Ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đối với trải nghiệm của nhân viên

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp đang đứng trước áp lực không chỉ trong việc duy trì hiệu suất mà còn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Một trong những yếu tố được xem là chìa khóa để xây dựng môi trường làm việc bền vững và thúc đẩy động lực làm việc chính là văn hóa doanh nghiệp (corporate culture). Văn hóa doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tập hợp các giá trị, niềm tin và chuẩn mực hành vi của một tổ chức, mà còn là nền tảng hình thành nên bản sắc riêng của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh hoạt động từ cách thức giao tiếp nội bộ đến việc ra quyết định chiến lược (Schein, 1985; Denison, 1990).

Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm của nhân viên? Cùng Blognhansu tìm hiểu nhé.

Khái niệm văn hóa doanh nghiệp và trải nghiệm của nhân viên?

Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống giá trị, niềm tin, nguyên tắc và chuẩn mực hành vi mà tổ chức thiết lập để tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên trong tổ chức và định hướng hành vi của họ. 4 khía cạnh quan trọng của văn hóa tổ chức, gồm: Tính nhất quán; Tính linh hoạt; Sứ mệnh; Sự tham gia. Các khía cạnh này không chỉ tạo nền tảng cho sự gắn kết trong tổ chức, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhân viên cảm nhận và tương tác với tổ chức.

Trải nghiệm nhân viên là tổng thể các tương tác và cảm nhận của nhân viên với tổ chức từ khi tham gia làm việc đến khi rời khỏi tổ chức. Nguyễn Thị Hồng Anh và cộng sự (2018) đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, "trải nghiệm nhân viên tại các doanh nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa doanh nghiệp, phong cách lãnh đạo, và mức độ phúc lợi". Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, trải nghiệm nhân viên tại Việt Nam là một khái niệm còn mới mẻ và chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng đầy đủ.

Các yếu tố của văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng tới trải nghiệm của nhân viên

1. Phong cách lãnh đạo

Phong cách lãnh đạo ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm nhân viên thông qua cách thức mà các nhà quản lý giao tiếp, hỗ trợ và khuyến khích nhân viên. Phong cách lãnh đạo hỗ trợ, tạo động lực sẽ giúp nâng cao sự hài lòng và cam kết của nhân viên. Trong bối cảnh Việt Nam, phong cách lãnh đạo mang tính hỗ trợ và công bằng sẽ tạo ra môi trường làm việc thân thiện và gắn kết hơn.

2. Môi trường làm việc

Một môi trường làm việc tích cực, an toàn và tiện nghi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm nhân viên. Theo Denison (1990) và Nguyễn Minh Đức (2017), "môi trường làm việc thân thiện, khuyến khích sự tương tác và sáng tạo giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và năng động, từ đó nâng cao trải nghiệm nhân viên".

3. Phúc lợi và hỗ trợ sức khỏe tinh thần

Phúc lợi và hỗ trợ sức khỏe tinh thần ngày càng trở thành yếu tố không thể thiếu. Các chương trình phúc lợi, bảo hiểm sức khỏe, hỗ trợ tâm lý và cân bằng giữa công việc - cuộc sống giúp nhân viên cảm thấy được quan tâm và có động lực làm việc.

4. Sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhân viên

Sự tham gia và tiếng nói của nhân viên thể hiện văn hóa tổ chức minh bạch và tôn trọng sự đóng góp của từng cá nhân. Khi nhân viên cảm thấy ý kiến của mình được lắng nghe và đóng góp có giá trị, họ có xu hướng cảm thấy gắn bó và cam kết hơn.

Cải thiện văn hóa doanh nghiệp để nâng cao trải nghiệm của nhân viên

1. Phát huy giá trị cốt lõi

Giá trị cốt lõi là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp, định hình cách thức tổ chức hoạt động và tương tác với nhân viên. Các doanh nghiệp cần tập trung truyền đạt giá trị cốt lõi một cách rõ ràng và nhất quán. Các chương trình truyền thông nội bộ, như: video giới thiệu, hội thảo định kỳ và các chiến dịch chia sẻ câu chuyện thực tế có thể làm nổi bật ý nghĩa của giá trị cốt lõi trong công việc hàng ngày.

Bên cạnh đó, các hoạt động trải nghiệm thực tế như các buổi thảo luận nhóm hoặc các sự kiện nội bộ để nhân viên thực hành giá trị cốt lõi sẽ giúp tạo sự liên kết sâu sắc hơn giữa nhân viên và tổ chức. Khi giá trị cốt lõi được thực hiện đồng nhất, nhân viên sẽ cảm nhận được sự thống nhất và đồng điệu giữa cá nhân và tổ chức, qua đó tăng cường lòng trung thành.

2. Xây dựng môi trường làm việc lý tưởng

Một môi trường làm việc tích cực, thoải mái và hiện đại có thể tạo động lực mạnh mẽ cho nhân viên. Các doanh nghiệp nên đầu tư vào cơ sở vật chất với không gian làm việc linh hoạt, khu vực sáng tạo, không gian xanh để giảm căng thẳng và tăng cường năng lượng tích cực.

Đồng thời, việc cung cấp đầy đủ công cụ làm việc, như: thiết bị hiện đại, phần mềm hỗ trợ quản lý công việc sẽ giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Các chính sách làm việc linh hoạt, chẳng hạn như: mô hình hybrid hoặc thời gian làm việc linh động, cũng là một giải pháp phù hợp để giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một môi trường làm việc thân thiện, hiện đại không chỉ nâng cao sự hài lòng của nhân viên, mà còn cải thiện hiệu suất làm việc và giữ chân nhân tài.

3. Tăng cường phúc lợi và chăm sóc sức khỏe tinh thần

Phúc lợi tài chính và sức khỏe tinh thần là 2 yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao trải nghiệm nhân viên. Doanh nghiệp cần triển khai các gói phúc lợi mở rộng, như: bảo hiểm sức khỏe cao cấp, quỹ hưu trí tự nguyện, hoặc hỗ trợ tài chính đặc biệt, như chi phí chăm sóc trẻ em, cha mẹ già.

Ngoài ra, các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần, hoặc dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí sẽ giúp nhân viên giảm căng thẳng, duy trì trạng thái tâm lý tích cực. Chính sách nghỉ phép linh hoạt, đặc biệt là ngày nghỉ cho sức khỏe tinh thần, cũng là một giải pháp thiết thực để nhân viên cảm thấy được tổ chức quan tâm. Một hệ thống phúc lợi toàn diện sẽ tạo động lực lớn cho nhân viên và tăng cường sự gắn kết lâu dài.

4. Thúc đẩy sự tham gia và đóng góp ý kiến

Khi nhân viên cảm thấy ý kiến của mình được lắng nghe và đánh giá cao, họ sẽ trở nên chủ động hơn trong công việc. Doanh nghiệp nên xây dựng các kênh giao tiếp hiệu quả, chẳng hạn như tổ chức các cuộc họp mở định kỳ để lãnh đạo và nhân viên cùng nhau thảo luận các vấn đề quan trọng. Đồng thời, việc thiết lập các chương trình ghi nhận ý tưởng sẽ khuyến khích nhân viên đóng góp ý kiến sáng tạo. Các khảo sát định kỳ hoặc hệ thống hộp thư ẩn danh cũng là cách hiệu quả để ghi nhận phản hồi của nhân viên. Khi nhân viên thấy rằng, ý kiến của mình có giá trị, họ sẽ có xu hướng gắn bó hơn với tổ chức, đồng thời cải thiện trải nghiệm làm việc của chính mình.

5. Cải thiện phong cách lãnh đạo

Mặc dù, phong cách lãnh đạo không ảnh hưởng rõ rệt đến trải nghiệm nhân viên, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào các chương trình đào tạo lãnh đạo, tập trung vào kỹ năng lắng nghe, phản hồi và truyền cảm hứng. Ví dụ, lãnh đạo có thể học cách lắng nghe nhân viên một cách chủ động, khuyến khích họ đóng góp ý kiến và hỗ trợ kịp thời khi họ gặp khó khăn trong công việc.

Đồng thời, việc triển khai các chương trình mentoring giữa lãnh đạo cấp cao và nhân viên cũng sẽ tạo ra môi trường làm việc hỗ trợ, nơi nhân viên cảm nhận được sự quan tâm từ tổ chức. Một phong cách lãnh đạo tích cực sẽ không chỉ cải thiện trải nghiệm của nhân viên, mà còn nâng cao sự gắn kết và hiệu quả làm việc của đội ngũ.

Lời kết

Như vậy, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình trải nghiệm của nhân viên. Một văn hóa tích cực không chỉ tạo ra môi trường làm việc lý tưởng mà còn góp phần thúc đẩy hiệu suất, nâng cao sự gắn kết và lòng trung thành của nhân viên, từ đó mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *