Làm thế nào để nhân viên lớn tuổi hơn nghe mình và lãnh đạo được họ ?

Em chào anh KC

Trước hết em xin cảm ơn những bài viết, những chia sẻ của anh về nghề nhân sự cùng với đó là những cuốn sách blog nhân sự của anh. Em đang đọc chúng và cố gằng học hỏi, mong anh sẽ có nhiều đứa con tinh thần hơn để chúng em có thể hiểu và làm nhân sự được tốt hơn.

Em có 01 việc muốn nhờ anh tư vấn.

Em là sinh viên mới ra trường và làm ở vị trí nhân viên nhân sự được 05 tháng. Bộ phận của em có mình em làm nhân sự và có phụ trách tạp vụ và bảo vệ.

Vấn đề của em là đợt này bên em có 01 tạp vụ rất khó bảo, em phân công công việc gì họ cũng từ chối và lấy lý do nọ kia, một phận thì họ cũng là con cháu của các xếp giới thiệu vào.

Em có thuyết phục, tư vấn và điều chỉnh nhưng họ luôn tỏ ra không hợp tác

Em dự định giải quyết trường hợp này là:
1. Em sẽ theo dõi sát sao công việc lịch làm việc của họ để đánh giá họ 01 cách toàn diện ưu nhược điểm.
2. Tư vấn, khuyên bảo cho họ thêm thời gian thử thách.
3. Báo cáo trực tiếp với lãnh đạo về trường hợp này và phương án xử lý.

Như vậy có được ko anh! em cảm ơn anh!
Chúc anh 1 ngày làm việc hiệu quả!

Trả lời:

Hi em,

Trường hợp của em nằm ở nguyên nhân: em còn trẻ nên chưa có sức nặng về tuổi tác nên mình nói nhưng người ta không nghe. Giờ là phải làm thế nào để họ phục mình. Cách làm thì có nhiều và tùy vào tình hình. Em lên mạng search từ khóa "làm thế nào để nhân viên lớn tuổi nghe mình" sẽ ra khá nhiều câu trả lời. Theo anh em nên làm như sau:

Khởi đầu:
1. Cần phải chính danh:
- Em làm 1 cái quyết định ghi rõ ràng em là người quản lý và những ai phải chịu sự điều động từ em.
- Tổ chức 1 buổi họp nhanh do chính giám đốc đứng ra chủ trình và thông báo 1 cách rõ ràng rằng em sẽ là người quản lý.
2. Họp nội bộ, phát biểu quan điểm cá nhân: Em nên tổ chức 1 buổi họp nội bộ và nêu lên quan điểm cá nhân. Đại ý nói rằng em hoàn toàn tôn trọng mọi người và mọi người đều có những cái đáng để em học tập. Do công việc nên em được làm quản lý vì thế em hi vọng mọi người sẽ tôn trọng lời của em khi tiến hành công việc. Còn ngoài đời em vẫn là con là cháu. Mọi điều trong công việc đều vì mục tiêu chung của phòng và công ty.
3. Gặp riêng từng người: Bước tiếp theo là em nên gặp riêng từng người trao đổi và nhờ họ giúp đỡ. Tốt nhất nên rủ đi uống nước hoặc làm cách nào đó để từng người thấy thoải mái. Việc này cho họ thấy mình tôn trọng họ. Em cần phải thể hiện làm sao cho họ thấy họ được tôn trọng nhưng mình không quỵ lụy họ.
4. Mời cả phòng giao lưu liên hoan 1 bữa: Anh nghiệm thấy làm thế này sẽ tạo cảm giác đội nhóm gắn kết và việc em mời mọi người làm mọi người sẽ có trách nhiệm trả lại em 1 cái gì đó.

Triển khai công việc:
Sau khi em đã làm 4 điều trên để khởi đầu nhóm mới. Thì những việc tiếp theo nên làm trong quá trình triển khai công việc.
1. Tạo không khí có vẻ dân chủ cho mọi người: Cụ thể hơn, khi triển khai 1 cái gì đó, dù trong đầu em đã định sẵn nhưng em vẫn nên hỏi ý kiến của mọi người. Để cho mọi người góp ý. Nếu thực sự những góp ý có giá trị và tốt thì nên ghi nhận nhưng cái nào lệch ra khỏi định hướng của em thì nên bỏ qua và bảo mọi người làm theo ý em.
2. Dần dần, có những việc em không cần phải hỏi ý kiến mọi người nữa (vì đã hỏi rồi). Em hỏi quá nhiều ý kiến có thể làm mọi người nghĩ rằng em không có chủ ý dẫn tới mọi người có trạng thái nhờn.
3. Kiên định và kiên quyết: Em nên tỏ thái độ kiên định và kiên quyết sau khi đã ra quyết định. Nhất định phải hoàn thành dù thế nào đi chăng nữa. Trường hợp người ta phản đối bằng cách không làm, nếu là anh thì anh sẽ làm việc đó cho xong. Và ra cảnh báo cho người phản đối nếu còn không làm thì sẽ có biện pháp. Chú ý nên lựa lời nói để sao cho mọi người hiểu tính chất nghiêm trọng nhưng không vô lễ.
4. Duy trì cách nói phù hợp trong công việc: Em ra lệnh nhưng phải bao cả hàm ý nhờ giúp đỡ. Ví dụ: chú Cường tuần này phải làm giúp cháu cho xong việc vệ sinh chú nhé.
...

Thực ra những điều anh nói ở trên đều nằm trong các kỹ năng lãnh đạo cả. Em chịu khó tu luyện ắt thành chính quả và có nhiều thủ thuật để khiến người làm việc cho mình. Nói về lãnh đạo thì nhiều điều phải nói lắm. Anh chỉ khuyên em 1 điều là: lãnh đạo là kỹ năng có thể học được. Em tìm sách này để đọc thêm nhé (anh chỉ sợ sách này giờ không còn xuất bản nữa): "Thuật lãnh đạo nhóm | Dẫn dắt nhóm đến thành công" của Business Edge trong bộ sách tăng hiệu quả làm việc cá nhân do Nhà xuất bản trẻ phát hành. Anh vừa đọc lại thì thấy nhiều vấn đề lắm.

Em nên luyện dần những điều sau:
1. Khả năng gây ảnh hưởng đến người khác: Điều này đòi hỏi sự khéo léo, tài ngoại giao và một số kỹ năng làm việc với con người. Khi triển khai công việc thì cần phải khéo léo, từ tốn và kiên quyết để mọi người làm theo những gì họ thấy cần phải làm.
2. Khả năng khơi dậy niềm tin ở người khác: bằng cách làm gương và/hoặc đặt ra những chuẩn mực cao.
3. Kỹ năng quản lý: bao gồm cả khả năng tổ chức và điều phối, giao tiếp tốt cũng như hỗ trợ và khuyến khích.
4. Kiên định: rất quan trọng khi một tập thể có sự khác biệt về chính kiến và quan điểm.

Ngoài ra em cần có thêm :
- Đáng tin cậy: không bao giờ khiến tập thể bị thất vọng. Người đáng tin cậy là người mà người khác có thể tin tưởng được. Họ là người mà lời nói và việc làm lúc nào cũng đi đôi với nhau. Một người lãnh đạo đáng tin cậy sẽ giữ đúng lời khi hứa khen thưởng cho tập thể. Người đáng tin cậy là người luôn ở bên cạnh bạn khi bạn cần.
- Chính trực: không nhượng bộ trong việc giữ vững các chuẩn mực đã đề ra. Là sự trung thực và ngay thẳng, đó còn là sự tôn trọng những quy tắc đạo đức.
- Công bằng: luôn vô tư, không thiên vị một phía nào. Em cần phải công tâm và không thiên vị trong cách cư xử với người khác. Tuy nhiên khó mà có thể công bằng trong việc cư xử với tất cả mọi người. Điều quan trọng là em mong muốn sự công bằng và luôn cố gắng nhất để làm nó.
- Biết lắng nghe: hơn là chỉ biết áp đặt và lấn lướt trong mọi cuộc thảo luận.
- Nhất quán: không bẻ cong các giá trị hay quy trắc để chiều theo hoàn cảnh. Ở một khía cạnh nào đó, tính nhất quán gần với tính chính trực. Có nghĩa là không dao động, không thay đổi, giữ vững lập trường của bạn trước mọi hoàn cảnh. Để nhất quản khi ra quyết định, em phải nắm thật rõ vấn đề, thu thập thông tin và ý kiến trước khi ra quyết định.
- Quan tâm đến mọi người xung quanh một cách chân thành: yêu quý và hòa đồng với mọi người.
- Bộc lộ sự tin tưởng và tập thể: luôn sẵn sàng trao lại quyền lực; quyền hạn và trách nhiệm cho tập thể.
- Đánh giá công trạng đúng người: thay vì cho rằng tất cả công trạng đều là của người lãnh đạo.
- Luôn sát cánh với tập thể trong những lúc khó khăn: không chối bỏ trách nhiệm khi gặp khó khăn.
- Luôn cung cấp thông tin kịp thời cho nhóm: không tỏ vẻ bí mật để chứng tỏ mình quan trọng
- Có một quá trình phấn đầu và thành công: tức là các thành tích đạt được. Càng nhiều càng tốt.
- Đừng ngại đặt câu hỏi
- Nên cẩn thận kiểm tra chéo các thông tin và hiệu quả công việc với các chuyên gia khác.
- Đánh giá công việc thông qua các kết quả.

Như vậy em thấy là có thể chia thành 4 nhóm em cần đạt được:
- Kỹ năng làm việc với con người
- Phẩm chất cá nhân tốt
- Kỹ năng quản lý
- Bề dày thành tích

Lưu ý:
- Để làm một người lãnh đạo, em cần phải muốn trở thành một người lãnh đạo và tin vào khả năng lãnh đạo của mình.
- Em không cần phải là chuyên gia để có thể lãnh đạo tuy nhiên nếu có kinh nghiệm về công việc đang làm sẽ có ích. Nếu không sẽ khó khăn.

Thôi chốt bài, dài quá rồi. Chúc em thành công. Tiện thể em làm bài tập sau : Em thử phân loại các yếu tố trên vào 4 nhóm và cho biết yếu tố nào có thể học được ?

À quay lại cách thức của em. Anh thấy ok. Trong công việc nếu không hợp nhau thì chia tay chứ đừng làm khổ nhau. Tuy nhiên làm HR phải có cái tâm nhân hậu em ạ. Hãy cố gắng công bằng, công tâm và kiên định.

Anh,

Tái bút: Anh xin phép được đưa mail của em lên blog để mọi ng cùng rút kinh nghiệm. A sẽ bỏ thông tin cá nhân của em đi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *