Chúng ta có nên góp ý cho ứng viên về lý do từ chối ?

Sau khi "yêu lại" Linkedin, tôi có cơ hội được đọc khá nhiều bài và một trong số đó là bài "Đưa ra phản hồi sau phỏng vấn" của anh John Pham. Như chủ đề, bài nói về việc nên chia sẻ lý do vì sao ứng viên không đạt và cùng với đó là tư vấn cho ứng viên để họ làm tốt hơn (nếu họ cần). Tôi thấy kha khá HR có tâm như vậy. Dưới đây là bài của anh John:

Đưa ra phản hồi sau phỏng vấn.

Khi phản hồi với ứng viên về việc không đạt thì nhà tuyển dụng (NTD) có thể chọn một trong 3 cách sau:

A. Trực tiếp trong buổi phỏng vấn: tùy từng trường hợp mà NTD cho ứng viên biết luôn là họ có đạt hay không kèm theo lý do tại sao và những lời gợi ý để khắc phục/ cải thiện cho lần phỏng vấn tới của họ.
B. Gọi điện phản hồi: nếu cần thêm thời gian cân nhắc giữa các ứng viên thì NTD sẽ phản hồi lại sau qua điện thoại.
C. Phản hồi qua email nếu cảm thấy việc viết email có thể giải thích tốt hơn việc gọi điện.

Nội dung phản hồi sẽ bao gồm:
1. Những kinh nghiệm, kỹ năng, hay tính cách mà phía công ty đánh giá cao từ ứng viên.
2. Lý do vì sao ứng viên không đạt.
3. Nếu ứng viên cần thì NTD sẽ tư vấn trong khả năng của mình để họ có thể làm tốt hơn khi phỏng vấn ở nơi khác.

Cái khó của nhiều NTD là làm sao nói lý do ứng viên không đạt mà không bị ứng viên phản ứng thái quá. Tôi thì nghĩ phần bạn làm được là nói ra để giúp họ và nói với sự tôn trọng, còn cách họ phản ứng sao thì tùy người, mình không kiểm soát được.

Cách làm việc này sẽ giúp NTD tự tin hơn và luôn phải tư duy để đưa ra lời phản hồi hợp lý. Đồng thời cũng tạo ra niềm tin với ứng viên, những người đang trong giai đoạn tìm cơ hội mới cho mình.

#InterviewFeedback

Đọc xong tôi nhớ tới mấy bài trong quyển sách Blog Nhân sự Q3: Nghề Tuyển người (3T) - Ác mộng nghề Tuyển dụng:
- Các mẫu người thường thấy của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn ( http://blognhansu.net.vn/?p=18798 )
- Phỏng vấn là một sân khấu nhỏ, việc của chúng ta là phải diễn thật tốt ( http://blognhansu.net.vn/?p=18863 )

Có 7 dạng nhà tuyển dụng (người phỏng vấn) trong cuộc phỏng vấn:
1. Những người tuyển dụng lạnh lùng hoặc cố tạo ra tình huống: mẫu người này hay tạo thêm áp lực và thử thách cho ứng viên trong quá trình tìm việc hoặc đơn giản họ không giống như những người phỏng vấn bình thường.
2. Người phỏng vấn cẩu thả hoặc thiếu chuyên nghiệp : Kiểu người phỏng vấn này đến muộn, hoàn toàn không chuẩn bị, quên CV của ứng viên, thậm chí còn đến nhầm phòng phỏng vấn.
3. Người phỏng vấn nói nhiều: mẫu người thích nói quá nhiều về công việc, công ty và rất nhiều vấn đề khác đến nỗi không cho ứng viên thời gian để “PR” bản thân.
4. Người phỏng vấn thiếu năng lực hoặc bị ép đi phỏng vấn : Đây là người phỏng vấn không nắm rõ nhiệm vụ của mình, đặt ra những câu hỏi không liên quan và tỏ ra lúng túng.
5. Mẫu người thích dùng công cụ: là những người hở ra 1 tí là dùng bài test, đánh giá như DISC, MBTI ...
6. Mẫu người thích dạy đời hoặc quan tâm thái quá: Mẫu này giống mẫu số 3 nhưng lại thêm cả phần dạy đời hoặc hỏi han đi sâu vào vấn đề riêng tư của cá nhân.
7. Mẫu người phỏng vấn chuyên nghiệp.

Tôi thấy nếu theo quan điểm của anh John không khéo lại rơi vào mẫu 6. Quan điểm của tôi hơi khác anh một chút: Phỏng vấn không phải là cuộc kiểm tra và nhà tuyển dụng không phải là giáo viên. Vì thế chúng ta chỉ cần trả lời ứng viên về việc đạt hay không đạt. Còn góp ý cho ứng viên thì không nên.

Kinh nghiệm tư vấn cũng như cuộc sống của mình là không nên đưa ra lời khuyên cho những người không muốn nhận. Mình mất kha khá mối quan hệ cũng như thời gian khi cố làm điều đó. Cụ thể như tối hôm kia đã có người tự ái. Nếu ứng viên hỏi thì chúng ta sẽ trao đổi còn không thì chỉ nên nói chung chung là chưa phù hợp để giữ hoà khí. NTD đừng nên mất thời gian cho những việc bao đồng. Dùng thời gian đó để làm việc khác hữu ích hơn.

Nguyễn Hùng Cường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *