Xu hướng quản trị nhân sự năm 2024

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng với thế hệ gen Z bước chân vào thị trường lao động đã tạo nên những xu hướng nhân sự. Nếu bạn đang băn khoăn không biết xu hướng này là gì và áp dụng thế nào thì đừng bỏ qua bài viết này của Blognhansu nhé!

1. Chú trọng chế độ phúc lợi

Để nâng cao hiệu suất công việc chung của tổ chức, đầu tư vào các chế độ phúc lợi được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của năm 2024 trong Quản trị Nguồn nhân lực. Một chính sách phúc lợi toàn diện có thể hỗ trợ chăm sóc nhân viên ở cả 3 khía cạnh: Sức khỏe thể chất (Physical Health), Sức khỏe tinh thần (Mental Health) và Sức khỏe tài chính (Financial Health).

Phúc lợi Thể chất bao gồm:

  • Xây dựng khu vực tập thể dục, thể hình ở nơi làm việc.
  • Tổ chức các chương trình tư vấn dinh dưỡng định kỳ cho nhân viên.
  • Các gói bảo hiểm sức khỏe và kiểm tra sức khỏe định kỳ (hàng năm).
  • Bố trí khu vực nghỉ cho nhân viên, khu vực chăm sóc mẹ và bé…

Phúc lợi Tinh thần bao gồm:

  • Thiết lập các chương trình cho phép mang theo con cái vào một số ngày làm việc nhất định và xây dựng khu vui chơi cho trẻ em ngay tại văn phòng.
  • Cho phép làm việc linh hoạt về thời gian và địa điểm.
  • Tổ chức chương trình tình nguyện, thiện nguyện xã hội.

Phúc lợi Tài chính bao gồm:

  • Liên kết với tổ chức tài chính, hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho nhân viên.
  • Hỗ trợ chi phí làm việc tại nhà cho nhân viên.

2. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo đúng mục tiêu và sứ mệnh của tổ chức

Nhiều người tài ngày nay không còn quá tập trung vào lương bổng hay lợi ích vật chất như trước đây. Họ muốn được làm công việc ý nghĩa, có mục đích và có thể nhìn thấy được những đóng góp của mình tác động như thế nào đến tổ chức.

Chú trọng xây dựng hoạt động có ý nghĩa, có mục đích là một trong những chuyển đổi của các doanh nghiệp trong những năm gần đây. Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến sự thay đổi này:

Tự động hóa: Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, các công việc lặp đi lặp lại mang tính chất vận hành đã được tự động và hệ thống hóa, giúp người lao động có nhiều thời gian hơn cho những công việc thực sự ý nghĩa. Theo khảo sát của McKinsey, 81% người lao động tin rằng việc ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều công việc ý nghĩa hơn cho tổ chức, nhân viên.

Sự thay đổi về nhân khẩu học: Cả thế hệ gen Z và Millennials đều ưu tiên những công việc có ý nghĩa, tạo ra giá trị. Một số lượng lớn người lao động đã nghỉ hưu chia sẻ rằng họ sẵn sàng làm việc lâu hơn nếu họ thấy được sự quan trọng của công việc mình làm.

Sự thay đổi về tâm lý học: Một số phong trào như “Phản đối công việc” (Antiwork) diễn ra tại Hoa Kỳ hay chủ nghĩa nhàn nhã phi vật chất (Lying flat) tại Trung Quốc cũng đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong kỳ vọng về công việc của người lao động.

3. Đảm bảo sự công bằng và hòa nhập

Theo trickle.works, chỉ có 23% các vị trí Lãnh đạo tại các doanh nghiệp là phụ nữ và chưa đầy 5% các thành viên quản trị cấp cao là người thuộc nhóm BAME (Black, Asian and Minority Ethnic - nhóm gồm người da đen, người châu Á và các dân tộc thiểu số). Bên cạnh đó, theo thống kê của Mercer, chỉ có 15-20% doanh nghiệp nằm trong nhóm S&P 500 có thiết lập và gắn các chỉ tiêu DE&I với chính sách chi trả lương thưởng cho nhóm nhân sự cấp cao.

Những con số này đặt ra nhiều bài toán, tạo ra không gian trong tương lai để các tổ chức có thể phát triển và triển khai chính sách về Đa dạng – Công bằng – Hòa hợp.

Với vai trò quản trị nguồn nhân lực tại tổ chức, phòng HR phải đánh giá, phân tích, nhìn nhận xuyên suốt vòng đời của nhân viên thông qua DE&I. Những sáng kiến về DE&I có thể được lồng ghép và tăng cường ở mỗi bước trong vòng đời nhân viên từ tuyển dụng, đào tạo hội nhập, học tập và phát triển, gắn kết nhân viên, thăng tiến, luân chuyển… cho đến khi nhân viên rời tổ chức.

4. Nâng cao năng lực cho quản lý

Một trong những xu hướng quản trị nhân lực năm 2024 là nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp. Trong chiến lược này, phòng nhân sự đóng vai trò trung tâm khi là “cầu nối” giữa nhân viên và đội ngũ quản lý, lãnh đạo. Một chiến lược nâng cao năng lực lãnh đạo thành công cần bắt đầu từ việc khai thác nhu cầu và kỳ vọng của tổ chức.

Ngoài ra, ở góc độ nhân viên, phòng nhân sự cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc lắng nghe để tìm hiểu và phân tích nhu cầu của nhân viên, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mô hình Hybrid Working, làm việc linh hoạt dần trở nên phổ biến. Từ đó, HR có thể đưa ra những tư vấn chiến lược giúp các quản lý và lãnh đạo có thể định hình được chân dung nhân tài và thực thi các kế hoạch quản lý đội nhóm một cách hiệu quả nhất.

5. Ứng dụng công nghệ trong quản trị nhân sự

Dựa trên kết quả khảo sát của IDC, 80% trong số 2000 công ty đa quốc gia sẽ ứng dụng giải pháp công nghệ quản lý thuật toán (algorithmic managers) cho các hoạt động tuyển dụng, sa thải và đào tạo nhân lực. Hơn thế, 40% các quy trình, nghiệp vụ nhân sự trong các tập đoàn lớn hiện nay đều đã được công nghệ hóa, tích hợp với các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI). Mục đích là tăng trưởng nguồn dữ liệu ứng viên, đẩy nhanh quy trình tuyển dụng và cải thiện mức độ gắn kết giữa các nhân viên.

Lời kết,

Trên đây là một số xu hướng quản trị nhân sự trong năm 2024 bạn có thể tham khảo. Việc ứng dụng các xu hướng đó vào doanh nghiệp không phải chuyện đơn giản, bạn cần lên kế hoạch cụ thể và thực nghiệm để tìm ra xu hướng phù hợp nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *