Hôm nay tôi được được bài báo khá đặc biệt với tiêu đề: "Bị sa thải, nguyên tổng giám đốc Pacific Gas đòi được làm việc". Tôi vào đọc và muốn đọc lại bản án này quá. Tại sao lại vậy, xin mời cả nhà cùng đọc bài viết xong rồi xuống phần cuối cùng bình luận với tôi nhé.
Bị sa thải, nguyên tổng giám đốc Pacific Gas đòi được làm việc
TP HCM - Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng bị Công ty Pacific Gas chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, nên kiện đòi được tiếp tục làm việc.
Vụ tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn Nguyễn Thanh Tùng (44 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty XNK Dầu khí Thái Bình Dương - Pacific Gas) và bị đơn là Công ty Pacific Gas sẽ được TAND TP HCM xét xử phúc thẩm trong tháng 7.
Trong đơn kiện ông Tùng cho biết, Công ty Pacific Gas (kinh doanh chính là dầu khí mỏ hóa lỏng; gas) là công ty liên doanh giữa ông và đối tác Nhật Bản. Trong đó, ông nắm 48,94% cổ phần, Công ty Air Water INC ở Nhật Bản sở hữu 51% cổ phần.
Tháng 1/2020, nguyên đơn được ông Katsumi Kajiwara, Chủ tịch HĐQT, đại diện công ty ký hợp đồng lao động. Hai bên thỏa thuận, ông Tùng làm việc tại Pacific Gas với chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty, thời hạn 3 năm.
Theo nguyên đơn, tại cuộc họp HĐQT ngày 23/2/2021, ông Masataka Murakami (thành viên HĐQT) cùng 20 người đã dùng áp lực và ép buộc ông phải giao con dấu, giấy chứng nhận kinh doanh và bàn giao lại toàn bộ hồ sơ. Họ cũng yêu cầu ông không được vào công ty làm việc.
Cùng ngày, phía công ty cũng ban hành quyết định bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật và chấm dứt hợp đồng lao động với ông.
Ông Tùng cho rằng, việc Công ty Pacific Gas đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với mình là vi phạm hợp đồng và trái pháp luật. Do đó, ông khởi kiện đề nghị tòa tuyên buộc công ty nhận ông trở lại làm việc như hợp đồng đã giao kết; trả tiền lương, chế độ trong những ngày không được làm việc và bồi thường do sa thải trái pháp luật, tổng cộng 1,5 tỷ đồng.
Trong bản tự khai gửi tòa, bị đơn cho rằng, quá trình thực hiện hợp đồng đã phát hiện ông Tùng có nhiều sai phạm, gây thiệt hại nặng nề cho công ty như: giàn xếp các giao dịch với công ty con của ông Tùng không yêu cầu các công ty này hoàn trả công nợ; không trung thành với lợi ích của công ty; chỉ đạo kế toán chi trả lương cho mình vượt mức thỏa thuận trong hợp đồng...
Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tùng là theo thỏa thuận giữa các bên thể hiện trong biên bản họp HĐQT ngày 23/2/2021. Việc nhận ông Trùng trở lại làm việc là không phù hợp với quyết định của HĐQT. Hơn nữa, vị trí Tổng giám đốc của công ty hiện không còn, nên không thể nhận ông Tùng trở lại làm việc.
Ngoài ra, bị đơn phản tố, yêu cầu ông Tùng hoàn trả cho công ty tổng cộng hơn 3,3 tỷ đồng gồm: tiền lương tự ý nâng lên, tiền thưởng trái thỏa thuận; và khoản lãi đáng lẽ công ty được hưởng trên số tiền ông Tùng gây thiệt hại được nêu trong bản cam kết hai bên đã ký ngày 13/4/2021.
Công ty Pacific Gas phải nhận nguyên đơn làm việc trở lại
Hồi tháng 1, tại phiên sơ thẩm của TAND TP Thủ Đức, phía bị đơn giữ nguyên quan điểm. Trong khi đó ông Tùng cho rằng các nội dung bị đơn đưa ra là không có căn cứ và trái pháp luật. Ông bổ sung yêu cầu, đề nghị tòa tuyên hủy bản cam kết trên.
Đưa ra phán quyết, tòa đình chỉ yêu cầu của ông Tùng về việc tuyên hủy bản cam kết ngày 13/4/2021 ký với công ty, bởi nội dung biên bản liên quan đến vấn đề quản lý điều hành công ty, không liên quan đến quan hệ lao động đang tranh chấp.
Tòa chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty Pacific Gas phải nhận ông Tùng trở lại làm việc theo hợp đồng lao động cho đến hết thời hạn thỏa thuận. Công ty phải trả cho ông Tùng các khoản tổng cộng hơn 5,4 tỷ đồng, trong đó gồm tiền lương những ngày không được làm việc và các chế độ khác.
Tòa cũng tuyên ông Tùng có trách nhiệm trả lại cho Công ty Pacific Gas 615 triệu đồng tiền thưởng cuối năm 2020 đã nhận không đúng theo thỏa thuận và chênh lệch giữa tiền lương ông Tùng thực nhận với các nghĩa vụ về thuế, chế độ khác chưa được cấn trừ.
Theo HĐXX, việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tùng là trái pháp luật. Công ty căn cứ vào quyết định của HĐQT tại phiên họp ngày 23/2/2021 để bãi nhiệm ông Tùng khỏi vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại điện theo pháp luật và ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tung với lý do là "thỏa thuận giữa hai bên" là không có căn cứ. Bởi biên bản cuộc họp HĐQT ngày 23/2/2021 không thể hiện việc ông Tùng đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động.
Biên bản họp HĐQT vào ngày trên chỉ giải quyết quyền và nghĩa vụ của các thành viên góp vốn, giữa người điều hành công ty với các thành viên góp vốn. Còn hợp đồng lao động giữa ông Tùng và công ty là một hợp đồng vừa phải tuân thủ các quy định của điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động.
Bản án sơ thẩm xác định, công ty mới chỉ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp về việc bãi nhiệm ông Tùng khỏi chức danh Tổng giám đốc chứ chưa thực hiện việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. "Việc Pacific Gas cho rằng nếu ông Tùng bị bãi nhiệm thì việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng đương nhiên, là không phù hợp với quy định của pháp luật", bản án nêu.
Không đồng ý với quyết định của tòa, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Ông Tùng cũng kháng cáo không đồng ý với việc bị buộc trả lại tiền cho công ty; đồng thời đề nghị cấp phúc thẩm hủy cam kết ngày 13/4/2021 do "bị công ty ép buộc ký với những điều khoản thiệt hại về quyền lợi".
Hải Duyên - VnExpress
Lời bình: Theo như tôi suy luận thì anh Tùng này được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc. Do làm Tổng giám đốc có lương và muốn tính số tiền đó vào chi phí hợp lệ của doanh nghiệp thì cần phải có hợp đồng lao động do chủ tịch hội đồng QT ký. Do đó tình huống của anh Tùng chịu chế tài từ 2 luật: Doanh nghiệp và Lao động.
1. Theo luật doanh nghiệp: Hội đồng quản trị có quyền:
+ Bổ nhiệm người trong hội đồng là người đại diện theo pháp luật và giám đốc hoặc tổng giám đốc.
+ Thuê người ngoài làm Giám đốc hoặc tổng giám đốc
“Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020. Giám đốc, Tổng giám đốc công ty
1. Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.”
Như vậy anh Tùng bị bãi nhiễm chức vụ Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật là hợp lý nếu Hội đồng QT đánh giá là không hoàn thành nghĩa vụ.
Tuy nhiên do có lương và muốn tính chi phí thành chi phí hợp lệ nên Chủ tịch hội đồng QT đã ký hợp đồng lao động:
"- Khoản 3 Điều 163 Luật Doanh nghiệp 2020, Lương và thưởng của Giám đốc công ty cổ phần được tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Khoản 1 và khoản 2.5(điểm a và điểm b), Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC và Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC) quy định về chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, để tiền lương và thưởng của công ty chi trả cho Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp khi tính thuế TNDN thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp phải có chi trả thực tế và có chứng từ thanh toán tiền lương, thưởng cho Giám đốc.
- Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho Giám đốc của doanh nghiệp phải được ghi cụ thể về điều kiện hưởng và mức hưởng tại tất cả các tài liệu sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty."
2. Theo luật lao động: Chủ tịch hội đồng QT có quyền:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật: Nếu người lao động vi phạm một trong các điều khoản được quy định trong luật.
+ Sa thải: Nếu người lao động vi phạm kỷ luật và được tổ chức họp kỷ luật.
Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, khoản 1: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
- (i) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
- (ii) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
- (iii) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
- (iv) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2019;
- (v) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- (vi) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
- (vii) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
Khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp (i), (ii), (iii), (v), (vii) tại Mục 1 nêu trên, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp (ii) tại Mục 1 nêu trên;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp (iv) và (vi) tại Mục 1 nêu trên thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.
Như vậy nếu chấm dứt không theo điều 36 hoặc theo điều 36 nhưng lại rơi vào tình huống không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như (Điều 37 Bộ luật Lao động 2019):
- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp (ii) nêu tại Mục 1 nêu trên.
- Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
- Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
thì gọi là chấm dứt hợp đồng lao động trái luật (theo điều 41 bộ luật lao động 2019).
Và khi chấm dứt trái luật thì sẽ bị phạt giống như trong bài: Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ phải bồi thường những gì?
Kết luận: Khi cho Tổng giám đốc hay giám đốc nghỉ thì cần phải cẩn thận. Nếu giám đốc không lương, không tính chi phí hợp lý thì chỉ cần làm quyết định bãi nhiệm. Nhưng nếu tính chi phí lương (tức có hợp đồng lao động) thì cần làm thêm cả thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động. Cách tốt nhất để chấm dứt là thỏa thuận, cách tốt nhì là đưa vào thế đơn phương chấm dứt đúng luật, cách 3 là sa thải, cách cuối mới là chấm dứt sai luật (cuối cùng cũng là thỏa thuận).
Tái bút: Xin gửi cả nhà lý do các CEO thường bị sa thải:
Theo một nghiên cứu của PwC, nhiều CEO bị sa thải trong năm 2018 do những sai sót về đạo đức, thay vì các hoạt động tài chính hay xung đột với HĐQT. Lần đầu tiên trong 19 năm, nghiên cứu của PwC cho thấy phần lớn các CEO bị cách chức vì các vấn đề đạo đức.
Với các nghiên cứu CEO Success hàng năm, Strategy (bộ phận tư vấn của PwC) phân tích 2.500 công ty đại chúng lớn nhất thế lớn, theo giá trị vốn hóa thị trường vào ngày 1/1. Nghiên cứu này cho thấy các CEO bị sa thải do các vấn đề liên quan đến đạo đức như gian lận, hối lộ, giao dịch nội gián, gây hại cho môi trường, giả tạo sơ yếu lý lịch và lạm dụng tình dục.
Tờ Washington Post cho biết 39% vụ sa thải CEO trong năm 2018 là do những sai sót đạo đức, 35% liên quan đến hoạt động tài chính, 13% xuất phát từ xung đột với HĐQT.
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Trong bối cảnh hiện đại, ngành sản xuất đang đối diện với những thách thức… Read More
(PLVN) - Qua khảo sát, thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm… Read More
Trong vài tháng, Google đã cắt giảm nhân sự tại đội ngũ tiếp thị, nền… Read More
Cảm ơn anh chị và các bạn đã tới tham dự buổi offline ấm cúng… Read More
Các khóa học BSC KPI ngày càng dành nhận được nhiều sự quan tâm của… Read More
Việc tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình tuyển dụng đang tái… Read More