Tôi đọc bài này có tí bức xúc nên up lên đây để mong nhận được chia sẻ quan điểm của mọi người. Bài báo dưới đây có đoạn nhận định: “Nhiều lao động tới lúc gần nghỉ hưu thì xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp (do Quỹ BHTN trả). Vì thâm niên công tác lâu nên nếu xin nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp thì lao động có thể nhận được số tiền trợ cấp rất lớn từ 60-70 triệu đồng/người. Với những công ty có hàng nghìn lao động, chỉ cần khoảng 40 lao động nghỉ việc thôi là doanh nghiệp cũng “chết dở”. Doanh nghiệp rất than phiền về vấn đề này, vì họ hoàn toàn có thể bố trí công việc phù hợp cho lao động xin nghỉ việc” – bà Đỗ Thị Minh Hường - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh. Bà cho biết thực tế tại địa phương có rất nhiều tình trạng lao động trục lợi chính sách BHTN.
Phó chủ tịch tổng Liên đoàn lao động 1 tỉnh đấy ạ. Ngay cả đến người như thế này cũng chả đứng về phía người lao động thì nên đặt dấu hỏi về 2 từ Công Đoàn. Rõ ràng:
1. Người ta đóng Bảo hiểm Thất nghiệp thì khi Thất nghiệp người ta phải được chi trả. Chả lẽ cái quỹ BHTN sinh ra để chờ người ta về hưu ?
2. Trong quỹ lương luôn phải có khoản dự phòng về trợ cấp mất việc. Đây là khoản của người lao động. Luật đã quy định rõ. Như vậy tiền này là tiền của người lao động. Vậy mà bà Hường nói công ty "chết dở" khi công ty lấy tiền của người lao động trả cho người lao động.
Haizz. Cái bụng cứ tức anh ách. Thân mời cả nhà đọc thêm 1 số bài về lao động nghỉ việc khi sắp về hưu: “Trào lưu” đua nhau nghỉ việc trước khi đến tuổi nghỉ hưu ở công nhân và người lao động ( https://goo.gl/QmKPtZ )
Khi bảo hiểm thất nghiệp bị coi như... kênh kiếm tiền
Mặc dù là chính sách góp phần đảm bảo cuộc sống ổn định cho lao động khi chẳng may mất việc làm, thế nhưng nhiều lao động lại xem bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như là... một kênh để kiếm tiền.
Lạm dụng BHTN
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì từ 2009 đến tháng 7.2016, số người tham gia BHTN là gần 10,6 triệu lượt người. Số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH quý II năm 2016 cả nước có tới 1,08 triệu lao động thất nghiệp, có xu hướng tăng so với cùng kỳ quý trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều hơn những lao động hưởng BHTN.
Bà Đỗ Thị Minh Hường - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh cho biết thực tế tại địa phương có rất nhiều tình trạng lao động trục lợi chính sách BHTN.
“Nhiều lao động tới lúc gần nghỉ hưu thì xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp (do Quỹ BHTN trả). Vì thâm niên công tác lâu nên nếu xin nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp thì lao động có thể nhận được số tiền trợ cấp rất lớn từ 60-70 triệu đồng/người. Với những công ty có hàng nghìn lao động, chỉ cần khoảng 40 lao động nghỉ việc thôi là doanh nghiệp cũng “chết dở”. Doanh nghiệp rất than phiền về vấn đề này, vì họ hoàn toàn có thể bố trí công việc phù hợp cho lao động xin nghỉ việc” – bà Hường kiến nghị.
Không chỉ kiếm được một khoản lớn tiền trợ cấp thất nghiệp, khi xin nghỉ lao động còn được doanh nghiệp trả trợ cấp thôi việc. Do đó, có lao động nhận được 100 - 200 triệu đồng khi xin nghỉ việc.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ thì cho rằng, theo quy định thì lao động phải đợi 20 ngày để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng thực tế thủ tục hưởng phức tạp, nên chỉ những lao động nào có tham gia BHTN trong thời gian dài mới đăng ký để hưởng, còn ngắn thì bỏ luôn. Mặc dù có những quan điểm trái chiều nhưng theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội thì số người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp vẫn tăng.
“Theo thống kê của trung tâm, trong 6 tháng đầu năm 2016 có tới hơn 18.000 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 17.249 người, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2015” – bà Liễu nói.
Không mặn mà với học nghề
Thực tế hiện nay lại có một tỷ lệ không nhỏ những người lao động không có việc làm chỉ quan tâm tới tiền trợ cấp thất nghiệp mà quên mất rằng mình còn có quyền được giới thiệu việc làm và học nghề miễn phí.
Thừa nhận thực tế này, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng có việc này là do nhận thức của người lao động còn chưa toàn diện, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì thu nhập chưa cao, áp lực kinh tế lớn với gia đình nên cần tiền hơn. Bản thân lao động cũng đã qua đào tạo (50% lao động qua đào tạo) rồi nên họ ngại.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng: “Nguyên nhân chính vẫn là do một bộ phận lao động lớn tuổi, vì lý do sức khỏe nên trở về quê làm nông nghiệp hoặc nội trợ nên không có nhu cầu học nghề. Mặt khác các cơ sở dạy nghề chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, chưa hỗ trợ tiền ăn, đi lại trong thời gian học nghề… nên lao động không hào hứng”.
Bà Hương cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần làm tốt báo cáo định kỳ về tình hình biến động lao động để cơ quan chức năng nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương. Đặc biệt cần xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHTN làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.
Để giải những vấn đề trên và giúp người lao động sử dụng hiệu quả BHTN, ông Mậu Diệp cho biết, trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp về tuyên truyền chính sách BHTN nói chung và tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề nói riêng cũng như cải cách trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ học nghề để tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, sau 6 năm (kể từ 2009) thực hiện chính sách về BHTN, hiện thu lúc nào cũng vượt chi. Tuy nhiên, tỷ lệ chi qua thời gian ngày càng tăng. Năm 2010, cả nước thu gần 5.500 tỷ đồng và chi chỉ hơn 459 tỷ (đạt 8,5%) thì tới năm 2015 số thu được gần 9.500 tỷ nhưng chi đạt 4.800 tỷ (chiếm hơn 50%). Mặc dù đến cuối năm 2015, Quỹ BHTN kết dư gần 49.000 tỷ đồng, nhưng thời gian tới nguồn quỹ này sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi mà tỷ lệ lao động thất nghiệp có xu hướng tăng lên.
Nguồn: Minh Nguyệt báo Dân Việt
Trong quá trình đi tư vấn của tôi, khi đến đoạn cuối của hệ thống,… Read More
Hôm nay trong lớp Kỹ thuật xây dựng hệ thống lương 3P, đến phần xây… Read More
1. Trong trường hợp bình thường, NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… Read More
Vừa mới đây, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã công bố báo… Read More
Tiền lương không chỉ đơn thuần là khoản thu nhập mà còn là thước đo… Read More
Trong nhịp sống hiện đại, thời gian trở thành tài sản quý giá mà ai… Read More