74% nhân viên luôn cảm thấy thu nhập không đủ sống và có 65% người được hỏi tin rằng nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp trả lương thấp hơn năng lực bản thân.
Đó là một phần trong báo cáo chuyên sâu "Onto the next step - Bước nhảy thời cuộc" thuộc khuôn khổ khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam của Anphabe – Doanh nghiệp được đánh giá hàng đầu về khảo sát, nghiên cứu thị trường lao động và xây dựng nguồn nhân lực hạnh phúc, công bố chiều 19/11.
Báo cáo đã khảo sát 65.000 người đi làm ở các cấp độ từ nhân viên, quản lý cấp trung và lãnh đạo doanh nghiệp với mục tiêu cập nhật xu hướng, thực hành cấp tiến nhất về nhân tài, nguồn nhân lực và môi trường làm việc tại Việt Nam.
Theo Anphabe, năm 2024, chỉ số hạnh phúc (được xác định dựa trên mức độ gắn kết, động lực cống hiến và cam kết gắn bó lâu dài) của nhân sự Việt xuống mức thấp nhất 5 năm qua. Tính đến hết quý 3, chỉ có 49% người đi làm có các chỉ số hạnh phúc tích cực. Một trong những nguyên nhân là đến từ áp lực tài chính và vấn đề trở thành cực kỳ nghiêm trọng đối với nhóm lao động nhân viên.
Cụ thể, cứ ba nhân viên thì một người cảm thấy "có sức khỏe tài chính tích cực", tương đương 74% người tham gia khảo sát cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Người lao động luôn trong trạng thái "tài chính yếu nên tuổi trẻ liêu xiêu", mong ngóng ngày nhận lương.
Đối với nhân viên, chỉ có 35% sống dựa vào lương, 65% còn lại luôn lo lắng và tìm kiếm nguồn tài chính khác như tìm kiếm việc làm thêm, bán buôn, trợ cấp từ gia đình, đầu tư vào cổ phiếu, tiền số...
Bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc nghiên cứu tại Intage Việt Nam, người cùng công bố khảo sát, cho rằng các lý do khiến nhân viên luôn cảm thấy "lương không đủ sống" là chưa có tích lũy, giá cả tăng nhanh, chi trả cho các khoản thuê nhà...
Theo khảo sát, có đến 65% nhân viên tin rằng lương được trả không công bằng; thu nhập họ nhận được thấp hơn năng lực bản thân. Trong khi đó bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng tại Anphabe, cho biết nhân viên không nhận ra chính lối sống đề cao chủ nghĩa tiêu dùng mới là vấn đề khiến "lương không đủ sống".
CEO Anphabe ví dụ rất dễ nhìn thấy xung quanh mình một nhân viên lương mỗi tháng 15 triệu đồng nhưng luôn trong tâm trạng chờ lương. Mỗi khi lương về, họ mua sắm, chi tiêu, hết tiền lại rơi vào căng thẳng, muốn đi chữa lành... Câu cửa miệng của nhiều người là "sống phông bạt không khó, đã có tín dụng lo".
Theo bà Thanh Nguyễn đây là vòng lặp khiến các bạn trẻ rơi vào vòng xoáy có tiền - tiêu nhanh - hết tiền lại rơi vào căng thẳng.
CEO Anphabe cho rằng nếu không có cách giải quyết nhóm này dễ dàng rời bỏ doanh nghiệp. Cụ thể, khảo sát chỉ ra nhóm nhân sự này có ý định nghỉ việc trong 6 tháng tới cao gấp 4 lần so với những nhóm khác. Đặc biệt, kể cả những nhân viên cảm thấy hạnh phúc trong công việc, hơn một nửa trong số họ vẫn sẵn sàng chuyển việc nếu nhận được chế độ đãi ngộ cao hơn công ty cũ.
"Họ rất xem trọng công việc tạo cảm giác an toàn về tài chính cho bản thân. An toàn tài chính ở đây là nếu có sự cố bất ngờ ập tới, họ vẫn an tâm vì đủ khả năng xử lý", bà Thanh Nguyễn nói.
Theo bà Lưu Bảo Vân, để giữ chân nhân sự, doanh nghiệp phải thấu hiểu những khó khăn mà nhân viên đang đối mặt, hỗ trợ giải quyết nỗi lo tài chính. Cụ thể, doanh nghiệp cải thiện chỉ số hạnh phúc của nhân viên bao gồm tăng cường phúc lợi như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn; tổ chức kiểm tra sức khỏe chuyên sâu, tầm soát thay vì kiểm tra định kỳ; hỗ trợ bảo hiểm mở rộng cho cả gia đình nhân viên.
Đồng thời, doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhân viên tiếp cận với các nguồn vay vốn để trang trải các khoản chi phí lớn; tăng tỷ lệ tăng lương, đảm bảo công bằng về đãi ngộ; cung cấp những hỗ trợ về giáo dục; đề xuất những phần thưởng linh hoạt như tặng thẻ gym, thêm ngày nghỉ phép; quỹ lương hưu...
Một giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị là tạo điều kiện cho nhân viên tiếp cận các khóa đào tạo trực tiếp lẫn trực tuyến về kiến thức tài chính để giúp họ tăng khả năng đưa ra chiến lược tài chính hiện tại và tương lai.
Theo bà Thanh Nguyễn, khi thực hiện các cuộc phỏng vấn chuyên sâu, khảo sát cho kết quả có đến 44% nhân viên hoàn toàn có thể quản lý được tài chính. Do đó, doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố này để có chính sách phù hợp hơn, giúp họ cảm thấy "an toàn tài chính".
CEO Anphabe cho rằng đối với một người, ngưỡng an toàn tài chính đầu tiên là khoản tiền tương đương 6 tháng lương đầu tiên. Số tiền này có thể đảm bảo cho một người xử lý các công việc đột xuất mà không rơi vào bế tắc. Với một nhân viên lương 15 triệu đồng thì 89 triệu là ngưỡng an toàn. Vì vậy doanh nghiệp cần hướng dẫn nhân viên các khoản chi tiêu hợp lý, lộ trình để dành được khoản tích lũy đầu tiên. Từ đó, nhân viên có động lực tiết kiệm những khoản tiếp theo.
Theo: VnExpress
Người lao động nên ký loại hợp đồng lao động loại nào để có lợi… Read More
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc thu hút và giữ… Read More
John Maxwell là chuyên gia lãnh đạo số 1 với hơn 75 cuốn sách bán… Read More
Phân tích công việc là một quá trình hệ thống nhằm thu thập, phân tích… Read More
Tin này update luật để anh em theo dõi. Các bạn đọc qua 1 lần… Read More
Lâu lâu tôi lại thấy có thông tin hay nên mang về chia sẻ cho… Read More