Dạo này, cộng đồng mạng rộ lên một số sự kiện. Từ online dẫn tới offline. Ngẫm cũng thấy buồn. Từ vĩ mô, nhìn xuống vi mô, hóa ra doanh nghiệp cũng có vấn đề tương tự như của quốc gia vậy. Ví vụ như một vấn đề xảy ra, nếu không làm tốt là dẫn tới các tranh luận rồi một loạt vấn đề về xử lý quan hệ lao động tiếp theo. Mọi người trong tổ chức tranh cãi nhau. Tổ chức càng to, việc này càng nhiều. Google cũng không thoát ra khỏi việc này. Vụ việc của Google xuất phát từ 1 việc rất đơn giản: đầu bếp làm món bánh và đặt tên nó là: bánh Tây Tạng free. Trong tiếng Anh, free có 2 nghĩa: tự do hoặc miễn phí. Và thế là tranh luận nổ ra trên Google toàn cầu.
Khi một tranh luận xảy ra, chúng ta nên lưu ý một số lỗi ngụy biện. Việc này giúp tránh sa đà sang các vấn đề khác. Thân mời cả nhà cùng đọc bài sưu tầm dưới đây:
Các lỗi ngụy biện thường gặp trong tranh luận
Các lỗi ngụy biện thường xuất hiện trong các cuộc tranh luận, làm chệch hướng và làm giảm chất lượng của chủ đề. Vậy thế nào là ngụy biện?
Các lỗi ngụy biện được hiểu là các lập luận sai về mặt logic. Dưới đây là một số lỗi ngụy biện được người viết tổng hợp lại. (Để dễ tiếp cận, tên các lỗi này được chuyển sang Tiếng Việt theo cách hiểu của người viết. Rất mong được sự góp ý của bạn đọc).
Chúng ta có 18 lỗi sau:
1. Tấn công cá nhân (Ad Hominem)
2. “Bạn cũng vậy“ (Ad Hominem Tu Quoque)
3. Tấn công vào hoàn cảnh (Circumstantial ad Hominem)
4. Có uy tín thì đúng (Appeal to Authority)
5. Được nhiều người tin thì đúng (Appeal to Belief)
6. “Nhiều người cũng làm vậy„ (Appeal to Common Practice)
7. Hệ quả tốt thì đúng (Appeal to Concequences of a Belief)
8. Tác động vào cảm xúc (Appeal to Emotion)
9. Câu nước mắt (Appeal to Pity)
10. Hài hước thì đúng (Appeal to Ridicule)
11. Song đề sai (False Dilemma)
12. Chọn “điều đứng giữa” (Middle Ground)
13. Lỗi ngụy biện post hoc
14. Lỗi ngụy biện „Hai sai thành một đúng“ (two wrongs make a right)
15. "Không đúng với tôi nên nó sai"(Reletivist fallacy)
16. Lỗi ngụy biện bù nhìn rơm (Straw man)
17. Lỗi ngụy biện Guilt by association
18. Lỗi ngụy biện đặt nghĩa vụ chứng minh (Burden of Proof)
Chi tiết các lỗi:
1. Tấn công cá nhân (Ad Hominem): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này tấn công vào hoàn cảnh, thân phận, cử chỉ, ngôn từ không liên quan tới cách lập luận...của đối phương và dựa vào điều đó để cho rằng đối phương đã sai.
Vấn đề là: Trong tranh luận, chúng ta chỉ quan tâm tới luận điểm và cách lập luận.
2. “Bạn cũng vậy“ (Ad Hominem Tu Quoque): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi sẽ chứng minh đối phương .sai bằng cách chỉ ra rằng những gì họ nói không đúng với những gì mà họ đã nói ( làm).
Ví dụ: "Bạn đã làm được những gì rồi mà chê bai bọn họ. Có giỏi thì làm như họ đi","Bộ cậu chưa vi phạm luật giao thông bao giờ hay sao mà nói vi phạm luận giao thông là sai".
Vấn đề là: Như lỗi thứ nhất.
3. Tấn công vào hoàn cảnh (Circumstantial ad Hominem): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chứng minh đối phương sai bằng cách chỉ ra rằng luận điểm của đối phương đơn thuần tới từ hoàn cảnh (thân thế, nghề nghiệp,…) của họ.
Ví dụ: Cậu bảo vệ những người giàu là vì cậu giàu.
Vấn đề: Tương tự như 1.
4. Có uy tín thì đúng (Appeal to Authority): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này dựa vào một ý kiến có uy tín để cho rằng đối phương đã sai.
Ví dụ: Ý kiến này đã được một con người vô cùng vĩ đại viết lên, bởi thế nó không thể nào mà sai được.
Vấn đề là: Tương tự như 1, chúng ta phân tích quan điểm chứ không phải thân phận của người đưa quan điểm.
5. Được nhiều người tin thì đúng (Appeal to Belief): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi tìm sự ủng hộ của đám đông. Họ cho rằng những gì đám đông tin tưởng luôn đúng.
Ví dụ:
A- Tôi nghĩ rằng ý kiến này sai.
B- Có thấy ai nói nó sai không mà bảo đấy là sai?
Vấn đề là: Trước thế kỷ XV, nhân loại bảo Mặt Trời quay quanh Trái Đất.
6. “Nhiều người cũng làm vậy„ (Appeal to Common Practice): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chứng minh mình đúng bằng cách chỉ ra rằng nhiều người cũng hành động như họ.
Ví dụ: "Tôi biết làm vậy là sai, nhưng rất nhiều người cũng đã làm vậy nên chẳng có vấn đề gì cả“.
Vấn đề là: Hầu hết mọi người làm một điều gì không có nghĩa rằng điều đó là chân lý.
7. Hệ quả tốt thì đúng (Appeal to Concequences of a Belief): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chỉ ra rằng niềm tin của mình sẽ dẫn tới những kết quả tốt và niềm tin ngược lại sẽ đưa đến kết quả xấu.
Ví dụ: Nếu không có Chúa Trời thì chúng ta sẽ không biết tin vào điều gì, vì vậy tôi chắc rằng Chúa Trời có tồn tại.
Vấn đề là: Cũng tương tự như nói „Nếu Trái Đất hình tròn thì tôi sẽ rất đau khổ, vì vậy nên Trái Đất hình vuông“.
8. Tác động vào cảm xúc (Appeal to Emotion): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi tác động vào cảm xúc của đối phương để chứng minh mình đúng.
Ví dụ: (Kể một câu chuyện) Ai ghét hành động này thì like.
Vấn đề là: Tương tự „New York là thủ đô của nước Mỹ, ai có lòng yêu nước thì like“
9. Câu nước mắt (Appeal to Pity): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này đưa ra một câu chuyện „câu nước mắt“ để chứng minh mình đúng.
Ví dụ: „Con chó đó thật là trung thành, thật là tội nghiệp, con người sống không bằng con chó“.
Vấn đề là: Cảm động không có nghĩa là đúng. Tương tự „1+1 = 3, nếu không thì một bà cụ ăn xin ở Venezuela sẽ chết...“.
10. Hài hước thì đúng (Appeal to Ridicule): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này móc mỉa luận điểm của đối phương (theo cách hài hước) để chứng minh mình đúng.
Ví dụ: “Nói thế mà cũng nói, thật buồn cười”.
Vấn đề là: Tương tự “1+1=2, thật hài hước”.
11. Song đề sai (False Dilemma): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi lập luận: A xảy ra hoặc B xảy ra, A sai thì B đúng.
Ví dụ: Hắn làm việc xấu như vậy hắn không thể là người tốt được. Hắn là một người xấu (A: “Hắn là một người tốt” hoặc B: “Hắn là một người xấu”).
Vấn đề là: A sai không có nghĩa là B đúng do A và B có thể cùng sai hoặc cùng đúng hoặc có nhiều hơn 2 lựa chọn A và B. Lỗi ngụy biện này hay bị nhầm với phép loại suy (loại trừ hết TẤT CẢ những trường hợp không thể xảy ra thì trường hợp còn lại phải đúng).
12. Chọn “điều đứng giữa” (Middle Ground): Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chọn ra một mệnh đề C “đứng giữa” hai mệnh đề đối lập A và B và cho rằng C đúng.
Ví dụ: Một người vô tội bị kết án oan và phải nộp một số tiền phạt. Dư luận cho rằng chỉ cần nộp một phần số tiền đó hoặc xử phạt hành chính là được rồi.
Vấn đề là: A,B,C thực chất là ba mệnh đề khác nhau. Lập luận này đánh lừa bởi người ta rất dễ nhầm tưởng rằng giữa “nhiều” và “ít” là vừa đủ.
13. Lỗi ngụy biện post hoc: Post Hoc bắt nguồn từ một mệnh đề trong tiếng Latin: „Post hoc, ergo propter hoc“, có nghĩa „xảy ra sau (một hành động) thì là kết quả (của hành động đó).“
Lập luận: B xảy ra sau A -> B là kết quả của A.
Lập luận sai bởi: B xảy ra sau A không có nghĩa B là kết quả của A. Một ví dụ, thành phố X xảy ra một vụ cháy nhà (B) ngay sau khi tôi chuyển đến sống ở đó (A), hiển nhiên không có nghĩa cảnh sát có quyền truy cứu tôi vì tội gây ra đám cháy. -
Ví dụ:
+ Tôi để ý rằng cứ mỗi lần tôi đeo cái nhẫn này thì tôi gặp đủ thứ chuyện xui xẻo. Như vậy là cái nhẫn đã bị ám và nó là nguyên nhân mang đến xui xẻo cho tôi.
+ Từ ngày tôi gặp X tôi gặp đủ mọi chuyện xui xẻo. X chính là nguyên nhân làm tôi xui xẻo.
14. Lỗi ngụy biện „Hai sai thành một đúng“ (two wrongs make a right)
Lập luận sai: Đối tượng B làm một điều X với A thì A cũng có quyền làm điều X đó với B.
Lập luận sai là bởi: Nếu một hành động sai thì có nghĩa là nó sai, bất kể có bao nhiêu người làm nó đi chăng nữa. Vì thế lập luận này không giải quyết được điều cần chứng minh.
Ví dụ:
“Tên sát nhân này đã giết người, vì thế chúng tôi có quyền thoải mái mạt sát và trừng trị hắn bằng những cách đau đớn nhất có thể”
“Hắn đã ăn trộm nên chúng tôi có quyền đánh chết hắn”.
15. "Không đúng với tôi nên nó sai"(Reletivist fallacy): Thay vì lập luận logic, người mắc lỗi đưa ra một lập luận kiểu: “Mệnh đề này không đúng với tôi nên nó sai”.
Lập luận sai là bởi: Tương tự “Với tôi thì 1+1=3 nên 1+1 không thể bằng 2 được”.
Đây là một lỗi ngụy biện nếu sự thật được nói đến là khách quan ("Ngọn núi cao 3000m"). Nếu mệnh đề được nhắc tới là tương đối ("Ngọn núi thật đẹp"), thì đây không phải lỗi ngụy biện.
Ví dụ: “Đây là một luận điểm sai, do có nhiều mâu thuẫn trong đó”. “ Với người khác có thể nói là nó sai, nhưng với tôi thì nó đúng. Vì vậy nó đúng”.
16. Lỗi ngụy biện bù nhìn rơm (Straw man): Người mắc lỗi này bóp méo luận điểm của đối phương, sau đó chỉ trích luận điểm bị bóp méo đó và đưa ra kết luận đối phương sai.
Lập luận sai là bởi: Luận điểm bị bóp méo (B) không phải luận điểm gốc được đưa ra (A). Vì vậy B sai không có nghĩa A sai.
Ví dụ:
+ ”Chúng ta có nên dọn dẹp lại văn phòng của mình một chút không?”
+“Tháng trước chúng ta đã dọn dẹp rồi. Không cần thường xuyên như vậy chứ?”
+“Đồ lười nhác! Cậu chỉ muốn giữ rác trong phòng thôi.Điều đó thật buồn cười”.
17. Lỗi ngụy biện Guilt by association: Người mắc lỗi ngụy biện này đưa ra lập luận rằng một mệnh đề không đúng vì nó được công nhận/được làm bởi những người anh ta không thích.
Lập luận sai là bởi: Tương tự “1+1 không thể bằng 2 được vì Adolf Hitler, Joseph Stalin và Ted Bundy đều nói 1+1=2”.
Ví dụ:
“Tôi nghĩ rằng chính phủ nên kiểm soát một số ngành công nghiệp quan trọng” .
”Ý cậu là quốc hữu hóa nền công nghiệp ấy à?”
"Ừ, trong thời điểm này đó có vẻ là một ý tưởng hay.”
”Cậu có biết là Stalin đã quốc hữu hóa nền công nghiệp và giết chết hàng triệu người dân Liên Xô. Polpot cũng đã quốc hữu hóa nền công nghiệp và giết chết hàng triệu người. Trung Quốc cũng thế. Vậy mà cậu còn ủng hộ cho quốc hữu hóa nền công nghiệp?”
“Không, tôi sẽ không đứng về phía những kẻ đó !”
18. Lỗi ngụy biện đặt nghĩa vụ chứng minh (Burden of Proof): Lỗi ngụy biện này xảy ra mà bên cần phải chứng minh áp đặt nghĩa vụ chứng minh cho bên còn lại. Một ví dụ, trong luật pháp, một người được coi là vô tội cho tới khi người ta chứng minh được là anh ta có tội, và lỗi ngụy biện này xảy ra khi người ta tìm cách ép anh ta phải chứng minh mình vô tội.
Trong các cuộc tranh luận, nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên khẳng định (là bên đưa luận điểm). Lỗi ngụy biện xảy ra khi bên đưa luận điểm áp đặt nghĩa vụ cho bên phản bác chứng minh luận điểm của mình sai thay vì chứng minh mình đúng. Lập luận sai vì đối phương không chứng minh được luận điểm A sai không có nghĩa A đúng.
Ví dụ:
“Tôi nghĩ trên đời này có ma”
“Bằng chứng đâu?”
“Thế cậu có đưa ra được bằng chứng là không có ma không? Tức là trên đời này có ma!”.
Nguồn: tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/Các_lỗi_ngụy_biện_thường_gặp_trong_tranh_luận
Bản quyền © Wegreen Vietnam
Chúc mọi người trong quá trình xử lý quan hệ lao động, tránh sa đà vào các vấn đề khác.