Quản lý có cần giỏi chuyên môn?

Bài viết dưới đây đúng 50%, khi nhìn ở góc khác lại không đúng nữa. Ngày trước tôi cũng hay nghĩ rằng Quản lý cần gì giỏi chuyên môn. Nhưng tôi đã sai sau khi đến các công ty nhỏ và siêu nhỏ. Hóa ra ở những công ty đó, nhân viên có thể nghỉ bất cứ khi nào, tuyển người cũng không dễ dàng gì. Nếu quản lý không giỏi thì họ sẽ không thể:
- Chỉ cho nhân biết phải làm gì
- Thay thế nhân viên khi thiếu
- Kiểm tra giám sát nhân viên trong công việc

Cho đến khi công ty lơn lớn 1 chút thì quản lý bắt đầu rút các công việc chuyên môn đề về chuyên tâm quản lý. Nhưng ở thời điểm này, họ vẫn phải kha khá về chuyên môn để có thể trao đổi với nhân viên.

Khi nào tổ chức thực sự lớn, nhân viên thực sự giỏi, quản lý sẽ chỉ thuần làm công việc quản lý:
- Thực thi chiến lược
- Xây dựng hệ thống Quản trị chuyên môn
- Quản lý nhân sự (tuyển dạy dùng giữ thải)
- Thúc đẩy cải tiến sáng tạo
- Quản lý tài sản hồ sơ tài liệu thông tin của bộ phận

Đến hẳn lúc nào đó, khi mà nhân viên quá giỏi thì có thể lúc này chúng ta không cần quản lý nữa.

Xin mời cả nhà cùng đọc bài!

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)

CHIẾC ÁO RỘNG!

Trong quản trị, người ta có một câu chuyện kinh điển rằng đừng bao giờ bắt buộc một bác sĩ phẫu thuật tim, não … (bác sĩ giỏi chuyên môn) nên làm Trưởng khoa. Vì nếu không cẩn thận sẽ mất luôn Trưởng khoa lẫn Bác sĩ giỏi. Do vậy, hơn 95% bác sĩ tại Mỹ không giữ chức trưởng khoa hoặc quản lý.

Potter là huấn luyện viên giỏi vì giúp một đội bóng tầm trung giữ được sự ổn định. Nhưng đó là một đội bóng tầm trung chứ không phải một CLB lớn. Có rất nhiều sự khác biệt giữa một đội bóng trung bình và một đội bóng chuyên nghiệp, giữa một đội bóng tầm trung so với một đội bóng lớn (giá trị thương hiệu, thành tích, cổ động viên, kỳ vọng…). Và đặc biệt là có rất nhiều ngôi sao lớn với cái tôi lớn. Phần lớn, các HLV thất bại vì không kiểm soát được phòng thay đồ của CLB.

Khi Potter được đưa lên làm HLV Chelsea, với những trải nghiệm đã có ở những CLB trước đây, kể cả là đấu trường Ngoại hạng Anh nhưng vẫn là một câu hỏi lớn cho sự hoài nghi về năng lực cầm quân, năng lực kiểm soát phòng thay đồ. Potter làm HLV Chelsea dựa vào triết lý bóng đá và quan trọng nhất là chịu nghe lời ông chủ. Tuy nhiên, triết lý bóng đá cũng như lối chơi và quan trọng là thành tích cần được áp dụng ở những đội bóng có cùng thứ bậc, quy mô hay cùng đẳng cấp. Những áp lực và cách thức quản lý ở các CLB lớn rất khác với các CLB nhỏ.

Cũng trong bóng đá, chỉ có 02 HLV thành công trong rất nhiều HLV khác chưa từng thi đấu chuyên nghiệp đó là Arsene wenger và Mourinho. Đây là một con số rất nhỏ so với cả trăm ngàn CLB lớn. Điều này cho thấy, HLV giỏi nên là những người có chuyên môn, từng có thời gian trải nghiệm đủ lâu và thành công trong sự nghiệp cầu thủ. Rõ ràng, chuyên môn vẫn là một trong những điều cực kỳ quan trọng vì nếu không có nó, bạn chẳng thể dựa vào được cái gì để chia sẻ, huấn luyện hay hướng dẫn người khác làm.

Trong quản trị hiện đại, đôi khi người ta không nhấn mạnh quá nhiều đến yếu tố chuyên môn vì đó là điều gần như bắt buộc. Khi bỏ qua được yếu tố chuyên môn, người ta sẽ dễ dàng tập trung vào các yếu tố quản lý. Giống như một cầu thủ, nếu kỹ thuật cá nhân của anh ta tốt (giữ bóng, chuyền bóng, qua người, làm chủ trái bóng…) thì anh ta sẽ không cần phải nhìn chân mỗi khi đá bóng. Lúc này, anh ta có thời gian để quan sát đồng đội di chuyển để chuyền bóng hay có những chiêu thức khác để đạt được điều họ muốn.

Khi bổ nhiệm một ví trí nào đó, cần thời gian để đào tạo, hướng dẫn và tạo cơ hội để họ thử, được sai và sửa sai. Đó là việc xây dựng đội ngũ kế thừa (succession planning), quy hoạch nhân sự… cho tương lai. Tôi vẫn thường khuyên bạn bè mình rằng, nếu được hãy lên chức ở công ty hiện tại trước đã. Đó vừa là điều an toàn, vừa là cơ hội dễ hơn so với việc bạn chưa từng làm trưởng phòng nhưng được bổ nhiệm cho vị trí này ở một công ty khác.

Cuối cùng, nếu bạn bổ nhiệm sai, cho nhân viên mặc một chiếc áo quá rộng, bạn sẽ mất một nhân viên giỏi, một quản lý giỏi hoặc thậm chí là một team giỏi bên dưới.

Chúc mọi người ngày mới nhiều niềm vui và cùng chia sẻ thêm những bài học kinh nghiệm về vấn đề này nhé ạ.

Nguồn: Bùi Đoàn Chung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *