Muốn Tề gia Trị quốc thì cần biết ứng dụng Quản trị nhân sự

Đã lâu lắm rồi, trong bài "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ – Muốn làm được điều này nên biết về Nhân sự", tôi đã viết:

"Bạn muốn bình ổn một tổ chức?

Đầu tiên bạn nên nắm được tinh thần Pháp Trị và Nhân Trị và không lẫn lộn. Thưởng 1 nhân viên đó không phải là Nhân Trị. Phạt một nhân viên đó không phải là Pháp trị.

Điều tiếp theo đó là: bạn cần xác định một mô hình cơ cấu tổ chức rõ ràng. --> xác định quyền hạn, trách nhiệm công việc cho từng vị trí trong cơ cấu --> 5 công việc tiến hành song song: xây dựng hệ thống quản trị tri thức , các quy trình làm việc, xử lý các quan hệ nội bộ (liên kết nội bộ - nhân trị thể hiện ở chỗ này), xây dựng năng lực, tạo môi trường làm việc..."

Cùng với những dòng này, tôi có đưa ra 1 hình minh họa:

Và cũng từ đó, tôi mải miết tô điểm cho bức tranh này. Tôi tìm hiểu lý thuyết, nghiên cứu, quan sát các đối tác tư vấn rồi đến ứng dụng trong thực tế. Đến thời điểm này, tôi đã có một bức tranh đẹp hơn:

Hôm nay, nhân thứ bảy rảnh rỗi, tôi tiếp tục ngồi vào bàn và tiếp tục viết tiếp những gì còn dang dở. Một lần nữa với những gì trải nghiệm, tôi xin được nhắn nhủ "Muốn Tề gia Trị quốc thì cần biết ứng dụng Quản trị nhân sự".

1. Tề gia - Trị quốc là gì?

2 thuật ngữ này có thể nói là rất lâu đời và thực sự quen thuộc đối với những ai có mong muốn tìm hiểu về quản trị. Cá nhân tôi, cũng đã tiếp cận từ khi tôi còn là sinh viên (hơn 20 năm về trước). Từ đó đến giờ, tôi vẫn nghiền ngẫm, lý giải chúng. Với tôi:
- Tề gia là xếp đặt việc gia đình cho ổn thỏa.
- Trị quốc là chăm lo (hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm soát những hoạt động trong tổ chức và tận dụng tối đa tất cả các nguồn lực) đơn vị mình sao cho phát triển bền vững.

2. Làm thế nào để Tề gia - Trị quốc?

Thường, để tìm hiểu một thuật ngữ nào đó, tôi hay có thói quen tìm hiểu về cái gốc, cái khởi điểm xuất phát. Vì thế xin trích dẫn từ 2 quyển sách tôi hay "gối đầu giường" là "Tứ Thư" do Trần Trọng Sâm và Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2003 và "Hàn Phi Tử" do Phan Ngọc dịch, nhà xuất bản Văn học, 2005. 2 quyển sách này cho chúng ta 2 góc nhìn về "Tề gia - Trị quốc" rất hay và bổ sung cho nhau. "Tứ Thư" có thể coi như là đại diện cho tinh thần Nhân trị. "Hàn Phi Tử" đại diện cho tinh thần Pháp trị.

Để Tề gia - Trị quốc, giống như trên tôi đã viết, đầu tiên ta nên nắm được tinh thần Pháp Trị và Nhân Trị và không lẫn lộn. Thưởng 1 nhân viên đó không phải là Nhân Trị. Phạt một nhân viên đó không phải là Pháp trị.

2.1 Trên góc nhìn Nhân trị. Trong "Tứ Thư", tôi thấy "Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ" là 4 bước trong 8 bước để thực hiện 3 cương lĩnh của Nho giáo. 3 cương lĩnh bao gồm : "Minh minh đức, Tân dân, Chỉ ư chí thiện”. 8 bước: "Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Sách còn viết:
"Muốn trị quốc tốt trước hết phải chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình. Bởi vì người trong gia đình, gia tộc mình giáo dục không được, mà lại có thể giáo dục được người khác thì đây là điều không thể có. Cho nên người quân tử không cần ra khỏi nhà mà vẫn giáo dục tốt dân một nước."
"Tề gia tức là chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, chủ yếu ở chỗ mình tu dưỡng tốt đạo đức. Bởi vì con người ta:
- Đối với người mình thân thích thì thường có sự thiên lệch;
- Đối với người mình kính sợ, thường có sự thiên lệch;
- Đối với người mình thương hại, thường có sự thiên lệch;
- Đối với người mình khinh miệt, cũng thường có sự thiên lệch;
Cho nên ưa thích ai lại biết được khuyết điểm của người ấy, khinh ghét ai lại biết được ưu điểm của người ấy. Người làm được như vậy là hiếm có trong thiên hạ."

2.2 Trên góc nhìn Pháp trị. "Hàn Phi Tử" viết:

"Những điều căn bản của việc cai trị: Người xưa hiểu rõ cái đại thể của việc cai trị thì gửi việc trị loạn ở pháp luật và thuật trị nước, gửi sự phải trái ở thưởng và phạt, giao việc nặng và nhẹ cho cái cân."
"Pháp luật không hùa theo người sang, không khinh rẻ người hèn. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu."
“Pháp luật thay đổi theo thời thì trị; việc cai trị thích hợp theo thời thì có công lao... Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn... Cho nên, bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi và sự ngăn cấm theo khả năng mà thay đổi”

2.3 Trên góc nhìn Quản trị hiện đại. Có nhiều nghiên cứu khoa học về cả góc nhìn thiện và ác của con người.

Ví dụ như hiệu Ứng Lucifer - Một Người Tốt Có Thể Trở Thành Kẻ Xấu. Hiệu ứng Lucifer nói lên những mặt tiêu cực, những phần xấu mà con người có thể trở thành. Cuốn sách The Lucifer Effect được viết bởi Philip Zimbardo – cựu chủ tịch hiệp hội tâm lý Mỹ (American Psychological Association) và là giáo sư đại học Stanford. Dựa trên nghiên cứu về những hành động trái đạo đức và chủ nghĩa anh hùng, những biến đổi tâm lý thông qua quá trình nghiên cứu hơn 30 năm, Zimbardo đã lý giải các yếu tố để biến một người bình thường hoặc người tốt trở thành kẻ độc ác (Understanding How Good People Turn Evil) với tên gọi: hiệu ứng Lucifer.

Hiệu ứng Lucifer lý giải: Một người thực hiện hành vi xấu có thể là một người rất bình thường về mặt thể trạng tâm lý và tinh thần. Nguyên nhân khiến một người có thể thực hiện hành vi xấu là do hoàn cảnh người đó được đặt vào khiến người đó có thể thực hiện hành vi xấu. Khi một người được đặt vào một hoàn cảnh khác thì tâm lý họ có thể thay đổi, thậm chí biến đổi hoàn toàn.

Hiệu ứng Lucifer = Hoàn cảnh (Situation) tạo cái xấu + Quyền lực (Power) dung dưỡng cái xấu + Hệ thống (System) có cái xấu = hành động ác.

Theo góc nhìn này, để có thể tạo ra một tổ chức có hành vi tốt cần có hoàn cảnh tốt, quyền lực dung dưỡng cái tốt và hệ thống không có cái xấu.

Từ đó, muốn Tề gia - Trị quốc, cần biết cách ứng dụng Quản trị nhân sự.

3. Cách thức ứng dụng QTNS để Tề gia – Trị quốc.

3.1. Cách tổng thể để Tề gia – Trị quốc.

Khi có một gia đình hoặc một doanh nghiệp, bạn sẽ thấy có rất nhiều vấn đề xảy ra liên quan đến con người. Ví dụ như đây là một tình huống:

"Mình hiện đang là CEO của một công ty nhỏ khoảng 20người, thành lập được 3 năm. Năm đầu tiên khi bắt đầu làm mình có thuê một bạn HR tổng hợp thực hiện thanh toán lương thưởng trong nội bộ thôi, còn các công việc bhxh, thuế thì mình vẫn thuê kế toán dịch vụ bên ngoài làm.

Khi bắt đầu làm ở công ty mình thì rất chăm chỉ, không ngại khó. Gắn bó với nhau 2 năm, mình đều luôn ưu ái, tin tưởng và tăng lương đều cho bạn.
Gần đây mình nhìn thấy nhiều lỗ hổng liên quan đến pháp lý trong nội bộ có thể gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp, vì vậy mình muốn bạn tìm hiểu phần luật để xây dựng quy định cho công ty cho chuẩn chỉ. Tuy nhiên công ty mình là công ty đầu tiên bạn đi làm, và trước giờ bạn tự làm một mình nên không có nhiều kinh nghiệm, vì vậy gần nửa năm nay, mình đăng kí khá nhiều khóa học cho bạn để bạn học nâng cao trình độ chuyên môn với mong muốn bạn sẽ giúp mình khắc phục các rủi ro pháp lý.

Tổng tiền học tới giờ cũng hơn 20 triệu cho 6 khóa học khác nhau.

Tuy nhiên sau khi học xong, biết nhiều hơn, biết công ty có sai phạm, bạn không những không giúp công ty khắc phục, sửa sai, ngược lại bạn "mặc cả" với mình về tiền lương. Hiện tại mức lương của bạn là 16 triệu cố định, bạn mong muốn mức 25 triệu. Mình bảo như vậy cao quá trong khi bạn chưa giải quyết các vấn đề công ty mình yêu cầu, thì bạn có báo bạn có đủ bằng chứng vi phạm của công ty, giờ bạn báo các bạn đã nghỉ việc kiện công ty thì sẽ phải bồi thường.

Sau đó mình có nói chuyện với bạn ấy để cho bạn thôi việc, và chấp nhận các khoản bồi thường đúng pháp luật đưa ra. Bạn không chịu. Mình có bảo hoặc nghỉ việc hoặc mình sẽ để cho cộng đồng HR biết bạn ấy là người như nào bạn ấy mới chịu thôi."

Đây không chỉ là một tình huống "ăn cháo đá bát" đơn thuần mà còn là một tình huống cho thấy doanh nghiệp cũng như gia đình sẽ liên tục gặp các vấn đề nếu chúng ta không biết cách giải một cách tổng thể. Với tôi, nguyên nhân dẫn tới các vấn đề quản trị nhân sự xảy ra là do nhu cầu các bên không được đáp ứng.

Thứ nhất đó là nhu cầu của các thành viên trong tổ chức và gia đình. Bất cứ ai đều có trong mình các nhu cầu. Chúng tồn tại trên cả 5 bậc nhu cầu (theo Maslow). Nếu chúng ta không thể đáp ứng được nhu cầu, thành viên trong tổ chức sẽ đưa ra các hành vi để thỏa mãn nhu cầu của mình (giống như tình huống trên). Có thể những hành vi đó làm tổ chức bất ổn. Chúng ta chỉ cần giải quyết được các nhu cầu của người lao động, nhân viên (thành viên gia đình) của chúng ta sẽ ít "làm mình làm mẩy" hơn. Các bài toán (vấn đề) về Quản trị Nhân sự được giải quyết ít nhiều.

Tuy nhiên... mặc dù đáp ứng hết nhu cầu của nhân viên, tôi tin các vấn đề nhân sự vẫn sẽ còn tồn tại trong tổ chức. Chúng ta còn cần phải làm một điều song song nữa đó là đáp ứng nhu cầu của chính tổ chức. Hãy tưởng tượng tổ chức như là một cơ thể sống - một đứa con tinh thần, chúng ta sẽ thấy: Hóa ra tổ chức - đứa con ấy - cũng có nhu cầu. Doanh nghiệp hay gia đình cũng có 5 bậc nhu cầu (Cấp độ 1: Bán hàng, tạo ra tiền; Cấp độ 2: Lợi nhuận, tạo sự ổn định; Cấp độ 3: Trật tự, tạo ra sự hiệu quả; Cấp độ 4: Tương tác, tạo sự biến đổi; Cấp độ 5: Di sản, tạo sự trường tồn). Các bậc nhu cầu doanh nghiệp này của Mike Michalowicz, tác giả sách "Fix This Next". 5 bậc nhu cầu Doanh nghiệp được phát triển dựa trên tháp nhu cầu của Abraham Maslow với năm loại nhu cầu của con người. Một ngày nào đó, nếu chúng ta thấy sếp khó ở, công ty khó hiểu, cứ thay đổi chính sách liên hồi, tôi tin công ty sẽ có nhiều vấn đề về Quản trị Nhân sự. Nhìn vào các bậc nhu cầu của doanh nghiệp, chúng ta có thể biết cách thức để đáp ững nhu cầu tổ chức. Và dĩ nhiên muốn thúc đẩy tổ chức phát triển, chúng ta nên đáp ứng dần các nhu cầu từ bậc thấp đến bậc cao.

Cho nên cách tổng thể để Tề gia – Trị quốc là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu các bên, gia tăng lợi ích cho họ. Làm sao để: Nhân viên tăng thu nhập, Công ty tăng lợi nhuận, Khách hàng tăng lợi ích thì đó chính là Tề gia - Trị quốc. Chỉ cần thấu hiểu được khẩu quyết này, công việc của chúng ta đã thành công.

Làm thế nào để “tề gia – trị quốc”, đáp ứng nhu cầu các bên?

3.2. Chi tiết hơn, muốn Tề gia – Trị quốc cần làm gì?

Vừa rồi tôi đã chia sẻ một cách tổng thể để giúp việc Tề gia - Trị quốc theo tôi sẽ thành công. Vậy chi tiết hơn sẽ là làm và cần gì?

Để trả lời câu hỏi này, tôi đã viết khá khái quát ở phần đầu bài: "Bạn cần xác định một mô hình cơ cấu tổ chức rõ ràng. --> Xác định quyền hạn, trách nhiệm công việc cho từng vị trí trong cơ cấu --> 5 công việc tiến hành song song: Xây dựng hệ thống quản trị tri thức, các quy trình làm việc, xử lý các quan hệ nội bộ (liên kết nội bộ - nhân trị thể hiện ở chỗ này), xây dựng năng lực, tạo môi trường làm việc...". Chi tiết hơn chúng ta cần làm các đầu việc lớn sau:
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp bài bản. (1)
- Thiết lập và quản trị được chiến lược phát triển tổ chức cân bằng. (2)
- Xây dựng hệ thống QTNS bài bản. (3)
- Luyện cho mình được những năng lực tác nghiệp Quản trị nhân sự (Tuyển - Dạy - Dùng - Giữ - Thải) tốt. (4)

Nếu nhìn theo góc độ người xưa thì:
- Việc 1 tương đương với "muốn trị quốc tốt trước hết phải chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình" và "chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, chủ yếu ở chỗ mình tu dưỡng tốt đạo đức".
- Việc 2 chính là "bậc vua sáng không làm những việc mình không kiểm tra được, nghe xa và nhìn gần để xem xét những sai xót bên trong và bên ngoài".
- Việc 3 là "gửi sự phải trái ở thưởng và phạt, giao việc nặng và nhẹ cho cái cân."
- Việc 4 là "gửi việc trị loạn ở pháp luật và thuật trị nước".

Chúng ta sẽ cùng đi chi tiết tại các bài tiếp theo!

Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QTNS bài bản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *