Có 1 chị tâm sự với Nhung rằng, trong phòng chị vào công ty trước, chị nhiều tuổi nhưng vừa rồi chị không được thăng chức, mà bạn ít tuổi hơn trong đợt xét tuyển vừa rồi được đề bạt em ạ. Chị buồn và thất vọng lắm, chỉ muốn nghỉ việc để tìm nơi mới, để công ty biết đến khả năng của chị thôi. Hichic
Có bao nhiêu người đang đọc bài viết này của Nhung đã từng rơi vào trường hợp này, em muốn được thăng chức nhưng bạn ít tuổi hơn em, số năm kinh nghiệm ít hơn em, công việc bạn ấy làm tương tự như em vậy mà….
Nhung thấu hiểu và đồng cảm với những trường hợp như vậy, thực sự khi rơi vào trường hợp này ai cũng buồn cả, nói không buồn là sai. Thậm chí còn có những bạn có suy nghĩ tiêu cực sẽ nghỉ việc, chán ghét nơi làm việc, không muốn làm việc nữa, thu mình nơi làm việc. Và Nhung hiểu, khi người lao động viết lên dòng này hỏi Nhung thì điều đó có nghĩa là họ cũng có tham vọng – tham vọng để trở nên tốt hơn, tham vọng được công nhận nhưng có chăng là họ chưa đạt được mà thôi.
Nhưng có phải cứ có tham vọng là sẽ đạt được không? Hẳn các bạn còn nhớ có bài viết về việc ông chủ cử 2 người đi mua dưa và trở về với những kết quả khác nhau, những thông tin mà 2 bạn nhân viên đó có được từ việc chủ động đặt câu hỏi với người bán dưa. Qua đó thể hiện được trình độ, khả năng của 2 bạn nhân viên.
Trường hợp này cũng vậy, tuy nhiên Nhung muốn bàn về việc là thế nào để người có tham vọng được thăng chức, ít nhất đầu tiên là được đưa vào dah sách đội ngũ kế cận?
Theo Nhung, việc được thăng chức sẽ được thông qua các tiêu chí đề ra:
- Mức độ hoàn thành công việc: nếu công việc của bạn đang thực hiện mà còn chưa làm tốt, thì làm sao có người dám giao cho bạn những trọng trách khác, làm sao dám cho bạn quản lý những công việc khác.
- Thái độ, tính cách, tính kỷ luật: một người luôn đi muộn, ăn mặc xuề xòa, chửi tục nói bậy… có khả năng là nhà quản lý hay không.
- Sáng tạo, chủ động nâng cao hiệu quả công việc: việc bạn chủ động các đề xuất để nâng cao hiệu quả công việc sẽ được đánh giá cao.
- Hiểu rõ về vị trí mình muốn thăng tiến: khi hiểu rõ vị trí mình muốn thăng tiến, thì bạn sẽ biết được bạn cần những kiến thức, kỹ năng, thái độ gì để từ đó không ngừng trau dồi và chứng tỏ bản thân với mọi người mình xứng đáng và phù hợp với vị trí đó.
Người viết: Lưu Thị Kim Nhung