Sáng nay vào Group Phát triển Doanh nghiệp trên facebook, tôi thấy có bài viết hay về việc quản lý Nhân sự. Sẽ thật phí khi không share cho mọi người. Đây là bài viết của chị Linh Nguyễn. Bài viết gồm 2 phần và tôi mạn phép chị copy về đây cũng như gộp 2 phần với nhau. Mọi người nên cân nhắc trước khi đọ.
Quản lý nhân sự theo kiểu Nhật. Tôi đã thất bại như thế nào.
Như Linh đã từng giới thiệu sơ lược về mình , Linh là 1 kỹ thuật viên tin học đi mở công ty F&B ( nghành Food and beverage ). Nên Linh chả có kiến thức về quản lý cũng chả có học vấn gì về kinh doanh. Nên những bài viết của Linh thường chỉ kể về những thất bại xương máu thực tế mà mình có , chứ không dám hướng dẫn ai cái gì. Vì ngay cả chính bây giờ, Linh vẫn liên tục thất bại. Linh chỉ khác ở chỗ , Linh đã đứng lên từ thất bại của mình và vẫn kiên trì chiến đấu từng ngày, từng giờ trong hiện tại.
Linh đã từng làm cho 1 tập đoàn lớn nhất của Nhật trong 5 năm. Trước đó Linh đã học tiếng Nhật, học văn hoá Nhật. Nói tóm lại, Linh thần tượng người Nhật.
Bài viết chắc sẽ khá dài, nên Linh xin phép phân làm 2 phần.
Phần 1 : Giới thiệu sơ về sự khác biệt văn hóa.
Phần 2 : Linh đã thất bại như thế nào.
Phần 1 : Phân tích văn hóa Nhật Việt.
Trong văn hoá Việt, được ảnh hưởng bởi văn hóa từ Trung Quốc. " Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ". Tức là gia đình đứng hàng đầu , rồi mới tới chuyện xã hội, chuyện quốc gia. Nếu ai vì chuyện công ty mà bỏ không chăm sóc gia đình sẽ bị phiền trách là ham tiền v.v. " gia đình trên hết "
Trong văn hóa Nhật " Có nước mới có Nhà " Thế nên họ đặt chuyện đất nước, chuyện công ty , chuyện xã hội mới đến chuyện gia đình. Sếp Nhật của Linh phân tích rằng , người Nhật nói nếu không còn đất nước thì không thể có cuộc sống. Không còn công ty thì không thể có gia đình. Vậy nên cách làm việc của ngưòi Nhật tập trung vào sự trung thành. Nếu bạn không thể trung thành với đất nước, với công ty. Bạn chỉ là thứ bỏ đi.
Do đó, khi trước ( giới trẻ Nhật đã thay đổi trong 10 năm gần đây ). Nếu bạn làm trong 1 công ty Nhật, bạn tự ý bỏ việc, suốt cuộc đời còn lại của bạn xem như tiêu. Bạn không thể được bất kỳ 1 công ty Nhật nào chấp nhận nữa.
Vì khi bạn vào xin việc, họ sẽ hỏi xem trước đây bạn làm công ty nào. Sau đó sẽ gọi cho sếp công ty đó và xin phép " Xin lỗi vì tôi đang định tuyển dụng 1 nhân viên của anh, và thật sự rất cảm ơn vì anh đã đào tạo nhân viên này giúp tôi. Chúng tôi rất mang ơn anh lắm .v.vv, " Đó là văn hóa Nhật.
Và nếu sếp cũ chỉ cần có 1 câu nhẹ nhàng rằng " Chúng tôi cũng rất xin lỗi vì đã không thể huấn luyện nhân viên này thật tốt, do đó anh ấy đã nghỉ việc ở chỗ chúng tôi khi chưa kết thúc hợp đồng, tôi thành thật rất xin lỗi vì đã chưa cố gắng lắm đối với nhân viên này, tôi thành thật xin lỗi".
