Tại sao tôi lại chọn nghề Headhunter ?

Là chuyên viên tuyển dụng nhân sự của một tập đoàn nước ngoài, hàng ngày tôi có cơ hội được tiếp xúc và trao đổi với ứng viên ở nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau. Trong mỗi buổi phỏng vấn tôi luôn chủ động tạo bầu không khí chuyên nghiệp, cởi mở, giúp ứng viên cảm thấy thoải mái, tự tin chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng của họ. Tôi luôn tự nhủ điều này bởi trước đây bản thân tôi cũng từng tham dự phỏng vấn với tư cách một ứng viên. Trong những lần chinh chiến phỏng vấn đó, tôi thường hay nhớ đến buổi phỏng vấn với một nhà tuyển dụng cách đây 7 năm. Buồi phỏng vấn đó để lại cho tôi ấn tượng thật “xấu xí”, nhưng thú vị thay, chính kỷ niệm “xấu xí” đó đã mang tôi đến cơ duyên nghề tuyển dụng.

7 năm trước, với mong muốn được học thêm nhiều kỹ năng về nhân sự, tôi nộp đơn xin việc một số vị trí như trợ lý nhân sự, thư ký giám đốc nhân sự. Sau khi đọc bản mô tả công việc vị trí HR Assistant tại một công ty thiết kế nội thất , thấy yêu cầu về công việc đáp ứng, tôi tự tin ứng tuyển. Đúng 5 ngày sau, chuyên viên tuyển dụng của công ty điện thoại mời tôi đến phỏng vấn. Chị ấy báo sẽ gửi mail xác nhận buổi gặp này cho tôi. Nhận được thông tin đó, tôi cảm thấy vô cùng hào hứng. Ngay lập tức, tôi lên mạng tìm hiểu về công ty, tìm đọc những bài tư vấn về kỹ năng phỏng vấn. Sau khi tham khảo thông tin, tôi nhận thấy để buổi phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, tôi cần biết thông tin về người phỏng vấn.

Nhưng thông tin ai là người phỏng vấn không được chị chuyên viên tuyển dụng hôm nọ thông báo trong buổi trao đổi điện thoại. Tôi cũng không thấy email xác nhận chị ấy hứa gửi cho tôi. Băn khoăn, ngại ngần nhưng nghĩ đến mong muốn có một buổi phỏng vấn thành công, tôi mạnh dạn gọi điện đến công ty, gặp chị chuyên viên tuyển dụng. Điện thoại được nối đến phòng nhân sự. Sau khi biết mình đang nói chuyện với người phụ trách tuyển dụng, tôi trình bày lại việc được mời đi phỏng vấn nhưng chưa nhận được mail xác nhận lịch gặp, đồng thời không rõ sẽ gặp ai trong vòng phỏng vấn đầu tiên. Tất cả những gì tôi nghe được chỉ là: “Chưa rõ có những ai tham dự phỏng vấn. Hôm đó cứ đến rồi sẽ biết!” và tiếng cúp máy khô khốc.

gia nhan cong cac nuoc

Khá chưng hửng nhưng tôi nghĩ có thể do thời điểm tôi gọi điện, nhân viên tuyển dụng kia khó ở nên mới như vậy. Tôi tự động viên mình, cứ chuẩn bị tốt về kiến thức cộng với sự tự tin, tôi có thể thành công.

Ngày phỏng vấn cuối cùng cũng đến, tôi ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, đến phỏng vấn trước 10 phút. Lịch hẹn phỏng vấn là 2 giờ chiều, vậy mà đúng 2 giờ, tôi không thấy ai vào. Phòng phỏng vấn được bao quanh lớp kính nên tôi có thể nhìn thấy mọi người đang làm việc ở ngoài. Sau khi quan sát một vòng toàn bộ không gian văn phòng bên ngoài, mắt tôi dừng lại hai dãy bàn có ghi chức danh chuyên viên tuyển dụng và Trưởng phòng nhân sự. Tôi thấy chị chuyên viên tuyển dụng đang nói chuyện với một bạn nhân viên nào đó, còn chị Trưởng phòng nhân sự tuổi trung niên, nét mặt nghiêm khắc đang ngồi gõ máy tính, thỉnh thoảng nghe điện thoại. Tôi nhẫn nại chờ đợi. 2h15’ vẫn không thấy ai vào. Tôi định bụng đánh bạo ra lễ tân hỏi. Vừa đứng dậy, chưa kịp bước đi thì tôi thấy chị trưởng phòng nhân sự đứng dậy, đi hướng vào phòng phỏng vấn. Cánh cửa bật mở, tôi đứng dậy chào chị. Chị nhìn tôi từ trên xuống dưới rồi giới thiệu là Trưởng phòng nhân sự. Sau đó chị ngồi xuống và bắt đầu đặt câu hỏi, không hề giải thích là tại sao chị vào trễ 15 phút. “Hay chị nghĩ giờ phỏng vấn là 2h15”, tôi trấn an mình như vậy rồi bắt đầu tập trung trả lời câu hỏi của chị. Suốt buổi phỏng vấn, chị giữ thái độ lạnh lùng, rất ít khi mỉm cười với tôi. Tôi lại một lần nữa tự an ủi mình đây có lẽ là hình mẫu phỏng vấn chị ý áp dụng để thử thách ứng viên. Chị đặt câu hỏi liên tiếp, có câu chị hỏi tôi một lần rồi, lúc sau lại hỏi tôi lần nữa. Tôi để ý thấy chị ghi chú rất ít. Dù vậy, tôi vẫn tập trung trả lời câu hỏi của chị một cách rõ ràng, thể hiện những kinh nghiệm và kiến thức mình gặt hái được tại công ty hiện tại. Cuối buổi phỏng vấn, chị cảm ơn và hỏi tôi có câu hỏi nào cho chị không, tuyệt nhiên không nở một nụ cười với tôi. Sau khi hỏi rõ thông tin về vị trí, môi trường công ty, tôi đánh bạo hỏi chị về giờ phỏng vấn hôm nay. Tôi giải thích nhận được lời mời phỏng vấn vào 2 giờ chiều nhưng thực tế là bắt đầu phỏng vấn lúc 2h15, không biết có nhầm lẫn gì không. Chị trưởng phòng tỉnh bơ trả lời: “À, vào lúc 2 giờ chị có chút việc bận”. Tôi thấy không còn câu hỏi gì với chị nữa, nên cám ơn chị và ra về.

Sau đó ba ngày, tôi nhận được thông báo trúng tuyển vị trí HR Assistant, báo cáo trực tiếp cho chị trưởng phòng nhân sự. Qua buổi phỏng vấn với cảm xúc không được mặn mà lắm, cùng với sự cân nhắc kỹ càng, tôi quyết định từ chối cơ hội làm việc tại công ty thiết kế nội thất này. Lý do thật đơn giản: ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, tôi đã có ấn tượng không tốt về sếp trực tiếp và đồng nghiệp của mình thì làm sao tôi có cảm giác hào hứng say mê để cùng họ làm việc hiệu quả.

Sau buổi phỏng vấn đó, trong tôi ấp ủ mong muốn một ngày kia mình sẽ là nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, không chỉ tuyển dụng thật nhiều nhân tài mà còn góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa của công ty. Và rồi theo định luật hấp dẫn, tôi trúng tuyển vào vị trí trợ lý trưởng phòng cho một tập đoàn cung cấp dịch vụ nhân sự. Tại đây tôi đã được đào tạo, học hỏi những kiến thức, kỹ năng bổ ích về mảng tuyển dụng để trở thành một chuyên viên tuyển dụng như bây giờ. Tôi tự nhận thấy rằng trong thời buổi thị trường lao động đầy cạnh tranh, không chỉ có ứng viên gặp áp lực, mà ngay cả những nhà tuyển dụng cũng đối mặt với khó khăn lựa chọn người phù hợp. Vậy làm thế nào để vượt qua được những khó khăn đó. Bí quyết đơn giản nhất là tạo phong cách chuyên nghiệp, một ấn tượng tốt đẹp cho ứng viên ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, bằng những việc làm cụ thể:
- Tham dự buổi phỏng vấn đúng giờ, nếu vì lý do khách quan làm trễ giờ phỏng vấn, cần xin lỗi ứng viên một cách trung thực.
- Tạo không khí cởi mở, chuyên nghiệp trong suốt buổi phỏng vấn.
- Truyền cảm hứng và giới thiệu với ứng viên về văn hóa công ty .
- Đặt câu hỏi phỏng vấn cụ thể, ghi chú cẩn thận.
- Trước khi buổi phỏng vấn kết thúc, thông báo ứng viên bước tiếp theo.

Và cuối cùng, có một câu nói nổi tiếng: “Khi bạn cười, cả thế giới sẽ cười với bạn”. Vì vậy nhà tuyển dụng ơi, chớ quên nụ cười thân thiện trên môi khi bạn trao đổi với ứng viên nhé.

Nguồn: Chia sẻ từ chị Trần Thị Thùy Linh
Senior Recruitment Specialist. Navigos Group | hrinsider.vietnamworks.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *