Phải làm gì để bản thân được thăng tiến và gia đình ổn ?

Phải nói là lâu lắm rồi tôi mới có bài viết đưa ra lời khuyên về cuộc sống và công việc. Có lẽ từ cái ngày tôi cảm thấy mình đúng là chả biết gì là tôi bắt đầu ít và gần như không viết bài hay cho lời khuyên nhủ. Cứ định khuyên A thì thấy cái B nó ngược với A, rồi thấy cái C nó khác A... Nhiều khi thấy người làm theo hướng này cũng đúng mà hướng kia cũng đúng. Tóm lại là tôi thấy mình dốt. Nên tôi ít khuyên bảo dạy dỗ ai. Nhất là những lời khuyên về cuộc sống.

Chính vì thấy mình dốt nên đi tư vấn, tôi chỉ là người hỏi, hỏi và hỏi. Tôi gọi tất cả là thầy, rồi tôi cố gắng đứng trên góc độ của họ, hiểu xem cái lý là gì. Sau khi hỏi, hiểu cái lý, tôi dựa vào kiến thức và trải nghiệm của mình đưa ra các phương án. Phương án A không được tôi lại đưa phương án B, C, D. Tôi không quyết dùm ai hay công ty nào. Hôm qua tôi đến 1 công ty, có bạn trưởng phòng hỏi: "Thầy Cường ơi! Theo thầy thì nên như thế nào? Chứ từ đầu đến giờ, các chiến lược toàn là chúng em đưa ra. Chúng em cũng không biết đúng sai thế nào? Thầy có thể cho em xin lời khuyên xem chiến lược kia cái nào đúng cái nào sai được không?".

Tôi trả lời: "Đến các thầy - những người key và nắm nhiều thông tin nhất ở công ty - mà còn không biết đúng sai, thì tôi sao có thể trả lời được khi tôi mới gặp các thầy có được 1 buổi. Thông tin tôi có được từ các hoạt động kinh doanh của các thầy rất hạn chế.

Điểm tôi có thể hơn các thầy là tôi có trải nghiệm ở nhiều công ty, làm cái này nhiều rồi nên tôi có thể thấy được điểm bất bình thường. Và khi thấy, tôi có hỏi lại các thầy xem điểm bất bình thường ấy có đúng không? Ví dụ như chiến lược mở thêm dòng sản phẩm thương mại (bán phụ kiện) mới kia, tôi thấy các thầy không có sự liên kết với chiến lược mua hàng và phân phối nên tôi có dừng lại hỏi các thầy kĩ. Sau khi tôi hỏi xong, nếu đúng thì tôi để nguyên còn không thì tôi đề xuất các thầy chỉnh lại chiến lược. Chính lúc đó là lúc các thầy ra quyết định.

Tôi không thể thay các thầy ra quyết định phải làm cái này cái kia được. Nếu các thầy muốn tôi làm điều đó thì công ty này sẽ là công ty của tôi. Các thấy muốn được nghe quyết định của tôi thì hãy đến KC24. Ở đấy tôi sẽ quyết.

Một điểm nữa, tôi không phải là người tư vấn chiến lược. Nếu làm việc này thì không phải có 1 buổi là xong. Tôi nghĩ nó sẽ là chuỗi các buổi và các công cụ và khảo sát để ra được lời khuyên cho tổ chức nên làm gì. Mà có ai khuyên được các thầy nên đánh thế nào để chắc thắng thì tôi thấy người đó là thánh. Tôi chỉ là người tư vấn tái tạo Hệ thống Quản trị Nhân sự nên công việc của tôi là gõ (typing) và giúp các thầy hiện hữu những thứ trong đầu các thầy."

Mặc dù vậy, nếu được hỏi tôi vẫn sẽ đưa ra lời khuyên dựa trên quan điểm và kiến thức của mình. Ví dụ như dưới đây là tâm thư một bạn gửi cho tôi : "Em chào anh. Xin lỗi anh vì làm phiền anh quá.

Hiện sếp em đang phân vân việc quyết định lựa chọn tư vấn, vì sếp em vẫn nghĩ nếu người ta làm cho mình thì người ta sẽ làm có tâm hơn. Và sếp em luôn nghĩ là số tiền bỏ ra nó sẽ không xứng với thành quả nhận được. Với lý do đó thì em có đề xuất với sếp là trước đó em có triển khai nhưng vì chiến lược không chuẩn, kiến thức chưa hoàn thiện nên dẫn đến KPI không sát thực tế. E đề xuất mình triển khai dự án KPI sẽ có các trưởng bộ phận tham gia và sếp tham gia để triển khai chuẩn xác với thực tại doanh nghiệp.

Nhưng có vẻ như sau lần làm KPI lần 1 không okie nên sếp em cũng không muốn để em làm nữa. Sếp có nói như này: Tất cả công việc khác em làm rất tốt, nhưng về hạng mục này anh thấy em làm chưa tốt, không biết có phải em thiếu kinh nghiệm hay không nhưng anh đang thấy là em chưa làm được. Anh có một lời khuyên cho em là em học và phải làm, chứ nếu em không làm thì mãi mãi cũng chỉ là em biết.

Sếp cũng có xem kế hoạch của anh và nói: Nó chung chung quá, với cái này toàn là lý thuyết. Đáng lẽ hôm đầu tiên không cần hỏi anh mà phải tự tìm hiểu thì mới được. Thực ra thì anh cũng không thích mời tư vấn, anh thích người ta là người của mình và làm ra được cơ. Nếu mà người của mình tự triển khai ra được thì là tốt, chứ bây giờ tuyển ngoài vào lương cao, cũng ko chắc có làm được. Mà nếu cũng ko làm được thì ko tuyển còn hơn.

E có nói với sếp: Thực ra việc hỏi là đúng, ngay như trước em làm mặc dù em tự phân tích SWOT nhưng vì e phân tích độc lập dưới mắt nhìn của em và em thống nhất với anh nên thành ra nó lại không đúng với chiến lược công ty đang theo đuổi. KPI làm ra lại không chuẩn với thực tế. Vì vậy nên trước khi làm KPI sẽ đều phải ngồi với sếp, các trưởng bộ phận để phân tích và xác định chiến lược. Còn giờ tuyển người thì cũng sẽ giống với việc khi mà mình thuê tư vấn: họ cũng sẽ cần thời gian tìm hiểu và kết quả cũng sẽ có hai loại kết quả: 1 là phù hợp với mong đợi của sêp, 2 là sẽ không phù hợp. Ngay kể cả là bản thân em làm, em muốn đề xuất với anh phương án triển khai là thành lập ban kế hoạch xây dựng KPI, em cũng không chắc chắn việc mình xây dựng ra anh có hài lòng hay không. Nhưng em vẫn muốn thực tế làm.

Sau một hồi ngồi chia sẻ với nhau thì sếp em phân vân: 1 là nội bộ làm, 2 là thuê tư vấn, 3 là tuyển người. E có hỏi sếp là bây giờ nếu tuyển người thì anh mong muốn như nào. Sếp có bảo: hiểu anh, biết anh muốn làm gì rồi vẽ ra triển khai. Nhưng mà tuyển vào cũng sẽ là khó và mình cũng ko gấp phải tìm ng có duyên. Có thể là họ giỏi nhưng mà cũng sẽ ko làm được. Nhưng mà nếu bạn ấy vào thì bạn ấy level sẽ cao hơn em. A thấy em rất có quyết tâm, nhưng em chưa biết cách làm. Nếu b ấy vào thì em sẽ nhìn bạn ấy làm và em sẽ biết làm. Và lúc đó level của em cũng sẽ cao hơn. Em có buồn không, nhưng buồn cũng ko sao. :') :') :')

Thật sự là tâm trạng của em rất nặng nề anh ạ. Em cảm thấy gần như muốn xin nghỉ việc luôn

Lý do:
- Thứ nhất, em vào làm Công ty từ năm 2018 và xuất thân trái ngành, mọi cái em cố gắng nghiên cứu học hỏi và làm. Đến t10/2020, em nhận ra cần xây dựng KPi nên em tự đi học để mong muốn xây dựng cho cty mình. Đối với em, Cty là một tâm huyết em muốn hoàn thiện, mặc dù em chỉ là 1 nhân viên bình thường. Kết quả không theo mong đợi, em tiếp tục hỏi trên các diễn đàn để mong đợi được nhận xét. Nhưng rất ít người quan tâm, cho đến khi gặp anh. E lại tiếp tục vào guồng tìm hiểu để hoàn thiện những thiếu sót. Với mục tiêu hoàn thành dự án. Thế nhưng, hiện tại những nỗ lực của em, em cảm thấy không được công nhận hoặc không được tạo điều kiện để thực hiện.
- Thứ 2, có thể là nó hơi ngược lại với những gì em nói. Em có thể nói với tất cả mọi người, em thực sự bắt đầu vào công việc em không quan tâm chức vụ mình là gì, em chỉ quan niệm có cố gắng thì mọi thứ khác nó tự đến với mình. Và rồi sếp quyết định bổ nhiệm em là TP, em chưa bao giờ tự tin nói với mọi người em là TP. Vì em biết kiến thức của em còn nhiều cái chưa được hoàn thiện. Nhưng trong công ty hay các đối tác của sếp vẫn luôn đều tự giới thiệu em với những người khác em là TP. Nếu hiện tại, CEO bảo tuyển 1 bạn khác vào và level cao hơn em. Thì tức là bạn ấy sẽ làm thay chức vụ của em. Vậy mọi người sẽ nghĩ em như nào. Em không tranh đấu để giành giật chức vụ, nhưng em cũng ko cho phép bản thân mình thụt lùi. Và quan trọng nhất, em là người rất mong muốn được tôn trọng.

Hiện giờ em có suy nghĩ em sẽ trao đổi với sếp. Nếu sếp đồng ý để em triển khai KPI trong thời gian 4 tháng. Nếu okie thì tốt, ko okie thì em xin nghỉ và tuyển người mới. Chồng em thì góp ý: nếu như tuyển sẽ tuyển người phụ trách mảng C&B. Còn nếu muốn phụ trách tổng thì thôi, xin nghỉ. Vì chồng em cũng không muốn để em làm nhiều nữa. Thời gian em dành cho Cty quá nhiều, thời gian thi công là ko có ngày nghỉ. Chồng em muốn em tập trung bình thường, để còn thời gian chăm lo sức khoẻ, con cái, gia đình. Chứ gia đình 2 vch đều tập trung vào công việc thì k ai lo cho con cái được. Lại 1 gáo nước dội vào đầu, công việc mình muốn phát triển mà lại phải từ bỏ hoặc lựa chọn giậm chân tại chỗ.

E mong nhận được lời khuyên từ anh. "

Tôi trả lời: Đọc mail của em anh thấy tổng thể toát lên ý rằng em đang có tâm tư và muốn giải quyết được câu hỏi: "Phải làm gì để bản thân được thăng tiến và gia đình ổn ?". Tức là làm gì để mọi thứ đều tốt. Là anh thì anh sẽ GỘP GIA ĐÌNH VÀ CÔNG VIỆC VÀO MỘT theo đúng nghĩa đen và bóng. Anh làm thế thật:
- Anh chọn tư vấn vì có thể làm linh hoạt: vừa kiếm được nhiều tiền vừa có thể lo được cho gia đình
- Anh mở công ty và rủ vợ về cùng làm: 2 vợ chồng cùng cày cấy sẽ vui, chức vụ lúc này tất nhiên không phải vấn đề nữa.
- Anh mang công ty về gần nhà: tức là anh không phải mất sức đi lại, có thể có điều kiện để giúp đỡ vợ con, bố mẹ.
Dù gộp vậy nhưng anh vẫn luôn phân định rõ địa giới công ty và gia đình. Giờ nào là giờ công ty giờ nào là giờ gia đình, chỗ nào là chỗ công ty, chỗ nào là chỗ nhà ở.

Tuy nhiên, em không phải là anh nên làm giống trên, anh tin có thể em sẽ thấy khó. Vậy giải pháp là gì nếu rơi vào tình huống như của em?

Đầu tiên là khắc phục nhược điểm. Anh tin em cũng đã thấy nhược điểm của mình. Đây cũng có thể coi như là điểm làm kìm hãm sự phát triển của em. Sự nhầm lẫn giữa /n/ và /l/ là một trong những điểm đáng tiêc. Anh không hiểu sao khi em viết thì không thấy nhầm lẫn nhưng khi nói thì cảm giác tất cả đều là /n/. Anh từng bị nhầm lẫn này. Và anh sửa từ hồi cấp 3 đến giờ. Lúc ấy anh 16 - 17 tuổi. Đến giờ là 20 năm và anh vẫn luôn nhạy cảm và dễ bị lẫn. Anh tin nếu anh đã sửa được thì em cũng có thể sửa được. Em đọc thêm bài này để tập sửa nhé: Ứng viên nói ngọng (http://blognhansu.net.vn/?p=7992). Theo anh thì: /l/ khi phát âm thì kéo lưỡi lên trên và vào trong cuống họng. Khi phát âm /n/ thì kéo lưỡi xuống và ra ngoài. Trước khi phát âm thì lưỡi đặt ở hàm trên.

Em cứ tin anh, ai cũng có nhiều điểm yếu. Có những điểm yếu chúng ta cần phải khắc phục và có những điểm yếu chúng ta sẽ coi nó là điểm mạnh, điểm khác biệt tạo ra nhân hiệu. Sự nhầm lẫn âm nó là điểm yếu cần khắc phục em ạ. Em định hình mình tiến bước trong mảng nhân sự thì càng cần khắc phục điểm đó.

Đấy là lời khuyên đầu tiên, và tiếp theo chúng ta sẽ đến với công việc. Con đường để phát triển và tiến các bước trong lĩnh vực Quản trị nhân sự khá đa dạng và tùy vào tham vọng của em. Chúng ta sẽ có 3 lộ trình:
- Lộ trình 1: vươn lên theo các nấc thang chức danh trong nội bộ doanh nghiệp.
- Lộ trình 2: vươn lên theo các nấc thang chức danh trong nhiều doanh nghiệp (nhảy công ty theo bậc)
- Lộ trình 3: vươn lên theo hướng hoàn toàn bên ngoài (Freelancer)
Em nên lựa chọn 1 con đường đi cho mình.

Lộ trình 1: Có lẽ đây là lộ trình em đang theo. Em vào một công ty, cố gắng làm tốt các công việc được giao. Sau đó được đề bạt lên một vị trí chức danh mới. Rồi tiếp tục cố gắng để lên. Tùy vào may mắn và sự cố gắng, chức danh em có thể vươn lên đó là COO, CEO. Ở lộ trình này, em nhớ lưu ý đến ấn tượng đầu tiên. Nếu ngay từ đầu em tạo ra ấn tượng em thế nào thì về sau sẽ khó sửa lại.
Lộ trình 2: Chúng ta cứ ở một công ty 1 thời gian rồi xin nghỉ và nhảy sang công ty khác với chức danh cao hơn. Kiểu như là lúc đầu làm nhân viên công ty to, sau nhảy về làm trưởng phòng công ty bé. Từ trưởng phòng công ty bé nhảy sang làm trưởng phòng công ty to hơn 1 chút. Cứ vậy, ta nhảy cho đến khi làm COO hoặc CEO. Anh thấy nhiều người làm như này.
Lộ trình 3: Không hoặc ít làm các công việc tác nghiệp nhân sự, đầu tư làm tự do (freelancer). Chúng ta sẽ nhận các dự án, công việc Quản trị Nhân sự theo kiểu bán thời gian. Cứ mỗi dự án tích góp thêm kinh nghiệm rồi sau đó ra mở riêng công ty hoặc quay về đầu quân cho công ty nào đó. Anh theo hướng này.

Dù là lộ trình nào thì để thăng tiến, anh thấy việc nâng cấp kiến thức bản thân luôn là việc quan trọng. Em đã tham gia những khóa học ngắn hạn rồi. Nếu được nên đầu tư cho mình 1 cái bằng về QTNS. Nếu được lấy luôn 1 bằng thạc sỹ về HR là tốt nhất.

Song song với nâng cấp kiến thức là quá trình cho đi. Ý anh là xây dựng nhân hiệu. Em chịu khó xuất hiện ở các buổi offline, gia tăng kết nối với với các HR khác, chịu khó chia sẻ ý kiến, viết bài (như anh đang viết), bỏ thời gian tư vấn hỗ trợ các bạn khác (như anh đang làm cho em). Và nếu được em tổ chức hoặc tham gia đứng lớp chia sẻ các kiến thức của mình. Dự án Giải mã Nhân sự (http://hrshare.edu.vn/giaima) chính là môi trường anh đang cố gắng xây dựng để các thành viên cộng đồng có nơi để làm việc này - chia sẻ kiến thức của mình cho những người khác.

Quay lại với đoạn lộ trình, nếu em chọn tiếp tục gắn bó với công ty hiện tại của em (chọn lộ trình 1), anh nghĩ em sẽ có nhiều việc cần phải làm chứ không đơn giản chỉ là xây KPI.
- Sếp của em đánh giá đề xuất của anh và những gì anh chia sẻ là lý thuyết thì có thể hoặc (1) sếp hơn trình anh rất nhiều hoặc (2) có thể trình của sếp em chưa đủ để nghe anh nói. Hoặc có thể (3) sếp của em thấy chưa cần phải làm những thứ đó nên không quan tâm. Anh thì thiên hướng nghĩ về suy nghĩ số 3: sếp em thấy chưa cần phải xây hệ thống QTNS. Để biết xem công ty có cần phải xây hệ thống QTNS hay không, em để ý xem tình hình kinh doanh của công ty thế nào? Liệu công ty có lợi nhuận và đơn hàng đều chứ. Nếu có thì anh sếp sẽ không để ý mấy cái hệ thống. Rồi tiếp, mình tìm hiểu những cái nhỏ hơn, chi tiết hơn như tình hình nghỉ việc của công ty (tỷ lệ nghỉ việc), tình hình hoàn thành công việc, tuân thủ nội quy, văn hóa... Giống như trong buổi số 1 về lý thuyết xây hệ thống QTNS anh đã nói: công ty cũng có nhu cầu và nếu nhu cầu không được đáp ứng thì bài toán quản trị nhân sự xảy ra. Khi bài toán QTNS xảy ra thì hệ thống QTNS sẽ được tái tạo để giải quyết. Công ty em mọi thứ đều ổn thì tái tạo hệ thống không phải là nhu cầu. Không có nhu cầu sẽ không có chiến lược. Không có chiến lược thì sẽ không có việc tái tạo hay xây hệ thống. Chốt lại sếp chưa thấy đau thì đừng làm. Em cứ túc tắc âm thầm triển khai bản nháp.
- Cái quan trọng hơn đó là giải quyết các công việc trước mắt. Anh thấy có vẻ việc cần làm ở chỗ em đó chính là tuyển dụng. Tập trung giải quyết gọn gàng cho xong việc này. Cùng với tác nghiệp tuyển dụng, em nhớ tính thử xem định biên để đưa ra lời khuyên cho anh sếp. Mà có vẻ anh sếp của em sẽ không nghe em tư vấn đâu. Cho nên em cứ tư vấn thôi và xác định là anh ý không nghe cho đến khi việc không nghe theo tư vấn dẫn tới vấn đề gì đó.
- Nếu em thấy quá tải công việc, em tính định biên phòng HCNS xem có cần tuyển thêm người không. Anh thấy công ty tầm 20 - 30 người là đã cần phải có 1 HC và 1 HR. Quy mô công ty tầm 50 người thì cần 1 HC, 1 HR, 1 HCNS. Với số lượng 100 - 200 nhân viên thì cần 1 TP, 3HR, 2 HC. Lưu ý, định biên này còn theo lĩnh vực và các công nghệ áp dụng em nhé.

Về việc chồng em đưa ra lời khuyên cho em. Đứng vào góc nhìn của chông em thì anh thấy không có gì sai. Anh ý thấy em hay quát con (chỗ này anh đoán mò vì anh nhớ đến có lần em quát khi đang trong lớp online), tối lại còn làm thêm hoặc đi học, không ai trông con ngoài anh ý nên anh khuyên vậy. Em làm anh nhớ đến 1 người bạn nữ mà anh đã từng gặp ở 1 sự kiện BNI. Nếu biết BNI em sẽ thấy ở đó họ có thói quen tuần họp 1 lần vào buổi sáng lúc 7h. Anh thấy lạ vì bạn nữ này cũng trẻ và có con nhỏ. Anh mới hỏi, em đi như thế thì ai sẽ đưa con đi học. Bạn trả lời: bà giúp việc đưa con đi. Anh không có ý kiến vì đó là 1 lựa chọn của bạn. Anh lựa chọn khác. Anh lựa chọn ở nhà thay vì BNI. Bạn ý còn kể là bạn đã thuyết phục được chồng cùng tham gia BNI với mình nên giờ 2 vợ chồng vui và hiểu nhau lắm. Chồng của bạn thay đổi nhiều sau khi tham gia BNI (năng động hơn). Anh kể truyện về bạn nữ không phải để khuyên em tham gia BNI mà chỉ nói về sự lựa chọn. Nếu em có thể làm được như bạn nữ hoặc giống anh ở trên thì em làm nhé.

Thôi, lời khuyên cũng đã dài, anh mất cả chiều ngày Hòa Bình để viết cho em. Chúc em tìm được cái gì đó tốt.

Nguyễn Hùng Cường (mr)

Hung Cuong Nguyễn

TÓM TẮT: Họ và tên : Nguyễn Hùng Cường Địa chỉ email: kinhcan24@gmail.com Bằng cấp cao nhất: Thạc sỹ Quản trị Nhân lực Địa chỉ : 7B4 Ha Dinh – Thanh Xuan – Ha Noi Điện thoại : 0988 833 616 Cấp bậc hiện tại: Leader (CEO/ Tư vấn Hệ thống Quản trị Nhân sự) Năm kinh nghiệm: > 10 Năm Ngành nghề: Nhân sự Nơi làm việc: Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh

Share
Published by
Hung Cuong Nguyễn

Recent Posts

Phương án lương thưởng cho BOD – ban giám đốc công ty

Trong quá trình đi tư vấn của tôi, khi đến đoạn cuối của hệ thống,… Read More

11 giờ ago

Thời gian báo trước dừng hợp đồng lao động tối đa nhân viên phải tuân thủ là bao nhiêu?

1. Trong trường hợp bình thường, NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… Read More

2 ngày ago

Lao động phổ thông ở Hà Nội mong muốn mức lương 5 – 10 triệu

Vừa mới đây, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã công bố báo… Read More

2 ngày ago

Tìm hiểu các hình thức trả lương trong doanh nghiệp

Tiền lương không chỉ đơn thuần là khoản thu nhập mà còn là thước đo… Read More

4 ngày ago