Vậy là đời bạn xem như chấm dứt tại đây. Bạn chỉ có thể đi bán vỉa hè, hay làm việc tay chân. Do đó dù có chết, người Nhật hoặc những ai làm cho Nhật cũng phải hoàn thành hết hạn hợp đồng và được sự cho phép của cấp trên , mới được rời nhiệm sở.
Tuy nhiên , về phía ngược lại. Mỗi một nhân viên khi vào làm tại công ty, bạn là trách nhiệm họ phải chăm sóc là gia đình của họ. Bạn sẽ được công ty chăm sóc, lo lắng , không chỉ cho bạn mà cho cả vợ , con của bạn. Khi bạn ốm công ty sẽ chăm sóc, khi bạn buồn công ty sẽ an ủi. Thậm chí chỉ cần bạn đi làm mà tâm trạng không vui, hôm đó bạn sẽ được nghỉ phép hưởng nguyên lương.
Khi trước Linh làm, vào đợt dịch SArs , tổng công ty mẹ cho hẳn 1 bác sĩ Nhật bay qua VN với đầy đủ khẩu trang đạt chuẩn, thuốc súc miệng , thuốc đặc trị v.v. tốn rất nhiều tiền chỉ để sát trùng văn phòng và hướng dẫn cách phòng chống Sars cho 1 văn phòng đại diện chỉ có 5 nhân viên Việt và 1 sếp Nhật. Đó là cách họ chăm sóc nhân viên.
Nếu bạn phạm sai lầm, hoặc không thể hoàn thành nhiệm vụ. Công ty sẽ phạt, sẽ chuyển công tác bạn, sẽ đủ mọi thứ. Nhưng tuyệt đối không bao giờ đuổi bạn. Sếp Linh từng nói " Giống như khi con cái , em út của bạn hư hỏng, bạn sẽ phạt nó, sẽ đánh nó, mắng nó , sẽ cho nó cơ hội sửa chữa sai lầm chứ bạn sẽ không đuổi nó đi hay giết chết nó.
Do đó, nếu bạn đã được vào công ty Nhật, bạn có thể sẽ bị thuyên chuyển khi bạn không hoàn thành nhiệm vụ, có thể sẽ phạt phần thưởng năm, thưởng tháng. Nhưng bạn sẽ không bao giờ bị đuổi. Như Linh cũng từng đọc 1 quyển sách về 1 cô gái ngưòi Pháp xin vào làm trong công ty Nhật , tại Nhật. nhân vật trong cuốn sách , Cô ấy xin vào làm thông dịch văn phòng. Nhưng cuối cùng trở thành " bà Nước Tiểu" chỉ được phụ trách việc đứng trước cửa phát giấy vệ sinh cho ai muốn đi toalet. Nhưng cô ấy không thể nghỉ việc, và công ty cũng không sa thải. Vì cô ấy phải hoàn thành hợp đồng của mình.
Đó là văn hóa Nhật.
Còn tiếp kỳ 2 : Áp dụng cách quản lý Nhật, Linh đã thất bại như thế nào.
Cảnh báo : bạn nên chuẩn bị 1 ly cafe tìm 1 chỗ êm ái để tránh buồn ngủ khi đọc bài viết lê thê này.
Là 1 người phụ nữ lãng mạn, sách gối đầu nằm của tôi là những cuốn tiểu thuyết tình cảm. Chỉ cần nhìn thấy sách quản lý , kinh doanh là tôi đã quay đầu bỏ chạy. Để hoàn thiện mình , Tôi cũng cố gắng mua 1 vài cuốn chuyên đề tài quản lý để đọc. Nhưng những cuốn sách này thường chỉ được đọc đến trang 50 là dài nhất.
Vậy nên , tôi dùng cách quản lý bằng trái tim và kinh nghiệm. Chỉ cần trái tim mách bảo đúng là đúng, khi vấp phải sự phản ứng không như mong đợi, tôi sẽ chỉnh sang 1 hướng khác. Có khi cái sự "Rút Kinh Nghiệm" của tôi là những phản ứng cực kỳ thái quá. Nó làm tổn thương những nhân viên đi theo tôi. Và có lúc cái Sự rút kinh nghiệm đó đánh trả lại chính bản thân tôi làm cho tôi khổ sở, mệt mỏi.
Nói việc áp dụng quản lý theo kiểu Nhật là thất bại hoàn toàn cũng không phải, nó có sự thành công nhất định với những con người nhất định. Vì áp dụng cách quản lý theo kiểu Nhật, tôi đã có những bạn nhân viên theo tôi rất nhiều năm, sống cùng tôi, vui buồn cùng tôi, thậm chí khi có chuyện, các bạn sẵn sàng đưa lưng ra đỡ cho tôi bình yên. Tuy nhiên , cách quản lý này rất kén người để áp dụng. Và sau khi khởi nghiệp đến nay đã qua 12 năm, tôi vẫn lẹt đẹt là 1 công ty nhỏ xíu quản lý kiểu cá nhân, nên tựu chung có thể gọi là " Thất bại thảm hại " .
Có thể chia cách quản lý của tôi theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 gọi là " Trái tim yêu thương ".
Giai đoạn 2 gọi là " Trái tim tàn nhẫn "
Giai đoạn 3 hiện tại gọi là " Trái tim thông minh".
Tôi áp dụng phương pháp " Tuyệt đối không sa thải nhân viên " trong suốt 10 năm đầu kinh doanh cho dù ai nói ra, nói vào, cho dù chồng tôi nhiều lần đưa ra những lý lẽ thuyết phục tôi thay đổi. Có lẽ vì bị ảnh hưởng quá sâu đậm của " tinh thần Nhật" mà tôi cứng đầu y như họ.
Giai đoạn 1 : Trái tim yêu thương.
Khi mở ra cửa hàng đầu tiên, tôi chuẩn bi tinh thần " Sống , chết cùng nhân viên ". Tôi chỉ tuyển các bạn vừa ngoài quê vào, do mô hình kinh doanh là phục vụ, nên nhân viên tôi không cần trình độ, không cần kiến thức. Tôi chuẩn bị sẳn sàng chỗ ăn, ở, lương bổng với mức cực cao vào thời kỳ đó. Không hề có bất kỳ 1 bảng nội qui, 1 hình thức kỷ luật , cũng như không hề có 1 cách quản lý nào. Vì lúc đó, trong tâm trí của tôi " Chỉ cần bạn có lòng, người khác sẽ không thể phụ bạn ". Khi đó tôi chỉ tuyển đúng số người mình cần không hề có bất kỳ sự chuẩn bị nào.
Nhưng đời không như là mơ. Chưa đến vài tháng áp dụng , tôi sính nính , xiểng niểng vì các bạn thường xuyên nghỉ không phép vì nhiều lý do trời ơi đất hỡi. Vui nhất có 1 lần, 1 bạn xin đi về quê 1 tuần vì bà ngoại mất. Tôi cho bạn nghĩ hưởng lương và còn gửi thêm tiền về phúng điếu vì không thể đi viếng được, cảm thấy rất có lỗi. Có bạn khác lại xin nghĩ về quê vì cha , mẹ bị tai nạn xe cộ. Đây là những lý do mà nếu không tận mắt nhìn thấy những sự việc xảy ra sau đó, tôi sẽ không thể tưởng tượng có người mang ra để nói dối.
Đính chính 1 chút cho các bạn sẽ nói rằng tại sao may quá lại phát hiện ra. Vì nhiều , rất nhiều những việc tương tự, nhưng tôi chỉ kể ra đúng 2 trường hợp mình phát hiện ra thôi. Đó là 1 bạn sau đó vài tháng có lẽ bạn quên mất, bạn giới thiệu 1 người chị em bạn dì vào làm và tôi phát hiện ra bà ngoại của 2 bạn đều còn sống. ( 2 người chị em bạn dì chung 1 bà ngoại ). Khi tôi hỏi bạn tại sao lại làm như vậy thì bạn nói trớ ra rằng " bà ngoại nuôi xa " nên người kia không biết. Người thứ 2 thì không hiểu xui thế nào đúng ngay hôm bạn xin nghĩ vì lý do cha mẹ bị tai nạn, cha mẹ bạn lên quán thăm bạn.
Nhưng điều khiến tôi tổn thương nhất là các bạn xem việc gạt được tôi như là 1 chiến công. " Ai kêu bả ngu tin tao ráng chịu" . Đó là 1 tin nhắn tôi vô tình đọc được trong 1 trường hợp khác.
Giai đoạn 2 : Trái tim sắt đá.
Tổn thương niềm tin sâu sắc, tôi chuyển sang áp dụng hình thức lương thưởng , phạt. Tôi đưa ra 1 mức lương căn bản thấp , và kèm theo những mức thưởng cao ngất trời. Ví dụ bạn không đi trễ , về sớm bạn được thêm 1 khoản tiền, không nghỉ không phép bạn được thêm 1 khoản nữa..v.v mức thưởng thậm chí gấp đôi mức lương căn bản.
Lúc này tôi cũng phát hiện thêm 1 việc, tôi buộc phải tuyển nhân sự đã qua đi làm, vì nguồn nhân sự mới toanh từ ngoài quê vô hầu như không còn, và tôi buộc phải tuyển thêm những bạn quản lý để phụ tôi quản lý những nhân sự còn lại. Và việc hỏi thăm về chỗ làm cũ là điều không thể tại VN. Vì nếu bạn chỉ tuyển những người có lý lịch rõ ràng, được chỗ làm cũ khen ngợi là thậm chí bạn chẳng tuyển được ai.
Nhất là hình thức nhân sự tôi tuyển đa phần là sinh viên hoặc lao động phổ thông. Với nền giáo dục của chúng ta việc trung thực, uy tín là 1 sự xa xỉ. Khi tôi viết đến đây , tôi đã mường tượng ra việc 1 số bạn sẽ nhảy vào cm rằng quơ đũa cả nắm, hạ nhục người Việt v.v. Nhưng tôi xin lỗi khi suốt 12 năm quản lý lực lượng lao động này , việc lãnh lương xong hôm sau biến mất không 1 lời nhắn gửi là 1 việc bình thường như thể mỗi ngày bạn ăn cơm vậy. Việc ăn cắp tiền quán, dùng mọi thủ đoạn để không in hóa đơn , biển thủ tiền .v.v. là việc cơm bữa hằng ngày.
Thậm chí khi tôi nhờ 1 công ty viết phần mềm quản lý tính tiền cho tôi, công ty đó phải thốt lên rằng, khi vào VN phần mềm của họ phải thay đổi , biến tướng để theo kịp sự " thông minh " của nhân viên VN. Họ phải thêm thật nhiều Modul cộng trừ, để có thể theo kịp " trình độ cao siêu" của nhân viên VN.
Ngoài những lý do của nhân viên ra, việc góp phần làm cho tôi hoang mang hơn nữa là tư duy " săn người " của 1 số những thành phần quản lý khác. Tức là họ cảm thấy thay vì phải tuyển và huấn luyện 1 nhân sự, họ đến quán tôi chào mời với 1 mức lương cao hơn mức lương của tôi hiện tại và với tư duy xài tạm đến khi họ có thể trụ được sẽ sa thải nhân viên kia để giảm chi phí.
Hoặc đối với nhân viên kinh doanh, việc mời các nhân viên này còn được kèm theo 1 danh sách khách hàng mà bạn này đang nắm giữ. Việc này cho đến bây giờ tôi vẫn không thể làm, và không thể chấp nhận. Đối với tôi, việc này vi phạm đạo đức kinh doanh 1 cách trầm trọng. Và với suy nghĩ của tôi, nếu bạn nhân viên đó có thể phản bội người chủ của mình, thì họ có thể 1 ngày cũng sẽ phản bội tôi.
Do đó, cách quản lý của tôi cũng thay đổi đầy rắc rối, toan tính , phức tạp. Và sau nhiều năm quản lý , tất cả các lý do a,b,c của nhân viên, tôi đều xem như 1 lời nói dối. Thậm chí có rất nhiều nhân viên xem tôi như 1 kẻ sắt đá không có tình người khi nghe ai đó chết, bị thương tôi xem như đó không phải việc của tôi. Bạn chỉ cần vi phạm bất kỳ 1 điều khoản nào trong nội qui, bạn sẽ không có tiền thưởng đó. Còn lại, tôi không quan tâm.
Tuy nhiên , trong trái tim tôi, tôi vẫn sẽ cho các bạn cơ hội sửa sai, tôi răn đe, khuyên nhủ. Thuyên chuyển công việc bạn cho đến khi tôi nhận ra bạn có thay đổi, tôi sẽ trả bạn về vị trí công việc cũ. Nhưng chỉ có những bạn nhân viên đã đi theo tôi từ những ngày đầu hiểu rõ những nổi khổ của tôi.
Cái sự cứng đầu của tôi làm ra các bạn nhân viên còn lại dựng nên 1 hình ảnh rằng :
1. Bả không đuổi mày đâu , bả đì đến khi mày chịu không nổi tự động bỏ lương mà đi.
2. Mỗi người bả kiếm chuyện trừ vài trăm ngàn, mấy chục người mỗi tháng bả lời thêm mấy triệu từ lương nhân viên.
3. Bả đưa ra mức lương cao để gạt thôi. Vô làm bả sẽ kiếm chuyện trừ cho hết, coi như mày làm rẻ mạt cho bả ,v.v. và .v.v.
Các bạn nếu đọc đến đây , nếu các bạn chưa làm chủ có lẽ cho rằng lý lẽ nhân viên là đúng. Nếu ai đã từng làm chủ, sẽ hiểu 1 đạo lý rằng. 1 phút của người kinh doanh có thể kiém ra bạc triệu, bạc tỷ, chẳng ai dùng thời gian quí báu của mình làm 1 việc ngu xuẩn là " đì nhân viên ". Doanh thu của người kinh doanh sinh ra từ sự hài lòng của khách hàng. Sự hài lòng của khách hàng đến từ sự vui vẻ của nhân viên. Không có bất kỳ 1 người kinh doanh nào ngu xuẩn đến mức kiếm tiền bằng cách trừ lương nhân viên.
Cho nên chính sự cứng đầu quản lý theo cách của Nhật cộng thêm sự chỉnh sửa vô tội vạ theo cảm tính của tôi đã tạo nên 1 thảm họa. Nhân viên căm ghét, khách hàng than phiền vì thái độ khủng khiếp của nhân viên.
Giai đoạn 3 : Trái tim thông minh.
Sau 10 năm kinh doanh , long đong lận đận , thất bại thảm hại. Trong 2 năm gần đây, tôi đã và đang quản lý nhân sự theo tiêu chí " đãi cát, tìm vàng". Tôi đưa ra mức lương vừa đúng với mức lương của thị trường, sau đó, nếu bạn vi phạm đến lần thứ 3. Bạn sẽ được " ra đi " một cách không khoan nhượng, không thương tiếc. Nếu bạn làm tốt, tôi sẽ dùng mức lương đãi ngộ để cố gắng giữ bạn lại. Nhưng chỉ cần phong độ của bạn xuống và tôi cảm thấy không còn cứu chữa, bạn sẽ được quay về vị trí ban đầu.
Tuy nhiên, với tính cách , con người của tôi, tôi vẫn cảm thấy cách quản lý này không ổn lắm. Chính bản thân tôi cảm thấy như mình " vắt chanh , bỏ vỏ " . Tôi đã không còn dùng tình cảm, dùng lòng bao dung, tôi đã không còn xem nhân viên như gia đình , như ruột thịt của mình để yêu thương họ, quan tâm, hướng dẫn họ tìm con đường đúng đắn. Tôi chỉ sử dụng các bạn nếu bạn hữu dụng, quay lưng bỏ đi khi họ không thể hòa hợp với mình. Do đó, mỗi ngày, tôi dằn vặt, tôi ray rức với những quyết định của mình.
Do đó, tôi lại 1 lần nữa, hoang mang, lần hồi đi tìm cho mình 1 lối đi đúng đắn.
Có ai có thể giúp tôi không ?
P.s : Rất cảm ơn những ai đã chịu khó ngồi đọc đến đây. 1 bài viết dài thoàng, chán ngắt. Tuy nhiên, đó như 1 bài học xương máu mà Linh đã trải qua nên Linh muốn chia sẻ và tâm sự với mọi người.
Nguồn: Linh Nguyễn - facebook.com/longchau.congty
Trong quá trình đi tư vấn của tôi, khi đến đoạn cuối của hệ thống,… Read More
Hôm nay trong lớp Kỹ thuật xây dựng hệ thống lương 3P, đến phần xây… Read More
1. Trong trường hợp bình thường, NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… Read More
Vừa mới đây, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã công bố báo… Read More
Tiền lương không chỉ đơn thuần là khoản thu nhập mà còn là thước đo… Read More
Trong nhịp sống hiện đại, thời gian trở thành tài sản quý giá mà ai… Read More
View Comments
Bài viết phản ánh rất chính xác văn hóa cty Nhật. Tuy nhiên jp cũng đang chuyển hướng mạnh mẽ ra nước ngoài, và văn hóa của họ cũng 1 phần thay đổi theo.
Nhật viên jp không trong biên chế chính thức ( hợp đồng hay tuyển tại nước sở tại ..) vẫn ra vào như cơm bữa . Môi trường cũng ảnh hưởng khá nhiều : )
Bạn nói nhiều điểm trùng khớp với công ty nhật bản đang hoạt động tại Việt Nam ( trước đây mình cũng từng làm cho cty Nhật ), tuy nhiên có một nét mà bạn chưa đề cập, đó là công ty Nhật làm ở nước ngoài thì bị lai với văn hóa địa phương ít nhiều, điều này cũng có thể hiểu thôi, giống như một món ăn như bún bò huế mà bán trong miền tây thì có tí vị ngọt khác đi cho hợp với địa phương. Nhưng thực lòng mà nói, mình học được họ và nể trọng, ngưỡng mộ họ rất nhiều. Làm việc với người Nhật phát triển bản thân nhiều lắm.
Nói trước không buồn nhé. Trong các kỹ năng về quản lý lẽ ra nên áp dụng một cách hài hòa. Mrs Linh Nguyễn lại áp dụng mỗi thời điểm một chiêu nên mất cân bằng. Sau không kết hợp cả 3 yếu tố lại.
Em đã từng trải qua bước 1 và bước 2 của chị nhưng với thời gian ngắn hơn chị nhiều.
Bước 1 là 1,5 năm và bước 2 là 1,5 năm. Sau bước hai em cảm thấy làm như bước hai nó khác con người em quá nhưng nó lại giúp em tỉnh táo và thông minh hơn trong việc nhìn người, tin tưởng và trọng dụng. Em đã thiết lập những nội quy, quy trình tuyển dụng, chỉ tuyển người phù hợp với core value, vẫn tiếp tục yêu thương, tin tưởng và động viên.
Em quan sát nhiều hơn, kỹ hơn và lắng nghe nhân sự của mình nhiều hơn, tuy nhiên em cũng ko cho họ quá 3 lần cơ hội nếu không thể thay đổi được để phù hợp các yêu cầu của tổ chức. Cứng rắn và mềm dẻo, lạnh lùng và quan tâm, yêu thương và xa cách. Em áp dụng đủ. Em vẫn có những khoảng thưởng để mức lương cao hơn so với thị trường nhưng ko cao gấp nhiều lần so với lương cơ bản vì nó ko công bằng. Người lao động đi làm họ mong ngóng lương mỗi ngày. Em thêm 2 khoảng thưởng chuyên cần và hiệu quả để khích lệ.
Nếu họ làm tốt và ko nghỉ ngày nào thì khi nhận đủ cả hai khoản thưởng kia mức thu nhập của họ sẽ cao hơn thị trường. Em cũng quan tâm đến đời sống, cá nhân và gia đình nhân viên. Nhưng trước khi quyết định giúp hay hỗ trợ họ, em sẽ tìm hiểu rất kỹ lưỡng, hỏi nhiều câu hỏi để phát hiện thật hay giả. Nhờ vậy nên vẫn với tình thần yêu thương, động viên, chăm sóc nhưng đi kèm với hiệu quả công việc, mọi thứ tốt hơn nhiều.
Em luôn chia sẻ với nhân sự, chỉ cần mọi người cùng nỗ lực cố gắng, công ty muốn được chia sẻ phần lợi nhuận và cổ phần cùng họ. Còn nếu một nhân sự ko làm tốt sẽ ảnh hưởng hệ thống và ảnh hưởng đến lợi ích của những nhân sự khác. Nhờ vậy cty em mọi người đoàn kết và chăm chỉ làm việc. Tất nhiên là hứa gì, nói gì thì nhất định phải làm được ạ. Và quan trọng là mình rõ ràng, chính trực, uy tín nhân sự họ cũng tin mình ạ.
Chúc chị sớm tìm ra phương pháp hiệu quả để quản lý nhân sự.
P/s : Quản lý nhân sự phổ thông là mệt mỏi nhất nhưng nếu chị có quy trình, quy tắc đầy đủ và đầy yêu thương chắc chắn họ vẫn làm việc tốt ạ
Cám ơn Linh, bài viết rất hay, chi tiết. Hân đã và đang làm việc cho công ty Nhật được 4 năm, nên những gì bạn chia sẽ rất thực tế đặc biệt là hay gặp trong ngành bán lẻ, việc quản trị theo cách nào cũng sẽ mang lại ưu nhược điểm, mình chỉ chọn cách phù hợp với mình và quan trọng là khi đã đưa ra qd thì dựa trên cơ sở nào? Có thấu tình đạt lý không? Và bạn có được giấc ngủ ngon không :) Hân tin là bạn có tâm trong quản lý và người có tâm nhất định sẽ thành công
Trước đây chồng em đi làm thuê, bà sếp cực kỳ khắt khe, xấu tính. Nhưng dù vậy Ck em và nhân viên cũng gắn bó ở đấy 7-8 năm cho đến khi bà ko trực tiếp quản lý mà thuê người khác về qly hộ. Nhiều lần em hỏi Ck em là tại sao ko xin nghỉ đi làm chỗ khác nhưng Ck em bảo vì lợi ích, vì làm ở đó Ck em học khôn dc từ bà ấy, sẽ rút kinh nghiệm từ cách quản lý khi lập cty riêng. Và năm thứ 8 Ck em nghỉ và lập ra cty bây giờ
Em đã từng đi làm ở một công ty nước ngoài, sếp là người du học ít Singapore, a ấy hơn em 1 tuổi, cách quản lý rất dễ dãi chỉ cần nhân viên hoàn thành báo cáo, deadline còn lại thì free hoàn toàn. Nhân viên làm việc rất thoải mái, tình cảm của mọi người trong công ty rất tốt nhưng em thấy có j đó ko ổn vì những nhân viên kỹ thuật họ hơi nhờn và ko tuân thủ theo nội quy giờ giấc như trước và dịch vụ công ty giảm
Em quản lý cty bây giờ với một ý nghĩ mình cũng xuất phát từ đi làm công, mình sẽ hiểu được người làm công muốn j nên rất thân thiện với nhân viên, nhưng mình thân thiện thì nhân viên nhờn, ko nể mình.
Bây giờ e ko tỏ ra quá thân thiện với nhân viên, tạo khoảng cách vừa phải, vẫn lắng nghe và chia sẻ nhưng luôn cứng rắn khi cần thiết. Đề ra nội quy khen thưởng kỷ luật và làm theo đúng như thế.
Chúc chị thành công