Ngày hôm nay là một ngày dài đối với tôi. Thằng Cu Tí - con tôi hôm qua đi tiêm phòng nên tới giờ vẫn ngâm ngấm sốt. Để chỉ ngâm ngấm như vậy, mẹ nó đã ăn lá tía tô cả ngày trước đó. Đây chính là mẹo để con khi đi tiêm phòng không bị sốt mà vợ chồng tôi mới ngộ được thông qua một bạn đồng nghiệp. Lần trước tiêm phòng, cu cậu ốm lên tới 39 độ. Thế là đợt ấy chúng tôi thay phiên nhau thức suốt đêm để cặp nhiệt độ cho nó.
Không chỉ chuyện thằng cu con của tôi mà còn cả chuyện có anh bạn thấy bộ tài liệu của tôi hot quá nên làm cách nào đó để có được (phiên bản cũ). Sau đấy, anh bạn đem bán. Bán mãi rồi lại up lên mediafire, kéo link sang một bên rút gọn link trả tiền khi có lượt xem link. Rút gọn xong, mang đi share cho mọi người kiếm thêm chút tiền lẻ. Chả biết anh chàng kiếm được bao nhiêu nữa. Tôi đã phải làm hẳn 1 bức thư để gửi cho anh vụ lợi kia ( http://goo.gl/aEmB5F ). Dường như tôi gửi mail không ăn thua thì phải. Tôi vẫn nhận được thông tin anh chàng ấy gửi mail cho mọi người.
Đây là mail anh ta gửi cho mọi người.
Đây là data gửi mail. Data có vẻ như được sưu tập từ timviecnhanh.
Rồi nữa là chuyện host chứa blog và các site của tôi cứ bị hỏng, chập chờn lúc vào được lúc không. Vào blog mà cứ đơ đơ như thế, đến tôi cũng bực mình huống chi là người khác.
Khi mà mọi thứ không chiều lòng người thì đến cả thời tiết cũng vậy. Trời Hà Nội hôm nay lúc mưa lúc không. Thu Hà Nội đẹp khi nhiệt độ man mát nhưng thật không dễ chịu gì khi cái lành lạnh đó dính thêm mấy hạt mưa. Nói chung là chán. Chán nên tôi lôi thông tư ra đọc. Tôi chọn đúng cái thông tư mới ra lò số 17/2015/TT-BLĐTBXH. Thật trùng hợp là đúng vào dịp tôi đang viết seri các bài viết lương và cách xây dựng lương theo 3P. Hôm nọ tôi sửa lại một bài viết cũ để thêm nội dung mới. Đấy là bài: Tại sao lương vị trí kế toán lại lớn hơn lương vị trí Nhân sự ? – Cách xác định lương P1 theo 3P ( http://goo.gl/j9iTbv ). Rồi tiếp đến hôm vừa rồi, tôi hì hụi làm cái file : tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống lương 3P ( http://goo.gl/BKAZhP ). Đọc đi đọc lại cái thông tư với nội dung : HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG THANG LƯƠNG, BẢNG LƯƠNG, PHỤ CẤP LƯƠNG VÀ CHUYỂN XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 49/2013/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ TIỀN LƯƠNG, tôi tóm gọn lại là Nhà nước hướng dẫn các công ty của họ xây dựng lương theo 3P. Và thông tư này hướng dẫn xây dựng P thứ nhất : P1 - Position (vị trí)
Thông tư có 19 điều, trong đó điều 4, 5, 6, 7, 8, 9 chính là quy trình xây dựng lương. Để dễ hiểu tôi đã mô hình hóa nó vào excel. Anh chị em và các bạn nếu quan tâm và muốn tải file đó, vui lòng xem thêm ở cuối bài. Quy trình xây dựng lương theo P1 của nhà nước như sau:
Bước 1: Điều 4. Chức danh nghề, công việc >> Dịch ra là: Xác định chức danh nghề, công việc trong tổ chức.
Bước 2: Điều 5. Đánh giá độ phức tạp công việc >> Hay còn gọi là đánh giá giá trị công việc.
Bước 3: Điều 6. Xác định yếu tố điều kiện lao động >> Thực ra cái này cho vào bước 2 cũng được.
Bước 4: Điều 7. Xác định quan hệ mức lương
Bước 5: Điều 8. Xây dựng thang lương, bảng lương
Bước 6: Điều 9. Chuyển xếp lương
Như tôi đã nói từ mấy bài trước, các bước đơn giản như vậy nhưng do là viết chung cho toàn bộ các ngành, các công ty nên đi vào chi tiết khá phức tạp. Khi đọc phụ lục hướng dẫn triển khai thì mới thấy được mức độ phức tạp đó.
Đầu tiên, các công ty nhà nước đa ngành đa nghề nên các loại hình lao động cũng đa dạng. Công ty sản xuất có công nhân, công ty thương mại có kinh doanh, công ty vận tải lại có thủy thủ ... Rồi nữa, nhà nước lại lắm văn bản và có một số văn bản cũng tham gia vào việc định nghĩa và phân loại các loại hình lao động, chức danh. Vì thế, thông tư này đã theo sự phân loại từ trước để xây dựng từng hướng dẫn cụ thể.
Chúng ta có các loại lao động sau:
- Lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh. Loại này được phân thành 2 nhóm:
+ Nhóm theo thang lương (kiểu như công nhân) có nhiều bậc.
+ nhóm theo bảng lương (kiểu như kinh doanh) có nhiều chức danh.
- Lao động là chuyên gia, nghệ nhân
- Lao động là quản lý cấp trung
- Lao động là quản lý cấp cao (viên chức quản lý)
- Lao động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ
Để đơn giản cho việc hướng dẫn và xây dựng, người viết thông tư đã cho tất cả các nhóm lao động trên vào 1 công ty (mô hình tổng thể). Đây là điều trong thông tư không hề nói. Họ cứ viết ví dụ ra rồi mặc người đọc hiểu thế nào thì hiểu. Anh chị em lưu ý nhé. Đây là điểm mấu chốt để hiểu thông tư. Tôi mất khá nhiều thời gian để ngộ ra điểm này. Vào lúc ngộ ra điều đó, trời tự dưng tạnh mưa, thàng cu con hết sốt. Chắc là điềm lành đây.
Lan man 1 chút. Giờ đi tiếp, chúng ta đã có mô hình công ty với 5 loại lao động. Câu hỏi đầu tiên khi triển khai dự án trong công ty sẽ là: yếu tố, tiêu chí nào để đo mức độ phức tạp của các vị trí công việc. Ngoài khu vực tư nhân, tôi thấy hay dùng thuật ngữ đánh giá giá trị công việc hơn. Thông tư đã đưa ra 6 nhóm yếu tố:
1. Thời gian hoặc trình độ đào tạo;
2. Trách nhiệm;
3. Kỹ năng, thời gian tích lũy kinh nghiệm;
4. Mức độ ảnh hưởng của công việc, sản phẩm hoặc quyết định quản lý;
5. Điều kiện lao động; tính hấp dẫn của nghề, công việc
6. các yếu tố khác
Trong mỗi nhóm yếu tố này sẽ được chẻ nhỏ với các tiêu chí nhất định. Để xác định các tiêu chí này, thông tư bảo các công ty có thể chủ động tự xây dựng. Những nhóm yếu tố này phải có điểm để đo (đánh giá). Căn cứ nào để xác định điểm, chả lẽ cứ cho bừa ? Thông tư đã lường trước được điều đó nên có đưa ra điểm tối đa cho từng nhóm yếu tố và loại lao động.
Vì chúng ta đang nói trong mô hình công ty lớn có đủ loại lao động nên bảng trên chỉ là ví dụ, trong thông tư còn rất nhiều vị trí cụ thể được quy đinh điểm tối đa. (xem phụ lục 1). Hiểu bảng trên như thế nào ? . Diễn giải bảng ra là: Anh chị em muốn làm gì thì làm, chẻ nhỏ tiêu chí ra bao nhiêu cũng được miễn là tổng điểm cho từng yếu tố không được quá tối đa theo quy định. Thí như Tổng điểm cho yếu tố thời gian hoặc trình độ đào tạo của công nhân là không quá 18.
Tuy nhiên sợ mọi người không làm được, những người viết thông tư họ làm luôn việc chẻ nhỏ các nhóm yếu tố trên để làm ví dụ. Sang đến phụ lục 2, thông tư hướng dẫn cách đánh giá giá trị công việc (đo độ phức tạp) cho từng loại lao động. Đến đoạn này mới bắt đầu khó hiểu. Và chính vì đoạn này nên mọi người nhớ đọc kỹ những gì tôi viết dưới đây.
Thông tư lấy ví dụ cho các nhóm lao động sau:
- Lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh. Loại này được phân thành 2 nhóm:
+ Nhóm theo thang lương (kiểu như công nhân) có nhiều bậc.
+ nhóm theo bảng lương (kiểu như kinh doanh) có nhiều chức danh.
- Lao động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ
Cùng với hướng dẫn đánh giá mức độ phức tạp của công việc, thông tư cũng hướng dẫn luôn cả cách xếp lương luôn. Với nhóm thang lương có nhiều bậc của công nhân thì rất dễ hiểu. Đây là thứ tôi đã diễn giải được qua ví dụ nghề thợ hàn của thông tư:
Sang đến phần 2, sự khỏ hiểu bắt đầu. Tự nhiên thông tư đưa ra một cái bảng không hiểu gì luôn. Tôi đọc đi đọc lại, kéo chuột lên rồi lại dê chuột xuống. Cứ thế lặp đi lặp lại hết cả buổi. Cũng may là tôi có trí thông minh cũng tạm dùng được nên đã ngộ ra cái bảng như sau:
Nhìn vào bảng này mọi người có hiểu ? Tôi hiểu được 3 điều:
- Một là Thang lương là thuật ngữ chỉ 1 cái bảng trong đó có mấy cái bậc còn Bảng lương là cái bảng khác trong đó có 1 đống chức danh.
- Hai là, hóa ra 2 cái ví dụ này cũng lấy trong 1 mô hình công ty (như tôi đã nói ở trên) và cái bậc 1 có 15 điểm kia là vị trí công việc thấp nhất trong công ty đó. Và 15 điểm đó là gốc để tổng điểm của các vị trí khác chia, tìm ra hệ số phức tạp.
- Ba là, để tính ra lương, họ lấy hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu.
Để ý kĩ sẽ thấy cách tính hệ số lương cũng kỳ lạ: Họ lấy hệ số phức tạp + (tổng điểm các yếu tố/100). Tôi chưa tìm hiểu được tại sao họ lại dùng cách tính như vậy. Chúng ta cứ tạm chấp nhận như thế đã. Khi đã hiểu được điều sâu kín bị ẩn dấu trong thông tư kia thì tự nhiên cái bảng ví dụ cho nhóm lao động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ lại dễ hiểu vô cùng.
Vậy là xong. Điểm thắt nút đã được mở. Trong thông tư còn một số thuật ngữ nữa ví dụ như "Ngạch" chả hạn. Ai muốn tìm hiểu nên đọc thêm.
À, để đánh giá độ phức tạp của công việc, thông tư có đưa ra 2 cách:
- Cách 1: Dùng biểu mẫu của thông tư đưa cho người lao động tự đánh giá (kiểu 360 độ)
- Cách 2: Dùng phương pháp chuyên gia - tức là thuê chuyên gia về để họ xử lý.
Đêm đã về khuya, tôi cũng dừng bút ở đây. Xin tặng mọi người 2 file minh họa cho bài viết:
- Huong dan xay dung luong 3P theo nha nuoc.xlsx
- 17_2015_TT-BLDTBXH_273586.doc
Linkdownload tại đây: http://goo.gl/Npwkaw
Tái bút 18/02/2016:
Kính gửi: Mr. Nguyễn Hùng Cường
Em tên Nguyễn BN
Công ty em vừa giao nhiệm vụ cho em tìm hiểu thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH. Em có tham khảo Blog Quản trị Nhân sự và đọc được bài viết của anh. (Hướng dẫn đọc thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH và cách xây dựng lương theo 3P của nhà nước.
Bài viết quá hay, có những điểm em nghiên cứu hơn 2 tuần nay nhưng chưa hiểu ra, sau khi đọc bài viết của anh em ngộ ra ngay.
Nhưng có một điểm em chưa hiểu, nên trao đổi với anh mong anh đừng phiền. Về Hệ số phức tạp công việc Ngạch A1 (Biểu số 8, Phụ lục II, thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH), theo như cách anh em mình hiểu đáp án tính ra sẽ là 0,2 nhưng thông tư lại là 0,93. Em nhờ anh chỉ em.
Em cảm ơn anh rất nhiều.
Chúc anh năm mới thắng lợi mới, sức khỏe và thành công, để Blog của mình ngày càng hay hơn!
Nguyễn BN
***
Hi anh,
Điều này Cường chưa nhận được giải thích của bộ. Cường đoán là lúc này, người làm chính sách lấy tạm 1 con số nào đó. Chứ thực tế nó phải là 0,93.
Anh thử làm công văn hỏi bộ xem sao. Nếu có công văn trả lời, vui lòng báo cho C biết với anh nhé.
Brgs
HC
Tái bút ngày 19/02/2016: Thân mời cả nhà cùng đọc phần 2 của bài viết ở đây: Hướng dẫn đọc thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH và ví dụ thực tế từ cơ quan nhà nước ( http://goo.gl/SWeiYJ ). Trong bài viết phần 2, tôi có trả lời cho câu hỏi của bạn Nguyễn BN. Hi vọng nó là đáp án chính xác.
Giờ cũng là đầu tháng 11, thời điểm này chỉ còn 2 tháng nữa là… Read More
Chú ý: AI tư vấn luật có thể sẽ sai nên anh chị nhớ cẩn… Read More
Trong sự phát triển không ngừng của ngành nhân sự, việc đào tạo và nâng… Read More
Trong thời đại phát triển nhanh chóng của thị trường lao động, việc nâng cao… Read More
Mỗi năm trôi qua, các doanh nghiệp lại có dịp tổng kết và đánh giá… Read More
Luật 4 giây Lời khuyên: Hãy hít thở thật sâu và chậm 4 giây trước… Read More
View Comments
Sao không tải được file đính kèm bài viết anh ơi!
Bạn click vào link download ở dưới cùng của bài viết nhé!
Khi mình đọc Thông tư, mình hiểu ra cách tính hệ số lương như sau, cũng ra giống đáp án với anh HC : Hệ số lương = 1,15 x hệ số phức tạp công việc.
Cám ơn Cường nhé.
Cám ơn Cường!
Ngưỡng mộ về sự nghiêm túc trong nghề nghiệp của anh quá. Cảm ơn về những chia sẻ của anh Cường ah!
Thanks bạn đã động viên!
Cảm ơn anh đã cung cấp những thông tin bổ ích. Theo tôi hiểu, ở bảng lương, tính hệ số lương trên cơ sở lấy hệ số phức tạp công việc nhân với hệ số lương của bậc 1 (công việc đơn giản nhất) của thang lương, tức là hệ số lương 1,15 thì sẽ ra. Ví dụ ngạch A1 hệ số phức tạp công việc = 0,2 x 1,15 = 0,23; ngạch A2: 1,4 x 1,15 = 1,61...
anh ơi, thế cách châm điểm của khối trực tiếp theo thang lương ấy ạ. thợ hàn cũng giống các thợ khác hả a. tức thợ hàn điểm min là 15, max là 45, bội số 3 thì thợ máy chấm điểm min và max cũng sẽ như thế hay là khác và bội số sẽ khác hả a. nếu khác thì cách tìm min max như thế nào là đúng ạ
Cảm ơn anh cường, e cũng độc mãi mới ngộ ra được một ít về cách xây dựng trong thông tư này, giờ có bài này chắc cơ bản ngộ được :v
Mình chưa hiểu về cách tính hệ số bậc 1 của ngạch A1 ntn. Nếu tính như cách trên thì hệ số bậc 1 của nghạch A1 quá thấp.