[Hrday2011] Hai cú sốc với người lao động trong nền kinh tế hội nhập

Thân gửi anh chi em. Đây là bài viết nằm trong chuối các bài viết dành cho sự kiện Ngày nhân sự Việt Nam mà các chuyên gia có tên tuổi đang hì hụi ngày đêm cho ra lò các bài viết tâm huyết. KC sẽ chọn lọc những bài viết hay theo cảm nhận cá nhân để đưa lên cho ACE cùng đọc. Những bài viết này đã qua một lần lọc là các Anh chị trong Ban nội dung thuộc Ban tổ chức Hrday năm nay.

Nếu có điều kiện, kc hy vọng anh chị tham dự. Vì khi tham dự, anh chị sẽ có cơ hội được sở hữu quyển sách cập nhật các bài viết hay nhất về nhân sự trong năm 2011 đấy ạ.

KC,

Hai cú sốc với người lao động trong nền kinh tế hội nhập

PGS, TS Lê Quân, Chủ tịch Tổ chức Tư vấn Giáo dục Việt Nam, cho rằng thay đổi cơ chế và khủng hoảng là hai cú sốc giúp người lao động và doanh nghiệp nhìn nhận lao động là hàng hóa trong nền kinh tế thị trường.

Chuyên gia tư vấn này cho rằng, mốc quan trọng đánh dấu những thay đổi của doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua là cổ phần hóa. Đây được coi là giải pháp tối ưu tăng tính tự chủ và hiệu quả của doanh nghiệp. Song lại xuất hiện một vấn đề nổi cộm là sắp xếp, đào tạo lại, tinh giản biên chế… mà số đông người lao động do không đáp ứng được yêu cầu mới này.

Ngoài lý do một bộ phận người lao động có năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh mới, còn bởi doanh nghiệp trước đó chưa chú trọng đúng mức văn hóa học tập và sáng tạo. Chính điều đó làm triệt tiêu tính thích nghi của người lao động.

Ông Lê Quân nhìn nhận, thay đổi cơ chế và chính sách kinh tế là cú sốc lớn cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp mà việc làm, thu nhập được đảm bảo từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Lãnh đạo có nhiệm kỳ, còn người lao động thì không. "Nếu người lao động không chú trọng trau dồi năng lực bản thân, phát triển khả năng thích nghi thì đến một ngày không xa, họ sẽ thuộc nhóm tinh giản biên chế. Chú trọng học tập, sáng tạo, tích lũy năng lực theo yêu cầu của thời đại mới là cách tốt nhất để đảm bảo cho bản thân và gia đình", ông nói.

Thứ hai, khủng hoảng kinh tế đi liền với suy giảm sức mua, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Đấy cũng là dịp để doanh nghiệp tái cấu trúc lại. Biện pháp thường thấy là cắt giảm nhân sự nhằm duy trì năng suất lao động và giảm chi phí. Còn người lao động thì đứng trước nỗi lo mất việc làm.

PGS, TS Lê Quân cho biết, khi quy mô kinh doanh giảm sút, doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm nhân sự tương ứng để giảm chi phí nhân lực, duy trì quy mô tối ưu nhằm vượt qua khủng hoảng. Dù chưa quen với việc sa thải nhưng điều này đã và đang là hoạt động ưu tiên của rất nhiều doanh nghiệp Việt.

Với người lao động, ông chỉ rõ đối tượng bị ưu tiên cắt giảm đầu tiên là nhân lực dễ tuyển, dễ đào tạo, dễ sa thải… "Nhiều doanh nghiệp nhận thấy, lao động có chất lượng không cao, chi phí tuyển dụng và sa thải thấp, thời gian tuyển nhanh nên họ chọn cắt giảm. Trong khủng hoảng kinh tế, lao động là hàng hóa", PGS, TS Lê Quân nói.

Theo PGS, TS Lê Quân, có 3 nhóm người lao động ít có khả năng thuộc diện tinh giản biên chế. Đó là nhân sự sở hữu năng lực khan hiếm trên thị trường, khó tuyển dụng; nhân sự đã qua đào tạo lâu dài của doanh nghiệp và những vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty. Ông Quân cùng nhiều chuyên gia nhân sự khác sẽ chia sẻ thêm nhiều bài học trong quản lý con người tại ngày hội Nhân sự Việt Nam 2011 sắp được tổ chức tại Hà Nội và TP HCM.

Ngày Nhân sự Việt Nam 2011 sẽ được tổ chức lần thứ 3 tại Hà Nội (6/11) và tại thành phố Hồ Chí Minh (13/11) với sự tham gia của hơn 2.000 cán bộ doanh nghiệp. Đây là hoạt động có sự phối hợp của 4 tổ chức Tư vấn Giáo dục Việt nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CPO Club và diễn đàn HrLink.vn.

Xuân Ngọc
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/10/hai-cu-soc-voi-nguoi-lao-dong-trong-nen-kinh-te-hoi-nhap/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *