Các loại bảo hiểm bắt buộc người lao động nên biết (2)

Trong bài viết trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về bảo hiểm xã hội trong các loại bảo hiểm bắt buộc. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng là hai loại bảo hiểm người lao động nên biết. Cùng Blognhansu tìm hiểu trong bài viết này nhé.

1. Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí y tế xảy ra do bệnh tật hay tai nạn, điển hình như chi phí phát sinh khi thăm khám bệnh, điều trị, phục hồi sức khỏe...

1.1 Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Giống như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được chia thành 2 loại là bảo hiểm loại bắt buộc và bảo hiểm loại tự nguyện.

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, bảo hiểm y tế bắt buộc được áp dụng cho các nhóm đối tượng người lao động sau:

  • Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
  • Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.
  • Nhóm do ngân sách nhà nước đóng.
  • Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
  • Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
  • Nhóm do người sử dụng lao động đóng.

Những đối tượng còn lại không nằm trong 6 nhóm đối tượng quy định tham gia bảo hiểm bắt buộc sẽ được tham gia hình thức bảo hiểm tự nguyện.

1.2 Các hình thức chi trả bảo hiểm y tế

Đối với bảo hiểm y tế, người tham gia sẽ được tùy chọn cơ sở khám chữa bệnh để được hưởng một phần hay toàn bộ chi phí tại cơ sở này. Đầu mỗi quý, người tham gia bảo hiểm có thể thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh mới.

Tùy theo từng trường hợp và đối tượng, bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ các mức chi trả khác nhau, có thể hỗ trợ một phần chi phí cho người lao động và một số trường hợp được chi trả hoàn toàn.

  • Đối với trường hợp tham gia bảo hiểm y tế đúng tuyến: Tham gia khám chữa bệnh tại đúng cơ sở y tế đã đăng ký ban đầu. Các mức hỗ trợ thường là 80%, 95% và 100% dựa vào các đối tượng và trường hợp đã quy định.
  • Đối với trường hợp tham gia bảo hiểm y tế trái tuyến: Tham gia khám chữa bệnh tại cơ sở y tế khác với nơi đã đăng ký ban đầu. Bảo hiểm sẽ chi trả cho trường hợp này với mức hỗ trợ 40% trên tổng phí điều trị nội trú trung ương và 100% trên tổng phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh, tuyến huyện.

1.3 Mức đóng bảo hiểm y tế

Căn cứ tại khoản 1 Điều 18 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:

“Mức đóng, trách nhiệm đóng BHYT của các đối tượng theo quy định tại Điều 13 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

- Đối tượng tại Điểm 1.1, 1.2, Khoản 1 Điều 17: mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 6.

- Đối tượng quy định tại Điểm 1.4 Khoản 1 Điều 17: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong HĐLĐ (đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, Công an đơn vị, địa phương đóng 3%, người lao động đóng 1,5%.”

Dẫn chiếu tại điểm 1.4 khoản 1 Điều 17 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:

“Đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Nhóm do người lao động và đơn vị đóng, bao gồm:

1.1. Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành Hợp tác xã hưởng tiền lương, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 4.

1.2. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

1.3. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

1.4. Đối tượng do người lao động, Công an đơn vị, địa phương đóng BHYT:

a) Công dân được tạm tuyển trước khi chính thức được tuyển chọn vào Công an nhân dân.
b) Công nhân Công an.
c) Người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
…”

2. Bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Điều 4, Khoản 3 Luật Việc Làm 2013, khái niệm bảo hiểm thất nghiệp được định nghĩa như sau:

“Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.”

Tại Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp áp dụng bắt buộc đối với cả người lao động và người sử dụng lao động không chỉ giúp người lao động có thêm một khoản tiền chi tiêu trong thời gian thất nghiệp mà còn hỗ trợ người đó tìm kiếm công việc mới.

2.1 Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

- Người lao động: Làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên (trừ người đang hưởng lương hưu và lao động giúp việc gia đình).

Trường hợp người lao động giao kết cùng lúc nhiều hợp đồng lao động thì hợp đồng giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN.

- Người sử dụng lao động: Bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

2.2 Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định trong Luật Việc làm 2013, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng như sau:

  • Người lao động tham gia đóng 1% dựa trên tiền lương tháng.
  • Người sử dụng lao động sẽ tham gia đóng 1% dựa trên quỹ tiền lương tháng của người lao động.

2.3 Cách tính bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ Điều 50 của luật việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính theo công thức sau:

Trợ cấp thất nghiệp/ tháng = 60% mức bình quân của tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước đó

Trong đó: Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa như sau:

- Đối với người lao động hưởng lương bậc lương do Nhà nước quy định:

Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa/tháng = 5 x Lương cơ sở = 5 x 1,49 triệu đồng = 7,45 triệu đồng/tháng

- Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp thông thường:

Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa/tháng = 5 x Mức lương tối thiểu vùng

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu vùng (đồng/tháng) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa (đồng/tháng)

Vùng I

4.680.000

23.400.000

Vùng II

4.160.000

20.800.000

Vùng III

3.640.000

18.200.000

Vùng IV 3.250.000

16.250.000

Thời gian được hưởng bảo hiểm thất nghiệp được căn cứ theo Theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013.

- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 đến 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp

- Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp

- Tổng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa: không vượt quá 12 tháng.

2.4 Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Luật Việc làm 2013 (Điều 49), người lao động cần đáp ứng đủ những điều kiện sau đây để được nhận đủ trợ cấp thất nghiệp:

  • Đã chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động.
  • Đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng tối thiểu trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xét duyệt bảo hiểm thất nghiệp, trừ một số trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự hay nghĩa vụ công an, bị tạm giam hoặc đã định cư ở nước ngoài, đã chết…

>>> Xem thêm: Các loại bảo hiểm bắt buộc người lao động nên biết

Lời kết

Qua bài viết này, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về các loại bảo hiểm bắt buộc mà người lao động cần biết. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về tầm quan trọng của bảo hiểm và chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

quynhnt.kc24

Share
Published by
quynhnt.kc24

Recent Posts

Khóa học BSC & KPI online chất lượng 2024

Các khóa học BSC KPI ngày càng dành nhận được nhiều sự quan tâm của… Read More

9 giờ ago

Các loại bảo hiểm bắt buộc người lao động nên biết

Khi tham gia vào thị trường lao động, bên cạnh việc tìm kiếm một công… Read More

1 ngày ago

Quy trình đánh giá giá trị công việc (Job Evaluation)

Đánh giá giá trị công việc (Job Evaluation) là một quá trình không thể thiếu… Read More

1 ngày ago