Trong bối cảnh biến động khó đoán và sự phát triển vượt bậc của công nghệ, vị thế của các quản lý cũng đang dần thay đổi.
Để giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, giờ đây các nhà lãnh đạo cần nâng cao chuyên môn và kỹ năng mềm. Những nhà lãnh đạo tài giỏi không chỉ kiểm soát và quản lý, mà còn là người dẫn lối cho hành trình phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ nhân sự.
Cụ thể hơn, theo báo cáo State of Organizations do McKinsey công bố vào năm 2023, những nhân sự có khả năng thích ứng tốt sẽ hoàn thành tốt vai trò của họ ngay cả trong bối cảnh có nhiều thay đổi mang tính thách thức.
Do đó, trong tương lai, khi các mô hình trí tuệ nhân tạo ngày càng đảm nhận được nhiều nhiệm vụ khác nhau, kỹ năng hướng dẫn và đào tạo của người quản lý có đóng góp đáng kể đối với sự thành công của doanh nghiệp. Điều đó giúp tăng tỷ lệ gắn bó của các nhân sự tài năng, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng của đội ngũ nhân viên trước những biến động có thể phát sinh. Dưới đây là 3 kỹ năng lãnh đạo giúp người dẫn dắt doanh nghiệp và đội nhóm tạo được sự khác biệt trong tương lai.
Khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo một cách đúng đắn
Kể từ khi ChatGPT ra mắt và tạo nên làn sóng bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tạo sinh, ngày càng nhiều doanh nghiệp ngày càng triển khai tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quy trình làm việc của tổ chức.
Theo kết quả khảo sát về chuyển đổi số của BDO, công nghệ tự động hóa giúp nhân sự tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ mang tính chiến lược, từ đó giúp doanh nghiệp ngày càng tăng trưởng. Do đó, bên cạnh kỹ năng đặc thù của từng ngành nghề, nhà lãnh đạo và quản lý cấp cao cần có nền tảng kiến thức về công nghệ để nâng cao hiệu suất, cũng như lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh kiến thức về công nghệ, kỹ năng sáng tạo và khả năng phân tích cũng là yếu tố quan trọng giúp nhà lãnh đạo triển khai kế hoạch tích hợp công nghệ vào quy trình làm việc.
Một số vấn đề khác cần lưu ý khi tích hợp AI là tính bảo mật, cũng như những thách thức liên quan đến khía cạnh đạo đức, chẳng hạn như quyền riêng tư, trách nhiệm pháp lý, đồng thời củng cố niềm tin của nhân viên, khách hàng và các bên liên quan. Do vậy, nhà lãnh đạo nên triển khai quy trình ứng dụng AI rõ ràng và thống nhất trong tổ chức, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và lợi tức đầu tư của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo nhận định của Giáo sư Shannon Vallor tại Đại học Edinburgh, nhà lãnh đạo cần liên tục cập nhật thông tin và kiến thức, đồng thời dành thời gian và xây dựng không gian để thảo luận về những thách thức.
Nâng cao trí tuệ cảm xúc trong bối cảnh nhân sự đa dạng
Khi môi trường làm việc ngày càng đa dạng về văn hóa và thế hệ như hiện nay, nhà lãnh đạo có trách nhiệm tạo ra môi trường làm việc thân thiện, nơi tất cả nhân viên cảm thấy được tôn trọng, có giá trị và có cơ hội phát triển. Để làm được điều đó, những người đứng đầu và quản lý cấp cao cần trau dồi trí tuệ cảm xúc, nhằm xây dựng sự gắn kết và ăn ý giữa các thành viên trong tổ chức. Phong cách lãnh đạo trí tuệ cảm xúc thể hiện qua cách thức giao tiếp rõ ràng và truyền cảm hứng, kỹ năng quản lý nhân sự, sự linh hoạt, tư duy phản biện, khả năng thấu hiểu và xử lý mâu thuẫn trong tổ chức.
Theo nghiên cứu “Working Together” do Work Foundation của Đại học Lancaster công bố vào đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách thế hệ giữa nhân viên và cấp trên. Vì lẽ đó, các nhà quản lý không thể đáp ứng được nhu cầu giữa các nhóm nhân sự khác nhau và khiến tình trạng mất kết nối ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ thế, việc không có sự thấu hiểu và cách thức giao tiếp phù hợp giữa các thành viên có sự khác biệt về tuổi tác, văn hóa, kỹ năng,... có thể tạo ra bầu không khí căng thẳng, thiếu thân thiện tại nơi làm việc.
Ở vai trò dẫn dắt và quản lý doanh nghiệp, nhà lãnh đạo nên sử dụng trí tuệ cảm xúc để đưa ra chính sách công bằng với phương thức truyền đạt rõ ràng, nhằm xây dựng môi trường làm việc tích cực. Dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo sở hữu trí tuệ cảm xúc cao, năng suất của nhân viên được cải thiện và thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Thích ứng nhanh chóng với thay đổi
Khi thị trường ngày càng thay đổi nhanh chóng, các nhân viên đều mong đợi người dẫn dắt doanh nghiệp của họ có được sự vững vàng và khôn ngoan trong bối cảnh có quá nhiều điều không chắc chắn. Do vậy, các nhà lãnh đạo cần có khả năng thích ứng nhanh chóng, tầm nhìn dài hạn và tư duy cấp tiến để truyền động lực cho đội ngũ nhân viên.
Không chỉ thế, người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần có khả năng đưa ra định hướng rõ ràng và phù hợp để đưa ra những quyết định đúng đắn vào thời điểm quan trọng. Theo thống kê do McKinsey công bố vào năm 2015, 70% giải pháp để đối mặt với sự thay đổi có thể thất bại và vấp phải sự phản đối của nhân sự nếu không có chiến lược quản lý thay đổi hiệu quả và thiếu sự dẫn dắt vững vàng của người đứng đầu.
Do đó, để giúp doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn biến động, nhà lãnh đạo nên có tầm nhìn dài hạn để sẵn sàng cho mọi sự thay đổi và rủi ro có thể phát sinh. Theo gợi ý của Adam Grant, tác giả sách và giáo sư về tâm lý học tổ chức tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, giống như nhà khoa học, các nhà lãnh đạo nên cho rằng mọi niềm tin đều là giả thuyết và mọi quyết định đều là thử nghiệm. Khi đó, những người đứng đầu doanh nghiệp sẽ có cái nhìn cởi mở với những điều mới mẻ và không e ngại sự thay đổi.
Như vậy, khi thế giới liên tục đổi mới, các nhà lãnh đạo ngày càng đối diện với nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Vì thế, những người dẫn dắt doanh nghiệp cần có sự kiên cường và tầm nhìn dài hạn để vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời nhanh chóng thích ứng sự thay đổi. Khi đó, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng có thể tăng trưởng và phát triển bền vững.
Nguồn: Tatler Asia
- 6 kỹ năng cần có trong quản trị nhân sự
- Nhà tuyển dụng mong muốn kỹ năng gì ở ứng viên khi tuyển dụng?