Dạo này tôi đọc cũng khá nhiều tâm thư của các CEO. Thấy hay hay nên post lên đây, biết đâu mai sau lại dùng đến. Mạn phép bác Lâm và FSoft xin được đưa lên đây.
------
Dear các bạn FSOFTer,
Xin chào đón các bạn đến với ngày làm việc đầu tiên của năm 2013. Hy vọng các bạn đã có một kỳ nghỉ vui vẻ cùng gia đình, bạn bè và người thân.
Nhìn lại 2012
Năm 2012 là một năm thành công. Chúng ta đã đạt được các mục tiêu đề ra. Doanh số đạt trên 81 triệu USD, tăng trên 30% so với 2011. Đội ngũ phát triển vượt bậc tại cả 3 miền. FSOFT đã đón nhân viên thứ 4000, FSOFT HCM đã đón nhân viên thứ 1000, Đà nẵng cũng đã trên 700 người.
Success has many fathers, thành công của chúng ta đến từ nhiều yếu tố. Năm 2012 mặc dù thị trường APAC bao gồm cả Việt Nam gặp nhiều khó khăn, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường chính Nhật và Mỹ đã đảm bảo tăng trưởng cho toàn FSOFT. Việc tái tổ chức các đơn vị sản xuất đã giúp chúng ta tập trung vào khách hàng hơn, quản lý nguồn lực hiệu quả hơn. Đội ngũ bán hàng với chính sách mới cũng đã phát huy tốt sức mạnh của mình. Các ban đảm bảo, đặc biệt là nguồn lực đã bắt nhịp tốt với sản xuất, kinh doanh, phát huy được vai trò, sức mạnh của HO.
Tuy nhiên yếu tố cơ bản nhất theo tôi là chúng ta đã bước đầu thành công trong việc trở thành “một tổ chức của những con người trẻ khỏe, đầy sinh khí, luôn học hỏi, luôn hướng đến khách hàng, dám nghĩ dám làm” như tôi đã viết trong thư gửi các bạn vào đầu năm 2012. Đây là yếu tố cơ bản nhất để phát huy hết các nền tảng vững mạnh mà FSOFT đã xây dựng trong suốt 13 năm qua. Không biết tình cờ hay không nhưng đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất của 2012, trên 60%, cũng là đơn vị có lãnh đạo mới trẻ nhất, là FSU17.
Cũng có người bảo chúng ta may mắn. Tôi có trả lời rằng tôi thì có, nhưng FSOFT thì không.
May mắn chỉ đến với những người làm việc hết mình. Và hơn 4000 FSOFTer ở Việt Nam cũng như trên 200 FSOFTer ở khắp mọi miền thế giới đã làm việc hết mình cho thành công. Đó là các bạn bán hàng ở Nhật đã phải hy sinh, chấp nhận xa vợ, xa chồng, xa con để ngày đêm bám khách; đó là các bạn onsite tại Mỹ thức đêm thức hôm do chênh lệch múi giờ để đảm bảo liên lạc thông suốt với offshore. Là tập thể non trẻ của dự án N đã chiến đấu suốt 10 tháng trời với biết bao ngày OT để hoàn thành dự án khổng lồ trên 1000 man-months, là tiền đề để khách hàng tiếp tục đưa các dự án “nghìn man-month” tiếp theo; là các thành viên của T đã lập kỷ lục fix gần 1000 bugs trong một tuần, đảm bảo cho khách hàng release đúng hạn, tạo nên sự tin tưởng tuyệt đối nơi khách hàng; là các thành viên của D vừa tăng trưởng từ “zero lên 100” trong vòng 11 tháng, vừa đảm bảo được các yêu cầu hết sức ngặt ngèo về chất lượng, về công nghệ, giúp FSOFT trở thành partner bền vững của khách hàng. Và còn bao nhiêu câu chuyện khác nữa.
FSOFT không may mắn. Các bạn xứng đáng với thành công. Từng centimet.
Cá nhân tôi thì rất may mắn vì có được một đội ngũ như FSOFT. Xin cám ơn các bạn!
Hướng đến 2013
2013 chúng ta đặt mục tiêu trở thành công ty phần mềm Việt Nam đầu tiên đạt cột mốc 100 Mio USD doanh số. Để đạt được mục tiêu này chúng ta sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức.
Về kinh doanh, các thị trường Mỹ và Nhật sẽ phải tiếp tục tăng trưởng tốt, trong khi chúng ta phải xây dựng được thị trường Đức như một động cơ tăng trưởng tiếp theo. Ở Mỹ chúng ta sẽ tập trung vào một số hướng chính, đặc biệt là mobility. Ở Nhật, chúng ta sẽ phải tận dụng tốt cơ hội do quan hệ Trung-Nhật đưa lại, đẩy mạnh tên tuổi của Việt Nam và FPT hơn nữa để mở rộng hơn nữa customer base. Ở Đức, chúng ta sẽ vừa phải tìm kiếm khách hàng, vừa xây dựng lực lượng, đảm bảo chất lượng công việc để gây dựng uy tín tại thị trường.
Về đội ngũ, nhu cầu cần thêm gần 2000 nhân viên mới sẽ là một thách thức rất lớn cho đội ngũ tuyển dụng và đào tạo, trong bối cảnh nguồn cung vẫn hạn chế. Chúng ta sẽ cần phải tăng cường đội ngũ tuyển dụng, đảm bảo chất lượng đào tạo đầu vào. Chúng ta sẽ cần những giải pháp sáng tạo để phát huy hết nội lực của toàn bộ nhân viên FSOFT; phải mở rộng hợp tác với các trường đại học ngoài FU.
Về công nghệ chúng ta sẽ phải khẳng định vị trí của FSOFT trong Mobility và Cloud. Thách thức không chỉ làm làm sao giúp khách hàng chuyển sang các platform mới này, mà thách thức lớn nhất là làm sao giúp khách hàng chuyển sang một cách nhanh chóng nhất và hiệu quả nhất. Năm 2013 chúng ta mong muốn trở thành Mobility enterprise solution provider, giúp khách hàng không chỉ trong mobile app development mà còn là tư vấn, giải pháp cho các vấn đề hạ tầng như MDM, MAM etc. Về Cloud chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với các tập đoàn lớn để cung cấp các dịch vụ, sản phẩm của họ trên các nền Cloud phổ biến nhất như Azure, Salesforce, Amazon. Để đảm bảo tính up-to-date về công nghệ, chúng ta dự kiến sẽ mở R&D center tại Mỹ.
Về hạ tầng, trong năm tới chúng ta sẽ hoàn thành cơ sở Hòa Lạc và bắt đầu xây dựng tòa nhà thứ 2 tại F-town HCM. Tại Đà nẵng dự án xây dựng cũng đang được phê duyệt.
Cả bộ máy vận hành, hệ thống thông tin, quản lý rủi ro cũng phải cùng lớn mạnh.
Mục tiêu cao, nhưng với quyết tâm không thể lay chuyển được, tôi tin chúng ta sẽ đạt được.
Beyond 2013
Chuyến công tác đầu tiên của ban lãnh đạo FSOFT năm nay sẽ là chuyến đi Ấn Độ thăm công ty Infosys vào tuần thứ 2 của tháng 1.
Chuyến đi có 2 mục đích. Một là học hỏi. Về cách thức tổ chức, về quản lý tài chính, về tuyển dụng và đào tạo trong bối cảnh tăng trưởng cao. Learning from the best of the best.
Mục đích thứ hai là định vị chúng ta đang ở đâu. Infosys thành lập năm 1981, và sau 23 năm đến năm 2004 thì đạt doanh số 1 tỷ USD. Nếu lấy Infosys làm gương thì chúng ta còn 9 năm nữa để đạt được mục tiêu này. Và mỗi năm chúng ta sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 30% trong suốt thời gian 9 năm ấy.
FSOFT đã đứng đầu Việt Nam, nhưng chúng ta còn cách niềm mơ ước “trở thành một điểm sáng trên bản đồ trí tuệ thế giới” một chặng đường dài. Tôi hay nói vui với đội ngũ manager của FSOFT là chúng ta có đủ đội hình để vô địch V-league, nhưng để thi đấu được ở level ở Đông Nam Á, ở châu Á hay Champinon League thì còn rất nhiều việc phải làm. Phải phát huy được hết sức mạnh “lò đào tạo trẻ” của FSOFT cũng như phải có thêm rất nhiều tính quốc tế! Chúng ta sẽ phải tự đòi hỏi cao với chính bản thân mình, từ lãnh đạo cao nhất đến từng nhân viên.
Con đường sẽ còn nhiều chông gai, nhưng chắc chắn sẽ rất thú vị. Lets go together!
Happy New Year!
Lâm
“Cũng có người bảo chúng ta may mắn. Tôi có trả lời rằng tôi thì có, nhưng FSOFT thì không”
“May mắn chỉ đến với những người làm việc hết mình”
=> Nghĩa là chỉ có tôi làm việc hết mình, còn FSOFT thì không
Bức thư có thông tin tốt nhưng không hội tụ được cái gọi là tinh thần của một bức tâm thư mà một CEO nên viết.
Đặc biệt có vài chỗ cứ chêm tiếng Anh vào khiến mình khó chịu ;)
Ở Fsoft sử dụng Anh-Việt như là nét văn hóa riêng vậy, nên bạn thấy khó chịu là đúng :)
Tôi đọc chỗ này thì không heieur ý bạn lắm “=> Nghĩa là chỉ có tôi làm việc hết mình, còn FSOFT thì không”
Tôi đọc đoạn của a CEO viết thì tôi hiểu là FSOFT thành công như vậy không phải do may mắn, mà là do 4000 người fsoft đã làm việc hết mình không ngừng nghỉ, còn CEO may mắn là vì đã có 4000 người chăm chỉ đó