Xử lý quan hệ lao động trong Ngân Hàng – tình người và lý trí

Cuối ngày thứ 7, tôi mới rảnh rang để viết lại một vài điều thu lượn từ buổi offline với chủ đề Kinh nghiệm xử lý các mối quan hệ lao động trong lĩnh vực Ngân hàng. Tuần vừa rồi nhiều việc quá. Buổi offline được vẫn được diễn ra ở quán Beto số 1B Hai Bà Trưng. Không biết bạn Ngân - chủ xị của buổi offline này kiếm được quán từ đâu nhưng xem ra quán để tổ chức offline có lẽ không phù hợp. Tôi thấy có 1 quá khá hay mà rất phù hợp cho offline tầm 15 - 20 người. Quán ý ở 26 Hàng Vôi. Và tôi cũng vừa off với đội Headhunter hôm thứ 5 vừa rồi xong. Dạo này các buổi offline được các anh chị và các bạn ở mạn Gia Lâm tổ chức nên tôi lại có cơ hội được vi vu trung tâm thành phố hơn.

Lần này, do đã quen đường nên tôi đến địa điểm sớm hơn so với lần trước. Dường như tôi đến sớm nhất đội thì phải. Gửi xe xong thì tôi gặp anh Tuyến. Lúc chiều, tầm 4h tôi có nhắn tin cho anh hỏi anh cần tôi hỗ trợ gì không? Không thấy anh trả lời làm tôi cũng thấp thỏm trong lòng. Nhưng nhìn thấy anh là tôi an tâm rồi.

Buổi offline lần này đông hơn, có sự xuất hiện của 1 số đại diện các bank như : VPbank, ABbank, TPbank, MBbank, GPbank, Liên Việt bank và có cả các bạn Navigos. Chỉ tiếc là các bạn Headhunter chắc đến chỉ để network thôi chứ không phải đến để nghe chia sẻ kinh nghiệm. Vì thế đến hơn 1 nửa thời gian thì các bạn xin phép về trước.

Sau khi mọi người đến đông đủ, diễn giả của buổi offline bắt đầu chia sẻ. Diễn giả lần này là anh Tuyến ở TPbank. Anh Tuyến dáng hơi gày, người dong dỏng cao. Tính anh vui tính dễ gần. Ở anh toát lên cái gì đó làm cho người khác tin tưởng. Tố chất này là một trong những tố chất mà Nhân sự nên có. Phòng Nhân sự nên có ít nhất 1 người như anh. Tôi quen anh cũng được 1 thời gian dài, hình như từ hồi trước khi anh lấy vợ. Anh là một trong những người hiếm thấy khi rất bận công việc nhưng vẫn tham gia các buổi off dân dã. Thường thì những người ở vị trí như anh họ hay bắt đầu tìm tới những nơi sang chảnh hơn, phân biệt hơn và đẳng cấp hơn. Đi offline với anh có nhiều cái thú, thú không chỉ vì vui mà còn được anh chia sẻ nhiều điều về Nhân sự.

Anh Tuyến chia sẻ, vị trí xử lý quan hệ lao động là một trong những vị trí khó nhằn trong chuối các vị trí của lĩnh vực Nhân sự. Vị trí này thường gắn như là 1 nhiệm vụ của trưởng phòng Nhân sự trong quy mô công ty vừa phải. Tuy nhiên ở những doanh nghiệp quy mô lớn như ngân hàng chả hạn, các công việc của nhân sự phức tạp hơn và đòi hỏi phải tách ra. Những vụ, mâu thuẫn, cần xử lý mà trưởng phòng còn rất nhiều việc khác nên phòng nhân sự tách ra 1 vị trí. Vị trí đó là xử lý quan hệ lao động.

Vị trí này đôi khi gắn liên với vị trí đánh giá hiệu quả công việc hoặc gần đây tôi thấy mọi người hay nói đến việc gắn xử lý quan hệ lao động với tuyển dụng. (như vậy thì xử lý quan hệ lao động ở đây có thể chỉ được hiểu là cho thôi việc).

Vậy xử lý quan hệ lao động là làm những việc gì ?

Trước tiên để đi diễn giải các công việc, mọi người trong buổi offline có đưa ra một thuậ ngữ mới: "Công nhân ngân hàng". Thuật ngữ này được nói thay cho "nhân viên ngân hàng". Sở dĩ có việc ví von này vì dường như các công việc của Ngân hàng giống như các công việc được lập trình sẵn, Ngân hàng giống như một nhà máy lớn và những người trong đó, mỗi người 1 vị trí làm các công việc như một công nhân. Chỉ có điều thay vì dùng tay chân thì công nhân ngân hàng dùng trí não.

Ở vị trí xử lý quan hệ, một nhân sự mới thực sự trải nghiệm hết cái thấm cái thía của nghề Nhân sự. Và nếu không có cái tâm, nhìn mọi việc theo hướng tích cực và xử lý công việc với một cái đầu lạnh thì có thể sẽ không làm được công việc này.

Làm xử lý quan hệ thì sẽ có rất nhiều điều để nhớ. Như trường hợp có một lái xe ngân hàng - tuyển vào 3 lần rồi sa thải 3 lần. Việc bị sa thải này không có cách nào giải thích ngoài việc đổi tại do số đen.

Lần 1: Ngân hàng phải tái cấu trúc nên phải cắt giảm. Và trong số các vị trí cắt giảm có vị trí lái xe. Và anh lái xe này bị lên đoạn đầu đài. Sau đó một thời gian, do Ngân hàng có nhu cầu (có thể là xin được phép mở thêm chi nhánh nên cần lái xe), lại gọi anh lái xe kia về.
Lần 2: Một thời gian sau, ngân hàng lại thay đổi cơ chế. Và thế là anh lái xe Lại bị đuổi. Được cái, Ngân Hàng có anh Tổng Giám đốc rất tình người nên luôn có chính sách để người lao động ra đi thoải mái êm đẹp. Lần này, lái xe bắt đầu nhăn nhó.
Đến lần 3: Tiếp tục gọi anh lái xe đen đủi kia quay lại. Do đẫ biết anh lái xe cũ nên Ngân Hàng Ký luôn hợp đồng 1 năm. Anh lái xe tưởng vậy an tâm nhưng nào ngờ Ngân Hàng lại bắt giảm. Thế là xử lý quan hệ lao động lại gọi lên nói chuyện. Tâm sự của lái xe : lúc trước khi vào Ngân hàng lần 3 đang ổn định, chỉ vì thích ngân hàng nên xin nghỉ. Giờ lại bị đuổi. Người đó hỏi: sao lại là em ? Câu hỏi này ám ảnh với tất cả những ai phải xử lý trường hợp như thế này. Nguyên nhân là do sự chủ quan vì tính quan hệ. Lần này chắc bạn đó không quay lại dù đã đền bù cao.

Mọi người tiếp tục chia sẻ, làm quan hệ khó nhất là luôn luôn phải đi cắt giảm. Thời điểm đang hăng say trao đổi thì không hiểu sao quán cafe lại bật nhạc lên. Nhạc to át cả tiếng người. Buổi off tạm dừng để bảo quán vặn nhỏ âm lượng. Bảo vậy nhưng quán không hề có động thái nào để cho tiếng nhạc nhỏ lại. Tôi nghĩ lần sau có off nên chọn quán khác. Không bảo được chủ quán vặn âm lượng nhỏ lại thế là cả team đành phải nói to hơn. Anh Tuyến kế tiếp tình huống thứ 2 mà anh vẫn nhớ đến giờ. Đó là tình huống kiện sau khi nghỉ việc của người lao động. Nguyên nhân là do giám đốc Chi nhánh giữ sổ BHXH. Có thể đã có chuyện xảy ra giữa giám đốc chi nhánh và nhân viên. Thế là người lao động kia liền ra sở để kiện. Sở liền bảo lên tòa. Sau một thời gian, tòa gửi công văn về cho Ngân hàng. Nếu phải ra tòa thì việc này sẽ bị tác động động đến kết quả công việc của vị trí xử lý vì 1 trong những KPI của người xử lý quan hệ là số vụ bị ra tòa. Vậy là anh phải gọi điện mất 3 hôm để trao đổi với người lao động để tìm ra nguyên nhân và thuyết phục rút đơn. Nếu rút đơn thì Ngân hàng sẽ không phải trả lời công văn của tòa nữa. Để thuyết phục người lao động trong vụ này, anh Tuyến đã phải dùng đến cả uy tín cá nhân để đảm bảo rằng sổ BHXH sẽ được gửi trả lại sau khi rút lại đơn kiện.

Nhắc đến XLQH, người trong nghề hay nhắc đến họp. Có những lúc họp xử lý kỷ luật từ 10h sáng - 4h chiều. Những buổi họp căng như vậy sẽ liên quan đến số tiền khoảng 10 tỷ nhưng không thu hồi được. Trong buổi họp thế này, xử lý quan hệ thường ngồi ở vị trí thư ký. Ngồi thông trưa nên thường đến 1 - 2h trưa sẽ rất đói. Trong cuộc họp lại đưa đẩy về câu chữ vì các mối quan hệ cá nhân. Sau khi họp xong là bên xử lý quan hệ phải gọi cho IT để khóa các user của nhân viên lại.

Và cách xử lý kỷ luật sa thải luôn phải gửi công văn 3 lần. Sau 3 lần sẽ tiến hành xử lý theo thục tục như pháp luật. Đây là lý còn không thì luôn tìm phương án thỏa hiệp. Trong lúc thỏa hiệp phải ngồi phân tích được mất cho người lao động.

Công việc XLQH có những cái vất vả riêng của nó. Đôi khi giống như tình báo hoặc mật vụ đi tìm bằng chứng. Đơn cử có lần để có thể xử lý được 1 nhân viên, anh Tuyến đã tìm bằng chứng phải truy xuất 300 cái mail mà không dám đọc hòm thư của cá nhân nhân viên vì có thể vi phạm quyền riêng tư. Sau đó còn phải liên hệ với các bên ngân hàng khác. Nếu không có bằng chứng đó thì nhân viên đã cãi bay cãi biến.

Thường thì việc xử lý kỷ luật lao động trong ngân hàng đa phần liên quan đến tiền. Nhiều trường hợp dính đến việc phải "đi quét kho" (đi tù). Ví dụ có trường hợp giả mạo sổ tích kiệm. TH này bị PC14 gọi lên gặp. Khi đã dính đến công an thì NH sẽ phải xử lý rất nhanh nếu như nhân viên xin nghỉ việc.

Sau khi chia sẻ về các trường hợp không thể quên trong QHLĐ, mọi người chia sẻ lời khuyên dành cho những ai ở vị trí xử lý quan hệ:
- Đó là cần phải xây dựng lòng tin cho nhân viên vào người quan hệ lao động.
- Tiếp nữa Xử lý quan hệ đôi khi làm bạn nhưng hôm sau là đối diện 2 chiến tuyến.
- Và tiếp xúc mọi thứ theo hướng tư duy tích cực.
- Bên cạnh đấy là làm việc phải lạnh khi xử lý nhưng phải nồng ấm khi giao tiếp.
- Cuối cùng, chúng ta phải nắm bắt tâm lý. Có thể nói trực tiếp, có thể nói khác đi.

Vị trí XLQH LĐ luôn có nhiều rủi ro hơn các vị trí khác trong lĩnh vực nhân sự:
- Người XLQH LĐ hay gặp trường hợp bị bôi xấu, nhắn tin đe dọa, spam mail. Không những thế họ còn có thể bị các quan hệ bên ngoài gây áp lực.
- Rủi ro nữa, mà cũng có thể nói đây là một cái khổ vì đôi khi phải xử lý quan hệ với chính người bạn của mình.
- Rủi ro tiếp, có một số GĐ chi nhánh "non" nên khi có việc với nhân viên lại trả về phòng Hr để xử lý. Lại có chi nhánh cứ cho Nhân viên nghỉ không lương, sau đó tai tiếng lên trên toàn hàng về việc phòng HR không xử lý được NV mà cứ để cho nghỉ không lương. Và Nhân sự lại phải đi xử lý hậu quả của họ.

Phần cuối của buổi offline như lệ cũ, mọi người vào phần hỏi đáp. Câu hỏi đầu tiên đó là : Trong thời gian kỷ luật NH vẫn trả lương ? Câu trả lời là 1 số nơi có, một số nơi không nhưng ở TP thì chắc chắn có trả lương. Anh Tuyến nói thêm đó là do chính sách, quan điểm quan tâm của anh tổng giám đốc với người lao động.

Câu hỏi tiếp theo: tại sao một số nơi XLQH LĐ lại dễ dàng chẳng có gì đáng nói lại một số nơi thì rất vất vả ? Nguyên nhân có nhiều và trong đó có chính sách về dùng người và đào thải. Có ngân hàng áp dụng chính sách 5% sẽ bị đào thải sau 1 năm. Điều này tạo ra sự mâu thuẫn giữa xử lý quan hệ và tuyển dụng đào tạo. Bên tuyển dụng thì ra sức tuyển người, sau đó đào tọa và XLQH lại đi tìm cách đào thải lao động. Như vậy sẽ rất mất công và tạo sự biến động cho người lao động.

Mâu câu hỏi khác liên quan đến việc trong thời gian xử lý kỷ luật lao động, NH vẫn trả lương thì xác định quỹ lương thế nào ? Trả lời: Do trả lương cho cả thời gian kỷ luật nên Quỹ lương rất khó dự đoán.

Chốt cuối cùng khi kết thúc buổi offline là lưu ý về con người ở HP và miền Tây. Nợ xấu nhiều và rất rủi ro. Ví dụ như thế chấp kho thóc thì phải canh kho thóc không thì sẽ mất trắng do bị ăn cấp.

Tái bút: keyword dành cho ai quan tâm đến HR trong lĩnh vực bank: SOA - cam kết chất lượng dịch vụ nội bộ.

Buổi offline kết thúc lúc 10h đêm. Ai về nhà nấy và nó có quá nhiều nội dung mà không thể dùng từ để diễn giải ra được nên cho đến hôm nay là thứ 4, cách buổi offline 1 tuần tôi mới viết lại được xong bài tổng kết này. May quá, ơn trời, tôi cứ tưởng sẽ không thể hoàn thành bài viết này. Dưới đây là 1 số hình ảnh về buổi offline:


Ảnh này có 1 em bé lớp 11 cũng tham gia offline. Hi vọng sau buổi offline này, e sẽ thích nghề Nhân sự.


Hẹn mọi người ở buổi offline tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *