Làm sao để khi nghỉ việc sếp tiếc, đồng nghiệp buồn?

Nghỉ việc thực tế chỉ là tuân thủ đúng luật, gửi đơn xin thôi việc, đợi cấp trên đồng thuận rồi thu dọn hành lý rời khỏi công ty. Thế nhưng ấn tượng mỗi người để lại sau khi nghỉ việc thì rất khác nhau. Người thì sau khi nghỉ việc vẫn giữ được ấn tượng tốt với sếp cũ và đồng nghiệp, nhưng cũng có không ít người chỉ để lại toàn tai tiếng. Bạn nên nhớ rằng, nhận xét của sếp cũ luôn đóng vai trò quan trọng khi bạn đi phỏng vấn xin việc ở công ty mới. Thế nên, hãy hành xử thật văn minh ngay cả khi nghỉ việc.

Nếu bạn muốn sự ra đi của mình khiến sếp phải tiếc, đồng nghiệp phải buồn thì cần đọc ngay những điều này.

Giữ im lặng khi tìm công việc mới

Đa số mọi người trước khi quyết định nghỉ việc thì đều đã tìm “đích đến” mới cho mình. Có nhiều người giữ im lặng chuyện tìm việc mới, nhưng cũng có người lại đem điều này kể cho đồng nghiệp trong công ty nghe. Việc “buôn chuyện” này là rất không nên vì nó sẽ khiến bạn trở thành trung tâm của các cuộc bàn tán, thậm chí là những lời đồn đoán ác ý từ những người đồng nghiệp vốn không ưa bạn.

nghi viec

Tuân thủ luật của công ty

Khi bạn bắt đầu được nhận vào làm việc, chắc chắn bạn đã được phổ biến luật Lao động của công ty đó như quy định về nghỉ phép, thôi việc. Đa số các công ty thường yêu cầu nhân viên muốn nghỉ việc phải báo trước thời gian ít nhất là 1 tháng, để công ty có thể tìm người mới thay thế.

Vậy nên, điều tối kỵ là xin nghỉ phép đột ngột, vì có thể bạn sẽ bị phạt, trừ lương tháng cuối cùng. Thứ 2, hành động này của bạn sẽ bị coi là thiếu tôn trọng sếp và công ty, khiến công ty bối rối, bị động về việc điều chỉnh nhân sự do không thể ngay tức thì tuyển dụng được người phù hợp vào thay vị trí của bạn.

Viết thư xin nghỉ việc

Ngoài lá đơn xin nghỉ việc mang tính chất thủ tục, bạn nên dành một chút thời gian để viết thư xin nghỉ việc. Trong thư, bạn có thể trình bày những kinh nghiệm, sự trưởng thành mà bản thân có được trong thời gian làm việc cho công ty. Bạn có thể trích dẫn những sự kiện, những điều tốt đẹp mà công ty dành cho bạn khiến bạn thấy ấn tượng, cảm động… Từ đó, bày tỏ mong ước công ty sẽ ngày càng phát triển hơn trong tương lai.

Về lý do xin nghỉ việc, nếu có thể, hãy trao đổi một cách thẳng thắn với công ty. Bởi bất cứ sự trung thực nào cũng sẽ được đánh giá cao. Và đây cũng là cơ hội cuối cùng để bạn thẳng thắn với công ty cũ về những điều mình đã gặp phải. Biết đâu, từ sự thẳng thắn này của bạn, công ty sẽ có những nghiên cứu, thay đổi về văn hóa ứng xử, nguyên tắc làm việc… Còn nếu lý do nghỉ việc quá tế nhị, bạn có thể tìm một lý do nào đó dễ chịu hơn.

Giải quyết hết sức mình mọi công việc tồn đọng

Nhiều người có tâm lý sắp nghỉ việc nên làm việc qua quýt cho xong, thậm chí để công việc dở dang. Điều này rất không nên, sếp cũ sẽ đánh giá bạn là người thiếu trách nhiệm. Và rất có thể, bạn sẽ gặp rắc rối trong chuyện thanh toán những khoản tiền còn lại trước khi ra đi.

Bên cạnh đó, các công việc còn tồn đọng, người mới hoặc chính những đồng nghiệp cũ của bạn sẽ phải giải quyết chúng. Và chẳng có đồng nghiệp cũ nào sẽ có thiện cảm với bạn khi mà cùng với sự ra đi của bạn, họ phải “ôm” thêm nhiều việc không tên khác đâu.

Đề cử người thay thế

Để tránh cho việc công ty phải mất thời gian, kinh phí khi tìm người mới, bạn có thể đề cử một nhân viên trong công ty mà bạn thấy phù hợp với vị trí của bạn. Hoặc bạn có thể đề cử bạn bè làm công việc này nếu bạn thấy họ có những tố chất phù hợp với yêu cầu về công việc và môi trường của công ty.

Nếu có thể, hãy giúp công ty đào tạo nhân viên mới. Bởi mỗi công việc đều có đặc thù riêng mà không phải ai mới đảm nhận cũng có thể biết và làm tốt được. Chắc chắn sếp cũ sẽ rất vui và đánh giá cao khi bạn nhiệt tình giúp đỡ và bàn giao công việc cho người mới đến.

Không nói xấu sếp cũ, đồng nghiệp cũ

Dù rời khỏi công ty vì bất kỳ lý do xấu xí gì, bạn cũng không nên tung hê cho cả thiên hạ biết chuyện. Nói xấu sếp cũ, đồng nghiệp có thể làm bạn đỡ đi sự tức giận trong chốc lát nhưng nó sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến hình ảnh của bạn. Hãy thân thiện, hòa nhã, trân trọng sếp cũ, đồng nghiệp cũ cho đến giây phút cuối cùng trước khi rời đi. Hãy chia tay mọi người một cách vui vẻ nhất có thể, để sau này, dù không còn làm việc cùng nhau, các đồng nghiệp, sếp vẫn sẽ nhớ về bạn với những điều tốt đẹp và giữ được mối quan hệ lâu dài.

Tổng hợp
(Theo Màn ảnh sân khấu)

3 thoughts on “Làm sao để khi nghỉ việc sếp tiếc, đồng nghiệp buồn?

  1. Chào anh chị, công ty em rất nhỏ (<10 người), em đang muốn nghỉ việc, nhưng hơi băn khoăn vì có một chị sắp nghỉ thai sản nên sữ bị thiếu nhân sự. Em nên xin nghỉ thế nào thì hợp lý ạ? (vì em thấy hơi áy náy với sếp)

  2. Chào anh Cường,
    Anh cho em hỏi là hợp đồng lao động của em là 2 năm. Em đã viết mail thông báo nghỉ việc trước 1 tháng. Tuy nhiên, em không biết nên chờ ký xong bàn giao mới chuyển lại hết giấy tờ để sếp ký vậy em nghỉ việc như vậy có trái quy định không ạ?
    Em cảm ơn anh!

    • Bạn viết câu hỏi không rõ ràng: “Tuy nhiên, em không biết nên chờ ký xong bàn giao mới chuyển lại hết giấy tờ để sếp ký vậy em nghỉ việc như vậy có trái quy định không ạ?” . Mình không hiểu đoạn này: cấu trúc câu hỏi: em không biết nên …(một hành động nào đó) … hay nên …(một hành động nào đó) …? hoặc cấu trúc phải là: em …(một hành động nào đó) … như vậy …(câu hỏi)… ?

      Bạn không nên viết mail thông báo mà phải làm giấy tờ văn bản đàng hoàng. Sau khi thông báo xong thì làm các thủ tục bàn giao. Hai bên vừa bàn giao giấy tờ vừa ký. Theo lẽ thường là đưa giấy tờ nào thì ký bàn giao giấy tờ đó. Quan hệ trao đổi bình thường mà bạn. Sao bạn phải phức tạp thế ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *