Lý do khiến nhân viên cảm thấy “KHỐN KHỔ” khi bước chân vào văn phòng mỗi ngày?

Ngay cả khi bạn có một công việc, có thể bạn cũng không cảm thấy hứng thú khi phải bước đến văn phòng vào buổi sáng. Bạn không cảm thấy được trân trọng ở đó và thấy khó hoàn thành những công việc quan trọng nhất. Bạn luôn bị phân tâm và không tin rằng những gì mình làm sẽ tạo nên điều gì đó khác biệt. Lúc về đến nhà, bạn thấy trống rỗng nhưng vẫn cố gắng trả lời email cho đến khi đi ngủ.
Trong số 142 nước cung cấp số liệu, tỉ lệ nhân viên cảm thấy gắn bó với công việc chỉ là 13%. Nghĩa là với đa số chúng ta, công việc là một trải nghiệm mệt mỏi, chán nản và theo một vài chiều hướng rõ rệt thì tình trạng này đang ngày càng tệ hơn.
Một cuộc khảo sát với hơn 12.000 người, hầu hết là nhân viên văn phòng đã được thực hiện vào mùa thu năm ngoái. Các câu hỏi khảo sát còn được cung cấp cho một công ty sản xuất với 6000 nhân viên, và một công ty dịch vụ tài chính với 2500 nhân viên. Và kết quả đều cực kỳ tương đồng ở cả 3 nhóm đối tượng.
Hóa ra đa phần các nhân viên đều cảm thấy hài lòng và làm việc hiệu quả hơn khi 4 nhu cầu thiết yếu của họ được đáp ứng:
1. Thể chất: Có cơ hội được xả hơi đều đặn và hồi phục sức lực tại nơi làm việc
2. Cảm xúc: Cảm thấy được yêu mến và trân trọng vì những đóng góp của mình
3. Tinh thần: Có điều kiện tập trung toàn bộ tâm trí vào những nhiệm vụ quan trọng nhất và xác định được khi nào và ở đâu họ có thể hoàn thành công việc
4. Tâm lý: Được làm nhiều hơn những gì mình giỏi nhất và thích nhất, cảm thấy gắn kết với một mục đích cao cả hơn công việc thường ngày.

Ban lãnh đạo và công ty càng giúp nhân viên đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu này thì họ lại càng có nhiều trải nghiệm tích cực như gắn bó, trung thành và hài lòng với công việc, bên cạnh đó là mức độ stress giảm xuống.

Một cuộc nghiên cứu về lao động năm 2012 được công ty tư vấn Towers Watson thực hiện trên 32.000 nhân viên đã cho thấy khái niệm "gắn bó" trước đây (nhân viên sẵn lòng hoặc tự nguyện bỏ thêm công sức của mình vì công việc) không còn đủ để tạo nên hiệu quả công việc ở mức cao nhất. Hóa ra lòng quyết tâm cũng chưa đủ để đảm bảo mọi điều.
Nghiên cứu này còn cho thấy các công ty có thể tạo ra tác động mạnh mẽ như thế nào khi họ đáp ứng mỗi nhu cầu thiết yếu của nhân viên mình.
- Về thể chất: Những nhân viên cứ 90 phút lại nghỉ ngơi một chút có mức độ tập trung cao hơn 30% so với những người không nghỉ hoặc chỉ nghỉ 1 lần trong ngày, bên cạnh đó là khả năng suy nghĩ sáng tạo tăng gần 50% và tình trạng sức khỏe tăng 46%. Sau 40 giờ làm việc/tuần, nhân viên càng làm việc lâu thì càng thấy tệ và ít gắn bó. Trái lại, nếu được cấp trên khuyến khích nghỉ ngơi có thể làm tăng 100% khả năng nhân viên sẽ gắn bó lâu dài với công ty, và tăng gấp đôi tình trạng sức khỏe của họ.
- Cảm xúc: Cảm thấy được cấp trên quan tâm sẽ làm tăng cảm giác tin tưởng và an toàn hơn bất kỳ biện pháp nào mà một người quản lý có thể làm với nhân viên của mình.
- Tinh thần: Chỉ 20% những người trả lời cho biết họ có thể tập trung hoàn toàn vào một việc ở công ty, nhưng những ai nói vậy đều cảm thấy gắn bó hơn với công ty đến 50%. Tương tự, chỉ 1/3 nói rằng họ có thể xét mức độ ưu tiên cho các tác vụ của mình, nhưng những ai nói vậy đều có khả năng tập trung hoàn toàn vào một việc cao hơn đến 1,6 lần.
- Tâm lý: Những nhân viên cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa và quan trọng đều gắn bó lâu dài với công ty của mình cao hơn gấp 3 lần những người khác. Họ cũng có mức độ hài lòng với công việc cao hơn 1,7 lần và cảm thấy gắn kết với công việc hơn 1,4 lần.

Khi các lãnh đạo cấp cao được hỏi: "Nếu nhân viên của bạn cảm thấy phấn khích hơn, được trân trọng hơn, tập trung hơn thì họ có làm việc tốt hơn không?" Không hề ngạc nhiên, câu trả lời là "Có". Nhưng khi được hỏi: "Vậy bạn đã làm được gì để đáp ứng những nhu cầu đó của nhân viên?" thì câu trả lời thường chỉ là sự im lặng.

Vậy tại sao lại có sự lệch pha này?
Câu trả lời rõ rệt nhất là: việc đầu tư vào nhân viên một cách có hệ thống, ngoài trả lương cho họ, không có vẻ gì là cần thiết cho đến thời điểm gần đây. Miễn là nhân viên đáp ứng được đòi hỏi của công việc, thì các công ty vẫn chưa phải chịu áp lực đáp ứng các nhu cầu phức tạp hơn của họ.
Ngoài ra, các công ty còn gặp phải một trở ngại nữa đó là niềm tin. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy nhân viên rất muốn được linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc, và kết quả cho thấy mức độ gắn kết tăng lên nhiều khi họ có thêm nhiều lựa chọn. Nhưng nhiều công ty vẫn sợ rằng nhân viên của mình không hoàn thành công việc nếu không có sự giám sát liên tục.
Trong một thế giới bị thúc đẩy bởi những con số, yếu tố thuyết phục nhất để thay đổi chính là những bằng chứng ngày càng nhiều về việc đáp ứng nhu cầu của nhân viên sẽ làm tăng hiệu quả công việc, sự trung thành và tinh thần làm việc của họ.

Cách đơn giản nhất để các công ty thực hiện sự thay đổi này là trả lời câu hỏi cơ bản: "Điều gì sẽ khiến các nhân viên cảm thấy có động lực, được trân trọng, tập trung hơn và có cảm hứng làm việc hơn?"
Trong nhiều trường hợp, các giải pháp không tốn kém chút nào. Ví dụ, quy định mỗi cuộc họp không được kéo dài quá 90 phút, đặt thời hạn khi nào phải trả lời email và sau bao lâu phải phản hồi. Một số bước cơ bản khác gồm có: trang bị dụng cụ tập thể thao, phòng ngủ trưa, cung cấp đồ ăn chất lượng và có lợi cho sức khỏe miễn phí hoặc với mức giá ưu đãi, v.v.

Ngoài ra cũng cần tưởng thưởng những quản lý và lãnh đạo thường xuyên thể hiện sự cảm thông, quan tâm với nhân viên. Bên cạnh đó, cũng cần buộc họ chịu trách nhiệm với những hành động nóng nảy hoặc gây phản cảm có khả năng tạo ra bầu không khí sợ hãi cho toàn thể nhân viên

Năng lượng của những người lãnh đạo có khả năng lan tỏa. Khi họ khuyến khích nhân viên làm việc theo chiều hướng bền vững – đặc biệt là khi chính mình làm gương cho nhân viên – thì nhân viên của họ chắc chắn sẽ cảm thấy gắn kết hơn, tập trung hơn và trung thành hơn với công ty của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *