Chúng ta cần những năng lực nghề gì để làm tốt việc TUYỂN ?

Trong phòng họp, đang lên đồng nói về Nghề 3T cho các đồng nghiệp, bỗng nhiên khuôn mặt em trợ lý trắng tái ló ra ở cửa. Hắn hết hồn “A” lên 1 tiếng. Tiếng em trợ lý phát ra “Anh Cường …. Ra sếp bảo…”. Hắn lí nhí “Em làm anh tí lên mây. Anh cứ tưởng ma”. “Em bị cảm. Đang tính vào phòng y tế nằm. Sẵn tiện đi qua phòng họp thì bảo anh luôn”. Quay lại với các đồng đạo phòng HR, hắn bảo: “Thôi! Mình dừng ở đây. Khi nào rảnh em lại chia sẻ tiếp. Vào gặp sếp là lại có việc rồi”. Xong, hắn chạy vút đi.

Tại phòng Phán xử, sếp ngồi đầu, LB mặt gân, tóc cua đứng bên cạnh. Thấy hắn, sếp bảo “Cậu ngồi sát đây, tôi bảo. Tôi sắp phải đi gặp đối tác nên sẽ nói nhanh”. “Dạ”. Ngoan ngoãn hắn ngồi cạnh. Rồi sếp nói tiếp. “Vừa nãy, cậu cũng đã gặp chuyên gia tôi mời về. Sau tôi có ngồi tiếp và nhận ra rằng cậu có Năng lực Nghề (ASK) rất hợp. Cậu biết đấy, để có thể thực hiện tốt công việc liên quan đến TUYỂN, ai đó phải tự hoàn thiện mình sao cho:

Đầu tiên, về mặt kiến thức: Ngoài việc phải có kiến thức tổng thể về Nhân sự (chỉ cần cơ bản là được) thì chúng ta cần có những kiến thức liên quan đến tuyển dụng như : Tâm lý học trong nhân sự mảng tuyển dụng, kiến thức tổng quan về lĩnh vực mà công ty đang hoạt động, kiến thức về tổ chức và các vấn đề về xây dựng tổ chức, kiến thức về thị trường lao động như lương, cung cầu ... Nghề tuyển dụng nhân sự là nghề đòi hỏi khá nhiều về mặt kiến thức không chỉ kiến thức chuyên môn, còn là kiến thức của các vị trí cần tuyển. Chính vì thế chúng ta cần một thái độ với nghề như sau.

Thứ hai, về thái độ, như tôi nói ở trên, chuyên viên tuyển dụng cần có thái độ cầu thị với kiến thức và cái mới. Nếu như không có thái độ này, người làm tuyển dụng sẽ không thể đạt đến độ chín của nghề. Cầu thị với kiến thức phục vụ cho công việc rất nhiều. Chúng ta sẽ không thể sơ loại nếu như chúng ta không có kiến thức nền tảng với các vị trí đang tuyển. Mà để có kiến thức thì phải tự học chứ không ai có thể bắt ta học được. Chả lẽ đến việc sơ loại ra đâu là CV tốt, đâu là ứng viên ngon về mặt chuyên môn, chúng ta cũng không thể làm được ? Thái độ cầu thị với kiến thức sẽ giúp chúng ta vượt qua được rào cản "HR có biết gì về sales không mà phỏng vấn chuyên môn ?"

Cùng với cầu thị, theo tôi người làm nghề tuyển dụng nên luyện cho mình thái độ kiên nhẫn. Tuyển dụng không phải công việc dễ dàng. Nhất là với những công ty chưa đủ thương hiệu cũng như danh tiếng. Và có những vị trí không hề dễ tuyển tí nào. Không chỉ vậy, tuyển dụng là phải tiếp xúc với nhiều người ứng với nhiều loại công việc. Và mỗi loại công việc sẽ cho ra một loại thái độ. Kinh doanh thì thực dụng, kỹ thuật thì nói vụng, ứng viên cấp cao thì lại hay dạy đời ...

Ngoài thái độ cầu thị, kiên nhẫn, nghề tuyển dụng cũng đòi hỏi năng lực khác như nghề nhân sự:
– Thích giao tiếp với con người.
– Tư duy logic
– Công bằng
– Trung thực

Và lưu ý, làm tuyển dụng nên duy trì cho mình tư duy của người làm dịch vụ, hỗ trợ. Tại sao lại thế? Vì có thể khi gia nhập nghề được một thời gian, chúng ta sẽ vướng vào một cái bệnh đó là kênh kiệu. Những người làm tuyển dụng là người đưa cho người khác cơ hội việc làm. Do đó, chúng ta có xu hướng đặt mình cao hơn người khác, không những vậy, chúng ta còn hay mắc tật thích đánh giá người đối diện dù có phỏng vấn hay không ?

Thứ ba, về mặt kỹ năng, tôi thấy nghề tuyển dụng luôn có những kỹ năng của nhóm người xu hướng hướng ngoại. Cụ thể là kỹ năng về giao tiếp, thuyết trình, thương thuyết - đàm phán, làm việc nhóm, thuyết phục – truyền đạt, nắm bắt hiểu tâm lý người khác, xử lý tình huống. Đây là những kỹ năng mà người làm nhân sự cần có. Tuy nhiên, người làm tuyển dụng còn phải cần nhiều hơn thế.

Kỹ năng quản lý, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cũng quan trọng không kém gì các kỹ năng trên. Sau một thời gian làm tuyển dụng, hẳn chúng ta sẽ có một số lượng lớn các mối quan hệ. Nào là quan hệ với các ứng viên, nào là với các đồng nghiệp cùng làm tuyển dụng, nào là các đối tác... Mối quan hệ càng nhiều và càng sâu thì tỷ lệ hoàn thành công việc của chúng ta càng cao. Một ứng viên thấp cấp, sau một thời gian có thể trở thành cao cấp, một ứng viên cao cấp có thể lại là người kết nối các ứng viên cao cấp khác, đồng nghiệp cùng nghề có thể hỗ trợ nguồn ứng viên chất lượng không ngờ. Vậy thì làm sao để quản lý duy trì các mối quan hệ đó ? Câu hỏi này hay và tôi tin chúng ta sẽ còn gặp nhau ở một bài viết khác.

Dắt dây với kỹ năng trên, là kỹ năng excel. Tư duy logic cho ta cái nhìn liên kết các vấn đề còn kỹ năng excel sẽ hỗ trợ ta các công việc. Khi chúng ta đã có kỹ năng quản lý, xây dựng và duy trì các mối quan hệ thì tự khắc chúng ta hiểu rằng nên xây dựng cho mình một hệ thống dữ liệu mềm. Excel giúp ta làm điều đó. Không những vậy, nó còn giúp ta báo cáo và nhiều công việc khác.

Cuối cùng, khi ta đã có kiến thức tâm lý, kỹ năng nắm bắt hiểu tâm lý người khác, là lúc chúng ta có một kỹ năng khác. Đấy chính là kỹ năng gây ảnh hưởng và kiểm soát con người. Tôi đã từng chia sẻ trong quyển một về việc tuyển dụng có hoàn thành công việc hay không là nhờ việc có kiểm soát, điều khiển (control) được sếp hay không.”

Hắn choáng quá, lí nhí “Sếp nói như chuyên gia”. “Thì đây là lời tôi chuyển tiếp của chuyên gia. Cơ bản thì cậu có các năng lực mà tôi vừa nói ở trên. Vì thế tôi quyết định sẽ thăng cấp cậu lên theo lộ trình nghề nghiệp. Cậu giờ sẽ là Trưởng bộ phận Tuyển dụng của công ty. Đây là quyết định bổ nhiệm. Ngoài ra, tôi cũng được nhận của chuyên gia một chiếc USB chứa các bí kíp để nâng cao năng lực cũng như xây dựng hệ thống 3T. Giờ tôi giao cho cậu. Hi vọng hiệu quả tuyển dụng của công ty sẽ được nâng cao trong thời gian tới”. Hắn đứng dậy nhận tờ quyết định và USB từ tay LB và nói “Em đội ơn sếp. Mà sao công ty mình có lộ trình cho nghề TUYỂN từ bao giờ mà em không biết thế nhỉ?”. LB tiếp lời “Cậu cứ nhìn vào USB sẽ rõ”.

Đi ra khỏi phòng, về chỗ ngồi, mở USB ra, hắn “À” lên một tiếng rồi bắt đầu luyện công.

Còn tiếp!

Nguyễn Hùng Cường | Kinhcan24
HRM Blogger / HRM Consultant / KM for HrShare Community at Blognhansu.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *