Sáng thứ 7 tôi có buổi họp gặp mặt các chuyên gia tư vấn của Bộ kế hoạch và đầu tư (trước kia). Sau đến trưa, tôi cùng mọi người đi ăn và hóng hớt được các anh chị trong các cơ ban nhà nước bàn về việc nhà nước bắt đầu bàn về việc triển khai KPI. Tin này thì tôi cũng đọc trên báo thấy các chính trị gia đăng đàn trao đổi. Nhưng mọi thứ đều là chung chung nên không để ý. Cho đến sáng chủ nhật, tôi đọc được một tin trên báo Khánh Hòa nói về việc UBND tỉnh đang thí điểm áp dụng phần mềm KPI. Thế là tôi thốt lên:
"Ôi! Đúng nghề của tôi! Ước gì nhà nước dùng phương pháp QT hiệu suất theo Bscvskpi mà tôi dày công nghiên cứu triển khai nhỉ :? Thế thì đẹp biết bao.
Giai đoạn "Tinh gọn: Hiệu lực - hiệu quả" này là thời của tôi. Thật muốn hét lên thật to để các chuyên gia đang triển khai cũng như tư vấn cho nhà nước biết: Tôi có phương pháp luận, tôi có sách, tôi có thực nghiệm, tôi có đủ cả. Hãy dùng tri thức của tôi điiiiii."
Tìm hiểu thêm về KPI mà UBND Khánh Hòa đang áp dụng là gì, tôi thấy báo Lao động có đăng 2 bài nói về việc này. Tôi đọc và lọc ra như sau:
1. UBND có bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Và gọi bộ đó là KPI. Bộ tiêu chí này được đưa vào một phần mềm online gọi là phần mềm KPI. Trong phần mềm này có 2 phần:
1.1 Vận hành, theo dõi triển khai công việc
1.2 Đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ
2.1. Vận hành, theo dõi triển khai công việc:
Khánh Hòa cũng thống nhất giới hạn đầu việc trên phần mềm KPI cho mỗi cơ quan, đơn vị không quá 50 đầu việc (có thể tạm gọi là thủ tục hành chính công). Cán bộ, công chức, viên chức triển khai công việc sẽ lựa chọn các đầu việc mình làm và ấn nút bắt đầu (tiếp nhận) cũng như kết thúc. Như vậy, khi áp dụng hệ thống KPI sẽ đánh giá chi tiết đối với từng cán bộ, một ngày làm việc bao nhiêu tiếng, bao nhiêu công việc, kết quả làm việc. Ngoài ra, cán bộ trong một cơ quan, sở ngành sẽ biết chính xác từng cán bộ làm việc thế nào, ngày làm mấy tiếng.
Thực tế qua đợt 1 thí điểm thì địa phương ghi nhận việc rất ít cán bộ làm đủ 8h/ngày. Có một bộ phận cán bộ làm từ 8-9h/ngày nhưng cũng có cán bộ làm chưa đủ thời gian/ngày.
2.2 Tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ theo mức độ:
- Chính trị tư tưởng (5điểm)
- Đạo đức, lối sống (5điểm)
- Tác phong, lề lối làm việc (5điểm)
- Ý thức tổ chức kỷ luật (5điểm)
- Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (10 điểm).
- Năng lực lãnh đạo, quản lý và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (70 điểm)
3. Xếp loại:
3.1. Công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với số điểm từ 90-100 điểm;
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ có tổng số trên 80 điểm đến 90 điểm;
- Hoàn thành nhiệm vụ có tổng số trên 50 điểm đến 80 điểm
- Không hoàn thành nhiệm vụ có tổng số dưới 50 điểm.
3.2. Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì số điểm hoàn thành các nhiệm vụ cũng tương tự như trên. Tuy nhiên, quy định rõ về trách nhiệm, các nhiệm vụ đột phá…
4. Các bước đánh giá xếp loại KPI:
- Bước 1, cán bộ, công chức, viên chức viết báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Bước 2 là nhận xét, đánh giá. Theo đó, người quản lý trực tiếp có ý kiến nhận xét, đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp theo sẽ tổ chức cuộc họp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác để nhận xét, đánh giá.
- Bước 3 sẽ lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng cùng cấp nơi cán bộ, công chức, viên chức công tác.
- Bước 4, người có thẩm quyền quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng căn cứ ý kiến tại Bước 2 và Bước 3.
- Bước 5 - bước cuối cùng - cấp có thẩm quyền đánh giá thông báo bằng văn bản cho cán bộ, công chức, viên chức và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên hệ thống điện tử.
5. Sử dụng kết quả đánh giá:
Việc sử dụng kết quả đánh giá hệ thống KPI là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chi trả tiền lương, nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển...
Đặc biệt, hệ thống KPI nói trên sẽ là căn cứ để đào tạo lại, chuyển đổi vị trí công tác, tinh giản biên chế theo quy định. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, hệ thống sẽ là căn cứ trong việc điều động, phân công, bổ nhiệm, không bổ nhiệm lại cán bộ.
Nguồn:
1. https://laodong.vn/ldt/tin-tuc/chi-tiet-cach-khanh-hoa-cham-diem-can-bo-qua-he-thong-kpi-1477649.ldo
2. https://laodong.vn/xa-hoi/khanh-hoa-co-bo-kpi-danh-gia-nang-luc-can-bo-1477589.ldo
Lời bình: Theo góc nhìn của tôi thì đây chỉ là "bình mới rượu cũ". Tức là tôi thấy ở Hà Nội, UBND đã làm những việc này nhưng họ không gọi đó là KPI. Cụ thể Hà Nội có app triển khai các thủ tục hành chính công online. Người dân sẽ đưa ra yêu cầu trên App và các cán bộ Ủy ban sẽ tiếp nhận rồi xử lý. Xử lý xong thì sẽ ấn nút hoàn thành để hệ thống phần mềm báo lại cho công dân. Việc này sẽ đo đếm được thời lượng xử lý từng đầu việc hành chính công.
Bên cạnh đó, hội chữ thập đỏ phường, nơi tôi từng là phó chủ tịch, hàng năm đều có một bộ tiêu chí khoảng 100 đầu việc. Mỗi đầu việc đều có con số cụ thể cần đạt. Các chỉ tiêu này được giao bởi Quận hội theo quy mô dân số. Tổng của 100 đầu việc này là 100 điểm. Cuối năm các Hội chữ thập đỏ phường đều tự chấm điểm rồi đưa lên để Quận hội nhận xét.
Còn bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ ở trên thực ra chỉ là bản online của một mẫu đánh giá cũ theo kiểu 360 độ mà nhà nước đã quy định.
Đó là lý do tôi bảo "bình mới rượu cũ". Đối với tôi KPI nó phải là 1 thẻ như thế này:
Tuy nhiên, tất cả chỉ là phỏng đoán. Tôi chỉ mới dựa vào vài bài báo để phỏng đoán. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi. Hi vọng sẽ được nhìn thấy nhiều hơn.
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Tư vấn xây dựng hệ thống QT hiệu suất BSCvsKPI