đảm nhận một vị trí trong tổ chức. Đồng thời, biết được mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của ứng viên có phù hợp với định hướng phát triển doanh nghiệp. Có thể hợp tác lâu dài và khả năng thăng tiến, cầu thị với vị trí đang phỏng vấn.
Bên cạnh đó, phỏng vấn cũng giúp đánh giá sự phù hợp của ứng viên với văn hóa công ty. Những tính cách, đặc điểm của ứng viên, kỹ năng cần có của vị trí tương ứng, …
2. Các phương pháp phỏng vấn, bạn đã biết?
2.1 Phân loại theo nội dung phong vấn
# Phỏng vấn hành vi (Behavior-based Interview)
Phỏng vấn hành vi là hình thức phỏng vấn mà người phỏng vấn đặt ra các câu hỏi tình huống có khả năng xảy ra trong thực tế với một vai trò công việc cụ thể và đánh giá ứng viên qua cách ứng xử của họ.
Thông qua câu trả lời của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy nhận thức, xu hướng, logic và cách họ xử lý tình huống phát sinh, cũng như dự đoán được hiệu suất làm việc trong tương lai.
Phương pháp phỏng vấn này cực kỳ hữu ích với các công việc cần tương tác giữa người với người như chăm sóc khách hàng, nhân viên sales, … Công việc đòi hỏi ứng viên có thể phản ứng nhanh, theo quy trình tiêu chuẩn mà vẫn linh hoạt và đưa ra giải pháp hợp lý.
# Phỏng vấn gây áp lực
Phỏng vấn gây áp lực hay còn được biết đến là phỏng vấn căng thẳng. Đúng như tên gọi, với phương pháp này, nhà tuyển dụng sẽ liên tục đặt câu hỏi bám sát vào khả năng của ứng viên. Từ đó, làm ứng viên bộc lộ đúng tính cách và khả năng thật của mình.
Thông thường, phương pháp phỏng vấn này chỉ sử dụng đối với các ứng viên apply vào những vị trí cao trong tổ chức như giám đốc, quản lý, giám sát viên hay một số công việc đòi hỏi áp lực cao như thiết kế thời trang, creative, …
Ưu điểm của phỏng vấn gây áp lực là giúp nhà tuyển dụng nhìn được tâm lý của ứng viên khi đối diện với áp lực. Ngược lại, hình thức này có thể làm ứng viên mất thiện cảm với doanh nghiệp và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
# Phỏng vấn mẹo
Đôi khi nhà tuyển dụng sẽ thay đổi câu hỏi phỏng vấn quá quen thuộc bằng các câu hỏi thử thách ứng viên. Phương pháp phỏng vấn này đã được những “ông lớn” trên thế giới áp dụng. Những ngành cần áp dụng phỏng vấn mẹo thường là các ngành đòi hỏi sự sáng tạo, nhanh nhạy như truyền thông, marketing.
2.2 Phân loại theo hình thức phỏng vấn
# Phỏng vấn trực tiếp
Một cuộc gặp gỡ trực tiếp luôn giúp chúng ta có một cái nhìn chân thực về đối phương và phỏng vấn tuyển dụng cũng vậy. Gặp mặt ứng viên trực tiếp, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng quan sát được ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, phong thái, … Không chỉ vậy, một số nhà tuyển dụng đánh giá được ứng viên ngay khi vừa mới gặp thông qua nhân tướng học.
# Phỏng vấn trực tuyến
Hiện nay, nhiều công ty sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tuyến qua Internet. Mặc dù có nhiều ưu điểm và theo phong cách hiện đại, nhưng nhược điểm của hình thức này lại không thể gặp trực tiếp để đánh giá ứng viên một cách chân thực nhất.
Phương án lý tưởng nhất là kết hợp phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn qua điện thoại, mạng Internet. Doanh nghiệp dùng phương pháp qua điện thoại thoại để sàng lọc ứng viên phù hợp sau đó hẹn và phỏng vấn trực tiếp tại công ty.
2.3 Phân loại theo cấu trúc phỏng vấn
# Phỏng vấn theo mẫu
Trước khi gặp mặt ứng viên, nhà tuyển dụng đã chuẩn bị bảng câu hỏi mẫu để làm căn cứ đánh giá năng lực của họ. Bảng câu hỏi sẽ tập trung vào kỹ năng, năng lực mà doanh nghiệp đang cần tìm kiếm. Sẽ có một bộ từ điển năng lực được chuẩn hóa và thống nhất để đánh giá các ứng viên.
Với hình thức phỏng vấn này, chúng ta sẽ thấy được sự công bằng trong quy trình phỏng vấn, cùng một câu hỏi, cùng một khung đánh giá năng lực các ứng viên sẽ bộc lộ hết khả năng mà mình có.
# Phỏng vấn không theo mẫu (tự do)
Không giống phương pháp trên, trước khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ chuẩn bị một loạt câu hỏi đa dạng với mức độ khác nhau. Người phỏng vấn hỏi một câu và dựa vào câu trả lời của ứng viên rồi đưa ra câu hỏi kế tiếp một cách linh hoạt. Phương pháp phỏng vấn này giúp nhịp độ phỏng vấn suôn sẻ, thoải mái cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên.
2.4 Phân loại theo cơ cấu tổ chức
# Phỏng vấn hội đồng
Ứng viên sẽ phải đối mặt với một hội đồng phỏng vấn có thể nhiều hơn 3 người và trả lời các câu hỏi từ hội đồng. Với phương pháp này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá chính xác được ứng viên bởi có nhiều người cùng quan sát. Nhưng cũng gây cho ứng viên áp lực vô hình.
# Phỏng vấn nhóm
Phỏng vấn nhóm là hình thức sắp xếp các ứng viên vào cùng một phòng hoặc cùng một bàn tròn để giải quyết một tình huống trong khoảng thời gian nhất định. Trong lúc đỏ, nhà tuyển dụng sẽ quan sát và đánh giá ứng viên một cách công bằng.
Trong lúc giải quyết các vấn đề, ứng viên sẽ có cơ hội bộc lộ khả năng nắm bắt, hiểu vấn đề, khả năng phân tích, khả năng thuyết phục người khác hay khả năng trình bày của bản thân.
Lời kết,
Mỗi phương pháp phỏng vấn sẽ có ưu và nhược điểm riêng phù hợp với từng vị trí, cấp độ khác nhau trong tổ chức. Doanh nghiệp muốn cuộc phỏng vấn thành công, ghi điểm và tìm được ứng viên phù hợp nhất nên tìm hiểu kỹ từng phương pháp phỏng vấn để sử dụng linh hoạt và đạt hiệu quả cao nhất.