Một lần đi tư vấn ở công nọ chuyên trong mảng đào tạo tiếng Anh. Sau khi họp xong, tôi được 1 anh bạn đến hỏi han. Bạn thấy tôi hay đến rồi ngồi trong phòng họp với các trưởng bộ phận và ban lãnh đạo nên muốn trao đổi vì biết đâu bạn có thể làm được cái gì đó. Bạn nói: "Em thích sếp khó tính (như anh Cường) thì mình mới trưởng thành được. Chứ sếp cứ dễ tính, ai làm gì thành vấn đề lại cho qua thì sao mà công bằng được". Tôi thấy ngạc nhiên. Bạn chưa làm việc với tôi bao giờ sao biết tôi khó tính?
Liệu anh chị em có đọc được ẩn ý trong lời nhận xét của bạn tôi ở trên? Vâng. Tình huống này có thể sẽ xay ra ở công ty anh chị. Và bản chất anh bạn trong tình huống trên của tôi muốn nói: Bạn ý làm nhiều hơn nhưng lương vẫn bằng mọi người khác. Bạn phải làm từ sáng đến chiều, rồi tối lại làm event (sự kiện), đi dạy còn người khác thì hết giờ hành chính lại đi về. Cái gì cũng làm thay nhưng không thêm lương hay phụ cấp.
NHÂN VIÊN CHÚNG TA MONG MUỐN GÌ?
Làm Quản trị nhân sự, chúng ta cần hiểu ẩn ý trong mỗi hành động và lời nói. Ẩn ý đó chính là nhu cầu. Nhu cầu ẩn trong mỗi con người sẽ thúc đẩy hành động. Cho nên càng hiểu nhu cầu và có thể đáp ứng được, chúng ta sẽ càng quản trị nhân sự giỏi bấy nhiêu. Vậy con người có những nhu cầu nào? Thật may, chúng ta có người cùng quan tâm tới vấn đề này. Đó chính là một trong những thần tượng của tôi - Maslow. Ông nghiên cứu về nhu cầu và đưa ra tháp nhu cầu gồm 5 bậc:
- Cấp độ thấp nhất và cơ bản nhất là nhu cầu thể chất hay thể xác của con người gồm nhu cầu ăn, mặc, ở…
- Cấp độ tiếp theo là nhu cầu an toàn hay nhu cầu được bảo vệ. Nhu cầu an toàn có an toàn về tính mạng và an toàn về tài sản.
- Cao hơn nhu cầu an toàn là nhu cầu giao tiếp xã hội như quan hệ giữa người với người, quan hệ con người với tổ chức hay quan hệ giữa con người với tự nhiên. Con người luôn có nhu cầu yêu thương gắn bó.
- Ở trên cấp độ nhu cầu an toàn là nhu cầu được tôn trọng. Đây là mong muốn của con người nhận được sự chú ý, quan tâm và tôn trọng từ những người xung quanh và mong muốn bản thân là một “mắt xích” không thể thiếu trong hệ thống phân công lao động xã hội. Việc họ được tôn trọng cho thấy bản thân từng cá nhân đều mong muốn trở thành người hữu dụng. Vì thế, con người thường có mong muốn có địa vị cao để được nhiều người tôn vọng và kính nể.
- Vượt lên trên tất cả các nhu cầu trước là nhu cầu khẳng định bản thân. Đây là khát vọng và nỗ lực để đạt được mong muốn. Con người tự nhận thấy bản thân cần thực hiện một công việc nào đó theo sở thích và chỉ khi công việc đó được thực hiện thì họ mới cảm thấy hài lòng.
Nếu để ý trong tình huống tôi đã đưa ra ở đầu, chúng ta sẽ thấy một trong các NHU CẦU NGƯỜI LAO ĐỘNG chính là:
- BẬC 3: ĐƯỢC GIA NHẬP, ĐỒNG NGHIỆP GIÚP ĐỠ, CẤP TRÊN TIN TƯỞNG
- BẬC 4: ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ ĐÚNG GIÁ TRỊ MÌNH ĐÓNG GÓP, ĐƯỢC CÔNG NHẬN
Chúng ta chỉ cần giải quyết được các nhu cầu của người lao động, nhân viên của chúng ta sẽ ít "làm mình làm mẩy" hơn. Các bài toán (vấn đề) về Quản trị Nhân sự được giải quyết ít nhiều. Trong quãng đời tiếp xúc với Quản trị Nhân sự, tôi thấy nhiều anh chị em thấu hiểu điều này nên trong nhiều tình huống, họ đứng ra bảo vệ quyền lợi một cách tối đa cho nhân viên. Cũng đúng thôi vì họ không chỉ là người Quản trị Nhân sự mà họ cũng là nhân viên. Bảo vệ cho mọi người là bảo vệ chính họ.
TUY NHIÊN...
CEO MONG MUỐN GÌ TỪ NHÂN VIÊN VÀ CÔNG VIỆC?
Với những bạn làm Quản trị Nhân sự hay bảo vệ quyền lợi cho nhân viên, tôi thường cười và có câu hỏi đùa: "Ơ thế bạn làm Công đoàn à?". Mặc dù là đùa nhưng tôi vẫn mang hàm ý nghiêm túc. Đôi khi chúng ta - những người làm QTNS - bị nhầm lẫn vai trò. Đáp ứng nhu cầu người lao động, nhưng chúng ta cũng đừng nên quên rằng chúng ta làm cánh tay phải nối dài của CEO và công ty trong công việc Quản trị Nhân sự. Vì vậy tôi tin rằng nếu đã làm Quản trị Nhân sự, ở bất kỳ vị trí nào, nhất là các vị trí HR cần phải có góc nhìn của tổ chức.
Điều này tức là gì? Tức là chúng ta cần phải đặt vai trò của mình vào vai CEO, cổ đông, những người sáng lập để nhìn tổ chức và cả nhận các bài toán và vấn đề về Quản trị Nhân sự. Nếu tưởng tượng tổ chức như là một cơ thể sống, chúng ta sẽ thấy: Hóa ra tổ chức cũng có nhu cầu. Một ngày nào đó, nếu chúng ta thấy sếp khó ở, công ty khó hiểu, cứ thay đổi chính sách liên hồi, tôi tin công ty sẽ có nhiều vấn đề về Quản trị Nhân sự.
Vì tôi là tư vấn nên tôi có được cái cơ hội tiếp xúc với các CEO. Nói hàng nghìn thì không dám nhưng hơn 100 là chắc chắn. Tôi hay hỏi họ về nhu cầu thực sự họ là gì. Họ nói ra rất nhiều thứ: Nào là nhân viên đoàn kết, chăm chỉ, kỷ luật, công việc thì luôn đúng hẹn ... Nhưng sau cuối, hóa ra nhu cầu của họ rất đơn giản ở 2 từ: LỢI NHUẬN. Chỉ cần công ty có lợi nhuận, tư nhiên các vấn đề về Quản trị Nhân sự sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng. Vâng. Chỉ cần chúng ta, những người làm Quản trị Nhân sự làm sao để cho công ty có lợi nhuận thôi, vậy là chúng ta đã làm tốt việc của mình.
Tôi nhớ, có lần đi offline (giao lưu kết nối) ở Thái Bình, sau khi chia sẻ quan điểm này, có 1 chị CEO đã đồng cảm và kết 1 câu truyện để minh họa. Chị nói rằng trước đó công ty chị cũng có giai đoạn khó khăn. Do quan điểm rằng CEO không nên chia sẻ những điều đó nên chị cắn răng chịu đựng. Chị tìm mọi cách để gồng lỗ và kiếm các đơn hàng mang về công ty. Trong các cách gồng lỗ, chịu xoay sở thay đổi chính sách cho phù hợp. Chị khó tính và "xấu" đi trong thời điểm đó. Một ngày nọ, có 2 bạn trong công ty (con gái) đã hẹn chị ra ngoài ăn ốc khi hết giờ làm. 2 bạn hỏi han chị và tình hình kinh doanh của công ty. Rồi 2 bạn còn sẵn lòng chấp nhận giảm lương để đỡ đần cho công ty phần nào. Chị CEO rất cảm kích về hành động đó. Sau này công ty làm ăn tốt hơn, 2 bạn luôn là những nhân viên có được chế độ đãi ngộ tốt nhất.
Đấy! Bạn thấy không?
Ở trên, chúng ta tưởng tượng công ty như là một cơ thể sống, đã bao giờ bạn tự hỏi: Nhu cầu chi tiết của doanh nghiệp là gì? Tôi có nói rằng nhu cầu của doanh nghiệp rất đơn giản nằm ở 2 từ Lợi nhuận. Sẽ có người phản đối nói rằng không phải vậy, doanh nghiệp còn muốn nhiều hơn thế. Tôi đồng ý với bạn. Thực ra lợi nhuận chính là nhu cầu gần như đầu tiên nhưng nhìn rộng hơn, doanh nghiệp sẽ có các nhu cầu sau.
THÁP NHU CẦU DOANH NGHIỆP
Cấp độ 1: Bán hàng, tạo ra tiền:
Ở cấp độ cơ bản này, nhu cầu của công ty là tiền mặt. Giống như con người không thể tồn tại nếu không có oxy, thức ăn và nước uống, nếu không có doanh số bán hàng, không có tiền, công ty sẽ không thể tồn tại lâu dài.
Cấp độ 2: Lợi nhuận, tạo sự ổn định
Ở đây, nhu cầu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Doanh nghiệp cần có ổn định tài chính và một môi trường an toàn và bảo đảm cho tổ chức. Lợi nhuận đều đặn sẽ giúp cho tổ chức an toàn.
Cấp độ 3: Trật tự, tạo ra sự hiệu quả
Ở cấp độ này, tổ chức có nhu cầu về trật tự. Cụ thể là các nhu cầu về hiệu quả tổ chức giảm những lãng phí, giảm sai lỗi…để tạo ra năng suất tổ chức. Mọi thứ trong tổ chức được yên ấm, vận hành đều đặn.
Cấp độ 4: Tương tác, tạo sự biến đổi.
Mong muốn lúc này của tổ chức đó là sự tôn trọng. Các nhu cầu lúc này của tổ chức liên quan đến việc biến đổi khách hàng và nhân viên, nhà cung cấp và cộng đồng của doanh nghiệp để họ được tốt đẹp hơn từ đó nhận được sự tôn trọng của các bên liên quan.
Cấp độ 5: Di sản, tạo sự trường tồn.
Ở cấp độ cao nhất này, trọng tâm là tạo ra di sản có tính lâu dài, trường tồn. Nhu cầu này cũng tương ứng với nhu cầu bậc 5 của con người đó là nghiệp và tác động của nó sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển trong nhiều thế hệ sau.
Các bậc nhu cầu doanh nghiệp này của Mike Michalowicz, tác giả sách "Fix This Next". 5 bậc nhu cầu Doanh nghiệp được phát triển dựa trên tháp nhu cầu của Abraham Maslow với năm loại nhu cầu của con người. Nhìn vào các bậc nhu cầu của doanh nghiệp, chúng ta có thể biết cách thức để đáp ững nhu cầu tổ chức. Và dĩ nhiên muốn thúc đẩy tổ chức phát triển, chúng ta nên đáp ứng dần các nhu cầu từ bậc thấp đến bậc cao.
VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ NHÂN SỰ XẢY RA KHI NHU CẦU CÁC BÊN KHÔNG ĐƯỢC ĐÁP ỨNG.
Cho nên việc của những người làm Quản trị Nhân sự đó là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu các bên, gia tăng lợi ích cho họ. Làm sao để: Nhân viên tăng thu nhập, Công ty tăng lợi nhuận, Khách hàng tăng lợi ích thì đó chính là Quản trị Nhân sự. Chỉ cần thấu hiểu được khẩu quyết này, công việc của chúng ta đã thành công.
Nếu bạn làm Quản trị Nhân sự, bạn có thể giúp công ty có lợi nhuận, bạn rất giỏi. Vậy, theo bạn, chúng ta nên làm gì?
Nguyễn Hùng Cường (kinhcan24)
Trong quá trình đi tư vấn của tôi, khi đến đoạn cuối của hệ thống,… Read More
Hôm nay trong lớp Kỹ thuật xây dựng hệ thống lương 3P, đến phần xây… Read More
1. Trong trường hợp bình thường, NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… Read More
Vừa mới đây, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã công bố báo… Read More
Tiền lương không chỉ đơn thuần là khoản thu nhập mà còn là thước đo… Read More
Trong nhịp sống hiện đại, thời gian trở thành tài sản quý giá mà ai… Read More