Nỗi niềm nhà tuyển dụng – Giới trẻ và những thói xấu

Hôm nay mình lại đọc được một bài rất tâm huyết nữa của bác Tân. Có lẽ tất cả chúng ta phải cùng đọc. Nó không đơn giản chỉ là nối niềm của nhà tuyển dụng mà nó còn là nỗi niềm của cả một đất nước.

"Đất nước lâm ly trong bối cảnh thời khủng hoảng có tính toàn cầu, vả lại bản tính thích “đánh đu” với đời, ta mở 1 cái quán cà phê nho nhỏ, xinh xinh ở xứ Hà Thành (người ta vẫn gọi là địa danh ngàn năm văn hiến với niềm tự hào thiêng liêng đến mức gọi rùa Hồ Gươm là cụ và định xem nó là quốc bảo).

Phàm là mở kinh doanh, tất phải tuyển người, ta cứ ngỡ, hiện thời thất nghiệp nhiều thì việc thu nạp nhân lực không hề khó. Thế nhưng ta đã nhầm.

Đưa thông tin tuyển dụng lên mạng, ta nhận được nhiều liên hệ, chủ yếu của giới trẻ những người gọi là “sinh viên”. Có một thời, các học giả đã luận tranh xếp sinh viên thuộc hàng trí thức vậy.

Nhiều kiểu hỏi, nhiều kiểu giao tiếp nhưng tựu chung lại, tất thảy, họ không quên câu hỏi đầu tiên, làm vậy lương thế nào anh?

Ta thầm nghĩ, đôi khi vì hơi bực ta nói với họ, con người là nguồn lực quí nhất của mọi hoạt động, nhưng con người vốn có tính riêng biệt cao, giá trị sức lao động không phải thứ hàng hóa vô tri, không thể bày ra siêu thị dán giá đồng loạt nên đó, cho nên muốn nói về lương hãy chuẩn bị một cuộc trao đổi trực tiếp, ở đó bạn có điều kiện thể hiện bản thân và người chủ có thể cảm nhận bạn thế nào? Dường như họ không hiểu điều đó.

1. Đó là thói xấu chưa muốn biết nghĩa vụ đã muốn quyền lợi

Nhiều em đột ngột đến tận nơi không hề hẹn trước, cứ như ở chỗ ta là cái phòng trọ họ vẫn đi về tùy thích và ngủ đến phát ươn người. Đang bận việc, vì lẽ “lịch sự” ta phải tiếp họ, nhưng thật ra cuộc nói chuyện rất không có lửa, họ ra về chóng vánh để lại cho ta một cảm xúc trầm, đương nhiên kết quả tuyển dụng là số 0.

2. Đó là sự hoang sơ trong giao tiếp hiện đại

Nhiều em, sau cuộc gặp trao đổi, hẹn ước ngày giờ đi làm như đinh đóng cột, ta còn nhắc lại, nếu nhận lời nhớ đúng hẹn, thế nhưng đến ngày hẹn, chả thấy “bóng chim, tăm cá” nơi đâu. Điện thoại cũng không phản hồi. Ta bỗng lại thấy nản.

3. Đó là sự coi thường uy tín và lời cam kết

Rồi, vài em cũng đến làm, xin kể ra đây: "Dạ, em là sinh viên năm 2 Học viện Ngân hàng. Nhà em không khá giả, em đi làm phụ thêm tiền học". Tốt quá, ta ủng hộ và cảm phục. Ngày 1, em đến, ta chỉ bảo cặn kẽ loạt công việc cần làm, những tưởng em có khả năng nhớ, khả năng tổng hợp và vận dụng. Thế nhưng, em làm một việc qua loa rồi ngồi buâng khuâng, hờ hững nhìn ra phố như nhìn vào 1 cõi vô định. Ta lại phải nhắc, đến việc gì nhắc việc đó. Ta bỗng thấy mệt mỏi và hết nhắc nữa, hôm sau ta đành trả lại em với cái Học viện Ngân hàng to tướng đó.

4. Đó là sự ơ hờ và lười biếng

Dạ, em là sinh viên mới tốt nghiệp luật sư, đang chờ việc muốn đi làm trong lúc thừa thãi thời gian, thiếu ý tưởng và chẳng muốn về quê. Ồ, hay quá, em chịu khó vậy ta quí lắm, quán ta tuyển hẳn được 1 luật sư, mà luật sư ở xứ này, thật ra chỉ là cái áo rộng thùng thình chưa che được kín thân. Em đi làm được 2 ngày, ngày thứ 3, đến giờ làm chả thấy em đâu, ta lại phải bốc máy điện thoại, bên kia đầu sóng, em trả lời thản nhiên, em phải về quê với anh em, em không đi làm nữa. Ô, sao lạ vậy nhỉ? Ta bỗng thấy chán hơn.

4. Đó là thói vô trách nhiệm, bội ước

Vâng, em là sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế Quốc dân. Ôi tốt quá, em học cái ngành lo cho kinh tế cả một quốc gia cơ mà, vậy em lo cái quán bé xíu của anh chắc hẳn quá ok? Dạ, em sẽ cố gắng. Nhưng ta thầm nghĩ, học cái “vĩ đại” thế có khi lại không làm tốt cái nhỏ ấy chứ? Dao mổ trâu sao mổ được gà nhỉ? Em hẹn ngày đi làm hăng hái lắm. Rồi bỗng dưng em xin về quê ăn giỗ tận 5 ngày, sau đó dường như cỗ quê nhiều mỡ, đầu óc em bị bao bọc bởi mỡ nên lên Hà Nội em ỉu xìu, thôi em chả đi làm nữa. Quán ta lại tiếc ngẩn ngơ một ngôi sao chưa sáng đã tắt ngấm.

6. Đó là thói học mà không hành

Anh ơi, em ra trường đi làm 1 năm rồi, công việc ở công ty khó khăn quá, em muốn xin đi làm thêm, bố mẹ em ở nhà bị bệnh gian nan lắm, anh giúp em nhé. Ồ, không sao em, không phải anh giúp mà là hợp tác làm việc thôi em, anh sẵn sàng.

Sau đó, phỏng vấn sâu hơn qua chat, tinh thần cuộc chat của em vẫn đầy khí chất đi làm, thế nhưng bỗng dưng cuối cuộc em lặng lẽ, kiệm lời, không nhắc đến ngày đi làm nữa, hỏi kỹ ta được em nói, người yêu em không đồng ý.

Quá tốt, em có người yêu thật vĩ đại, biết lo cho em. Ta hỏi, thế người yêu em làm gì? Dạ, người yêu em cũng mới ra trường, đang thuê trọ đi làm tạm thời. À, ra vậy, thế thì chàng ấy mới chỉ vĩ đại ở tư tưởng thôi em. Chàng ấy chưa phải chịu trách nhiệm gì với sự thành bại của em, cũng chưa thể cảm đau nỗi đau của bố, mẹ em đâu em ạ. Thôi, ta chúc em vượt qua khó khăn bởi tình yêu đó vậy. Ta bỗng cảm thấy hơi thương thương em vì sự ngây thơ.

7. Đó là thói thụ động và lệ thuộc

Ta chẳng kể hết được những trường hợp ta gặp, ta ngẫm ra đây. Có điều, ta nghĩ, cho dù thời thế có biến thiên, thì Đại học vẫn được khái niệm mĩ miều là nơi mà người dạy, người học có thể mang đến cho nhau một phương pháp tư duy, một phương pháp làm việc, một lý thuyết thích ứng cuộc sống, mà thời nay, người ta còn gọi là kỹ năng mềm.

Tựu chung lại, thói xấu của giới trẻ, có lẽ ở chỗ xa rời và coi thường kỹ năng mềm.

BS. Hòa Minh Tân
http://giaoduc.net.vn/Vi-khat-vong-Viet/Truoc-khi-uoc-mo-lon-cac-cu-nhan-tuong-lai-hay-doc-bai-viet-nay

5 thoughts on “Nỗi niềm nhà tuyển dụng – Giới trẻ và những thói xấu

  1. Cám ơn bài của bác thật nhiều, từ đó con mới ngộ ra được nhiều điều để chuẩn bị cho hành trang của mình

  2. Nguyễn tiến Định. 28.05.2013 at 12:13 - Reply

    Bạn thông cảm bạn nhé ! Tại ..chiến tranh đó.
    Đừng nản…sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe !
    Thân mến !

  3. Nguyễn Ánh Ngọc 28.05.2013 at 17:29 - Reply

    Cám ơn các anh chị, đúng là thật thiếu sót từ các bạn sinh viên :) từ những bài học thế này bọn em mới hiểu ra được nhiều điều.

  4. Trịnh Thanh Hải 01.06.2013 at 00:22 - Reply

    Thưa anh Hùng và bác sĩ Tân,

    Trước hết, cho bản thân tôi được chia sẻ những trải nghiệm và cảm nhận của bác sỹ về những trường hợp đã được nêu trong bài viết trên đây. Phải nói thật, nếu đặt tôi vào địa vị của bác, thực sự tôi cũng có những suy nghỉ và nỗi thất vọng giống bác thôi. Tóm lại, mong 2 bác hiểu tôi đồng cảm với nỗi niềm của tác giả.

    TUY NHIÊN, tác giả viết bài này nhằm mục đích gì? và anh Kính cận post bài này lên để làm gì? Tôi phải nói thật, đọc xong bài này, sau khi cảm thấy đồng cảm và chia sẻ, tôi lại thấy có chút gì đó đả kích và một chút tiêu cực trong lối hành văn. Tác giả kể về cửa hàng của mình, dẫn dắt vào đề và sau đó là liệt kê 1 loạt các dẫn chứng và chốt lại là dùng những từ như thói xấu và coi thường v.v. Và sau đó là dấu chấm câu to tướng. Không một sự cảm thông, không góp ý mang tính xây dựng, còn chưa kể đây không thể tránh 1 sự đánh đồng với người đọc.

    Tiếp theo, bác sỹ viết bài này đa phần trên quan điểm của người sử dụng lao động, của nhà tuyển dụng mà quên mất người đi xin việc nghĩ gì và CẦN gì. Cho hỏi, có ai ở cái xã hội này, tại cái tuổi vừa mới ra trường, mới bập bẹ đi xin việc, vừa mới thoát khỏi sự phụ thuộc cha mẹ lại không CẦN THU NHẬP, không nghĩ đến QUYỀN LỢI (mà nói thẳng ra là TIỀN) đầu tiên??? Xin lỗi tác giả, tôi đoán tác giả cũng rơi vào tuổi trung niên hoặc có khi bằng tuổi cha tuổi chú tôi. Vậy chắc bác qua cái thời chiến tranh và bao cấp. Lúc đó đói lắm, bác có nghĩ đến kiếm tiền không? Thưa tác giả, theo thuyết tháp 5 cấp bậc nhu cầu kinh điển của Maslow, nhu cầu cơ bản nhất là nhu cầu về sinh thể chất (physiological) và tiếp đó là an toàn (safety) như ăn uống, nghỉ ngơi, tình dục để tồn tại và tiếp đó là sự ổn định nghề nghiệp, lo cho gia đình v.v. Học thuyết có 1 ý nói rằng, điều mà bất kỳ ai, trong đó có nhân viên, họ quan tâm đầu tiên đến việc họ làm thuê và được nhân trợ cấp có ĐỦ để lo cho cuộc sống tối thiểu của họ không? Tức là, tôi làm thuê cho ông, ông trả tôi lương có đủ để tôi quên đi gánh nặng về trang trải cuộc sống hay không? Điều đó tôi TIN là đích đáng, đừng trách họ.

    Nói đến đây có thể có người nghĩ rằng tôi bênh những người kia. Xin khẳng định tôi không hề bênh. Điều tôi muốn nêu bật lên ở đây là hãy hành xử và suy xét 1 cách công bằng. Những sinh viên đọc bài này hãy hiểu cho bác sĩ Tân và bác sĩ cũng nên hiểu cho tâm lý của các bạn sinh viên. Mục đích là để 2 bên hiểu nhau hơn, chia sẻ, thương lượng và nghiêm túc hơn với công việc. Các bạn sinh viên ạ. Chúng tôi tuyển dụng, thử là chúng tôi xem, bạn sẽ cảm thấy khó chịu thế nào khi có những ứng viên không tôn trọng nhà tuyển dụng, k tôn trọng công việc và không tôn trọng chính bản thân, chính bộ mặt của các bạn khi đi phỏng vấn, các bạn ạ. K thể chấp nhận được.

    Vậy chốt lại là gì? Đối với bác sĩ Tân, nếu bác làm được rồi thì tốt quá, còn nếu chưa thì mong bác thay vì tức giận, ngồi xuống nói chuyện với ứng viên đó, phân tích và nói với họ rằng bác nghĩ gì và khuyên bạn đó nên tiếp thu và sửa đi, để lần sau có đi ứng tuyển nơi khác không bị người ta mắng cho, hoặc không hiểu vì sao mình bị loại. Thêm nữa, bác thông cảm cho sinh viên nghèo. Họ nghĩ đến Bác Hồ đầu tiên là phải thôi. Đối với các bạn ứng viên, tôi chỉ nói duy nhất một câu: “Nếu bạn coi công việc bạn ứng tuyển như một người bạn xã hội, xã giao, qua loa cho biết thì người đó cũng đối xử lại với bạn như thế thôi, thậm chí tàn nhẫn hơn. Còn nếu bạn coi công việc như một người bạn thân, thậm chí bạn tri kỉ thì không có cái lý gì người bạn đó phụ lòng bạn.” Nhắm mắt lại và nghĩ đi nhé.

    Tôi cũng làm về nhân sự. Nhưng tôi cũng đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trong quá trình xin việc nên tôi rất hiểu 2 bên nghĩ gì. Tôi thì tôi luôn tin vào câu”Put yourself in others’ shoes!” để soi xét. Hơi mất thời gian nhưng quyết định đó sẽ thông minh và đúng hơn quyết định 1 chiều.

    Good to share!

    • Nhận xét rất chân thực và tính xây dựng rất cao. Đúng là ban đầu đọc bài báo của BS (không có Kết luận, Chốt lại,..), mình cũng suy nghĩ lối mòn là rất đồng tình với những cảm xúc trên, những cảm xúc tiêu cực.
      Một lần nữa cảm ơn anh Hải vì những lời trên.
      Thân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *